11/06/2024 07:16 GMT+7

4 bệnh nấm da phải cẩn thận mùa mưa: Bác sĩ chỉ cách chăm sóc đúng

Vào mùa mưa, không khí ẩm, quần áo phơi còn ẩm ướt, hoặc dễ kẹt xe hàng giờ trên những con đường ngập nước bẩn tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nấm da phát sinh như lang ben, nấm móng...

Cẩn thận các bệnh nấm da vào mùa mưa - Ảnh minh họa

Cẩn thận các bệnh nấm da vào mùa mưa - Ảnh minh họa

Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nấm là loại sinh vật sống ký sinh vào vật chủ như: thú vật, thực vật, con người…, phát triển tốt ở nhiệt độ nóng ẩm (27-35 độ C). Các bệnh nấm da thường gặp gồm:

- Lang ben: có hai dạng màu trắng và màu đen, gây ngứa nhiều, đặc biệt khi ra nắng và đổ nhiều mồ hôi.

- Nấm hắc lào: đặc trưng là ngứa vùng bị bệnh, biểu hiện vùng da có vệt màu hơi đỏ, có viền và bờ rõ rệt, trên viền có các mụn nước lấm tấm. Viền nấm có xu hướng ngày càng lan rộng tạo thành nhiều hình vòng cung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Khi người bệnh ngứa, gãi sẽ làm lây lan ra nhiều vùng hắc lào trên cơ thể mình. Bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc như từ thú vật (đặc biệt là thú cưng như chó, mèo), đồ dùng chung như khăn lau, chăn, gối, quần áo… Vì vậy cần sử dụng riêng đồ cá nhân để hạn chế lây lan.

- Nấm kẽ: thường gặp ở người làm các công việc tiếp xúc với nước nhiều như: người làm vệ sinh cống rãnh, nông dân, người buôn bán đồ thủy sản… Đặc biệt vào mùa mưa, khi phải tiếp xúc với nước bẩn ngập trên đường cũng tăng nguy cơ nhiễm nấm kẽ.

- Nấm móng: bệnh xuất hiện ở bờ tự do của móng hay ở hai bên cạnh của móng. Khi bị bệnh, móng sẽ mất màu bóng, bị đẩy nhô lên hoặc khuyết vào, mặt móng lỗ chỗ hoặc thành rãnh, dưới rãnh có chất bột vụn. 

Móng của người bệnh càng ngày càng bị sần sùi, màu vàng hoặc đục. Bệnh có thể lây từ móng này sang móng khác.

Để phòng ngừa nhiễm nấm, theo bác sĩ Ngân, cần chú ý giữ quần áo, giày dép khô ráo, thoáng mát. Nên chuẩn bị một đôi giày thay đổi luân phiên khi đi mưa.

Sau khi lội nước bẩn, cần vệ sinh tay chân với xà phòng và nước sạch, lau khô thoáng. Khi phát hiện vùng da bị ngứa và xuất hiện các chấm đỏ lây lan hình vòng cung, cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có thuốc bôi phù hợp, tránh để lây lan sang vùng da khác trên cơ thể.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia da liễu, tốt nhất tránh đi vào vùng nước có màu đen, nổi váng bẩn, khi lội nước nên đi ủng, đeo găng tay cao su để phòng tránh, sau khi làm việc tiếp xúc ẩm ướt, bùn lầy phải tắm bằng nước sạch, rửa, kỳ cọ tay chân sạch, chú ‎ý các móng tay, móng chân, các kẽ ngón tay, ngón chân và các nếp gấp da (cổ, nách, bẹn, khuỷu tay, mu bàn chân…).

Chú ý gội đầu sạch và đầu tóc phải luôn khô, khi da bị xây xước phải rửa sạch bằng xà phòng, lau khô, có thể thoa các thuốc sát khuẩn ban đầu như: dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, dung dịch xanh methylen (Milian)…

Vào mùa mưa lũ, các bệnh ngoài da có thể bị lây trực tiếp hay gián tiếp, trong đó trực tiếp là chủ yếu, đặc biệt trong môi trường ẩm ướt. 

Vì vậy vấn đề ‎ý thức cá nhân và vệ sinh phòng bệnh rất quan trọng, khi thấy trên da hay các kẽ ngón chân bị ngứa, đỏ, không gãi nhiều, móng tay sắc, bẩn dễ làm xây xước chỗ ngứa khiến bệnh nặng thêm.

Khi mắc các bệnh ngoài da không được dùng chung lược, giày, dép, khăn mặt, giặt chung quần áo với người khác. Thấy da xuất hiện thêm các triệu chứng khác thường cần đến các cơ sở y tế để điều trị nhằm tránh bệnh nặng lên và những biến chứng khác có thể xảy ra.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa mưa bão:

Rửa tay thường xuyên với xà phòng

Mưa nhiều gây ra độ ẩm cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển và gây bệnh. Khi vô tình tiếp xúc với những đồ vật có chứa vi khuẩn, vi rút gây bệnh, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ gặp nguy hiểm.

Vì vậy, bạn hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh để hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể.

Hạn chế dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng

Vi khuẩn, vi rút gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua mắt, mũi, miệng. Vì vậy, bạn nên hạn chế dùng tay dụi mắt, mũi, miệng hoặc lau mồ hôi, thay vào đó có thể dùng khăn sạch hoặc khăn tay.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên rửa mặt thường xuyên để loại bỏ các vi khuẩn, bụi bẩn trên mặt và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%.

Ăn chín uống chín

Thực phẩm bán vỉa hè hoặc những nơi không đảm bảo vệ sinh có thể tiếp xúc với các mầm bệnh trong không khí và nước. Để đảm bảo an toàn, bạn nên lựa chọn những thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng.

Bạn cũng có thể tự chế biến để đảm bảo bữa ăn an toàn với nguyên tắc ăn chín uống chín.

Tăng cường vitamin cho cơ thể

Bạn có thể tăng sức đề kháng của cơ thể bằng cách bổ sung vitamin C và E ở dạng tự nhiên (cam, quýt, ổi, sơ ri…) hoặc sử dụng các loại thực phẩm bổ sung. Các vitamin này giúp kích hoạt kháng thể giúp loại bỏ vi rút cúm nhanh hơn và làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bạn nên đưa các loại trái cây tươi và rau củ quả giàu vitamin A, E, C, và B, chất chống oxy hóa và khoáng chất vào khẩu phần ăn hằng ngày, cũng như ăn một bát canh nóng trong mỗi bữa ăn để giúp cân bằng thân nhiệt và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Uống đủ nước

Uống đủ nước cho cơ thể giúp bạn chống lại và ngăn ngừa nhiều bệnh tật, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Nước làm sạch cơ thể và hỗ trợ thải bỏ vi trùng, vi khuẩn ra ngoài cơ thể, giúp ngăn ngừa nguy cơ cảm lạnh, cảm cúm.

Phòng chống muỗi, côn trùng chích

Thời tiết ẩm ướt cũng là môi trường để muỗi và côn trùng sinh sôi và phát triển. Do đó, bạn hãy giữ nhà cửa khô ráo, sạch sẽ, để ý đến các chậu hoa, vòi phun nước, cống rãnh… khắp mọi ngóc ngách trong nhà và dọn dẹp, lau chùi để nước không đọng lại.

Ngoài ra, bạn có thể dùng thuốc xịt, nhang chống muỗi và côn trùng hoặc bôi kem chống muỗi trên cơ thể và ngủ mùng để tránh bị muỗi và côn trùng chích.

Tăng cường rèn luyện thể chất

Rèn luyện thể chất là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ cơ thể trong mùa mưa bão. Khi cơ thể hoạt động sẽ phóng thích ra năng lượng và được chuyển hóa thành nhiệt năng, giúp cơ thể chống lại thời tiết lạnh ngoài trời.

Trong mùa mưa bão, bạn nên chọn những môn thể thao phù hợp trong nhà để duy trì luyện tập.

Tránh vùng ngập nước

Nước bẩn đọng lại sau mưa bão là nguyên nhân gây ra các bệnh do tiếp xúc với nước bẩn như bệnh tiêu chảy, bệnh cúm, bệnh tả và nhiễm trùng da, nấm.

Trong mùa mưa bão, bạn nên chuẩn bị sẵn một chiếc áo khoác (có trùm đầu), áo mưa, ô dù và nhất là một đôi ủng không thấm nước hoặc giày cao su để sử dụng khi trời mưa, giúp giữ khô chân, không bị nhiễm nước bẩn.

Tìm nơi trú khi trời mưa

Khi mưa lớn và nặng hạt, bạn nên tìm nơi trú ẩn và cố gắng không để cơ thể bị ướt. Bên cạnh đó, bạn không nên đứng gần cột điện hay dưới gốc cây để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.

Số người Việt không biết bị nhiễm nấm phổi chiếm đến 90%Số người Việt không biết bị nhiễm nấm phổi chiếm đến 90%

Nấm phổi được ví như 'kẻ giết người giấu mặt', với tỉ lệ gây tử vong cao (khoảng 50-70%) nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện Việt Nam có đến 90% số người nhiễm nấm phổi chưa được phát hiện và điều trị.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên