FDA Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 của Moderna - Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Ugur Sahin, giám đốc điều hành BioNTech của Đức, đối tác của hãng Pfizer (Mỹ) ngày 22-12, nói rằng ông kỳ vọng vắc xin COVID-19 được phát triển theo công nghệ mRNA này vẫn hiệu quả tốt với biến thể ở Anh.
"Về mặt khoa học, nhiều khả năng phản ứng miễn dịch của vắc xin này cũng có thể hiệu quả với biến thể mới của virus này" - ông Sahin thông tin ngày 22-12.
Tương tự, hãng dược Moderna (Mỹ), CureVac (Đức), AstraZeneca (Anh) cũng tin tưởng các mũi tiêm của họ sẽ có hiệu quả chống lại biến thể mới vốn đang gieo rắc hỗn loạn tại Anh. Hiện có hơn 40 nước dừng bay hoặc cấm nhập cảnh từ Anh vì biến thể này.
"AZD1222 (vắc xin tiềm năng của AstraZeneca) chứa các vật liệu di truyền trong protein sợi của virus SARS-CoV-2 (virus corona) và những thay đổi đối với mã di truyền được tìm thấy trong biến thể mới dường như không có thay đổi cấu trúc của protein sợi" - một đại diện của AstraZeneca nói với hãng Reuters.
Các nước có thu nhập thấp và có khí hậu nóng quan tâm nhiều hơn đến các liều vắc xin của AstraZeneca vì rẻ hơn, dễ vận chuyển hơn và có thể bảo quản trong thời gian dài ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường.
Dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn cuối của AstraZeneca tại Anh và Brazil, công bố vào đầu tháng 12, cho thấy vắc xin có hiệu quả 62% đối với những tình nguyện viên đã tiêm đủ 2 liều.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết Ấn Độ rất có thể sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của AstraZeneca trong tuần tới.
Trong khi đó, vắc xin CureVac đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vào tuần trước và đang xem xét biến thể mới ở Anh.
Ông Sahin cho biết phải mất ít nhất 2 tuần để nghiên cứu và thu thập dữ liệu trước khi có thể đưa ra một đáp án chính xác về hiệu quả của các vắc xin với biến thể mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22-12 cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp giữa các thành viên để thảo luận về chiến lược chống lại biến thể mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận