4 nhóm vấn đề là về tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa - thể thao và du lịch. Phiên chất vấn sẽ diễn ra từ sáng 4-6, kéo dài đến hết sáng 6-6 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Đăng đàn trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Trong quá trình diễn ra phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ và bộ trưởng các lĩnh vực liên quan cũng sẽ cùng "chia lửa". Khép lại 2 ngày rưỡi chất vấn, Thủ tướng (hoặc phó thủ tướng được ủy quyền) sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Loạt giải pháp cho việc thiếu nước, xâm nhập mặn
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước thời gian qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng.
Cùng với đó, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thiếu nước ngọt cục bộ và thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên xâm nhập mặn đã liên tục xảy ra với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, điển hình như mùa khô 2015-2016, 2019-2020 và mặn cục bộ đầu năm 2024 vừa qua; xâm nhập mặn đang có xu thế sớm hơn, mạnh hơn so với trước đây.
Ông Khánh khẳng định bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề lớn của quốc gia. Do vậy bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng giải pháp khắc phục, phòng chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu và suy giảm, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó chú trọng vấn đề nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực này theo các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.
Xử lý nhiều vi phạm của thương mại điện tử
Trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ năm 2023 bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm.
Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỉ đồng. Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng rà soát, xử lý hàng trăm website/ứng dụng vi phạm mỗi năm, chuyển cơ quan công an xử lý nhiều vụ việc, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại quy mô lớn cho người dân.
Để ngăn chặn những vi phạm xảy ra của hoạt động thương mại điện tử, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Diên đưa ra nhiều giải pháp về thông tin, tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo, thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi...
Còn theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, trong 5 năm gần nhất (2019 - 2023), Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị trên 331.370 tỉ đồng.
Đáng chú ý, 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm ở 12 địa phương
Trong báo cáo gửi các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã điểm qua một số sản phẩm du lịch đêm đã được đưa vào phục vụ, tạo ấn tượng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Ông nêu rõ sẽ phối hợp với các tỉnh thành thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương trọng điểm. Trong đó, trọng tâm là xây dựng quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Về tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động du lịch đêm, bộ định hướng phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm theo hình thức: tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận