Theo Hãng tin Reuters, các thượng nghị sĩ Thái Lan phản đối việc Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bổ nhiệm ông Pichit Chuenban, cựu luật sư, vào vị trí chánh Văn phòng Thủ tướng, thay cho người tiền nhiệm là bà Puangpetch Chunla-iad.
Năm 2008, ông Pichit từng phải ngồi tù 6 tháng vì coi thường phán quyết của tòa án, sau khi bị cáo buộc hối lộ các quan chức tòa án 2 triệu baht (hơn 55.000 USD).
Sau vụ việc, ông Pichit đã bị Hội đồng Luật sư Thái Lan đình chỉ giấy phép hành nghề trong vòng 5 năm.
Các thượng nghị sĩ nói rằng họ đang tìm kiếm một phán quyết từ phía tòa án về việc liệu ông Pichit có đủ liêm chính và chuẩn mực đạo đức theo yêu cầu của Hiến pháp để giữ chức vụ chánh Văn phòng Thủ tướng Thái Lan hay không.
Đồng thời, các nhà lập pháp Thái Lan cũng đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi liệu Thủ tướng Srettha có vi phạm chuẩn mực đạo đức và Hiến pháp khi bổ nhiệm một người “thiếu đạo đức” như ông Pichit vào một vị trí lãnh đạo như vậy.
“Ông Pichit không đủ tiêu chuẩn làm chánh Văn phòng Thủ tướng, nhưng ngài thủ tướng vẫn đề bạt ông ấy vào vị trí này”, thượng nghị sĩ Derekrid Janekrongtham nói với Hãng tin Reuters. “Hành động này của ngài thủ tướng cũng có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức của chúng tôi”.
Cũng theo Reuters, những người chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Srettha cho rằng ông Pichit được bổ nhiệm vào nội các nhờ vào mối quan hệ thân thiết với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người vừa trở về Thái Lan cuối năm 2023 sau 15 năm sống lưu vong.
Reuters nhận định ông Thaksin vẫn có ảnh hưởng chính trị đáng kể đối với Chính phủ Thái Lan, dù không còn chính thức nắm chức vụ nào trong tay.
Trước sự phẫn nộ và những lời cáo buộc của các thượng nghị sĩ, phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke bác bỏ mọi nghi vấn, và khẳng định chính phủ nước này đã xem xét trình độ chuyên môn của ông Pichit một cách cẩn thận trước khi bổ nhiệm.
“Nhóm pháp lý của chúng tôi xin khẳng định rằng việc bổ nhiệm ông Pichit vào vị trí nêu trên là hợp pháp và không có vấn đề gì với trình độ chuyên môn của ông ấy”, phát ngôn viên Chai xác nhận với Reuters.
40 thượng nghị sĩ đệ đơn kiến nghị cách chức Thủ tướng Srettha đã hết nhiệm kỳ hồi đầu tháng 5, nhưng vẫn là các thượng nghị sĩ tạm quyền cho đến khi các thành viên mới của Thượng viện Thái Lan được bổ nhiệm vào tháng 7 tới.
40 nhà lập pháp trên là một phần của Thượng viện Thái Lan, được quân đội nước này bổ nhiệm sau khi thay đổi Hiến pháp sau cuộc đảo chính hồi năm 2014.
Trước đó, năm 2023, chính các thượng nghị sĩ này đã đứng về phía những đảng phái chính trị do quân đội hậu thuẫn để chặn bước tiến của Đảng Move Forward đối lập thành lập chính phủ.
Ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha Nukara nộp đơn từ chức lên Thủ tướng Srettha, ngay sau khi ông Pichai Chunhavajira được bổ nhiệm làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cựu ngoại trưởng Parnpree trước đây giữ đồng thời hai chức vụ là phó thủ tướng và bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan. Reuters dự đoán nguyên nhân khiến Ngoại trưởng Parnpree từ chức có thể do mất ghế phó thủ tướng sau đợt cải tổ nội các Thái Lan vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận