Chảo Chỉn Xiền (Xín Cái, Mèo Vạc, Đồng Văn) bên cột mốc gia đình đăng ký tự quản - Ảnh: PHƯƠNG MAI
Nơi Vương đứng, nhìn lên phía đồi cao là hàng tre được trồng để người dân xác định biên giới Việt - Trung.
Một "quả" đất, một "quả" đá cũng không cho ai
Người dân ở vùng giáp biên thường có cách thức riêng để nhớ đất nhà mình. Như người Mông Phố Bảng (Đồng Văn, Hà Giang) từ bao đời đã lấy đá làm dấu mốc khẳng định chủ quyền biên giới. Cùng ông Vừ Chừ Lùng (thôn Lao Xa, Phố Bảng) đi lên những cột mốc mới thấy quanh cột mốc nào cũng có nương người Mông Lao Xa.
Ông Lùng chỉ về những mảng đá nhọn hoắt, nói bằng tiếng Kinh không rành rọt: "Một quả đá, một quả đất của mình cũng không cho ai, còn một quả đất quả đá của nó mình không được lấy". Có lẽ chỉ ở đây, giữa mênh mông đá này, mới có thể có được định nghĩa như thế.
Dân mình đi làm nương, thấy dân bên họ cuốc sang đất mình thì đứng dàn hàng ngang ra chặn.
Bà Hoàng Thị Tương
Ông Vừ Chừ Lùng được xem như một di sản sống. Năm 2017, Bảo tàng tỉnh Hà Giang còn mời ông đến để phục dựng một căn nhà truyền thống của người Mông, trong đó không thể thiếu bờ rào đá với kỹ thuật xếp đá đặc biệt.
Bờ rào đá trên nương nhà ông Lùng là một đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều đời làm nương gần cột mốc 14 (cột mốc từ thời Pháp - Thanh), người Lao Xa như ông Lùng đều quen với việc nhìn thấy dãy đá xếp ngay ngắn là xác định biên giới: "Có cái bờ đá, mình cứ nhìn vào biết đâu là bên mình.
Lúc mình còn trẻ, các cụ cũng không cho thả bò sang nước họ". Sau này, khi cột mốc biên giới mới được dựng, không còn phải nhìn bờ rào đá nhưng ông Lùng vẫn biết rõ đường biên giới. Sau nhiều năm chiến tranh, dấu vết những hàng rào đá vẫn còn, như một sự khẳng định chủ quyền chắc chắn.
Ở vùng tâm của cao nguyên đá Hà Giang, thôn Séo Lủng (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) nơi thừa thãi những đỉnh núi đá, anh Sùng Chìa Na phân định biên giới bằng cách nhìn theo đỉnh núi cao nhất mỗi khi đi nương: "Đi thẳng lên đỉnh cao nhất, rồi nhìn theo cái bờ núi, bờ trên là của họ, bờ dưới này của mình. Cứ thế đi làm nương bình thường".
Sau này, anh Na cùng nhiều người trong bản cũng theo đoàn khảo sát trước khi phân giới cắm mốc. Những kinh nghiệm xác định nương nhà trở thành những bằng chứng quý báu khi vẽ đường biên giới.
Ở thôn Pô Tô (Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu), ông Giàng A Chu đánh dấu đường biên bằng bờ đất ruộng: "Nương mình bao nhiêu đời ở đây, đây là đất nhà mình. Mình làm ở đó, họ không cãi được đâu". Nương của ông Chu nằm gần mốc 61 - cột mốc 3 ở ngã ba suối.
Hay ông Lý Thèn Séng (thôn Giang Nam, Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), cha của anh Lý Đức Vương, kể khi xưa bụi tre ở sát con suối đoạn cửa khẩu Thanh Thủy bây giờ là điểm xác định biên giới của riêng người Giang Nam. Không rõ ai đã trồng bụi tre đó. Ông Séng nói từ khi còn nhỏ ông đã nhìn thấy.
Từ cửa khẩu Thanh Thủy, nhìn theo hướng cột mốc 262 lên đỉnh đồi, bụi tre sau bao nhiêu năm vẫn còn đó. Những thế hệ sau này, trong đó có ông, con trai ông, và cả bộ đội biên phòng, đều chăm chút, trồng thêm để những bụi tre ngày một chắc chắn. Em trai ông Séng, ông Lý Thèn Lưu, kể không chỉ bụi tre, mảnh đất biên giới này ghi dấu ấn của tinh thần giữ đất quyết liệt của người Vị Xuyên.
Anh Lý Đức Vương (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), con trai ông Lý Thèn Séng, chỉ vào bụi tre giữ đất nhiều đời nay của Việt Nam - Ảnh: PHƯƠNG MAI
Những hàng rào sống
Ông Nguyễn Vũ Dương - nguyên bộ đội biên phòng đồn biên phòng Lũng Làn (bây giờ là đồn biên phòng Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang) - cho biết ký ức khó quên nhất là những năm tháng đấu tranh chống lấn chiếm.
Không súng nổ, nhưng mức độ quyết liệt thì chỉ có chính người trong cuộc mới hiểu: "Mỗi ngày đều phải để ý, không cho bất kỳ ai lấn sang đất mình". Và những cuộc đấu tranh ấy hình thành nên những bức thành đồng trong dân vững chãi, gìn giữ từng centimet đất biên cương.
Ở Xín Cái (Mèo Vạc, Đồng Văn), khu vực Sảng Ma Sao và Lùng Vần Chải là nơi khó xác định biên giới khi đàm phán phân định nhất. Ông Kim Đình Tư, phó bí thư phụ trách quốc phòng an ninh xã Xín Cái, bảo có những đoạn đường biên mà bộ đội cũng không thể xác định rõ nếu chỉ dựa vào bản đồ bởi đường biên chạy song song sống núi, có những lúc cắt ngang qua khe thấp, lúc ấy phải huy động người dân đưa đến nương nhà của họ.
Những mốc 483, 484, 481, 482..., rồi đến mốc 470, 471, 472... được hoàn thành là nhờ những năm tháng đấu tranh quyết liệt. Ông Chảo Chìn Xiền, thôn Lùng Vần Chải, kể thời điểm chưa phân giới, ông không đếm được đã có bao nhiêu lần ông cùng bà con bản rủ nhau nhổ ngô phía bên kia trồng lấn sang. Chính nương nhà ông cũng là một điểm quan trọng để xác định mốc 470 sau này.
Ở Lũng Làn, "Dân mình đi làm nương, thấy dân bên họ cuốc sang đất mình thì đứng dàn hàng ngang ra chặn. Có khi còn bị họ cuốc quá tay, cuốc phải chân bật máu" - bà Hoàng Thị Tương, người Lũng Làn, kể lại. Chẳng cần ai bảo, chỉ cần là đất của mình thì người dân ở đây đều tự nguyện làm một hàng rào sống ngăn lấn chiếm.
Ông Vừ Chừ Lùng (trái) nghỉ chân ngay cột mốc chủ quyền - Ảnh: PHƯƠNG MAI
Người bản Pa Nậm Cúm (Ma Li Pho, Phong Thổ, Lai Châu) vẫn kể cho nhau nghe về mấy ngày cận tết gần 20 năm trước. Biên giới ở đây là một dòng suối. Thấy dân phía bên kia kè đất, lấn dòng sang phía mình, cụ già Đồng Văn Bơn khi ấy gần 80 tuổi liền gọi thanh niên trai tráng ra chặn.
Cả đoàn người đứng dàn hàng ngang dưới lòng suối suốt nhiều giờ, trong cái lạnh cắt da ngày giáp tết, để ngăn đất đá bên kia đổ sang. Người này mệt lại có người khác đến thay. Rồi bên kia cũng phải nhượng bộ.
"Không, đây là đất Việt Nam"
Chúng tôi gặp ông Ly Chứ Sùng (thôn Xéo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) ở ngay trên nương nhà, cách vị trí mốc xa nhất Lũng Cú 428 vài trăm mét. Trở lại nhà cũ năm 1989 sau 10 năm sơ tán, ông Sùng bảo: "Mình có ruộng nương ở đây thì mình về quê cũ của mình thôi, cùng bảo vệ Tổ quốc thôi".
Căn nhà mới dựng được vài năm thì một ngày tháng 2-1991, mấy người mặc quân phục phía bên kia xì xồ, mang theo súng qua đây. 19 căn nhà cháy, các hộ dân tay không vũ khí ở Xéo Lủng bị ném ra ngoài.
Không ai kịp trở tay, không kịp đi báo cho ai: "Họ bảo là đất của họ. Nhưng mình bảo không, đây là của Việt Nam, chúng tôi sống ở đây 11 đời rồi". Sau sự kiện đó, bộ đội biên phòng phải túc trực ở đấy để bảo vệ người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận