03/08/2016 10:37 GMT+7

​4 cách người tiêu dùng khiếu nại về quyền lợi của mình

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh tiếp nhận yêu cầu tư vấn, giải quyết khiếu nại qua 4 phương thức: tổng đài, đường bưu điện, email, trang web.

Cụ thể, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương tiếp nhận yêu cầu tư vấn và khiếu nại qua 4 phương thức sau: tổng đài hỗ trợ, tư vấn người tiêu dùng 18006838; qua đường bưu điện tại địa chỉ: 25 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; e-mail: [email protected]; trang web bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: http://www.vca.gov.vn/donkhieunaibvntd.aspx?Cate_ID=444.

Cục Quản lý cạnh tranh vừa cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng đài hỗ trợ, tư vấn người tiêu dùng (18006838) đã nhận được hơn 3.300 ý kiến, khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó xử lý được 62,28%.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (138 trường hợp, chiếm khoảng 24,3%). Sau đó là nhóm điện thoại, viễn thông và nhóm đồ điện tử gia dụng. Đây là 3 nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất. Bên cạnh hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (do tính chất tiêu dùng thường xuyên làm phát sinh nhiều vi phạm và phản ánh), thì nhóm “đồ điện tử gia dụng” cũng đang tăng dần số lượng phản ánh, khiếu nại đến tổng đài.

Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng cũng là nhóm hàng bị khiếu nại, phản ánh nhiều tới tổng đài, cụ thể là dịch vụ cho vay tín dụng tiêu dùng, sau đó là nhóm dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển.

Trong số 567 yêu cầu được tiếp nhận, có 27% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là bảo hành với tỉ lệ 21%, bảo vệ thông tin người tiêu dùng với tỉ lệ 20%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (9,3%) và các hành vi khác (5,8%).

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hai thành phố này chiếm tỉ lệ phản ánh nhiều hơn hẳn so với các tỉnh, thành xếp sau đó như Thanh Hóa, Bình Dương và Đồng Nai.

Bên cạnh việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tư vấn, hỗ trợ của người tiêu dùng qua tổng đài 1800 6838, trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận và xử lý 115 vụ việc khiếu nại bằng văn bản của người tiêu dùng. 

Hiện nay, Cục tiếp nhận yêu cầu tư vấn, giải quyết khiếu nại qua 4 phương thức: tổng đài, đường bưu điện, email, trang web.

Thông qua quá trình tiếp nhận khiếu nại, Cục Quản lý cạnh tranh đánh giá bên cạnh tổng đài, phương thức email là phương thức tiếp nhận phản ánh, khiếu nại rất hiệu quả do tính chất nhanh chóng, thuận tiện, phù hợp với số đông người Việt Nam sử dụng internet. Tuy nhiên, mỗi phương thức đều có ưu – nhược điểm riêng đối với mỗi người tiêu dùng. Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh khuyên người tiêu dùng nên cân nhắc và lựa chọn hình thức yêu cầu tư vấn, giải quyết khiếu nại phù hợp với mình nhất để tiết kiệm thời gian, công sức và đạt hiệu quả cao trong việc gửi khiếu nại.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên