Ngày 8-5, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc trực tuyến về cải cách thủ tục hành chính với 3 bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, cùng 8 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh.
Tỉ lệ hồ sơ đồng bộ: Các bộ còn thấp, địa phương ở mức cao
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy tỉ lệ hồ sơ đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia của các bộ chưa cao, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông mới đạt 14%, Bộ Ngoại giao đạt 12%. Với các địa phương có tỉ lệ cao hơn như Tây Ninh đạt 93,7%, Quảng Ninh đạt 90,8%, Hà Nội đạt 49,89%, TP.HCM đạt 25,97%.
Về tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Đà Nẵng đạt 67,56%, Tây Ninh đạt 52,66%, Hải Phòng đạt 30,97%, Quảng Ninh đạt 28,69%, TP.HCM đạt 26,33%, Hải Dương đạt 19,37%, Hà Nội đạt 10,71%, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra là 80%.
Đối với tỉ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 17,36%, Tây Ninh đạt 36,81%, Quảng Ninh đạt 31,81%, Hà Nội đạt 13,84%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra của Chính phủ là 45%.
Các địa phương khác đạt tỉ lệ từ trên 53% trở lên, trong đó Hải Dương đạt tỉ lệ cao nhất là 71%.
Về xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 100% phản ánh kiến nghị.
Một số địa phương có tỉ lệ hài lòng trong xử lý kiến nghị cao gồm Tây Ninh đạt 95%, TP.HCM và Đà Nẵng đạt 96%, Hải Dương và Hải Phòng đạt khoảng 93%.
Các bộ ngành kiến nghị cần đẩy nhanh việc ban hành một số văn bản hướng dẫn. Như quy định định mức kinh tế kỹ thuật khi chi cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giấy tờ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Các địa phương đề nghị hỗ trợ trong kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tiếp tục hoàn thiện tính năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia; sớm công bố công khai thủ tục hành chính.
Kết luận, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những bước chuyển biến tích cực, thực chất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Khắc phục các bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính
Tuy vậy, còn nhiều việc phải làm như khắc phục tình trạng công bố, công khai thủ tục hành chính chưa đầy đủ, kịp thời. Một số bộ, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công chưa thực chất; việc số hóa vẫn còn chậm, tỉ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa còn rất thấp; chưa bảo đảm việc đồng bộ tình trạng hồ sơ.
Do đó, ông Quang nhấn mạnh tinh thần chung là các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực cố gắng, tăng tốc thực hiện những mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính. Trong đó cần rà soát các thủ tục nội bộ vốn còn nhiều và còn chồng chéo, thực hiện trước ngày 15-5.
Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu số hóa; bảo đảm an toàn an ninh hệ thống.
Các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính giấy tờ công dân liên quan đến dân cư. Phân cấp giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm hoàn thành thực thi.
Ngoài ra, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và Bình Dương được yêu cầu sớm hoàn thiện tài liệu mô hình mẫu về bộ phận một cửa. Tổ chức triển khai thí điểm trong năm 2024 với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính.
Bộ Quốc phòng hoàn thiện, tích hợp, cung cấp nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với nhóm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu theo tiến độ đề ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận