Bộ đội tình nguyện Việt Nam cứu chữa cho người dân Campuchia bị bệnh tật, đói khát sau thời gian bị đày ải dưới chế độ Pol Pot - Ảnh Tư liệu QK9
Lúc nguy khó nhất của , các nước rao giảng dân chủ không nước nào đứng ra giúp đỡ. Chỉ có Việt Nam là nước duy nhất không bỏ rơi chúng ta trong lúc khốn khó
Thủ tướng HUN SEN
Xóa bỏ sợ hãi
"Có những nhóm dân bị bỏ lại trong rừng sâu, mà nếu chúng tôi không kịp giải cứu chắc họ chết hết" - thiếu tướng Lê Xã Hội (Chín Hội), nguyên phó tư lệnh - tham mưu trưởng QK9, nhớ lại những ngày chiến đấu với các cánh quân Pol Pot, giải cứu nhiều nhóm dân bị chúng khống chế trong rừng sâu nước độc.
"Có lần truy đuổi quân Pol Pot, bộ đội phát hiện một nhóm dân rách rưới tận trong rừng sâu. Họ không có gì trong tay để duy trì sự sống. Gặp binh lính họ lo sợ, van xin... Nhiều người đã không đi nổi vì đói khát, bệnh tật...
Thế là bộ đội vừa chiến đấu, vừa giải cứu cho họ khỏi vùng nguy hiểm. Chúng tôi không nhớ hết đã cứu giúp bao nhiêu người, bởi lúc đó mình cứu dân an toàn rồi tiếp tục chiến đấu".
Thiếu tướng Neang Sat (phó chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân cảnh, Quân đội Hoàng gia Campuchia) cho rằng tâm trạng của những người dân Campuchia vô tội dưới ách Pol Pot lúc đó là sợ hãi. Họ không biết điều gì xảy ra xung quanh, ngoài cái chết đang diễn ra trước mắt.
Theo ông, khi hai tỉnh vùng đồng trũng là Kampong Chhnang và Pursat được giải phóng, toàn bộ lao động ở các trang trại bị tan rã. Một số bị ép vào rừng cùng quân Pol Pot, số khác chạy ngược ra với quân giải phóng.
Lúc ấy, họ nhận được truyền đơn kêu gọi tránh xa quân Pol Pot, nhưng họ chưa đủ tin. Cho đến khi gặp được quân tình nguyện Việt Nam, họ mới cho rằng "đó là thần thánh mà chúng ta chờ đợi trong vô vọng từ nhiều năm qua".
"Lúc ta tiến công Pursat, Kampong Chhnang, quân Pol Pot lùa dân vào rừng để làm lá chắn sống. Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ đa năng. Vừa đánh trận, vừa giúp khôi phục kinh tế - xã hội, vừa tìm giải cứu dân, đưa họ trở về quê hương..." - ông Trần Văn Tư, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (nay là 3 tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng), trưởng đoàn chuyên gia 9902 giúp tỉnh Kampong Chhnang, chia sẻ.
Theo ông, trước lúc quân Pol Pot bị đánh bật khỏi tỉnh lỵ, đã có trên 100.000 dân bị chúng giết hại, thân thể vùi trong các hố chôn tập thể.
Khi cứu được dân, phải nhường cơm gạo, thuốc trị bệnh cho họ. Khi họ trở về lại quê thì ta giúp xây lại bệnh viện, trường học, chùa chiền... bị tàn phá trước đó.
Người dân Campuchia vui mừng được bộ đội Việt Nam cứu thoát khỏi quân Pol Pot - Ảnh tư liệu QK9
Giúp đỡ vô điều kiện
"Trong cuộc chiến tranh với bọn diệt chủng Pol Pot để giải cứu Campuchia, mình phải chứng kiến tận mắt mới thấy quân tình nguyện Việt Nam hi sinh to lớn đến mức nào. Đánh giặc rồi, cứu dân rồi, còn phải lo xây dựng cuộc sống mới cho dân.
Nếu không như vậy, người dân khó sống, khi mà mọi cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống thiết yếu đều bị xóa sổ.
Đến khi chúng tôi kết thúc sứ mệnh tại đây thì người dân Kampong Chhnang đã cơ bản tự chủ được đời sống. Họ trồng được lúa, lập chợ để giao thương trở lại.
Ông Dot Narin, bí thư Kampong Chhnang, đã không kìm được nước mắt nói với tôi: Chỉ có anh em ruột mới lo cho nhau như vậy" - ông Trần Văn Tư kể.
"Việt Nam giúp Campuchia đánh đuổi bọn Pol Pot. Sau đó giúp kinh tế, từ cái ăn đến khôi phục đời sống tinh thần, tín ngưỡng. Việt Nam giúp không cần điều kiện gì cả..." - ông En Bun Sat, bí thư Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) huyện Stueng Hav (Sihanoukville), nói chính ông là người tận mắt chứng kiến điều đó khi còn làm trưởng Ty công an Kampongsom (Sihanoukville ngày nay).
"Tôi làm công an, bài học đầu tiên là học ở bộ đội Việt Nam cách sống chung với dân. Hồi đó họ đến đâu cũng được dân thương dữ lắm" - ông En Bun Sat nói.
"Hồi đó, bị quân Pol Pot áp bức chúng tôi đã sống trong sợ hãi. Đến chùa chiền họ còn đốt phá, sư sãi họ còn sát hại thì còn giới hạn tội ác nào họ không làm..." - ông Sia Lim, người dân cố cựu ở Phnom Penh, kể rằng khi nghe có quân lính tới, người dân có thói quen chạy vào chùa để tìm bình an.
Nhưng điều họ không ngờ tới là quân Pol Pot đã lôi các nhà sư ra giết trước.
"Họ giết nhà sư là giết tinh thần của chúng tôi - ông Lim nói - Sau đó thì người dân chỉ còn biết tuân lệnh theo quân Pol Pot như những người không có linh hồn".
Khi ông Lim và những người khác đang chết dần chết mòn thì Phnom Penh và nhiều vùng đất của Campuchia được giải phóng.
"Khi bộ đội Việt Nam kêu khai quê quán để đưa chúng tôi về quê, nhiều người đã khóc vì sợ bị đem đi... giết. Nhưng khi bộ đội cho chúng tôi ăn cơm, rồi thấy họ sửa lại chùa chiền, tôn trọng nhà sư thì tôi biết mình sống thật rồi. Khi ấy chúng tôi coi bộ đội Việt Nam là thần, là thánh...".
Việt Nam có gì, Campuchia có đó
"Hồi mới giải phóng, Campuchia mất hết. Tôi về lại Phnom Penh làm việc cho chính phủ, phụ trách hậu cần, khôi phục kinh tế. Lúc đó Campuchia cái gì cũng thiếu, từ nhu yếu phẩm đến cái tôngđơ hớt tóc cũng không có" - ông Chan Long, chủ tịch Hội hợp tác phát triển kinh tế Campuchia - Việt Nam - Lào, chia sẻ.
Ngay cả đồng tiền giao dịch cũng bị quân Pol Pot xóa sổ, nên người Campuchia chỉ giao dịch bằng... vàng.
"Nhưng có vàng cũng chưa chắc có hàng để mua. Lúc đó Việt Nam đưa qua tất cả, từ cây con giống, anh kế toán, anh cán bộ ngân hàng cho đến đôi dép, tấm vải...
Sau này hàng hóa từ Thái Lan theo đường biển nhập vào nên mới phong phú thêm, chứ trước đó Việt Nam có gì, Campuchia có nấy" - vị thương gia nổi tiếng ở Phnom Penh kể lại.
____________________________
Kỳ tới: Một người bạn sát cánh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận