18/02/2019 10:59 GMT+7

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 7: Sự chuẩn bị của không quân

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Sau khi Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam, không quân Việt Nam đã điều các máy bay ném bom A-37 và tiêm kích F-5 lắp đầy bom cùng rocket tập kết ra Hà Nội trước khi lệnh cho máy bay trinh sát U-17 cơ động ra Bắc.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 7: Sự chuẩn bị của không quân - Ảnh 1.

Các máy bay UH-1 được xưởng A42 sửa chữa để chi viện cho chiến trường phía Bắc - Ảnh tư liệu

Lẽ ra sẽ có những trận không chiến tưng bừng vì ta có máy bay A-37 và F5 thu được của Mỹ, kéo hết từ trong Nam ra. Trung Quốc lúc đó có MiG-19. Nhưng thời điểm đó máy bay của hai bên không cất cánh được do thời tiết rất xấu.

Thượng tá ĐOÀN HỒNG QUÂN

Cùng lúc, sử dụng máy bay IL14 để thả hàng chi viện cho bộ đội ta ở biên giới và chuẩn bị lực lượng tham chiến...

U-17 bay trinh sát

Điều kiện khí tượng, thời tiết miền Bắc lúc đó không tốt cho không quân hoạt động. Khí lạnh, trời mù, tầm nhìn bị hạn chế.

"Có những lúc thời tiết tốt một chút, tôi xin phép cấp trên bay đường dài làm quen các mục tiêu dưới đất. Các địa tiêu ngoài Bắc tôi đã nắm tương đối vì đã có thời gian bay MiG-17 ở ngoài này" - thượng tá phi công Đoàn Hồng Quân nói.

Trong những lần cất cánh, dưới cánh U-17 đều đã gắn sẵn tám quả rocket khói, mỗi bên cánh bốn quả. Đây là loại rocket bắn chỉ điểm mục tiêu, không bắn máy bay địch được.

"Chuyến đi đầu tiên chúng tôi bay đến Đình Lập - một huyện vùng cao biên giới nằm ở phía đông nam tỉnh Lạng Sơn, sát biên giới Trung Quốc rồi vòng về Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh) và hạ cánh ở Nội Bài. Thời tiết xấu lắm. Có hôm đáy mây xuống 300m, chúng tôi phải bay dưới mây".

Sau một số chuyến bay trinh sát không thành công, tổ bay U-17 của biên đội trưởng Đoàn Hồng Quân về lại Tân Sơn Nhất trong tháng 6-1979.

"Lẽ ra sẽ có những trận không chiến tưng bừng vì ta có máy bay A-37 và F5 thu được của Mỹ, kéo hết từ trong Nam ra. Trung Quốc lúc đó có MiG-19. Nhưng thời điểm đó không quân của hai bên không cất cánh được do thời tiết rất xấu.

Mấy lần tôi cất cánh lên để trinh sát địa hình, cứ lên tầm 40-50m là vô mây mù, nhìn xuống không thấy gì thì làm sao tìm mục tiêu. Không thấy mục tiêu thì sao mà đánh được" - thượng tá Quân cho biết.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 7: Sự chuẩn bị của không quân - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hồng Nam - phi công lái chính tham gia bay thả hàng chi viện cho bộ đội bị địch bao vây - Ảnh: MY LĂNG

IL-14 bay thả hàng chi viện

Một tuần sau khi chiến sự nổ ra, một số đơn vị vũ trang và nhân dân huyện Trùng Khánh và một trung đoàn bộ binh tại khu vực huyện Thạch An (Cao Bằng) đang nằm trong vòng vây của địch, thiếu thốn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Địch bao vây chia cắt hết đường bộ, đường sông. Riêng đơn vị tại huyện biên giới Thạch An thì máy thông tin liên lạc không hoạt động được do hết pin.

"Đang trong tình trạng chiến tranh, vũ khí đạn dược cạn hết, thông tin bị cắt đứt mà lại còn bị địch bao vây thì cực kỳ nguy khốn. Đó là lý do chúng tôi phải bay tiếp tế thả pin xuống cho bộ đội mình nối liên lạc lại với cấp trên" - ông Nguyễn Hồng Nam, phi công lái chính tham gia chuyến bay đặc biệt 40 năm trước, nhớ lại.

Đoàn bay 919 (tiền thân là trung đoàn không quân vận tải 919 thuộc Cục Không quân) đã được giao nhiệm vụ đặc biệt này. Đoàn bay 919 đã dùng máy bay vận tải IL-14 với sự yểm trợ của tiêm kích MiG-21 thả dù tiếp tế cho bộ đội ở huyện Trùng Khánh và hai xã Canh Tân, Minh Khai thuộc huyện Thạch An.

Nhiệm vụ trọng đại này đã được giao cho tổ bay IL-14 của lái chính - phi công Vũ Quý Đĩnh và phi công Nguyễn Hồng Nam. Mục tiêu thả dù ở cách biên giới chưa đến 50km.

"Có tổng cộng chín chuyến bay thả hàng chi viện - ông Nguyễn Hồng Nam cho biết - Tôi và anh Đĩnh đi liên tục tám chuyến". Khi được giao nhiệm vụ, ông Nguyễn Hồng Nam đang là cơ trưởng máy bay TU-134 của Đoàn bay 919. IL-14 là máy bay vận tải cánh quạt do Liên Xô sản xuất.

"Chuyến đầu tiên chúng tôi đi ban ngày nhưng đi ban ngày bị tiêm kích MiG-19 địch ép nhiều quá, không an toàn, tổ bay phải chuyển sang bay chiều tối hoặc đêm vì máy bay MiG-19 của địch không có hệ thống bay đêm.

Nhưng bay đêm cũng là thách thức với tổ bay vì máy bay IL-14 lại không có rađa. Chúng tôi bay và thả hàng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của các sĩ quan dẫn đường" - ông nói.

Để đảm bảo tính bí mật, các chuyến bay không đi một giờ cố định nào. Có lúc chập choạng tối, có lúc nửa đêm, có chuyến lại chạng vạng sáng... Vị trí thả hàng cũng thay đổi liên tục.

Tổ bay phải vượt qua phòng tuyến địch, liên tục thay đổi độ cao bay, tốc độ bay để tránh đạn phòng không.

Trong một chuyến bay thả hàng ở Cao Bằng xong, khi trên đường quay về thì máy bay IL-14 bị MiG-19 truy đuổi nhưng cuối cùng tổ bay của ông Nam thoát nạn bay về Gia Lâm.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 7: Sự chuẩn bị của không quân - Ảnh 4.

Máy bay U-17 được sử dụng để trinh sát chiến trường biên giới phía Bắc - Ảnh tư liệu

Lắp ráp và phục hồi máy bay

Sau khi Trung Quốc bất ngờ đánh Việt Nam, Liên Xô đã tiếp viện cho Việt Nam một số máy bay tiêm kích MiG-21Bis. Sân bay quân sự Đà Nẵng là nơi tiếp nhận loại máy bay này.

Ông Lê Văn Sơn, 90 tuổi, nguyên giám đốc Nhà máy A32, cho biết: "Liên Xô đưa về sân bay Đà Nẵng đợt đầu sáu máy bay MiG-21Bis là dòng máy bay MiG-21 đã được cải tiến. Họ dùng máy bay vận tải quân sự để chở MiG-21Bis sang đây.

Các bộ phận của máy bay MiG-21Bis được đặt trong các thùng lớn. Chúng tôi phải dùng cần cẩu đưa ra ngoài để lắp ráp".

Để tiếp nhận số máy bay tiêm kích này, các nhân viên, cán bộ kỹ thuật có trình độ giỏi nhất được cử ra làm việc với chuyên gia Liên Xô.

Đoàn chuyên gia Liên Xô gồm 12 người, sau khi MiG-21Bis được lắp ráp xong, họ bay thử tại sân bay Đà Nẵng rồi hướng dẫn các phi công Việt Nam bay thử trước khi tiếp nhận để chuyển ra Bắc.

Một chiến dịch phục hồi, sửa chữa máy bay lớn chưa từng có đã diễn ra tại các xưởng thuộc Cục kỹ thuật A39 để phục hồi và sửa chữa MiG-17 và UMig-15, còn A42 thì sửa chữa phục hồi A-37 và F-5 khẩn cấp để chi viện cho chiến trường...

"Nguyện làm việc tốt, sẵn sàng hi sinh"

Đại tá Nguyễn Sư Chính, 70 tuổi, nguyên phó giám đốc Nhà máy A42, cho biết: "Tháng 2-1979, tôi đang là quản đốc phân xưởng sửa chữa phụ tùng. Xưởng của tôi phụ trách sửa chữa hai loại máy bay trực thăng UH-1 và máy bay ném bom A-37 của Mỹ để lại.

Quân chủng giao nhiệm vụ làm sao đảm bảo đủ máy bay để kịp chi viện ra . Xưởng A42 chuyển sang chế độ làm việc thời chiến với tinh thần "Nguyện làm nhiều việc tốt vì Tổ quốc, sẵn sàng hi sinh".

Kỳ tới: Người trẻ đi tìm lịch sử

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên