02/06/2019 06:12 GMT+7

365 ngày, ngày nào chẳng phải là Ngày đàn ông?

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TTO - Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng nên có một ngày của nam giới, nhưng không phải gọi là tên Ngày đàn ông.

Tuổi Trẻ Online tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các học giả, chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục, lãnh đạo doanh nghiệp… để cùng lắng nghe quan điểm của họ về Ngày đàn ông, và biến ngày này thành dịp nghỉ lễ.

365 ngày, ngày nào chẳng phải là Ngày đàn ông?  - Ảnh 1.

Đàn ông thường tham gia các công việc nặng nhọc. Trong ảnh các nam thanh niên công nhân tham gia cuộc thi "Bàn tay vàng ngành xây dựng" do Tổng công ty Xây dựng số 1, Đoàn khối Cơ sở Bô Xây dựng tổ chức - Ảnh: QUANG PHƯƠNG

Phần lớn họ cho rằng lấy để làm ngày nghỉ lễ thì không công bằng so với các ngày lễ khác. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến rằng ngày này để đàn ông vùng lên, để đàn ông được yêu thương là không đúng. Ngày đàn ông là ngày để người chồng, người cha nhìn lại trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội!

Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa, ý kiến đàn ông có vai trò rất lớn trong xã hội và gia đình. Hơn nữa, các ngày lễ khác như: Ngày nhà giáo, Ngày phụ nữ Việt Nam, người lao động có được nghỉ đâu. 

"Đàn ông là phái mạnh. Không nhất thiết phải có Ngày đàn ông" để tôn vinh họ, lại càng không nên lấy cớ đó để làm ngày nghỉ", ông nói.

Ông cũng bày tỏ, mỗi dịp nghỉ lễ, mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Ngày nghỉ càng nhiều thì xã hội càng thiệt hại. Đó là chưa kể một thực tế ở Việt Nam vào các dịp lễ, mọi người tập trung giao lưu, ăn nhậu, hò hẹn, chơi bời…

365 ngày, ngày nào chẳng phải là Ngày đàn ông?  - Ảnh 2.

Đàn ông thường tham gia các công việc nặng nhọc. Trong ảnh các nam thanh niên công nhân tham gia cuộc thi "Bàn tay vàng ngành xây dựng" do Tổng công ty Xây dựng số 1, Đoàn khối Cơ sở Bô Xây dựng tổ chức - Ảnh: QUANG PHƯƠNG

Ông Lê Minh Cường, giám đốc điều hành Công ty TNHH Truyền thông giáo dục Minh Thành, cho rằng, ngày lễ nhắc nhở mọi người hướng về, nhớ về những gì thuộc về chủ thể của ngày lễ đó.

"Nam giới chúng ta đã được mệnh danh là phái mạnh, là trụ cột gia đình, trụ cột xã hội, có cần thiết phải có ngày để mọi người phải nhớ, tôn vinh không? Chúng ta cứ sống và cống hiến, mỗi ngày đều tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội thì đó là ngày của chúng ta rồi. Lấy cớ đó để làm ngày nghỉ thì thật khó hiểu.

Tại sao phái mạnh lại phải có một ngày gọi là Ngày đàn ông để tự làm yếu mình đi vậy? Sao không phải ngày nào cũng là Ngày đàn ông, ngày nào cũng là ngày vùng lên? Việc gì phải "vùng lên" có một ngày?", ông Cường nói.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng nên có một ngày của nam giới, nhưng không phải gọi là tên Ngày đàn ông.

"Một ngày không phải tôn vinh, mà để nam giới cảm nhận trách nhiệm với gia đình. Lâu nay, trong những ngày dành cho phụ nữ hay cho ai đó, cũng không ít cánh đàn ông tận dụng để ăn nhậu. Tuy nhiên ngày dành riêng cho anh em nam giới chắc chắn sẽ là ngày dành cho gia đình, và cũng là ngày nhắc nhở anh em cần lo cho gia đình hơn nữa", thạc sĩ Sơn nói.

365 ngày, ngày nào chẳng phải là Ngày đàn ông?  - Ảnh 3.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (trái) giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cùng các sinh viên - Ảnh: QUANG PHƯƠNG

Theo Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý xã hội Việt Nam, thế giới có ngày dành cho nam giới (19/11), vì vậy Việt Nam có Ngày đàn ông, hoặc lấy ngày Quốc tế nam giới để kỷ niệm và tôn vinh cánh mày râu cũng là điều dễ hiểu.

Trước khi công nhận ngày này, cần cung cấp và truyền thông về vấn đề bình đẳng đầy đủ và chính xác. Cần gỡ bỏ quan niệm "bình đẳng giới" chính là "đòi quyền bình đẳng cho nữ" mà bỏ quên cánh đàn ông cũng cần sự quan tâm, chia sẻ và tôn trọng.

Tiến sĩ Hòa An cho rằng, việc bổ sung Ngày đàn ông là cần thiết, tuy nhiên biến ngày này thành ngày nghỉ toàn quốc có vẻ không phù hợp. "Việc chọn ngày nghỉ lễ cho toàn xã hội là việc quan trọng, cần tính toán sao cho người ở xa quê có đủ ngày về tham gia đình, các cơ sở lao động vẫn đảm bảo hiệu quả. Không nên vì quá cần mà thiếu cân nhắc", tiến sĩ Hòa An góp ý.

Bạn nghĩ sao về việc có một ngày tôn vinh nam giới? Mời bạn gửi ý kiến trong phần Bình luận cuối bài viết, hoặc gửi email về [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Tạo ra Ngày đàn ông để nghỉ lễ, có kỳ cục không?

TTO - Nhiều bạn đọc tranh cãi quanh ý kiến về việc đại biểu Quốc hội đề nghị nghỉ vào Ngày… đàn ông. Liệu nên có Ngày đàn ông hay không? Có nên dùng ngày này để nghỉ?

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên