Dấu hiệu của sương mù não chính là việc "nhớ nhớ quên quên", thiếu tập trung. Người gặp rối loạn này cảm nhận não giống như có một "lớp sương mù" bao phủ, không còn minh mẫn nữa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sương mù não. Đặc biệt, căng thẳng, thiếu ngủ và hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng viêm trong não là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Theo tiến sĩ Tara Swart Bieber, nhà thần kinh học, bác sĩ y khoa và giảng viên cao cấp tại trường MIT Sloan (thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ), luôn ghi nhớ và áp dụng 4 cách đơn giản sau có thể giúp trí não luôn minh mẫn, tránh xa chứng sương mù não.
Tránh để cơ thể căng thẳng quá lâu
Ngay cả khi chúng ta đang "thư giãn" thì cơ thể cũng có thể đang căng thẳng về mặt thể chất. Chẳng hạn như nằm ngủ sai tư thế gây cứng cổ, tập yoga hoặc chơi thể thao bị đau lưng, đau vai.
Trong những trường hợp như vậy, ngoài việc tìm cách xoa dịu cơn đau, tiến sĩ Tara Swart Bieber khuyên nên thực hiện bài tập hít thở sâu.
Hít vào thật sâu, sau đó nhịn thở chừng 4 giây rồi thở mạnh ra, giải phóng tất cả không khí ra khỏi phổi trong 4 giây tiếp theo. Sau đó lại nhịn thở 4 giây nữa và lặp lại việc hít vào thở ra như vậy ít nhất 4 vòng.
Hít thở sâu là một cách đơn giản để giúp làm dịu bộ não của chúng ta. Các nghiên cứu khoa học trước đây cũng chỉ ra rằng nó có thể làm giảm mức độ cortisol, là chất hóa học được sản xuất khi cơ thể bị căng thẳng.
Không dùng máy tính, điện thoại trước khi đi ngủ
Đây là thói quen xấu mà rất nhiều người mắc phải. Ban đêm là thời gian mà mắt và não bộ cần nghỉ ngơi. Việc lướt Facebook, TikTok hoặc xem phim trước khi đi ngủ có thể khiến não bộ phải hoạt động nhiều và mệt mỏi hơn.
Thay vì xem điện thoại, nên đọc sách để giảm tác động từ ánh sáng màn hình. Một vài động tác giãn cơ, matxa cơ bắp thời gian này và tránh uống trà, cà phê cũng giúp chúng ta có giấc ngủ ngon hơn.
Mỗi người trưởng thành cần ngủ khoảng tám tiếng mỗi ngày. Nhiều hơn mức thời gian đó có thể dẫn đến tâm trạng chán nản và ít hơn mức đó cũng sẽ không cho não đủ thời gian để nghỉ ngơi và thiết lập lại hoạt động.
Giảm tiêu thụ đường
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ cho sức khỏe tốt toàn diện, bao gồm cả sức khỏe não bộ. Quan trọng nhất là cần giảm lượng đường nạp vào cơ thể.
Glucose (đường) là năng lượng chính của cơ thể mỗi chúng ta. Nhưng giống như mọi nguồn thực phẩm hay vitamin khác, glucose chỉ phát huy tác dụng tối ưu khi nạp vào lượng vừa phải.
Quá nhiều hay quá ít glucose đều gây tác động đến hoạt động não, khiến chúng ta trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi, rối loạn tâm thần và suy giảm khả năng phán đoán.
Thiền
Theo tiến sĩ Tara Swart Bieber, thiền ít nhất 12 phút mỗi ngày và thực hiện vào ban đêm có thể giúp giảm thiểu sương mù não vào ngày hôm sau.
Cách thức "thiền" rất đơn giản: Ngồi hoặc nằm xuống ở một vị trí thoải mái, loại bỏ tất cả phiền nhiễu trong đầu, hít thở sâu và để tâm trí được nghỉ ngơi.
Nếu không thích thiền, bạn có thể thực hiện các hoạt động thư giãn khác như nấu ăn hoặc đi dạo trong không gian yên tĩnh.
Một lời khuyên rất thú vị từ nhà thần kinh học này là "nghĩ ra một câu ‘thần chú’ và đọc vào mỗi buổi sáng". Chẳng hạn như: "Tối nay tôi sẽ đi ngủ sớm, ngủ thật ngon và ngày mai sẽ khỏe mạnh".
Bằng cách nói to các mục tiêu với chính mình, bạn có thể bắt đầu có chủ ý hơn trong việc thay đổi thói quen của mình. Và thông qua sự lặp lại đó, bộ não và cơ thể của bạn sẽ bắt đầu làm theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận