Nếu nói đến một loại rau dành cho mùa hè, chắc hẳn không thể không nhắc đến loại rau “quốc dân” là mồng tơi. Đây là thực phẩm dân dã, được nhiều người ưa chuộng bởi tính thanh nhiệt, hương vị thơm ngon cũng như công dụng điều trị bệnh.
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội): "Trong Đông y, mồng tơi có tính hàn, vị chua, không độc, đi vào 5 kinh tâm, tỳ, can, đại trường, tá tràng, giúp lợi tiểu, tán nhiệt, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt".
Ngoài ra, rau mồng tơi có nhiều nhầy pectin giúp kích thích hệ tiêu hóa, nhuận tràng, làm chậm quá trình hấp thụ chất béo. Rau mồng tơi phù hợp cho những người muốn giảm cân, bệnh nhân rối loạn mỡ máu, phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
Tuy rau mồng tơi chứa nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe nhưng nếu lạm dụng vẫn có thể để lại ảnh hưởng cho cơ thể. Theo lương y Bùi Hồng Minh, có 4 sai lầm khi ăn rau mồng tơi mà các gia đình cần phải tránh.
1. Ăn quá nhiều rau mồng tơi khi đang mắc bệnh
Mồng tơi tính hàn, có tác dụng nhuận tràng, do đó không phải đối tượng nào cũng nên ăn nhiều mồng tơi vì có thể hình thành các tác dụng phụ, có hại cho sức khỏe.
- Người bệnh tiêu chảy, đại tiện lỏng: Đối tượng này không nên ăn nhiều rau mồng tơi vì có thể làm bệnh chuyển biến xấu đi.
- Bệnh nhân đau dạ dày: Rau mồng tơi giàu chất xơ, nếu hấp thụ quá nhiều sẽ gia tăng gánh nặng cho dạ dày, làm trầm trọng hơn triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, đau bụng.
- Người bệnh thận: Trong thành phần mồng tơi chứa hàm lượng lớn purin – hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến đổi thành axit uric, là nguyên nhân phát triển sỏi thận. Do đó, những người mắc các vấn đề về thận nên hạn chế ăn rau mồng tơi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Người bệnh gút: Ăn rau mồng tơi sẽ làm tích tụ axit uric trong cơ thể, làm trầm trọng hơn tình trạng đau nhức khớp, không tốt cho bệnh nhân gút.
Ngoài ra, người khỏe mạnh không nên lạm dụng rau mồng tơi vì sẽ làm suy giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, khiến cơ thể yếu đi, bởi rau mồng tơi giàu axit oxalic, khi đi vào cơ thể sẽ liên kết với canxi, sắt khiến cơ thể khó hấp thu nhiều chất dinh dưỡng quan trọng khác.
2. Ăn rau mồng tơi sống
Theo lương y Bùi Hồng Minh, mồng tơi khi ăn sống sẽ gây đầy bụng, khó tiêu, không tốt cho dạ dày. Đó là nguyên nhân mà loại rau nhiều chất nhầy, cứng như mồng tơi cần được nấu chín kỹ trước khi ăn. Ngoài ra, ăn rau mồng tơi được nấu chín kỹ cũng giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng, loại bỏ ký sinh trùng bám trên rau, phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm.
3. Để rau mồng tơi để qua đêm
Rau mồng tơi chứa hàm lượng lớn nitrat, nếu để qua đêm và chỉ bảo quản trong nhiệt độ phòng, rau sẽ sinh sôi nhiều vi khuẩn, khi đó nitrat biến đổi thành nitrite – là một chất gây bệnh ung thư thực quản, có hại cho dạ dày và gây bệnh ở hệ tiêu hóa. Do đó, lưu ý chỉ nên chế biến rau mồng tơi dùng vừa đủ trong một bữa, tránh để qua đêm vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
4. Chế biến rau mồng tơi cùng thịt bò
Không nên nấu rau mồng tơi với thịt bò vì sẽ làm mất đi tính nhuận tràng, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Đặc biệt với những người bị táo bón sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn. Tốt nhất là bạn chỉ nên ăn kèm rau mồng tơi với các thực phẩm chứa nhiều vitamin C sẽ có lợi cho sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận