22/10/2023 11:54 GMT+7

35 năm Vì ngày mai phát triển - Kỳ 2: Chặng đường dài của bao tấm lòng

Chương trình Vì ngày mai phát triển đã lớn lên từ sự cộng hưởng của tấm lòng bạn đọc.

Bạn đọc đóng góp các chương trình tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh tư liệu

Bạn đọc đóng góp các chương trình tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh tư liệu

Nhà báo Nam Đồng, nguyên trưởng ban công tác bạn đọc của báo Tuổi Trẻ năm 1988, người đầu tiên được phân công phụ trách chương trình Vì ngày mai phát triển, đúc kết: "Chúng ta đốt lên một đốm lửa, lửa ấy bắt được những ngọn gió từ trong lòng người đọc báo, rồi cứ vậy mà cháy lên".

Vì ngày mai phát triển: Từ "đuôi chuột" đến "đầu voi"

Phát biểu ngắn trong buổi trao học bổng Vì ngày mai phát triển lần 1 ngày 18-11-1988, TS Nguyễn Thiện Tống đặt một đề bài khó cho ban tổ chức: "Phải mở rộng các hình thức học bổng và quỹ học bổng, ví như bắt đầu từ đuôi chuột rồi sẽ ráng để có đầu voi". Đó cũng là mong mỏi của người làm báo Tuổi Trẻ và cả bạn đọc.

Trong bài tường thuật buổi trao 12 học bổng đầu tiên, Tuổi Trẻ vừa mạnh dạn nêu mong muốn "sẽ có hàng trăm học bổng và hơn thế nữa để đến với rất nhiều học sinh khó khăn khác", vừa không ngần ngại thú nhận sự áy náy khi năm bạn học sinh đã gửi hồ sơ mà không được xét cũng rất xứng đáng, lại thêm thư cầu cứu của hai bà mẹ mong quỹ giúp con mình tiếp tục học đại học.

Quá nhiều cho buổi đầu tiên, và chưa đầy một tháng sau, ngày 15-12-1988, bản tin như reo mừng: năm bạn trẻ học giỏi vượt khó đã được trao học bổng từ sự đóng góp của bạn đọc; lá thư kêu cứu của bà mẹ nhờ báo chuyển Hội Việt kiều Canada còn chưa tới nơi nhưng sự giúp đỡ thì đã đến từ một nhà giáo không để lại tên tuổi.

Vì ngày mai phát triển lớn dần lên như thế.

Chương trình thứ 2 tặng 12 học bổng cho các sinh viên năm cuối xuất sắc gặp khó khăn trong quá trình làm luận án tốt nghiệp. Chương trình thứ 4 tặng học bổng cho học sinh giỏi văn và âm nhạc tổ chức cả một cuộc thi tuyển. Chương trình thứ 7 mang tên Euréka tài trợ công trình khoa học của sinh viên có tới sáu buổi bảo vệ đề tài. Chương trình thứ 8 mang tên Vành đai xanh đến với học sinh huyện ngoại thành.

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi), một trong những công trình  “Vì ngày mai phát triển” - Ảnh: T.L

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi), một trong những công trình “Vì ngày mai phát triển” - Ảnh: T.L

Từ chương trình, 16 Vì ngày mai phát triển bắt đầu đến các tỉnh thành khác. Chương trình 19 tặng học bổng cho 50 sinh viên các trường ĐH Huế, chương trình 25 bảo trợ 100 học sinh Tây Nguyên...

Và không chỉ có học bổng, theo bước đường tác nghiệp của phóng viên Tuổi Trẻ, ngay trong năm đầu tiên, Vì ngày mai phát triển đã xây dựng được bảy phòng học ở Nhà Bè, năm phòng học ở Quảng Nam, nơi những bài phóng sự phản ánh cuộc đời đang thật buồn vừa đói lương thực, vừa nghèo văn hóa.

Chương trình số 31 xây dựng Trường tiểu học Tịnh Khê ở làng Sơn Mỹ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai 1968. Một tiếng nổ ở vùng rừng núi Kỳ Sơn (Nghệ An) sát bên trường học khiến bảy em học sinh thiệt mạng vì bom giữa thời bình, Vì ngày mai phát triển vượt rừng núi đến xây ngôi trường mới ở khu vực an toàn hơn...

Các bài báo ghi lại những chương trình

Các bài báo ghi lại những chương trình

Đường dài thì đi cùng nhau

Những năm 1990, phòng tiếp bạn đọc của Tuổi Trẻ được đặt ở một bên cổng vào trụ sở 161 Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM), nhỏ gọn, đơn sơ nhưng luôn tấp nập người ra vào, chuông điện thoại reo không ngừng. Rất nhiều trong số ấy là bạn đọc đến đóng góp cho Vì ngày mai phát triển: một bữa cơm, một ngày công lao động, một phần lương tháng...

Cứ vậy mà các chương trình Vì ngày mai phát triển mỗi ngày mỗi phát triển. Thư điện tử chưa có, thư tay của bạn đọc gửi đến báo mỗi ngày hàng trăm lá với đủ mọi loại tin tức, câu chuyện, tâm sự, yêu cầu, và thư gửi đến Vì ngày mai phát triển đương nhiên không ít.

Có bạn đọc tâm sự: "Mấy năm qua, Vì ngày mai phát triển đã trợ giúp và đưa đến cho bạn đọc hàng trăm tấm gương học sinh, sinh viên giỏi giang, tài năng, vượt khó. Thật tuyệt vời. Nhưng ngày mai phát triển của chúng ta đâu chỉ có tài năng, tinh hoa mà còn những người phía dưới nữa. Ngay sát thành phố đây thôi, vì khó khăn mà rất nhiều em học sinh - chưa hẳn đã không giỏi - phải bỏ học".

Những người làm báo nhìn nhận ngay thiếu sót: "Vun bồi đỉnh cao là cần thiết, và chăm sóc mặt bằng dân trí cũng không thể thiếu". Công trình mới của Vì ngày mai phát triển ra đời: "Ngăn dòng chảy lưu ban, bỏ học" bắt đầu từ xã Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức) rồi đến xã Bình Mỹ (Củ Chi) - tâm điểm về tình trạng bỏ học ngay từ tiểu học lúc ấy.

Kéo dài hơn hai năm học, công trình đưa được hàng trăm học sinh nghèo quay lại trường lớp, vận động mở hàng chục lớp học bổ túc, tình thương, "đi vào được điểm nóng của ngành giáo dục và để lại kinh nghiệm tốt vận động tiềm năng xã hội mà sở cần nhân rộng" - lời nhận xét của ông Cao Minh Thì, giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM lúc đó.

Rồi bạn đọc lại nhắc nhở: "Vì ngày mai phát triển đến với học sinh, sinh viên, nhưng giáo viên nhiều người rất khó khăn". Chương trình trợ vốn giáo viên khởi động và kéo dài qua bốn năm học. Hơn 3.000 giáo viên đã được trợ vốn để có thêm nghề tay trái lo kinh tế gia đình, trang giáo án nhẹ bớt nỗi lo cơm áo.

Bệnh xá Trường Sa - đảo Trường Sa Lớn (Khánh Hòa),  một trong những công trình “Vì ngày mai phát triển” - Ảnh: T.L

Bệnh xá Trường Sa - đảo Trường Sa Lớn (Khánh Hòa), một trong những công trình “Vì ngày mai phát triển” - Ảnh: T.L

Còn nhiều đối tượng yếu thế khác trong xã hội mà Vì ngày mai phát triển tìm đến và cùng đi quãng đường dài đến một ngày tươi sáng hơn cho tương lai: 15 đợt phẫu thuật "Vì nụ cười tương lai" chỉnh hình dị tật sứt môi, hở hàm ếch, mang lại nụ cười tươi tắn, cuộc sống bình yên cho 2.529 em nhỏ ở 11 tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên.

Chương trình kéo dài suốt hai năm rưỡi, mà mỗi lần nhắc lại, bác sĩ Trần Thành Trai và đội phẫu Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn rưng rưng nhớ; Năm đợt phẫu thuật hơn 1.500 bệnh nhi bị chứng teo cơ Delta; Những đợt hỗ trợ vốn cho người nghèo phải sống bằng nghề bán máu, những gia đình làm nghề mò cua bắt ốc ở Nhà Bè, Cần Giờ, những đợt cứu trợ bão - lũ - lụt...

Đường đi đến phát triển chặng nào cũng biết bao chông gai, và Vì ngày mai phát triển đã nối nguồn lực xã hội đến với cả những người chậm chân, người hụt bước.

Xây dựng cầu Nông Sơn (Quảng Nam),  một trong những công trình  “Vì ngày mai phát triển” - Ảnh: T.L

Xây dựng cầu Nông Sơn (Quảng Nam), một trong những công trình “Vì ngày mai phát triển” - Ảnh: T.L

Mỗi công trình của Vì ngày mai phát triển đều có một đời sống riêng. Cầu Nông Sơn đầu nguồn sông Thu Bồn, hàng trăm phòng học, nhà lưu trú ở các thôn bản làng xã, bệnh xá Đặng Thùy Trâm, bệnh xá Trường Sa, những tấm pin mặt trời thắp sáng nhà giàn DK1... đều đã và đang tiếp tục sứ mệnh phục vụ cộng đồng - ký thác của bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Vì ngày mai phát triển lại còn có những công trình đã lớn lên, trưởng thành và "ra riêng", hoạt động độc lập như Thư viện sách nói được thành lập từ Vì ngày mai phát triển lần thứ 101 năm 1998, đến nay đã là Thư viện Hướng Dương sắp tròn 25 tuổi; "Ước mơ của Thúy" với những hoạt động vừa rộn ràng vừa lặng lẽ nay đã 16 năm.

Và công trình lớn nhất, tâm huyết nhất chính là Tiếp sức đến trường.

Đóng góp vào quỹ Vì ngày mai phát triển đầu tiên là những kiều bào trí thức, sau đó là những trí thức trong nước, giáo viên, sinh viên, rồi học sinh và các tầng lớp người lao động.

Đáp lễ những tấm lòng, người làm báo Tuổi Trẻ chỉ có cách làm thật tốt. Ban tổ chức đã cộng đoạn đường mà các phóng viên lặn lội tìm kiếm 52 học sinh nhận học bổng Tài năng trẻ của chương trình lần thứ 16: hơn 10.000km, bằng 1/4 đường xích đạo. Kỷ niệm một năm chương trình ra đời, báo mở một cuộc điều tra nhỏ về việc sử dụng học bổng: 65% mua sách và trả học phí học thêm, 20% chi phí cho nghiên cứu, làm luận văn tốt nghiệp, 15% phụ chi tiêu trong gia đình...

Ý nghĩa thật sự thiết thực bên cạnh giá trị tinh thần không thể tính toán của học bổng là nguồn động viên rất lớn với những người góp tay, và rất nhanh, Vì ngày mai phát triển đã đủ sức để đi những chặng đường dài.

**********

Sau nhiều năm thực hiện chuỗi học bổng dành cho học sinh "Học trò giỏi - hiếu thảo", "Ngăn dòng bỏ học", "Chung một ước mơ", 20-10-2003, bắt đầu từ câu chuyện một cậu học trò đã hai lần đậu đại học nhưng vẫn chưa đến được giảng đường vì không trang trải nổi học phí - chi phí, chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 165 khởi động học bổng Tiếp sức đến trường dành cho tân sinh viên.

>> Kỳ tới: Chúng ta không bỏ cuộc

35 năm "Vì ngày mai phát triển" - Kỳ 1: Thầy Tống và Vì ngày mai phát triển35 năm 'Vì ngày mai phát triển' - Kỳ 1: Thầy Tống và Vì ngày mai phát triển

Niên học 2023 đánh dấu hai cột mốc quan trọng của Tuổi Trẻ: 35 năm chương trình Vì ngày mai phát triển, và Tiếp sức đến trường - lớn lên từ Vì ngày mai phát triển lần thứ 165 - đã tròn 20 năm. Bao ước mơ học hành của bạn trẻ đã được chắp cánh...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên