30/07/2019 14:35 GMT+7

4 thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu ngăn Trung Quốc làm càn ở Biển Đông

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - 'Chúng tôi thấy rằng cần hành động nhiều hơn nữa để chống lại việc gây hấn của Trung Quốc và ngăn cản xu hướng làm càn của họ ở Biển Đông', 4 thượng nghị sĩ Mỹ viết trong thư gửi cho Ngoại trưởng Pompeo.

4 thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu ngăn Trung Quốc làm càn ở Biển Đông - Ảnh 1.

Ông Patrick Leahy, một trong 4 thượng nghị sĩ Mỹ vừa gửi thư cho Ngoại trưởng Pompeo - Ảnh: REUTERS

Đây là nội dung lá thư đề ngày 29-7-2019 (giờ Mỹ), gửi đến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước khi ông lên đường đi Bangkok (Thái Lan).

Những người soạn lá thư này gồm các thượng nghị sĩ: Bob Menendez (Đảng Dân chủ, bang New Jersey), Ed Markey (Dân chủ, Massachusetts), Brian Schatz (Dân chủ, Hawaii) và Patrick Leahy (Dân chủ, Vermont).

Đầu thư, nhóm thượng nghị sĩ này khẳng định mục đích của thông điệp là muốn nhấn mạnh rằng hành vi gây hấn và bành trướng của Trung Quốc là ưu tiên số 1 trong các cuộc thảo luận tại Diễn đàn Khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ARF), vốn sẽ tổ chức từ ngày 2-8 tới tại Bangkok.

Nhóm nghị sĩ đặc biệt nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã có "hành vi quyết đoán trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước tranh chấp khác".

Đoạn này cụ thể như sau:

"Hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước tranh chấp khác, động thái của họ trong việc cải tạo và quân sự hóa đảo nhân tạo như một nền tảng để cưỡng ép, quyết định của họ trong việc ngó lơ phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực, và nỗ lực của họ trong việc thúc ép các nước ASEAN đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử ở đầy hạn chế, tất cả đều xứng đáng được đối lại là sự chú ý, khả năng tiên phong và hợp tác lớn hơn từ phía Mỹ đối với đối tác và đồng minh của chúng ta".

Trong thời gian qua, giới quan chức Mỹ đã ít nhất hai lần phản ứng trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

4 thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu ngăn Trung Quốc làm càn ở Biển Đông - Ảnh 2.

Nội dung bức thư 4 thượng nghị sĩ Mỹ gửi Ngoại trưởng Pompeo - Ảnh: Twitter

Trong thời gian này, Bắc Kinh đã gây phản ứng quốc tế khi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía nam Việt Nam.

Tháng 7 cũng là thời điểm kỷ niệm 3 năm ngày Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở ở The Hague, Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ tuyên bố "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đã ngó lơ phán quyết ấy, bất chấp đây là phán quyết dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc cũng là thành viên.

Nguyên văn bức thư của 4 thượng nghị sĩ Mỹ ngày 29-7 như sau:

"Gửi Ngoại trưởng Pompeo,

Chúng tôi viết thư này gửi ông để đảm bảo rằng hành vi gây hấn và bành trướng của Trung Quốc phải là ưu tiên số 1 trong các cuộc thảo luận tại Diễn đàn Khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 2-8 tới tại Bangkok. Hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước tranh chấp khác, động thái của họ trong việc việc cải tạo và quân sự hóa đảo nhân tạo như một nền tảng để cưỡng ép, quyết định của họ trong việc ngó lơ phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực, và nỗ lực của họ trong việc thúc ép các nước ASEAN đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông đầy hạn chế, tất cả đều xứng đáng được đối lại là sự chú ý, khả năng tiên phong và hợp tác lớn hơn từ phía Mỹ đối với đối tác và đồng minh của chúng ta.

Một Biển Đông nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải được đảm bảo, dòng chảy thương mại được tự do, các tổ chức đa phương trong khu vực trung lập, và các nước trong khu vực không chịu đựng sự cưỡng bức, là điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc hăm dọa, cưỡng ép, bác bỏ sự phân định ngoại giao hòa bình, và đe dọa dùng vũ lực trong vài năm nay đã tạo một thách thức rất lớn đối với lợi ích quốc gia ấy. Theo Đánh giá Hiểm họa toàn cầu (Worldwide Threat Assessment) năm 2019 của giám đốc tình báo quốc gia, 'Trung Quốc tìm cách gặt hái sự kiểm soát đối với các vùng nước họ tuyên bố chủ quyền bằng một chiến lược toàn chính phủ, buộc các nước khác có tuyên bố chủ quyền trong Đông Nam Á phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc, ít nhất là ngầm chấp nhận, cũng như thúc đẩy thông điệp của Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang yếu đi và sự ưu việt của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi'.

Trong khi chính phủ đã rất đúng đắn khi nhấn mạnh đến việc quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, và chúng tôi cũng rất hoan nghênh việc thực thi thường xuyên và đều đặn các hoạt động tự do hàng hải, chúng tôi cảm thấy rằng cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đối phó các hoạt động hung hăng của Trung Quốc và chấm dứt xu hướng làm càn của họ tại Biển Đông. Đây là thách thức đòi hỏi mọi nỗ lực phải có trọng tâm là một chiến lược chặt chẽ và toàn diện, cũng như một thỏa thuận chung với các đồng minh và đối tác trong khu vực, trong ASEAN.

Vì thế, chúng tôi yêu cầu ông tận dụng cuộc gặp sắp tới tại Bangkok như một cơ hội để tạo tiền đề cho một thỏa thuận, có thể bảo vệ quyền lợi cho đồng minh và đối tác của Mỹ, thể theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển; chấm dứt những vi phạm của Trung Quốc đối với quyền hợp pháp của các quốc gia ven biển khác; xây dựng sự tôn trọng đối với luật pháp và các tổ chức quốc tế; cũng như đối phó với nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá hoại một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0