27/05/2016 08:55 GMT+7

4 chỉ số, 3 bước tiếp cận thành phố đáng sống

TS NGUYỄN MINH HÒA
TS NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Hi vọng những năm tới, việc đánh giá chất lượng sống đô thị của người dân TP.HCM sẽ có sự thay đổi, bên cạnh các tiêu chí để đo lường chất lượng sống cơ bản sẽ được bổ sung thêm những tiêu chí mang tính nhân văn.

Bà Nguyễn Thị Loan (ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) than thở bà phải mua lu, xô… trữ nước lại mới có sử dụng vì thường xuyên bị cúp nước - Ảnh: Hữu Khoa
Bà Nguyễn Thị Loan (ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) than thở bà phải mua lu, xô… trữ nước lại mới có sử dụng vì thường xuyên bị cúp nước - Ảnh: Hữu Khoa

Mục tiêu của chúng ta phấn đấu là cho cả TP hơn 8 triệu dân này sống tốt chứ không phải chỉ cho một nhóm người, một vài cộng đồng đơn lẻ.

Để hiện thức hóa nó, cần phải biết chẻ ước mơ nhỏ ra thành từng giai đoạn và huy động các nguồn lực để thực hiện theo lộ trình ba bước.

Trước hết, phải đảm bảo chất lượng sống cơ bản

Trong buổi làm việc tại Hóc Môn ngày 19-5 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chất vấn tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn về chuyện một số người dân ở đây phải mua nước máy giá cao và sử dụng nước máy nhiều lúc bị đục.

Khi đến kênh Cầu Quan - một con kênh bị ô nhiễm nặng ở Hóc Môn, Bí thư Thăng cũng đặt vấn đề với lãnh đạo huyện Hóc Môn vì sao một con kênh thối thế này mà vẫn tồn tại giữa trung tâm huyện năm này qua năm khác?

Đây có thể xem là một lát cắt của thực tiễn còn nhiều người dân TP.HCM chưa tiếp cận được các chỉ số cơ bản của chất lượng sống đô thị, ở đây là nước sạch và môi trường sống.

Không chỉ người dân Hóc Môn, còn khoảng 15-17% dân số TP.HCM chưa có nước sạch, vẫn phải dùng nước giếng khoan và cả nước hồ.

Ngoài nước sạch, tỉ lệ cây xanh trên đầu người ở TP.HCM cũng rất thấp, tại nội thành là 0,7m2/người, nếu tính cả rừng ngập mặn Cần Giờ thì khoảng 1,3m2/người. Về y tế, TP mới chỉ có 6 bác sĩ/1.000 dân. Vào mùa mưa, hàng triệu người dân vẫn bị ảnh hưởng bởi ngập nước...

Với thực tiễn đó, từ nay cho tới khoảng năm 2030, TP.HCM cần tập trung chủ yếu xây dựng cho được chất lượng sống đô thị đạt đến các chỉ số cơ bản.

Mục tiêu trước mắt là phấn đấu sao cho các chỉ số sống cơ bản đạt mức chấp nhận được.

Chẳng hạn như đảm bảo 100% hộ gia đình nào cũng được cung cấp nước sạch và đạt mức tối thiểu (ví dụ nước sinh hoạt là 120-150 lít/người/ngày), mỗi công dân có được quyền sử dụng từ 16-18m2 nhà ở, được cung cấp điện tiêu dùng, được tiếp cận các dịch vụ công (như y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, an sinh xã hội), mọi khu dân cư đều có nhà trẻ, công viên...

Tôi tin rằng mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng TP sẽ đạt được chất lượng sống cơ bản vào giữa thế kỷ này.

Nâng cao dần để “sống tốt”

Sau khi đạt đến các chỉ số của chất lượng sống cơ bản, bước kế tiếp là TP.HCM phải phấn đấu đạt chất lượng sống nâng cao.

Tức là một số tiêu chí định lượng phải vượt ra khỏi các chỉ số tối thiểu để hướng đến các chỉ số tối đa và một số khác phải hướng đến các chỉ số định tính theo chiều sâu.

Chẳng hạn, cây xanh công cộng tính trên đầu người sẽ là 20-25m2, về y tế có thể tăng lên 12-15 bác sĩ/1.000 dân...

Nếu có dịp đến các nước châu Âu, bạn có thể uống nước ở bất kỳ vòi nước công cộng nào bởi nước đó được xử lý đảm bảo độ tinh khiết, nó có chất lượng cao hơn hẳn so với nước mà chúng ta đang dùng hiện nay.

Ở Nhật Bản ngày nay, thực phẩm cung cấp cho người dân bất kỳ từ nguồn nào đều đã vượt qua rất xa mức sạch thông thường mà đã đạt đến mức rau xanh có thể ăn ngay tại vườn không cần rửa; thịt, cá, tôm, trái cây bán bất kỳ ở đâu đều có ghi nơi xuất xứ rõ ràng và đảm bảo ăn sống, ăn ngay.

Đặc biệt, người dân được tiếp cận các dịch vụ công một cách dễ dàng, nhanh chóng. TP.HCM có chất lượng sống tốt trong tương lai cũng phải đạt đến những điều này.

Tiếp cận đến tính nhân văn

Ngoài các chỉ số chất lượng sống cơ bản và chất lượng sống nâng cao, TP.HCM còn phải hướng đến các giá trị sống tinh thần và điều kiện thỏa mãn nhu cầu văn hóa.

Đến một giai đoạn phát triển nào đó thì thước đo các giá trị tinh thần chiếm một vị trí quan trọng hơn và nó trở thành một tiêu chí cực kỳ quan trọng để so sánh TP này với TP khác.

Cuối năm 2015, tôi thực hiện việc nghiên cứu đánh giá 25 năm phát triển ở vùng đất phía nam TP, các tiêu chí đánh giá dùng để phỏng vấn 600 hộ gia đình được đo lường hầu hết xoay xung quanh chất lượng sống cơ bản như thu nhập, diện tích nhà ở, tivi, tủ lạnh, xe máy, máy tính, điện thoại, máy giặt...

Trong khi đó, một nghiên cứu tương tự về chất lượng sống của các đồng nghiệp ở Singapore, Nhật Bản lại thiên về nghiên cứu mức độ thỏa mãn tinh thần và sáng tạo của người dân ra sao.

Những câu hỏi đại loại như: sau một năm ông, bà đã đi du lịch được những đâu; đã xem được bao nhiêu lần biểu diễn nghệ thuật, đã tham gia vào bao nhiêu lần triển lãm; đã đọc được bao nhiêu cuốn sách; đã có những hoạt động sáng tạo cá nhân nào; đã tham gia các hoạt động cộng đồng nào...

Sử dụng thời gian nhàn rỗi một cách có văn hóa là chứng tỏ trình độ dân trí và mức hưởng thụ cao của một xã hội phát triển đã vượt qua mức cơ bản và tối thiểu. Hi vọng không bao lâu nữa, chất lượng sống của người dân TP.HCM sẽ được bổ sung thêm những tiêu chí mang tính nhân văn như vậy.

4 chỉ số đo

Chất lượng sống được hiểu là mức độ và cách thức thỏa mãn các nhu cầu ngày càng tăng của con người với hai cấp độ: cơ bản và nâng cao.

Bất luận trong trường hợp nào khi nói đến chất lượng sống thì phải có các chỉ số cụ thể và phải định lượng, đo lường được.

Ở mức cơ bản nó bao gồm bốn chỉ số đo lường là: về kinh tế (thu nhập, nhà ở, nước sạch...), môi trường (mảng xanh, mức độ kiểm soát ô nhiễm...), chính trị - văn hóa và xã hội (thể chế, dân chủ, mức độ tham gia của người dân vào hoạch định chính sách; tiếp cận dịch vụ công...), y tế - giáo dục và an sinh (mức độ tiếp cận đến y tế - giáo dục, mức độ an ninh - an toàn - an sinh).

TS NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên