Chung cư Lò Gốm (Q.6, TP.HCM) xây dựng theo đơn đặt hàng của người dân được tái định cư tại đây - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cần tổ chức chuyên đề phân tích cụ thể tại sao Nhà nước xây nhà TĐC mà dân không mua? Phải gọi tên những vấn đề TĐC ra rõ ràng để cùng nhau giải quyết. Sắp tới, TP sẽ tiếp tục giải tỏa bồi thường cho các dự án nên cần mổ xẻ kỹ và phải có cách làm mới
Ông LÊ VĂN THÀNH chia sẻ:
- Khi Nhà nước di dời và tái định cư (TĐC) tức là đã đưa người dân đến một cuộc sống khác, đã làm thay đổi tất cả mọi thứ liên quan đến cuộc sống của họ như nhà ở, việc làm, tiện ích, quan hệ, sinh hoạt... trong khi người dân không hề muốn.
Chủ trương của TP.HCM là người TĐC phải có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng chỗ ở tốt hơn là gì thì chính quyền - người tổ chức TĐC và người dân - người được thụ hưởng chưa gặp nhau ở cách nghĩ.
Theo chính quyền thì người dân từ căn nhà lụp xụp nay được chuyển lên chung cư với nhà tường vững chãi, điện nước đầy đủ là tốt hơn. Nhưng người dân TĐC lại không cho rằng căn hộ chung cư tốt hơn nơi ở cũ.
Điều này lý giải vì sao mấy ngàn căn nhà TĐC Nhà nước xây cho dân nhưng không bán được, rồi chuyển thành nhà thương mại cũng tồn đọng.
Trong nhận thức của người xây nhà TĐC thì loại nhà này phải rẻ hơn, chất lượng kém hơn nhà ở thương mại, người dân cũng biết chuyện đó và không chịu mua ở.
* Có chuyên gia cho rằng nên bỏ nhà TĐC và Nhà nước nên đền bù cho người dân bằng tiền để họ tự mua nhà ở theo nhu cầu. Ý kiến của ông thế nào?
- Theo tôi thì Nhà nước vẫn xây nhà TĐC nhưng xây ở đâu, như thế nào, chất lượng, giá bán ra sao phải hỏi người dân. Mỗi dự án nên có một phương án xây nhà TĐC riêng, chứ không nên xây một khu TĐC tập trung rồi đưa dân tại tất cả các dự án về ở.
Như dự án chung cư TĐC Lò Gốm (Q.6), người dân đưa ra nhu cầu để đặt hàng với chính quyền, dân được tham gia góp ý thiết kế mẫu nhà chung cư.
Chung cư Lò Gốm không quá cao tầng (4 tầng), không có thang máy để hạn chế phát sinh chi phí trong quá trình sử dụng, mỗi nhà có thêm gác lửng. Số tiền đầu tư cho chung cư này không lớn nhưng thỏa mãn nhu cầu của người dân. Đã 10 năm rồi, chung cư TĐC này hiện còn 95% dân TĐC ở.
Điều đáng lưu ý là hạn chế việc TĐC cho dân quá xa nơi ở cũ. Các tổ chức quốc tế đã đúc kết kinh nghiệm từ nhiều nghiên cứu cho thấy việc TĐC tốt nhất là tại chỗ, nếu không bố trí được tại chỗ thì cũng không nên di dời người dân quá xa nơi ở cũ.
Ông Lê Văn Thành
* Với 20.000 căn hộ ven và trên kênh rạch TP.HCM sắp di dời, theo ông, Nhà nước nên xây nhà TĐC như thế nào?
- Theo tôi, Nhà nước phải xây nhà TĐC dọc kênh. Số lượng nhà ở trên mặt nước trong các dự án này rất nhiều và giá trị bồi thường chắc chắn rất thấp, không đủ tiền để người dân mua nhà TĐC. Nhà nước phải tính toán hỗ trợ để mỗi người dân có một căn hộ ngay vị trí cũ.
* Nhiều người dân ở khu TĐC phải bán hoặc cho thuê nhà vì họ không biết làm gì ra tiền. Có cách gì giải quyết việc này không, thưa ông?
- Sau TĐC thì vấn đề việc làm cho người dân là quan trọng nhất. Qua nghiên cứu thực tế, rõ ràng thu nhập từ việc làm của người dân sau TĐC giảm so với trước đó. Đa số người TĐC không tìm được việc làm tốt như khi họ còn ở chỗ cũ. Nếu người TĐC quay về nơi ở cũ làm việc thì chi phí tăng, nên thu nhập giảm đi. Việc làm đối với những người TĐC thật sự là bài toán rất nan giải. Đó là lý do vì sao các tổ chức quốc tế khuyên nên TĐC tại chỗ.
Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người TĐC hiện nay cũng không hiệu quả bởi người dân không muốn đi học, tiền hỗ trợ không đủ để học ra nghề, ra nghề rồi không biết làm ở đâu... Những chính sách đưa ra để người TĐC có việc làm mới không có hiệu quả. Đây có thể nói là một tồn tại không giải quyết được.
Khi nghiên cứu các mô hình TĐC, tôi cho rằng làm sao để người dân được làm việc làm cũ của họ là cách tốt nhất. Còn nghĩ đến chuyện chuyển đổi nghề, đưa dân vào nhà máy, xí nghiệp... thì luôn gây xáo trộn và không thành công. Đây là một vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, đào sâu, giúp người dân TĐC phục hồi sinh kế.
* Nhà nước cho rằng đã áp dụng đầy đủ các chính sách có lợi cho dân, nhưng người dân TĐC vẫn cho rằng mức bồi thường thấp, nhà TĐC bán giá cao. Theo ông, điều này có là nghịch lý?
- Thực tế người dân vẫn ấm ức chuyện phân chia lợi nhuận trong quá trình tăng giá trị đất đai. Nếu xem lợi nhuận khi chuyển mục đích sử dụng đất là một miếng bánh thì phần bánh chia cho người dân quá ít ỏi.
Thử làm bài toán cụ thể: Khi Nhà nước cho chuyển mục đích một khu đất nông nghiệp thành đất thổ cư, nhà đầu tư chi phí bao nhiêu cho bồi thường, đóng thuế, làm hạ tầng rồi so sánh với giá họ bán ra... sẽ thấy nhà đầu tư thu được siêu lợi nhuận. Người dân làm được bài toán này nên họ thấy bị thiệt thòi...
Nhà nước phải coi lại chính sách giải quyết quyền lợi cho người dân, cụ thể là đơn giá bồi thường, phải kiến nghị trung ương xây dựng lại cách tính giá bồi thường.
* Ngoài việc làm thì môi trường sống, hạ tầng, tiện ích quanh khu TĐC ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người dân TĐC?
- Chúng tôi khảo sát một chung cư TĐC mới bố trí dân vào ở, một tầng có 20 căn hộ nhưng chỉ còn 2 hộ TĐC ở, các hộ khác đã bán hoặc cho thuê nhà.
Những người đã đi cho rằng ở chung cư không thích hợp, 2 hộ còn lại nói họ rất buồn vì không có hàng xóm, không có ai quen biết để giao lưu, nói chuyện.
Người dân TĐC thật sự thấy bối rối khi đến chỗ ở mới. Họ không biết phải đi chợ nơi nào, khám bệnh ở đâu, cho con học trường nào...
Nếu cán bộ nhà nước đặt mình vào vị trí của người dân sẽ thấy rõ.
Kinh nghiệm các nước khi họ xây dựng TP vệ tinh thì gần như họ chép nguyên vẹn mô hình một TP cũ từ trung tâm thương mại, chợ, siêu thị hoặc bệnh viện. Khu TĐC cũng cần vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận