Các tay đua thi đấu ở cuộc đua Cúp Truyền hình TP.HCM 2019 - Ảnh: T.PHÚC
Cuộc đua Cúp Truyền hình TP.HCM 2019 sẽ về đích trước dinh Thống Nhất vào ngày 30-4 tới. Những ngày cuộc đua diễn ra, ông Lê Văn Phú - trưởng ban Thể thao Đài truyền hình TP.HCM (HTV) - bồi hồi kể lại những mẩu chuyện gây ấn tượng mạnh với ông trong hành trình 31 năm cùng cuộc đua...
Là một trong những người đã gắn bó với cuộc đua từ khi mới manh nha ý tưởng, ông Phú nói: "Lần đầu tổ chức năm 1989, dù trong ban tổ chức không ai hiểu sâu về chuyên môn xe đạp nhưng vẫn "dựng" được lộ trình đua 4 chặng từ TP.HCM lên Đà Lạt rồi trở về. Thời đó, chưa cuộc đua nào ở Việt Nam dám để VĐV chinh phục đèo Prenn và tổng kinh phí chỉ 8 triệu đồng. Cúp Truyền hình TP.HCM đã ra đời với tiếng vang như thế...".
Điều tôi tiếc nhất là đến giờ vẫn chưa thể áp dụng việc thử doping cho các tay đua. Nói vậy bởi có những trường hợp VĐV thi đấu mạnh, yếu rất bất thường nhưng ban tổ chức đành bó tay.
Ông LÊ VĂN PHÚ
Cứ thế, những câu chuyện của ông về cuộc đua lần lượt được tái hiện:
Chấn thương nặng, trưởng ban tổ chức vẫn không bỏ cuộc Tuổi lên 5 (1993), Cúp Truyền hình TP.HCM lần đầu tiên xuyên Việt và đua thật sự chứ không mang tính diễu hành. Đường sá còn xấu, các tay đua phải chạy trên đường sình, đá lổm chổm, ổ gà... và xe đua cũng thô sơ chứ không nhẹ như bây giờ. Có năm, lũ làm gián đoạn quốc lộ, VĐV phải xuống xe bì bõm dẫn bộ.
Nhưng đáng nhớ nhất là việc cố nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc (Anh hùng lao động, tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, trưởng ban tổ chức cuộc đua Cúp Truyền hình TP.HCM thời kỳ đầu) bị tai nạn chấn thương nặng lúc di chuyển ra Hà Nội bắt đầu cuộc đua. Dù vậy, ông vẫn kiên quyết đi theo để giải không bị ảnh hưởng. Suốt 1 tháng, sau khi đoàn đua về đến TP.HCM thành công, ông mới vào bệnh viện phẫu thuật.
Ông LÊ VĂN PHÚ
Dời đích đến vì khán giả quá đông
Khán giả ngày xưa cứ chờ đón cuộc đua như một sự kiện rất đặc biệt. Không chỉ đông ở hai bên đường, họ còn đứng đông nghịt ở đích đến. Ban tổ chức lúc nào cũng lo lắng khi đoàn về Quảng Ngãi. Lượng khán giả đông cứ lấn dần ra xem nên VĐV khi rút về đích có lúc đã đâm sầm vào đám đông khán giả.
Không ít nơi, do khán giả quá đông nên ban tổ chức phải ra quyết định... hi hữu là dời đích đến lên phía trước 300m để đón các nhóm tay đua phía sau. May mắn là những lần như vậy lại không có chấn thương nguy hiểm nào cho người dân lẫn VĐV.
Thời đó, các tỉnh nhỏ không đủ khách sạn cho đoàn đua hơn 300 người. Thế là lãnh đạo tỉnh linh động cho học sinh nghỉ học, nhường trường lớp cho đoàn đua nghỉ ngơi. Và từ thành viên ban tổ chức đến VĐV chia nhau đi mua chiếu vào các lớp nằm la liệt dưới sàn mà ngủ. Ăn uống thì có gì ăn nấy cho no cái bụng mà thôi.
Các tay đua chạy qua cầu Hiền Lương ở cuộc đua xuyên Việt năm 1993
"Quan tòa" bất đắc dĩ
Dù tổ chức tốt đến đâu vẫn có những chuyện để tranh cãi. Lúc đó, từ Hà Nội vào TP.HCM có rất nhiều đường ray ngang đường. Nhiều lần đoàn đua bị xe lửa cắt ngang dẫn đến tranh cãi của các đội. Xử lý những vụ thế này rất khó vì ai cũng có lý của mình. Sau đó, chúng tôi đưa vào điều lệ giải như yếu tố may rủi vì luật quốc tế không có quy định nào áp dụng cho xe lửa cắt ngang.
Nhưng áp lực nhất là năm 2012, ở chặng đầu tiên từ TP.HCM đi TP Vũng Tàu. Các VĐV không đọc kỹ điều lệ, tị nạnh nhau nên chạy chậm như diễu hành dẫn đến hơn 3/4 tổng số VĐV không thể về đích đúng quy định. Dù chịu áp lực lớn từ nhiều phía nhưng tôi vẫn quyết làm theo điều lệ loại hết những VĐV này.
Do hầu hết các tay đua mạnh đều bị loại khiến đoàn đua chỉ còn 18 tay đua gần như vô danh tranh giải chung cuộc. Đến giờ, tôi vẫn cho rằng đó là quyết định đúng để các tay đua phải chuyên nghiệp hơn.
Các tay đua len lỏi trong dòng người hâm mộ tại Quảng Ngãi ở cuộc đua năm 1993
Ấn tượng với Trương Quốc Thắng
Các thời kỳ của xe đạp Việt Nam luôn có những ngôi sao tỏa sáng nhưng ấn tượng lớn nhất của tôi chính là cái tên Trương Quốc Thắng, tay đua đoạt áo vàng Cúp Truyền hình TP.HCM năm 17 tuổi và 20 tuổi đã lên ngôi vô địch châu Á.
Trương Quốc Thắng mạnh toàn diện trên đường trường, đường đèo lẫn nước rút. Nhưng điều tôi phục Thắng nhất chính là đam mê và ý chí thi đấu mãnh liệt của Thắng. Tôi nhớ có một chặng về đích ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thắng tung nước rút về đích rồi rớt luôn xuống vực sâu hơn 6m. Vào bệnh viện cấp cứu, băng bó cả đêm vậy mà sáng hôm sau, mọi người bất ngờ thấy Thắng đứng ở vạch xuất phát chặng tiếp theo chứ quyết không bỏ cuộc.
Cuộc đua đầu tiên năm 1989 - Ảnh: DƯ HẢI
Đua hôm trước, hôm sau mới phát trên đài
Lần đầu tổ chức năm 1989, chúng tôi quay phim rồi cho môtô mang băng ghi hình chạy về đài. Do đường dài mấy trăm kilômet nên phải đến hôm sau mới phát tin được. Ở những chặng quá xa, chúng tôi gửi xe đò và có khi 1-2 ngày băng ghi hình mới về đến đài.
Hơn 10 năm trước, HTV mới bắt đầu phát trực tiếp được từ Dầu Giây (Đồng Nai) về đến đích cuối ở dinh Thống Nhất. Nhưng thật ra, chúng tôi quay tóm tắt khoảng 5 phút khi đoàn đua xuất phát ở Bảo Lộc, sau đó môtô cầm băng chạy cật lực về TP.HCM để phát. Dọc đường, chúng tôi đặt vài máy quay cố định lấy hình khán giả và chờ đoàn đua lướt qua là xong.
Cuộc đua năm nay, chúng tôi gây đột phá khi phát trực tiếp tất cả các chặng. Để hình ảnh đến được với người xem, chúng tôi dùng 8 máy quay di động trên đường, 1 máy đi tìm cảnh đẹp độc đáo, 2 flycam và 2 đạo diễn hình ảnh. Tín hiệu đường truyền về xe màu rồi sau đó mới truyền lên vệ tinh gửi về đài. Theo tính toán, hình ảnh khán giả xem qua tivi chỉ trễ 15 giây so với diễn biến thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận