22/07/2019 13:42 GMT+7

40 năm đối đầu Mỹ - Iran - Kỳ 3: Chiến lược 'lấy yếu đánh mạnh' của Iran

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Sau chiến tranh Iran - Iraq kéo dài tám năm (1980-1988), eo biển Hormuz tiếp tục trở thành vùng biển nóng với các vụ khủng hoảng xảy ra năm 2008 và từ cuối năm 2011. Hải quân Vệ binh cách mạng Iran diễn trò "chuột vờn mèo" với Mỹ.

40 năm đối đầu Mỹ - Iran - Kỳ 3: Chiến lược lấy yếu đánh mạnh của Iran - Ảnh 1.

Xuồng cao tốc Iran có thể đạt vận tốc trên 100km/h Ảnh: IRNA

Về quân sự, học thuyết bất đối xứng là nỗ lực của kẻ yếu nhằm đáp trả cân xứng kẻ mạnh.

Trung tâm Nghiên cứu cao cấp hải quân Pháp

Ngày 6-1-2008, năm xuồng cao tốc của hải quân áp sát ba tàu chiến Mỹ gồm tàu tuần dương USS Port Royal (CG-73), tàu khu trục USS Hopper (DDG-70) và tàu hộ tống USS Ingraham (FFG-61).

Dùng xuồng cao tốc quấy rối tàu chiến Mỹ

Theo băng ghi hình dài bốn phút được Lầu Năm Góc công bố, một người đàn ông đi trên xuồng cao tốc Iran đã hăm dọa bằng tiếng Anh: "Tao sắp tấn công. Tàu bọn bây sẽ nổ trong vài phút nữa".

Tháng trước đó, tàu vận tải đổ bộ Mỹ USS Whidbey Island (LSD-41) từng nổ súng cảnh cáo khi một xuồng cao tốc Iran áp sát tàu.

Tháng 6-2008, tư lệnh Vệ binh cách mạng Iran Mohammad Ali Jafari hăm dọa Iran sẽ đóng cửa nếu Iran bị Mỹ hay Israel tấn công. Lập tức phó đô đốc chỉ huy hạm đội 5 của Mỹ tuyên bố Iran làm thế chẳng khác gì tuyên chiến.

Trung Đông có hai vị trí chiến lược trên biển quan trọng hơn hết. Một là eo biển Hormuz rộng gần 34km (ở nơi hẹp nhất) nối liền vịnh Persic với vịnh Oman và biển Ả Rập. Hai là eo biển Bab el-Mandeb rộng 18km nối liền Biển Đỏ với vịnh Aden và biển Oman.

Các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, trừ Oman, đều phụ thuộc vào eo biển Hormuz trong xuất khẩu năng lượng. Các nước phương Tây khẳng định Hormuz là eo biển quốc tế, mọi tàu bè đều có quyền qua lại theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

40 năm đối đầu Mỹ - Iran - Kỳ 3: Chiến lược lấy yếu đánh mạnh của Iran - Ảnh 3.

Eo biển chiến lược Hormuz - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Cuối năm 2011, Phó tổng thống thứ nhất Mohammad Reza Rahimi của Iran tiếp tục hăm dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu dầu mỏ xuất khẩu của Iran bị cấm vận. Liên quân ba nước Mỹ, Anh và Pháp đã điều lực lượng hải quân hỗn hợp hùng hậu đến khu vực, trong đó có hai nhóm tác chiến tàu sân bay.

Để trả đũa, hải quân Iran đã tổ chức hàng loạt cuộc tập trận và bắn thử tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo.

Đến năm 2015 đã xảy ra hai sự cố liên tiếp trên eo biển Hormuz. Ngày 24-4-2015, bốn tàu tuần tra Iran bám sau tàu buôn Maersk Kensington treo cờ Mỹ. Bốn ngày sau, tàu tuần tra Iran lại áp sát tàu chở hàng Maersk Tigris treo cờ quần đảo Marshall.

Tàu Iran ép tàu hàng phải đi vào hải phận Iran và nổ súng bắn vào boong tàu hàng. Bộ tư lệnh trung tâm hải quân Mỹ ở Bahrain đã điều tàu khu trục USS Farragut và một máy bay tuần tra biển đến quan sát tình hình.

Tháng 5-2015, Bộ tư lệnh Mỹ ở Bahrain quyết định đưa hải quân hộ tống tàu treo cờ Mỹ đi qua eo biển Hormuz.

Trung tuần tháng 1-2016, Iran đã bắt giữ 10 thủy thủ Mỹ đi trên hai tàu tuần tra nhỏ với lý do xâm phạm hải phận Iran. Hôm sau, các thủy thủ được trả tự do vì tàu tuần tra bị hỏng thiết bị lái nên đi lạc. Trong vụ này, Mỹ đã giải quyết êm thắm qua con đường ngoại giao.

Học thuyết tác chiến bất đối xứng

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu cao cấp hải quân Pháp (CESM), khi hải quân Mỹ triển khai chiến dịch Praying Mantis vào tháng 4-1988 để trả đũa tàu chiến Mỹ USS Samuel B. Roberts (FFG-58) va phải mìn Iran, Iran đã nhận thức trình độ non kém về công nghệ đối với vũ khí Mỹ.

Sau đó, trong nửa đầu năm 2003, Iran đã theo dõi quân đội Mỹ triển khai ở vùng Vịnh trong chiến tranh Iraq và càng củng cố thêm nhận thức rằng Iran không có cơ may chiến thắng siêu cường Mỹ nếu tiến hành chiến tranh thông thường.

Từ kinh nghiệm đó, Iran tích cực phát triển chiến lược bất cân xứng song song với trang bị công nghệ mới như tên lửa hành trình, tàu ngầm, mìn và thủy lôi hiện đại.

Chiến lược bất đối xứng về hải quân của Iran - hay còn gọi là chiến lược đánh du kích trên biển - tương tự học thuyết Jeune École (Trường phái mới) của hải quân Pháp thực hiện vào cuối thế kỷ 19.

Đó là sử dụng số lượng lớn tàu nhỏ di chuyển nhanh, trang bị hỏa lực mạnh để đối chọi với chiến hạm lớn.

Iran áp dụng học thuyết bất đối xứng lần đầu tiên trong cuộc chiến đánh tàu chở dầu (1984-1988). Ban đầu, Iran đánh theo lối truyền thống bằng cách sử dụng pháo từ tàu chiến và tên lửa chống tàu bắn trên biển, từ bờ và trên không, song kết quả rất hạn chế.

Đến khi hải quân triển khai xuồng cao tốc mai phục và tấn công chớp nhoáng các tàu chở dầu, kết quả thu được hết sức thuyết phục. Đến cuối cuộc chiến đánh tàu chở dầu, Iran đã tấn công 190 tàu của 31 quốc gia, làm chết 63 thủy thủ.

40 năm đối đầu Mỹ - Iran - Kỳ 3: Chiến lược lấy yếu đánh mạnh của Iran - Ảnh 4.

Lực lượng xuồng cao tốc Iran diễn tập đánh chìm tàu sân bay Mỹ giả định trong cuộc tập trận “Nhà đại tiên tri-9” trên vùng biển Hormuz vào tháng 2-2015 - Ảnh: DSI

Theo CESM, khái niệm chiến lược bất đối xứng Iran quy tụ các yếu tố của chiến tranh quy ước, chiến dịch đặc biệt, chiến thuật nổi dậy và khủng bố. Khái niệm này không được định nghĩa chính thức và cũng không được mô tả trong bất kỳ tài liệu công khai nào.

Iran xem chiến lược bất đối xứng thể hiện tinh thần cách mạng, thánh chiến và tử vì đạo.

Chiến lược bất đối xứng Iran trong thời bình gồm: sử dụng mọi phương tiện sẵn có ngăn ngừa mọi thái độ thù địch; duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu đối với kẻ thù đông hơn và hiện đại hơn; phát triển công nghiệp quốc phòng đầy đủ; chuẩn bị hành động, phản công và nhanh chóng thích ứng dù mất khả năng chỉ huy và kiểm soát.

Trong thời chiến, chiến lược bất đối xứng Iran chủ trương: phân cấp và phân tán lực lượng quân sự để giảm thiểu hậu quả không kích; áp dụng lối đánh không quy ước trong mọi kịch bản; hành động mạnh mẽ, linh hoạt và sáng tạo, sử dụng yếu tố bất ngờ; buộc kẻ thù phải tuân theo kịch bản;

Tập trung phản công khi cần thiết để đánh vào tử huyệt đối phương; sử dụng lực lượng có khả năng hành động ở nước ngoài; khai thác yếu tố con người, chủ yếu là lòng sùng đạo và tử vì đạo.

Xuồng cao tốc tàng hình

Đầu năm 2019, đô đốc Ali-Reza Tangssiri - tư lệnh lực lượng hải quân Vệ binh cách mạng Iran - thông báo hải quân Iran sẽ nâng cao năng lực tác chiến của các đơn vị xuồng cao tốc nhằm tránh rađa phát hiện và vận động nhanh hơn trên biển.

Dự kiến vận tốc xuồng cao tốc sẽ được nâng lên đến 80 hải lý/giờ (148km/h) để trở thành xuồng cao tốc nhanh nhất thế giới.

Ngoài ra, xuồng cao tốc cũng sẽ được trang bị công nghệ tàng hình với rađa và gia tăng độ tác xạ chính xác của tên lửa. Theo The Washington Post (Mỹ), hải quân Iran sở hữu đến 1.000 xuồng cao tốc.

Kỳ tới: Câu chuyện hạt nhân đầy biến cố của Iran

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên