Trao đổi với Tuổi Trẻ, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định trong hơn 5 năm giữ cương vị chủ tịch Quốc hội (từ 2006 - 2011), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành lời hứa của mình khi phát biểu nhậm chức chủ tịch Quốc hội khóa XII vào ngày 23-7-2007.
Lời hứa đó là "sẽ phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân".
Quan trọng hơn, trong gần 3 nhiệm kỳ giữ cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng bí thư càng cho thấy ông đã hết lòng hết sức phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Đó là một tấm gương đạo đức cách mạng có sức lan tỏa vô cùng lớn với thế hệ sau.
Kính trọng người "anh cả"
* Là người có thời gian làm việc cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, những điều gì ở Tổng bí thư mà ông ấn tượng, thưa ông?
- Tôi may mắn có quãng thời gian gần 5 năm là người cộng sự, làm việc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thời điểm đó, Tổng bí thư giữ cương vị chủ tịch Quốc hội khóa XII, còn tôi là phó chủ tịch Quốc hội phụ trách mảng kinh tế, tài chính - ngân sách và khoa học - công nghệ. Thời gian không nhiều nhưng để lại cho tôi những ấn tượng rất sâu sắc, vô cùng kính trọng về người lãnh đạo trực tiếp, người "anh cả - bác Trọng" mà chúng tôi thường gọi.
Ấn tượng đầu tiên, phải khẳng định anh Trọng là con người có hiểu biết rộng, bao trùm tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao...
Anh cũng có tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược về các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước. Cho nên khi là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thì những hiểu biết của anh được thể hiện vào quá trình triển khai công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khi đó.
Anh thường nhắc nhở tôi phải rất chú ý nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Trong đó, thực tiễn là linh hồn, gắn thực tiễn với lý luận hài hòa với nhau. Có như vậy, tham mưu, đưa ra các nội dung gắn liền với các báo cáo, đề án, dự án luật mới đi vào cuộc sống.
Ấn tượng thứ hai, anh Trọng là người lãnh đạo luôn đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm, tính hiệu quả của công việc được giao. Đặc biệt khi đã giao rồi anh Trọng rất tin tưởng ở mọi người, ít khi nhắc lại. Chính vì niềm tin đó nên mọi người càng phải lao vào làm việc tốt hơn.
Thế nhưng trong đời sống hằng ngày anh lại là người rất chân thành, thân tình, cởi mở, chan hòa, dễ gần như người thân trong gia đình. Chính vì vậy có những việc chung, việc riêng cũng dễ tâm tình, phản ánh để người lãnh đạo biết được và có chỉ đạo hiệu quả.
Ấn tượng thứ ba, anh Trọng là người rất coi trọng phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Rất trân trọng, lắng nghe một cách chân thành, lắng nghe thực tâm chứ không phải hình thức với các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân (trực tiếp hoặc gián tiếp).
Chính vì thế trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo, anh đưa ra các ý kiến sát với thực tế, người dân, đòi hỏi thiết thực với người dân. Từ đó giúp các quyết sách, luật của Quốc hội dễ đi vào đời sống, thu hút sự đồng tình và ủng hộ cao của cử tri, nhân dân cả nước.
Ấn tượng thứ tư, anh Trọng là người rất khiêm tốn, hiền từ nhưng rất kiên quyết trong các vấn đề mang tính nguyên tắc, kỷ cương công việc. Khi phát biểu hay viết, anh rất cẩn thận, chỉn chu, thể hiện bằng các từ ngữ và cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề chứ không vòng vo, mở đầu khóa đuôi dài dòng.
Anh không nói nhiều nhưng rất chặt chẽ. Vì vậy tiết kiệm được thời gian, chất lượng ý kiến phát biểu, viết có tính chỉ đạo, dễ đi vào các đối tượng cán bộ, quần chúng. Thực tế không ít người hay dùng những từ ngữ mỹ miều, bay bổng nhưng ở anh Trọng thì không phải vậy, từ ngữ rất đơn giản và dễ hiểu.
Tạo cảm hứng để cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ
* Vậy đâu là nội dung được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng giao điều hành mà ông nhớ nhất?
- Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, có sự chuyển mình về tổ chức. Trong đó, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách được tách làm hai, gồm Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Việc tách này giúp Quốc hội có thực quyền hơn trong xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính công, tài sản công, thu - chi ngân sách nhà nước...
Với các khối của Quốc hội, anh Trọng không bao giờ so sánh khối này quan trọng hơn khối kia mà đều tạo cảm hứng để các khối, lĩnh vực cố gắng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Riêng khối kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ, anh Trọng rất tin tưởng tôi. Khi điều hành Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội, anh hoàn toàn không can thiệp, áp đặt mà rất dân chủ.
Anh rất chịu khó lắng nghe các ý kiến đa chiều, ít khi phát biểu trước trong các phiên họp. Với các nội dung giao cho tôi điều hành, phụ trách khi còn nhiều ý kiến khác nhau, báo cáo lại anh, anh thường đề nghị tôi cân nhắc kỹ lưỡng, lắng nghe, xem xét các ý kiến để điều hành, xử lý hợp lý.
Một người cán bộ lãnh đạo tin vào cán bộ cấp dưới là điều ít người lãnh đạo có được. Bởi thực tế có không ít người lãnh đạo giao cho cấp dưới rồi nhưng vẫn cảm thấy ngờ vực và nhiều khi còn can thiệp, bao sân vào, hạn chế tính sáng tạo của anh em.
Trong các buổi sinh hoạt hằng ngày, giao ban hằng tuần của chủ tịch Quốc hội với các phó chủ tịch Quốc hội hay gặp mặt riêng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, anh Trọng cũng đều chia sẻ "chúng mình được Đảng giao, dân giao nên cố gắng tham mưu cho Quốc hội hoàn thành một cách tốt nhất có thể các chức năng của Quốc hội".
Ông Nguyễn Đức Kiên nói: "Nhiều tư tưởng, chỉ đạo của anh khi làm chủ tịch Quốc hội khóa XII đến nay vẫn đang được tiếp nối. Quan trọng hơn cả là các thế hệ tiếp theo phải tiếp tục phát huy được những trí tuệ, đóng góp to lớn của anh cũng như các lãnh đạo Quốc hội khác trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Để Quốc hội luôn xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp".
Cùng ăn chung với anh em trong nhà ăn tập thể
Thời kỳ Quốc hội khóa XII, trụ sở Quốc hội nằm ở 37 Hùng Vương (Hà Nội) trong khi Nhà Quốc hội còn đang xây dựng, phòng làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các phó chủ tịch như chúng tôi rất đơn giản.
Tôi nhớ phòng làm việc của anh Trọng nằm trong nhà cũ được xây từ thời Pháp rất giản dị, ngăn nắp, không bài trí, trang trí cầu kỳ. Trong phòng cũng không có từng phòng nhỏ mà chỉ có bàn ghế làm việc, tủ tài liệu và có một tấm vách ngăn để kê một giường nhỏ dùng nghỉ buổi trưa.
Trong sinh hoạt hằng ngày khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và trước đó là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An vào buổi trưa vẫn ăn chung với anh em trong nhà ăn tập thể của Văn phòng Quốc hội chứ không về nhà. Khi ăn cũng gọi các đồ ăn như anh em khác chứ không có phân biệt. Các anh em văn phòng, bảo vệ cũng ăn chung ở đó với anh và chúng tôi.
Cùng với đó, có những việc gì, kể cả lúc công việc hay nghỉ ngơi, anh thường vỗ vai rồi xưng hô "cậu, tớ" rất thoải mái. Khi đó, có những thứ anh nói về việc chung hay nói về ứng xử đời thường, rất gần gũi chan hòa.
Ông Nguyễn Đức Kiên
Nhớ thuở hàn vi khó nhọc
Trong khu vườn xanh ngắt cạnh ngôi nhà Bắc Bộ ở thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), thầy giáo Ngô Bá Dục (81 tuổi) hướng ánh mắt ra khoảng sân “5 - 6 thế hệ” bước qua, cũng là nơi có nhiều kỷ niệm với bạn đồng môn từ thuở hàn vi - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lật giở từng bức ảnh cũ, ông kể ngày xưa trong làng rất ít người đi học. Cấp I, anh em trong làng cùng đi học ở đình làng do một cụ giáo già mở. Là lớp ghép, anh lớn thì làm tính đố và học tiếng Pháp, còn ít tuổi như ông với ông Trọng thì viết chính tả, làm toán cộng trừ nhân chia.
Lên cấp II, đôi bạn đi trọ gần trường rồi góp gạo thổi cơm chung, coi nhau như gia đình.
“Sáng đi học, chiều chăn trâu, tát nước, nhổ mạ, trông em giúp bố mẹ. Buổi tối chơi được một chút, có hôm tối thì sang nhà tôi nằm chung phản, ông Trọng cũng thế thôi. Cả làng chỉ có ba người học lên lớp 10. Gia đình cho 15 đấu gạo, muốn thêm tiền tiêu thì phải tự kiếm”, thầy Dục nói.
Theo lời ông Dục, việc đi học rất gian nan, chỉ có cơm rau, tiết kiệm đến mức là khi sông Hồng nước lũ lên, bà con bơi ra vớt củi rều (củi vụn) đổ đống lên bờ rồi phơi, bớt tiền mua củi nấu cơm.
Khi học cấp III, hết giờ học chiều, hai ông bạn rủ nhau vào khu nhà máy ở Đức Giang (huyện Gia Lâm ngày xưa) dạy bổ túc cho công nhân công ty bông vải sợi. Tiền công 7 hào/tiết, mỗi tối được hơn 2 đồng, mỗi tuần dạy hai buổi.
“Nhà anh Trọng kinh tế cũng không dư dả nên chúng tôi thân ái, yêu thương, động viên nhau tập trung học hành. Ngày ngày hai bữa cơm rau, đêm đêm chăn mỏng cho nhau ấm cùng.
Tính anh Trọng thì rất cẩn thận, chu đáo, mẫu mực, chân thành. Anh là người văn hay, chữ đẹp nhưng khiêm tốn. Ở làng này không ai hiểu anh bằng anh em chúng tôi”, cụ ông 81 tuổi nói.
Sống phép tắc, chan hòa
Ông Dục chầm chậm kể năm 1970 ông làm đám cưới đúng mùng một Tết dương lịch. Hai người bạn là Nguyễn Phú Trọng và Vương Khắc Côn xuống nhà giúp cắt chữ trang trí, làm phòng cưới. Khoảng 18h tối có điện, mọi người mới liên hoan.
“Ông Trọng là người rất chu đáo, trách nhiệm. Khi đó chưa vợ nên được nhờ làm phù rể”, ông tiết lộ.
Nhận xét bạn học là người lặng lẽ, khiêm nhường, trách nhiệm, khi họp lớp, dù là chức vụ gì, nếu không bận thì ông Trọng đều thu xếp đến. Có lần Tổng bí thư, khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, vẫn bắt xe ôm từ phố Đặng Tất ra nhà nổi Hồ Tây khiến ai cũng bất ngờ.
Có khi ở lớp truyền đạt nghị quyết, đến giờ giải lao, hai người bạn mới gặp nhau hỏi chuyện sức khỏe, tình hình quê quán.
“Ông Trọng không quên bạn bè, không quên quê hương đâu”, ông Dục nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận