24/10/2023 11:54 GMT+7

35 năm Vì ngày mai phát triển - Kỳ 4: Dấu ấn tốt đẹp không phai

Cam kết với những giá trị tinh thần lớn hơn một khoản tiền lúc khó ngặt, Tuổi Trẻ luôn nỗ lực trong tổ chức để các buổi lễ trao học bổng trở thành kỷ niệm đẹp, ấn tượng sâu đậm với các bạn học sinh, tân sinh viên.

Ngày này năm trước, khi nhiều tân sinh viên cầm tờ giấy báo trúng tuyển ĐH, CĐ với niềm hân hoan háo hức thì nhiều giọt nước mắt đã rơi. Giọt nước mắt là nỗi lo sợ khắc khoải cho một giấc mơ chưa thành hình vội tắt. Trong ảnh: Thư cảm ơn của những sinh viên nhận học bổng, trong đó có Huỳnh Thanh Tuyết - Ảnh: M.P.

Ngày này năm trước, khi nhiều tân sinh viên cầm tờ giấy báo trúng tuyển ĐH, CĐ với niềm hân hoan háo hức thì nhiều giọt nước mắt đã rơi. Giọt nước mắt là nỗi lo sợ khắc khoải cho một giấc mơ chưa thành hình vội tắt. Trong ảnh: Thư cảm ơn của những sinh viên nhận học bổng, trong đó có Huỳnh Thanh Tuyết - Ảnh: M.P.

Lúc là một sự kiện chóng vánh mà sâu sắc, khi là một trại hè, chuyến tham quan vài ngày... Những chương trình thật sự lắng đọng, thật sự khắc sâu trong ký ức, gợi mở cho những điều sâu xa hơn vì một ngày mai phát triển.

Những trải nghiệm "lần đầu"

Trong những cuộc hội ngộ hiếm hoi của "Gia đình Vì ngày mai phát triển", ai cũng nhắc đến những "lần đầu".

Lần đầu các bạn được dự một sự kiện lớn dành cho chính mình ở nhà hát, ở hội trường tỉnh, thành phố. Lần đầu đi du lịch, lần đầu ở khách sạn, ăn nhà hàng. Lần đầu chàng trai cô gái quê nghèo tham quan những danh thắng chỉ nghe qua sách báo...

Tất cả như những tia sáng rải lấp lánh lên giấc mơ thoát nghèo mà họ đang bước những bước đầu bằng sự học.

Nay đã là một bác sĩ thành danh, Trần Đình Thắng bật cười: "Những ngày đi học về, vất vả với núi việc phụ giúp gia đình dưới nắng lửa Hà Tĩnh, được tin mình sẽ nhận được học bổng của báo Tuổi Trẻ tận TP.HCM cách hàng ngàn cây số, tôi nghĩ chắc hoàn cảnh mình là khó khăn nhất nước.

Rồi tôi được cùng đoàn vào Huế nhận học bổng. Gia nhập tập thể, tham quan Đại nội, giao lưu lửa trại, nghe mọi người kể chuyện, tôi nhận ra mình chưa khó hơn ai cả, cũng chưa giỏi bằng ai cả.

Tôi cũng nhận ra đã nỗ lực thì nhất định sẽ không đơn độc, sẽ được tiếp sức, được trợ giúp. Những câu chuyện trong mấy ngày đi nhận học bổng ấy đã tiếp sức cho tôi rất nhiều trong những năm tháng sau này...".

Những năm tháng sau này, trên từng bước trưởng thành, người ta mới càng nhận ra sức mạnh của những ấn tượng đầu đời. Thi thoảng, chúng tôi lại nhận được những lá thư: "Tôi đã từng vinh dự được cùng 15 bạn học sinh đại diện tỉnh Đồng Nai về tập trung tại Vũng Tàu nhận học bổng.

Mười mấy năm rồi, tôi luôn nhớ điều đó như một món quà quý giá trên bước đường đời. Sự cố gắng sẽ được ghi nhận, tôi và các bạn cùng nhận học bổng cảm nhận điều đó một cách sâu sắc.

Học đại học, ra trường, rất nhiều vất vả nhưng phần thưởng đầu tiên ấy vẫn tiếp thêm tinh thần cho tôi để cố gắng bước tiếp, phát triển tương lai của mình, đóng góp cho xã hội, đất nước" (Phạm Quang Thành - kỹ sư hóa dầu).

Gia đình Vì ngày mai phát triển hội ngộ và tri ân - Ảnh: T.L.

Gia đình Vì ngày mai phát triển hội ngộ và tri ân - Ảnh: T.L.

"Tôi rất hạnh phúc khi được nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2008. Hai ngày đi nhận học bổng, tôi được vui chơi, được quen thêm nhiều bạn mới rất xuất sắc trong học tập và trong cuộc sống.

Tôi có cơ hội được biết rằng có rất nhiều người tốt quan tâm đến những sinh viên đang gặp khó khăn như chúng tôi, sẵn sàng trợ giúp khi chúng tôi cố gắng.

Đấy là điều "được" lớn nhất tôi nhận được từ Tiếp sức đến trường. Tôi nhớ rất rõ câu nói của ông Lê Hoàng, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: Có ý chí chúng ta sẽ thành công. Có ý chí chúng ta sẽ hạnh phúc" (Nguyễn Thị Thanh Thúy - kỹ sư công nghệ thực phẩm)...

"Món nợ" truyền đời

Ông Dương Quang Thiện và vợ (bìa phải) tại lễ khánh thành năm lớp học từ kinh phí do ông bà tài trợ ở Trường phổ thông cấp I Bình Thuận, xã Tân Quý Tây (Bình Chánh, TP.HCM) năm học 1993-1994 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Ông Dương Quang Thiện và vợ (bìa phải) tại lễ khánh thành năm lớp học từ kinh phí do ông bà tài trợ ở Trường phổ thông cấp I Bình Thuận, xã Tân Quý Tây (Bình Chánh, TP.HCM) năm học 1993-1994 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Từ lần đầu tham gia Vì ngày mai phát triển năm 1989, ông bà Dương Quang Thiện dặn dò những sinh viên nhận học bổng khi họ cúi đầu cảm ơn: "Các bạn không mắc nợ chúng tôi. Thay vào đó, bạn hãy cảm thấy mắc nợ các thế hệ đi sau, và hãy trả nợ cho họ".

Ông Thiện kể câu chuyện của mình: hành trang sang Pháp du học của ông năm 20 tuổi là tấm vé máy bay mà bà mẹ Quảng Trị dốc cạn gia tài, và lời dặn đinh ninh: "Phải thành tài. Phải trở về. Không được lấy vợ đầm".

Ông đã nỗ lực vượt lên yếu điểm về sức khỏe để trở thành kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam đầu tiên vào hãng IBM làm việc, đã trở về Việt Nam giữa khói lửa chiến tranh cùng bà vợ đầm người Thụy Sỹ.

Quá trình học tập và làm việc xứ người, ông giành được nhiều học bổng. Một vị giáo sư người Pháp căn dặn khi trao phần thưởng cho ông: "Hãy cảm ơn tôi bằng cách giúp đỡ những người khác".

"Và đây là lúc tôi trả ơn", ông nói khi tìm đến báo Tuổi Trẻ sau số báo đăng bài viết về chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 1. Ấy là đầu năm 1989, thời điểm những cuốn sách dạy tin học, lập trình mang tên Dương Quang Thiện đã trở thành "sách gối đầu giường" của bất cứ ai mon men đến với tin học.

"Chúng tôi lấy giáo dục nuôi giáo dục", ông bảo vậy và viết sách, làm sách, bán sách, bao nhiêu lợi nhuận ông dành đóng góp học bổng, xây trường, xây nhà lưu trú, xây cầu cho học sinh đi học.

Đồng hành với Vì ngày mai phát triển suốt 30 năm, tháng 8-2019, trước lúc ra đi mãi mãi vì bạo bệnh, một trong những việc được ông sắp xếp trong ngày cuối cùng của cuộc đời là khoản đóng góp quỹ Tiếp sức đến trường năm 2019 và 2020.

Tinh thần ghi ơn và trả nợ các thế hệ sau mà ông Dương Quang Thiện học được trên đường đời, thực hành bằng cả đời và truyền lại cho mọi người ấy trở thành tinh thần chủ đạo của các học bổng Vì ngày mai phát triển. Lễ trao học bổng nào tinh thần ấy cũng được lặp lại bằng mọi cách.

Lúc thì ông tự xuất hiện, vóc dáng bé nhỏ, nụ cười tinh nghịch, cách nói chuyện chân thật pha chút tiếu lâm nhưng ý kiến sắc bén, thông điệp sâu dày: "Không chỉ học kiến thức mà hãy học cách vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và để sống tốt.

Trước hết hãy giải quyết vấn đề của chính mình, sau đó là gia đình, xã hội, và nếu có khả năng, hãy giải quyết tiếp các vấn đề của đất nước, nhân loại".

Lúc thì những người đồng hành dốc lời gan ruột, như anh Lê Quốc Phong, nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền, người đã 20 năm "tiếp sức đến trường": "Chúng tôi là doanh nhân.

Khoản học bổng hôm nay trao đến các bạn, chúng tôi không tặng, không cho, cũng không cho vay trả chậm hay lấy lãi. Đây là một khoản đầu tư sẽ phải thu được lợi nhuận: đầu tư vào tương lai của các bạn và lợi nhuận sẽ là những điều tốt đẹp, rất tốt đẹp và nhất định phải tốt đẹp mà các bạn sẽ làm, sẽ cống hiến cho xã hội, cho cuộc đời".

Lúc thì những tân sinh viên ngày cũ như Đào Thị Hằng, Lê Minh Hiếu trở về với Tiếp sức đến trường, đóng góp học bổng và lớn hơn nữa là câu chuyện trưởng thành của chính mình.

Bao năm đi cùng các chương trình, tôi chứng kiến đó không phải những lời hoa mỹ. Tất cả các nhà tài trợ đến với Tuổi Trẻ đều thấm thía tinh thần "vì ngày mai phát triển" - sự phát triển cho tất cả mọi người, không có ai vì mục đích truyền thông.

Còn với các đối tượng nhận học bổng - các bạn trẻ vô tư, hồn nhiên - thông điệp của chương trình như một bài học thật đẹp cứ thấm sâu dần vào tâm tư, lớn lên dần qua từng ngày tháng, từng chặng đường đời. 35 năm của Vì ngày mai phát triển, chúng tôi đã đợi được họ quay trở lại.

Lê Thanh Truyền - học bổng Tiếp sức đến trường 2015 - nay đã là một bác sĩ ở Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: TL

Lê Thanh Truyền - học bổng Tiếp sức đến trường 2015 - nay đã là một bác sĩ ở Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: TL

Những năm sau này, mạng xã hội phát triển, chúng tôi không còn nhận được những lá thư tay, nhưng thỉnh thoảng lại được gặp những dòng ấm áp trên các trang cá nhân: "Cách đây 19 năm, nếu không có học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, có thể bây giờ mình đang bán tôm cá ở Chợ Mới. Biết ơn báo Tuổi Trẻ, Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị..." (Đào Thị Hằng - sáng lập làng học tiếng Anh Hama).

************

Nhận học bổng Vì ngày mai phát triển năm 1989 khi đang là sinh viên năm cuối, TS Lê Nguyễn Minh Quang được các thành viên "Gia đình Vì ngày mai phát triển" gọi là anh Hai. Và anh Hai Quang luôn nhắc món nợ với người đi sau mà bác Dương Quang Thiện truyền lại: "Ăn quả thì nhớ trồng cây".

>> Kỳ tới: Ăn quả thì nhớ trồng cây

35 năm "Vì ngày mai phát triển" - Kỳ 3: Chúng ta không bỏ cuộc35 năm 'Vì ngày mai phát triển' - Kỳ 3: Chúng ta không bỏ cuộc

Đến nay sau 20 năm, chương trình học bổng Tiếp sức đến trường (TSĐT) do báo Tuổi Trẻ phát động đã làm cầu nối vận động nguồn lực xã hội để trợ sức đến hơn 20.000 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên