Mới đây Viện KSND quận 6 có quan điểm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, đòi bồi thường oan sai của ông Cường đối với đơn vị này vì cho rằng hết thời hiệu.
Dù vụ kiện chưa được tòa xét xử, nhưng với quan điểm trên của Viện KSND quận 6 (bị đơn), khiến lòng tin vào công lý của ông Cường một lần nữa bị giội "gáo nước lạnh".
38 năm vẫn mang nỗi oan ức với thân phận bị can
Trong cái nóng hầm hập của TP.HCM những ngày tháng 6, chúng tôi gặp ông Trịnh Dân Cường tại một căn nhà ọp ẹp, nằm sâu trong hẻm nhỏ trên đường Văn Thân (phường 8, quận 6).
Ở cái tuổi gần thất thập, lẽ ra đang an hưởng tuổi già thì ông Cường vẫn sống một cuộc đời cô độc, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Hàng xóm không biết nhiều về ông Cường bởi ông sống khép kín, tách biệt với người xung quanh. Cửa nhà ông cũng hiếm khi rộng mở như hôm tiếp chúng tôi.
"Tôi bức xúc lắm, tôi đã phải kiềm chế rất nhiều", ông Cường mở đầu câu chuyện khi cầm trên tay biên bản của tòa án, trong đó ghi ý kiến của viện kiểm sát.
Dù mù chữ nhưng toàn bộ giấy tờ liên quan đến vụ án, cũng như những bài báo tường thuật phiên tòa mấy chục năm về trước vẫn được ông Cường giữ gìn kỹ lưỡng.
Hồ sơ thể hiện, đêm 27-2-1985, nhà số 288B Bãi Sậy (phường 7, quận 6) báo tin mất trộm vàng. Sau đó, lần lượt những người trong căn nhà liền kề bị Công an quận 6 bắt giữ gồm: ông Cường (ở rể) cùng ông Hồ Văn Được và Trần Đức Ẩn (anh em trong nhà vợ ông Cường).
Quá trình điều tra không chứng minh được tội phạm nên lần lượt ông Ẩn và ông Cường được trả lại tự do, riêng ông Được đã tự tử trong trại giam Chí Hòa vì bị bức cung. Sau khi được thả không lâu, ông Ẩn cũng qua đời vì lý do sức khỏe.
Tận ba năm sau, công lý mới bắt đầu "mỉm cười" với ông Cường khi tòa án hai cấp đưa ra xét xử và tuyên phạt đối với những cán bộ, lãnh đạo công an và Viện KSND quận 6 đã gây ra nỗi oan ức cho các ông Cường, Được, Ẩn.
Dù đã rõ như vậy, nhưng những người phải gánh chịu hậu quả từ những sai lầm trên không nhận được bất kỳ câu xin lỗi nào. Cho đến nay, hơn 38 năm qua đi, ông Cường vẫn mang thân phận của một bị can.
Cần sự công bằng, không phải lòng thương hại
Dù đã già, không còn nhanh nhạy nhưng khi nhắc lại chuyện cũ, ông Cường vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ. Câu chuyện ông kể hệt cuốn phim buồn tua ngược về cuộc đời ông.
"Sau khi được thả về tôi mới hay vợ đã có người đàn ông khác nên tôi về sống với mẹ, nhưng sau đó mẹ đi định cư ở nước ngoài. Tôi ở lại với anh chị nhưng nhà đông người quá, mình lại mang thân tù tội nên cảm thấy không khí gia đình không vui vẻ gì.
Năm 2006, tôi dọn ra ở nhờ nhà của đứa cháu ruột coi như vừa giữ nhà cho nó, vừa để không làm gánh nặng cho người khác", ông Cường chia sẻ.
Do tuổi già, sức khỏe lại bị ảnh hưởng trong thời gian bị giam giữ nên ông rất chật vật lao động kiếm cơm. Làm việc nặng nhọc thì không nổi, làm bảo vệ cũng không xong vì hay đau ốm.
"Giờ già rồi đâu có làm gì nổi, tôi sống chủ yếu nhờ tiền của mấy đứa cháu, hàng xóm cho. Cũng có khi tôi đi bộ lang thang trên đường xin tiền từ thiện. Tôi còn may mắn vì còn nhiều người thương, cho tiền ăn thậm chí cho đi khám bệnh nhưng nói thật tôi áy náy lắm.
Hôm nay xin, không lẽ ngày mai tôi xin tiếp? Tôi cũng có lòng tự trọng. Những lúc nhận được sự giúp đỡ tôi lại nghĩ sao cuộc đời mình lại khổ vậy, mấy ngàn trong túi cũng không có", ông Cường chua xót.
Về lý do khởi kiện chậm, ông Cường cho biết lúc trước cũng khiếu nại nhiều nơi nhưng đều được động viên "thôi bỏ đi, ra được là mừng rồi". Hơn nữa, mưu sinh mới là mối bận tâm hơn cả với ông Cường thời điểm đó.
"Chú biết mà, tôi người Hoa không biết chữ, ít hiểu biết nên đâu có rành khiếu nại, kiện tụng. Trước giờ cũng có nhiều luật sư giúp đỡ cho tôi nhưng họ cũng cần kinh phí mà tôi thì làm gì có tiền", ông Cường nói.
Mãi đến đầu năm nay, thông qua sự giới thiệu của một luật sư, ông Cường tìm gặp ông Nguyễn Công Trung (trưởng đoàn thiện nguyện hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam) nhờ giúp đỡ.
"Anh Cường không phải là đối tượng hỗ trợ của hội nhưng anh nhiều lần đến nhà, khẩn thiết xin giúp đỡ nên tôi mới xem hồ sơ thì thấy trường hợp của anh quá thương cảm.
Hơn nữa, tôi thấy vụ việc có nét tương đồng với vụ anh Nguyễn Văn Dũng cựu chiến binh ở Tây Ninh được tòa tuyên thắng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh khi đòi bồi thường do bị bắt oan, nên tôi có niềm tin sẽ giúp anh đòi lại công bằng", ông Trung nói.
Với niềm tin đó, ông Trung trở thành người đại diện của ông Cường và nộp đơn khởi kiện Viện KSND quận 6 vào ngày 14-2, vì cho rằng đơn vị này phê chuẩn các lệnh khởi tố, bắt giam oan ông Cường.
Theo đơn khởi kiện, ông Cường yêu cầu phía bị đơn là Viện KSND quận 6: ra quyết định đình chỉ điều tra bị can; trực tiếp xin lỗi tại nơi bắt giữ; đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên và bồi thường 6,8 tỉ đồng các khoản thiệt hại.
Tuy nhiên, Viện KSND quận 6 dựa vào hướng dẫn của Viện KSND TP.HCM, cho rằng đề nghị của ông Cường đã hết thời hiệu giải quyết.
Từ đó Viện KSND quận 6 giữ nguyên quan điểm không chấp nhận yêu cầu bồi thường oan sai của ông Cường.
Sau cái "lắc đầu" từ phía viện kiểm sát, ông Cường chỉ còn có thể trông đợi vào một phán quyết công tâm, thuận tình hợp lý với những gì ông đã phải chịu đựng trong 38 năm qua.
Viện KSND tối cao thông báo rút kinh nghiệm về vụ việc tương tự
Qua công tác hướng dẫn việc thực hiện bồi thường đối với ông Nguyễn Văn Dũng (65 tuổi, ngụ Tây Ninh), Viện KSND tối cao đã thông báo để viện kiểm sát các cấp để rút kinh nghiệm chung.
Theo nội dung vụ án, ông Dũng bị Công an huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh bắt oan năm 1979. Đến năm 1983 thì Viện KSND tỉnh Tây Ninh đình chỉ điều tra và xác định ông Dũng không phạm tội.
Theo thông báo, trường hợp này là điển hình về việc xảy ra đã lâu, hồ sơ tố tụng, giấy tờ sổ sách chứng minh việc ông Dũng gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đến các cơ quan có thẩm quyền bị thất lạc, mất nhiều thời gian tìm kiếm khôi phục.
Những người gây ra vụ án oan trả giá
Ngày 21-3-1989, TAND tối cao xử phúc thẩm, tuyên án sơ thẩm 5 năm tù với Nguyễn Hữu Đô (cựu đội trưởng đội điều tra hình sự Công an quận 6) và cảnh cáo ông Võ Tấn Sĩ (cựu phó trưởng Công an quận 6) cùng về ba tội danh: bắt người trái pháp luật, giữ người trái pháp luật và giam người trái pháp luật.
Liên quan vụ án, ông Nguyễn Kiên Trung (cựu trưởng phòng PC14 Công an TP.HCM) và Nguyễn Tấn Đồng (cựu viện trưởng Viện KSND quận 6) cùng bị cảnh cáo.
Theo bản án phúc thẩm, vào lúc 22h ngày 27-2-1985 sau khi nhận tin nhà số 288B Bãi Sậy bị mất vàng, Công an quận 6 đã kiểm tra hiện trường và tạm giữ ba người: Hà Văn Được, Trần Đức Ẩn và Đồng Văn Út, cùng ngụ nhà kế bên.
Sáng 28-2-1985, sau khi xem xét lại hiện trường, ông Trần Văn Răng (đội phó đội điều tra hình sự Công an quận 6) kết luận là hiện trường giả nên trả tự do cho ba người trên.
Thế nhưng sau khi kiểm tra hiện trường một lần nữa, ông Nguyễn Hữu Đô nghi vấn ông Trịnh Dân Cường nên báo cáo và xin ông Võ Tấn Sĩ ký lệnh bắt, khám xét khẩn cấp ông Cường và ông Hồ Văn Được.
Còn lệnh bắt, khám xét ông Trần Đức Ẩn thì do Hồ Văn Sửa (phó Công an quận) ký vì lúc đó ông Sĩ đi vắng.
Qua ba tuần lễ điều tra, các đối tượng đều không khai báo gì cả, việc điều tra không có kết quả. Được ông Sĩ đồng ý, ông Đô chuyển ba ông Cường, Được, Ẩn về trại giam mặc dù vẫn chưa khởi tố vụ án. Và họ cũng chỉ có lệnh tạm giữ 3 ngày do ông Nguyễn Kiên Trung, trưởng phòng PC14, ký.
Đến ngày 8-4-1985, sau một buổi hỏi cung, ông Được đã thắt cổ tự tử trong buồng giam vì bị bức cung. Sau khi ông Được chết, để hợp thức hóa hồ sơ nhằm che giấu việc bắt, giam giữ người trái pháp luật, ông Đô chỉ đạo cho các cán bộ trong đội viết các quyết định khởi tố bị can, khởi tố vụ án đối với các ông Cường, Ẩn và Được.
Hồ sơ vụ án tiếp tục được điều tra. Sau khi Viện KSND quận 6 kết luận, ông Cường và ông Ẩn được trả lại tự do. Ông Ẩn bị bắt ngày 1-3-1985 đến 19-9-1985 được tha và bệnh chết ngày 27-7-1986.
Ông Cường bị bắt ngày 2-3-1985, chuyển lên trại Tống Lê Chân ngày 28-11-1985 để tập trung cải tạo, mặc dù chưa có quyết định của UBND TP.HCM. Đến ngày 3-2-1986, ông Cường mới được trả tự do.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận