10/03/2014 07:23 GMT+7

4 năm nữa ngành kinh tế còn "hot"?

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HÀ HƯƠNG - LAN ANH
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HÀ HƯƠNG - LAN ANH

TT - Đó là một trong những câu hỏi nóng tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Hà Nội do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

hc9ANkFQ.jpgPhóng to
Sôi động nhất là gian tuyển sinh của Trường đại học Sân khấu - điện ảnh với sự tham gia của các nghệ sĩ, danh hài. Trong ảnh: nghệ sĩ Xuân Bắc giao lưu với các bạn học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trời Hà Nội ngày 9-3 rét đậm nhưng vẫn không ngăn được hàng ngàn học sinh thủ đô tới tham dự ngày hội.

Ngành kỹ thuật - công nghệ lên ngôi

Nhiều học sinh dè dặt với khối ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng vì lo lắng nhu cầu nhân lực “bão hòa”. Những câu hỏi lặp lại nhiều như: “Việc cắt giảm chỉ tiêu đào tạo kinh tế có ảnh hưởng gì đến cơ hội việc làm trong tương lai không?”, hay: “Trong bối cảnh ngành kinh tế đang suy giảm thì liệu bốn năm tới cơ hội việc làm của các ngành tài chính - ngân hàng sẽ thế nào?”.

Chia sẻ với nỗi lo lắng của học sinh, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho rằng “có thể có ngành hiện nay đang hot nhưng không phải 4-5 năm nữa vẫn có nhu cầu nhân lực cao và ngược lại, vì thế các bạn thí sinh cần phải nhìn xa hơn. Ví dụ như hiện nay nhóm ngành kinh tế không nóng như 4-5 năm trước, nhưng sau giai đoạn hiện nay thì kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại và nhu cầu nhân lực ngành kinh tế - ngân hàng sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều”.

Khu vực tư vấn khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ tại ngày hội năm nay lại là khu tư vấn thu hút đông học sinh hơn. Nhiều chuyên ngành hẹp đã được học sinh quan tâm cặn kẽ không chỉ về cơ hội việc làm mà cả về chương trình, yêu cầu về phẩm chất, kỹ năng mềm. Đặc biệt, có khá nhiều học sinh Hà Nội quan tâm tới các hình thức đào tạo song ngành, học ngành kép, ngành đào tạo tài năng và chất lượng cao của các trường đại học.

TS Trịnh Thị Thúy Giang, trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, cho biết ĐHQG Hà Nội hiện có nhiều ưu đãi cho sinh viên học những ngành đang có nhu cầu nhân lực cao, đồng thời có nhiều cơ hội cho những sinh viên giỏi như học song song hai ngành trong số các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội.

“Em muốn học khảo cổ”

Trong khi khu vực tư vấn khoa học xã hội và nhân văn “hút” thí sinh với hàng loạt câu hỏi lặp lại về những ngành “hot” như báo chí đa phương tiện, quan hệ công chúng, ngôn ngữ Anh... thì bất ngờ câu hỏi của bạn Lê Tuấn Tú (Hà Nội) với mong muốn được học ngành khảo cổ học đã thật sự gây bất ngờ và thú vị cho ban tư vấn. ThS Đinh Việt Hải, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, bày tỏ sự trân trọng trước lựa chọn này. Ông đề nghị thí sinh để lại số điện thoại và email để có thể giới thiệu với các chuyên gia khảo cổ, giúp em hiểu rõ hơn về chuyên ngành đặc biệt này.

“10 năm trở lại đây, mỗi lớp của chuyên ngành khảo cổ học chỉ có 3-5 SV. Những người học ngành này phải thật sự đam mê. Thách thức với người học là không chỉ làm thế nào để vật vô tri vô giác nói lên được một thời kỳ lịch sử, mà còn làm thế nào để nối kết nó với hiện tại. Điều thú vị, hứa hẹn nhiều bất ngờ với ngành này là không chỉ khảo cổ những thứ có trên mặt đất mà còn có thể tìm kiếm những gì đang ẩn chứa dưới đại dương” - ThS Hải chia sẻ. Ông Hải cũng ngỏ lời mời đặc biệt thí sinh này đến tham quan Bảo tàng Nhân học - nơi lưu giữ những hiện vật của những cuộc khai quật, điền dã khảo cổ học - đặt tại trường trước khi chính thức dự thi vào trường.

Tư vấn đầy ắp tiếng cười

“Đắt hàng” nhất vẫn là bàn tư vấn tâm lý, trắc nghiệm khám phá nghề nghiệp phù hợp với tính cách. Thậm chí nhiều học sinh còn phải xếp hàng chờ đến lượt để nhận được kết quả trắc nghiệm và giải đáp những thắc mắc. Hai chuyên gia tâm lý trong nhóm của tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà phải làm việc khá vất vả để tham chiếu kết quả trắc nghiệm, giải tỏa những thắc mắc cho học sinh. Khá nhiều học sinh còn dè dặt đã lựa chọn những bàn tư vấn riêng do các học viên ngành tâm lý học đảm nhiệm... Nhiều chia sẻ riêng tư, khó nói đã được học sinh cởi mở với các chuyên gia tư vấn cũng trẻ trung, gần với lứa tuổi các em.

Trong phiên tư vấn buổi chiều 9-3, ThS Ngô Xuân Hiếu tình nguyện làm “diễn viên” cho một thí sinh muốn làm hướng dẫn viên du lịch thử nghiệm tài năng của mình trong việc thuyết trình. Anh đặt ra tình huống em học sinh phải giới thiệu một người với đám đông. Trong lúc em học sinh giới thiệu tên mình, ThS Hiếu đã vừa đi từ ngoài vào vừa vẫy tay chào khiến nhiều học sinh bật cười. Cách tư vấn đầy linh hoạt, nhẹ nhàng này khiến khu tư vấn gỡ rối tâm lý hướng nghiệp càng về cuối ngày càng trở nên sôi động. Tuy vui vẻ nhưng các chuyên gia tâm lý, gỡ rối đã rất “kỹ” khi giải thích cặn kẽ cho học sinh thế nào là “sở trường”, thế nào là “sở thích” và khi chọn một nghề cho mình, các em căn cứ vào sở trường, sở thích thế nào.

Hãy chọn niềm đam mê

Đây là thông điệp mà nhiều thầy cô trong ban tư vấn của các khu tư vấn khác nhau khuyên học sinh. TS Trịnh Thị Thúy Giang, trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ với một học sinh nữ yêu toán nhưng lo sẽ bị khô cứng rằng: “Tôi cũng là một TS toán học và tôi khẳng định không chỉ toán, mà ở nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ khác phụ nữ đều có thể học và làm việc tốt, chỉ cần có đam mê và nỗ lực”. ThS Đinh Việt Hải, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐHQG Hà Nội, cũng chia sẻ với một học sinh “muốn theo nghề sư phạm” nhưng vẫn còn quá nhiều băn khoăn rằng: “Các thầy có thể tư vấn cho em học ngành này tốt, ngành kia hay, nhưng điều quan trọng nhất là các em phải có đam mê, yêu thích. Vì chỉ có như thế các em mới có thể học tốt và thành công sau này”.

Cạnh tranh lao động tầm khu vực

Tại buổi khai mạc ngày hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhắc nhở các em học thi ĐH năm 2014 đang đứng trước những thách thức rất mạnh mẽ của thị trường lao động vào thời điểm các em tốt nghiệp ĐH và ra trường. Theo đó, năm 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành. Các em vào trường ĐH năm nay sẽ là lứa sinh viên đầu tiên đương đầu với sự cạnh tranh trên thị trường lao động trong khu vực.

Để chuẩn bị hành trang kiến thức cho các em trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bộ GD-ĐT đang triển khai thực hiện đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, trong đó đổi mới công tác thi, đánh giá là khâu đột phá được thực hiện ngay trong những năm đầu tiên để định hướng việc đổi mới cách dạy, cách học. “Để chủ trương đổi mới tuyển sinh được triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được mục tiêu mong đợi, tôi đề nghị các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ và các sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ, tích cực tham gia các hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức để kịp thời cung cấp thông tin đến học sinh, phụ huynh” - Thứ trưởng Nghĩa khẳng định.

LMUTyMVX.jpg
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HÀ HƯƠNG - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên