12/12/2019 16:09 GMT+7

37.000 phương tiện giao thông bị thu giữ đã biến thành sắt vụn

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Tại phiên điều trần trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết hiện có khoảng 37.000 phương tiện giao thông bị tạm giữ, tịch thu đã hư hỏng.

37.000 phương tiện giao thông bị thu giữ đã biến thành sắt vụn - Ảnh 1.

Tân chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khai mạc phiên giải trình - Ảnh: LÊ KIÊN

Chiều 12-12, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an, đã thừa ủy quyền của bộ trưởng đến giải trình tại phiên họp.

Giữ lâu làm nhiều phương tiện cũ nát

Theo tướng Ngọc, từ năm 2013 đến tháng 9-2019, tổng số phương tiện đã tạm giữ là gần 4,3 triệu (gần 249.000 ôtô, hơn 3,9 triệu môtô). Hiện đang tồn đọng khoảng gần 137.000 phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được (hơn 700 ôtô, hơn 134.000 môtô và hơn 2.000 phương tiện khác), trong số đó có gần 20.000 phương tiện chưa xác định được chủ sở hữu.

Một trong những nguyên nhân, theo tướng Ngọc, là quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm. Vì vậy, khi người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ phương tiện thì phải chờ hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mới thực hiện thủ tục xử lý phương tiện.

Thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện cũng mất rất nhiều thời gian, nhiều khâu: xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, tra cứu hồ sơ để xác định phương tiện đó có nằm trong cơ sở vật chứng hay không, định giá, ra quyết định tịch thu, lập phương án xử lý tài sản đối với từng phương tiện.

Pháp luật cũng chưa quy định cụ thể, rõ ràng về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm.

"Tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Trong tổng số gần 137.000 phương tiện tồn đọng, có gần 100.000 phương tiện còn sử dụng được, hơn 37.000 phương tiện đã hư hỏng", ông Ngọc cho biết.

Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất tại các nơi tạm giữ phương tiện của công an các đơn vị, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều đơn vị phải tạm giữ phương tiện ngay tại trụ sở, nơi khác thì phải thuê chỗ tạm, không tránh được việc để phương tiện bị phơi mưa, phơi nắng, hỏng hóc, không còn sử dụng được.

37.000 phương tiện giao thông bị thu giữ đã biến thành sắt vụn - Ảnh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết Bộ Công an kiến nghị mở rộng hình thức đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm để giảm số lượng phương tiện bị thu giữ - Ảnh: LÊ KIÊN

Cần đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý

Một vấn đề nữa được tướng Ngọc nêu là có nhiều phương tiện tự chế, không có đăng ký, hết niên hạn sử dụng ở Tây Nguyên, Tây Bắc Bộ, Tây Nam Bộ... Theo quy định thì các phương tiện này không được tham gia giao thông và bị tịch thu, tuy nhiên thực tiễn thời gian qua cho thấy việc tịch thu rất khó khăn, chưa được sự đồng thuận của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

"Thậm chí ở một số nơi, người dân còn tập trung, tạo áp lực gây ra sự phức tạp về an ninh chính trị", thứ trưởng Bộ Công an nói.

Do đó, Bộ Công an kiến nghị rà soát, sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan theo hướng: Mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh, hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục ra quyết định xử lý trong trường hợp người vi phạm, chủ sở hữu sau khi đặt tiền bảo lãnh không đến để tiếp tục giải quyết.

Đề nghị quy định đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá.

Đối với phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện không đến nhận lại thì cần có quy định để rút gọn các thủ tục để bán đấu giá, thanh lý tài sản, tránh hư hỏng, tồn đọng phương tiện.

"Đề nghị cho biết là tình trạng chung trong cả nước hiện nay như thế nào? Một chiếc xe máy người ta đang đi, thu giữ một năm trong điều kiện như vậy thì thành sắt vụn hết, và cuối cùng cơ quan công an lại là nơi phải xử lý môi trường", đại biểu Bùi Văn Xuyền phản ảnh tình trạng phản cảm ở những nơi ông giám sát.

"Có những hành vi vi phạm không nhất thiết phải tạm giữ phương tiện lâu. Ví dụ, người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn thì giữ lại, hôm sau người ta hết nồng độ cồn, không còn hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông thì nên trả lại phương tiện".

Thăm dò ý kiến

Bộ Công an đề xuất quá 30 ngày bị tạm giữ mà chủ xe không đến nhận, nhà chức trách có quyền tịch thu, bán đấu giá để sung công quỹ. Bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Giam xe: công an lẫn chủ xe đều Giam xe: công an lẫn chủ xe đều 'khổ'

TTO - Tạm giữ phương tiện (giam xe) là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, lượng xe bị giam ngày càng nhiều khiến phía công an lẫn người bị giam xe đều “khổ”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên