13/03/2013 08:35 GMT+7

4 tín hiệu cho Vatican

NGUYỄN NGUYỄN
NGUYỄN NGUYỄN

TT - Rạng sáng 13-3 (giờ Việt Nam), 115 đức hồng y từ khắp thế giới đã bắt đầu bước vào cuộc bầu chọn người đứng đầu giáo hội. Cuộc bầu chọn này được chú ý nhiều hơn cả vì có những tín hiệu của sự đổi thay.

pPNiib6P.jpgPhóng to
5.600 nhà báo khắp thế giới đã có mặt ở Vatican đưa tin về mật nghị - Ảnh: Reuters

“Nền văn hóa của chúng ta đã trở nên già cỗi. Các nhà thờ của chúng ta trở nên trống vắng và tệ quan liêu trong hàng giáo sĩ ngày càng tăng. Các nghi lễ của chúng ta và sắc phục chúng ta mặc thì phô trương”. Đó là một trong những phát biểu cuối cùng trước khi qua đời (ngày 31-8-2012) của đức hồng y Martini, giáo sư Kinh thánh và cũng là hiệu trưởng Học viện Kinh thánh Rome. Ông từng giữ chức tổng giám mục thành Milan của Ý và là một trong những ứng viên sáng giá cho chức giáo hoàng trong mật nghị hồng y năm 2005.

Những thách thức buộc đổi mới

Có thể nói tình trạng xuống cấp này của Vatican đã xảy ra ở nhiều cấp độ. “Những âm mưu khủng khiếp, đấu đá quyền lực, tham nhũng và trụy lạc” đã xảy ra ngay ở cơ quan chóp bu của Công giáo, tờ La Repubblica (Ý) đưa tin (tuy nhiên cũng khó biết tính xác thực). Nhưng quả thật đã có thể thấy những vấn đề hiển hiện.

Tình trạng thiếu hụt linh mục trầm trọng ở các nước Âu, Mỹ là một bài toán làm đau đầu các giới chức Vatican. Chưa kể các linh mục ngày nay không những bị thiếu hụt về lượng, mà đôi khi còn về chất. Những bê bối của các giáo sĩ về lạm dụng tình dục trẻ em ở một số nước dẫn đến việc một vài giám mục phải từ chức và khá nhiều linh mục phải ra tòa. Ở Mỹ, có giáo phận đã phải bán cả nhà thờ để có tiền bồi thường cho các nạn nhân.

Sự thiếu hụt linh mục cũng đi song song với việc người ta bỏ đạo hoặc tuyên bố là có đạo, nhưng chẳng bao giờ đến nhà thờ. Những thánh lễ ngày thường chỉ 5-10 người đến tham dự. Thật đúng như hình ảnh mà đức hồng y Martini đã miêu tả: “già cỗi” và “trống vắng”.

Một tình trạng khác khó chối bỏ là giáo hội Công giáo đã không còn sức hấp dẫn nữa, đặc biệt đối với giới trẻ. Những yêu cầu thực tế khác của cuộc sống cũng gây ra xâu xé đối với con chiên, giữa việc tuân thủ giáo lý và chấp nhận thực tế diễn ra hằng ngày.

Tất cả những khủng hoảng nêu trên, từ việc tổ chức và tính kỷ luật của các thành phần nhân sự cấp cao của giáo hội cho đến những đòi hỏi thay đổi về mặt thần học và mục vụ nhằm đáp ứng được với nhu cầu của thời đại mới, sẽ đè nặng trên vai của tân giáo hoàng. Công cuộc đổi mới tất nhiên sẽ làm đau lòng, phiền lòng những người bảo thủ. Liệu các hồng y trong mật nghị lần này có thể tìm được một nhân vật đủ tầm để giải quyết vấn đề này không?

Thời điểm chín muồi

Tín hiệu đầu tiên của cuộc đổi mới chính là việc từ nhiệm của Giáo hoàng Benedict XVI, đây là một việc làm có tính cách mạng, bởi vì đã 600 năm rồi mới có được một giáo hoàng từ nhiệm. Đây chính là cú hích đầu tiên cho công cuộc đổi mới. Theo nhận định chung của các chuyên gia, đây không phải là một cuộc tháo chạy khi gặp khó khăn, việc từ chức của đức Giáo hoàng Benedict XVI là một hành động can đảm, khiêm tốn và khôn ngoan, một dấu chỉ của tình yêu thương đối với giáo hội và thiện ích của giáo hội. Có thể coi đây là một tấm gương cho các vị giáo hoàng tương lai.

Tín hiệu thứ hai là hiệu ứng của vụ Vatileaks. Chính việc rò rỉ thông tin từ Vatican, tuy tính xác thực của các tin tức được tung ra này chưa được kiểm chứng, đã cho thế giới mường tượng ra một phần nào cơ cấu của Vatican. Sự tập trung quyền lực một cách tuyệt đối vào tay đức giáo hoàng và các quan chức của tòa thánh làm nhiều nhà thần học đặt vấn đề và chắc chắn đó sẽ là một chủ đề quan trọng được bàn đến trong các cuộc họp đang diễn ra tại Vatican cũng như trong mật nghị này. Và như thế, khuynh hướng bầu cử chắc chắn sẽ ưu tiên bầu cho những người “sạch”, không bị bất cứ một vết chàm nào, để có đủ uy tín lãnh đạo giáo hội.

Tín hiệu thứ ba mà người ta dễ nhận thấy là tính bất ngờ. Sự từ chức của đức Giáo hoàng Benedict XVI là một việc dễ hiểu nhưng hoàn toàn bất ngờ. Những lần bầu giáo hoàng trước đây người ta luôn có một khoảng thời gian chuẩn bị nhất định, từ khi vị giáo hoàng bệnh nặng cho đến khi qua đời, rồi lễ an táng, sau đó mới chính thức bầu giáo hoàng mới. Lần bầu giáo hoàng này hoàn toàn khác, hầu như không hồng y nào đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống này. Thế nên, người ta hi vọng sẽ có những bất ngờ lớn trong việc bầu chọn cũng như những chính sách mới của Vatican sau này.

Tín hiệu thứ tư đến từ việc lớn mạnh và trưởng thành của các cộng đồng Kitô giáo ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Người ta không còn chỉ tập trung vào các ứng viên ở châu Âu nữa. Thật ra, rất khó để có một vị giáo hoàng ngoài châu Âu, vì đa số các vị hồng y đều là người châu Âu. Thế nhưng tiếng nói của hồng y các nước mà số người Công giáo đông đúc và ngoan đạo sẽ có trọng lượng rất lớn trong quá trình đổi mới.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGUYỄN NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên