Đây là chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp đầu tiên đến với học sinh tỉnh Đắk Lắk trong năm 2013 để định hướng nghề nghiệp cũng như tư vấn tuyển sinh, giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới.
Phóng to |
Phóng to |
Các thí sinh đang xem các tài liệu của ban tổ chức - Ảnh: T.B.D |
Phóng to |
Hàng ngàn học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh tại Đắk Lắk - Ảnh: T.B.D |
Trong số 21 trường THPT về tham gia chương trình, TP. Buôn Ma thuột có 12 trường và 8 trường ở các huyện lân cận như Krông Ana (huyện Krông Ana); Nguyễn Trãi, Cư M’Ga (huyện Cư M’Ga), các trường Việt Đức, Y Jut (huyện Kuin) và Quang Trung (huyện Krông Pắk).
Đáng chú ý là Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) cũng vượt đường xa về tham gia chương trình.
Mở đầu chương trình, ông Nguyễn Ngọc Quang - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ và các thành viên ban tư vấn.
Ông Quang cũng cho biết đây là hoạt động thiết thực và hiệu quả trong nhiều năm qua, góp phần định hướng và phát triển nguồn nhân lực cho Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, là cơ hội để học sinh trao đổi để được giải đáp những thắc mắc, tiếp thêm động lực để các bạn tiếp tục ước mơ trên con đường học vấn của mình.
Tiếp đó, TS Trần Trung Dũng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên – chia sẻ: trường ĐH Tây Nguyên nhiệt liệt chào đón các em học sinh về trường tham dự chương trình. ĐH Tây Nguyên là trung tâm đào tạo xây dựng nguồn lực cho các tỉnh Tây Nguyên. Chương trình là cơ hội tuyệt vời để các bạn nắm bắt tương lai của mình, có được lựa chọn sáng suốt, lựa chọn và trang bị cho mình hành trang để bước ra biển lớn.
Thầy Dũng chúc các bạn học sinh ở đây sẽ trở thành sinh viên các trường ĐH, CĐ, trong đó có Trường ĐH Tây Nguyên.
BẮT ĐẦU CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN
Bắt đầu phần tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ một số thông tin về kỳ thi tuyển sinh năm 2013 cũng như kết quả thi tuyển của học sinh Đắk Lắk năm 2012.
Những điểm chính yếu của kỳ thi tuyển sinh năm nay cũng đã được công bố và sẽ được chính thức công bố sau ngày 22-1.
Kỳ thi tuyển sinh năm nay vẫn áp dụng theo phương thức ba chung (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả). Như vậy phương thức thi này đã được áp dụng hơn 10 năm.
Đề cương ôn thi của các môn thi ĐH cũng đã được công bố trên mạng (cấu trúc đề thi) nên các em có thể tham khảo cấu trúc này để có kế hoạch ôn tập hiệu quả nhất.
Phóng to |
TS Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ ĐH QG TP Hồ chí Minh phổ biến các thông tin mới về kỳ thi tuyển sinh cao đẳng - đại học năm 2013 - Ảnh: T.B.D |
Về kết quả thi tuyển của học sinh Đắk Lắk, TS Nghĩa cho biết năm 2011 điểm bình quân thi ĐH cả nước là 11,40 và 2012 là 11,26.
Điểm bình quân của Đắk Lắk là 10,9. Tuy nhiên tỷ lệ học sinh Đắk Lắk đậu ĐH, CĐ khá cao do được hưởng điểm ưu tiên (toàn tỉnh Đắk Lắk thuộc khu vực 1 nên được ưu tiên 1,5 điểm).
Tỉnh có trường lọt vào top 200 trường có điểm thi cao nhất cả nước, trong đó Trường THPTchuyên Nguyễn Du (xếp top 30) và các Trường THPT Thực Hành Cao Nguyên và trường THPT Buôn Ma Thuột.
Trường THPT Phan Châu Trinh (Đắk Nông) cũng có điểm thi bình quân cao hơn bình quân cả nước.
Thầy Nghĩa đã khuyên các học sinh chọn ngành chọn nghề phù hợp để có khả năng trúng tuyển cao, và trong trường hợp học sinh nhận thấy khả năng mình không vào được ĐH thì nên chọn học trung cấp, nghề.
* Em nghe nói ngành kinh tế tài chính ngân hàng sẽ tạm dừng tuyển sinh trong năm nay, các trường khu vực Tây Nguyên có thực hiện quy định này hay không?
- TS Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên: Chủ trương của Bộ GD-ĐT, năm nay các ngành kinh tế vẫn tuyển sinh chứ không phải dừng. Đối với ngành kinh tế, nhiều năm vừa qua thí sinh tập trung thi vào ngành này rất nhiều, nhiều trường không chuyên cũng đào tạo ngành này. Vấn đề này ảnh hưởng việc làm của các em sau này. Do đó, việc tuyển sinh ngành kinh tế có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chủ trương không tuyển ngành này từ các trường đang đào tạo.
Đối với ĐH Tây Nguyên, chúng tôi cũng xác định chỉ tiêu tuyển sinh giống như năm trước và báo cáo Bộ GD-ĐT.
*Năm nay em thi ĐH nhưng vẫn chưa biết chọn ngành nào?
- TS Lê Thị Thanh Mai: Trước khi bắt đầu, các em nêu ra hai câu hỏi các em rất quan tâm là “đầu vô như thế nào và đầu ra ra sao”. Nhưng nền tảng nào để chúng ta xác định?
Thứ nhất, các em xác định các em là ai, đang muốn gì và các em ở đâu. Các em cũng nên quan tâm đến việc các em muốn làm trong tương lai hơn là các trường các em muốn học.
Thứ hai, trong tương lai chúng ta muốn làm gì thì chúng ta xem trong hệ thống ngành nghề để chúng ta lựa chọn. Chúng ta tìm hiểu xem, nếu muốn làm vị trí đó thì phải học các gì để ra làm được việc. Chẳng hạn như chỉ cần đứng bán thuốc thôi thì không cần phải học ĐH.
Phóng to |
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai - thành viên Ban tư vấn giải đáp thắc mắc của học sinh trong phần tư vấn chung - Ảnh: T.B.D |
Tiếp theo, chúng ta tìm hiểu thêm theo hệ thống ngành nghề đào tạo. Có khoảng 300 trường ĐH đào tạo khoảng 3.000 ngành nghề. Cùng một ngành rất nhiều trường đào tạo, điểm chuẩn khác nhau…Do đó, các em xem sức học của mình ở đâu, phù hợp với ngành nào để thi vào.
Các em nên hạ quyết tâm để trúng tuyển vào NV1 chứng đừng nghĩ đến NV2. Minh chứng là NV2 cửa ngày càng hẹp cho các em trong những mùa thi trước. Tỷ lệ các em thi tốt nghiệp THPT xong đậu vào ĐH cao hơn những em thi lại vào năm sau. Trong quá trình xác định sức lực, năng lực của mình thì các em nên mạnh dạn để trúng tuyển ngay NV1.
Thứ ba, khi các em lựa chọn thì bản thân các em phải là người quyết định. Cha mẹ, thầy cô chỉ thêm thông tin để các em giới hạn lại lựa chọn của mình. Các em chú ý về sở thích của mình, sở thích này có phù hợp với khả năng các em đang có hay không.
Ngoài ra, chúng ta nhiều vào hoàn cảnh, điều kiện đi lại, môi trường học của mình. Nếu chúng ta chọn gần nhà sẽ đỡ lo lắng hơn cho bản thân, gia đình và nếu chọn xa hơn sẽ vất vả hơn.
Hi vọng các em giữ sức khỏe để vượt qua kỳ thi THPT và đậu vào ĐH, CĐ ở trường, ngành phù hợp.
* Vì hoàn cảnh gia đình nên em muốn học trung cấp và học ở địa phương để sau này có thể làm việc gần nhà. Em phải học trường nào và ở đâu?
- Thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh - Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk: Hiện tại Đắk Lắk có 8 trường trung cấp đóng trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Tại các trường này có tất cả 38/39 mã ngành hiện đang tuyển sinh đào tạo với 9 khối ngành như y dược, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, luật, xã hội...
Hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp và các trường nghề đủ sức tiếp nhận tất cả học sinh tốt nghiệp THPT. Vấn đề là các bạn xác định được năng lực và sở thích của mình để chọn bậc học phù hợp. Một điều nữa các em cũng cần lưu ý đến điều kiện kinh tế gia đình để có thể chọn trường học phù hợp nhất.
* Ngành môi trường có những trường nào đào tạo và cơ hội nghề nghiệp sau này ra trường như thế nào? Trường ĐH Y dược TP.HCM có đào tạo ngành thú y hay không?
- TS Nguyễn Kim Quang: Đây là quan tâm rất thời sự. Trong xu thế phát triển knh tế, công nghiệp phát triển nhanh và kèm theo đó là vấn đề môi trường đang được đặt ra rất cấp bách. Trong các ngành đào tạo có ngành liên quan đến môi trường như khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường....
Ngành công nghệ môi trường đào tạo các vấn đề liên quan đến công nghệ xử lý các vấn đề môi trường. Ngành này đòi hỏi nhiều kiến thức khác nhau như kiến thức về sinh học, vật lý, khoa học, môi trường, kiến thức công nghệ thông tin để quản lý và xử lý số liệu, kiến thức để vận hành công nghệ... Hiện có nhiều trường đào tạo ngành này như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH tài nguyên môi trường... PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành môi trường thì có nhiều trường đào tạo tạo với các ngành khác nhau như kỹ thuật môi trường, kỹ thuật tài nguyên và môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường.
Trường ĐH Y được đào tạo ra bác sĩ để chữa bệnh cho con người còn ngành thú y được một số trường đào tạo để đào tạo bác sĩ để chữa bệnh cho vật nuôi. Ngành thú y thường được đào tạo theo hai chuyên ngành là bác sĩ thú y và dược thú y. Khi ra trường có thể làm ở các chi cục thú y, mở phòng mạch riêng...
*Em muốn thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM, ban tư vấn có thể tư vấn cho em về chỉ tiêu tuyển, cơ hội ngành nghề? Sau này, em muốn làm ngành thuế thì nên thi vào trường nào?
- Th.S Lê Văn Hiển: Tôi xin khái quát với bạn về ngành luật. Hiện cả nước chỉ có 23 cơ sở giáo dục có đào tạo ngành luật tính đến năm 2012. Với 23 cơ sở này, ĐH Luật TP.HCM là 1.300 chỉ tiêu và ĐH Luật Hà Nội là 1.700 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu ngành luật cả nước hiện không quá 13.000. Sau này ra trường các bạn có thể làm ở tất cả các cơ quan nhà nước, làm chuyên gia tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhà nước.
Về khối thi, tùy theo từng cơ sở đào tạo có những khối thi như A, A1, C, D1, D3. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có đào tạo ngành này. Ngoài ra, các bạn cũng có thể học tại Trường ĐH Tài chính - Marketing. Sau khi tốt nghiệp ngành luật cũng có thể làm tại các cơ quan thuế.
*Ngành kinh tế đối ngoại sau nay ra làm gì? Trường CĐ Kinh tế đối ngoại có liên thông được lên ĐH hay không? Học kinh tế thì học trường nào tốt nhất?
- TS Trần Thế Hoàng: Vấn đề cụ thể vào phần tư vấn chuyên sâu tôi sẽ gặp trực tiếp để tư vấn cho em. Tuy nhiên, tôi xin thông tin với em thế này. Ngành kinh tế trường nào tốt nhất? Việc này, các bạn phải tự tìm hiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo của trường và điều này quyết định chất lượng đào tạo. Chính các bạn khi vào học, học hành tốt thì cũng góp phần tăng cao chất lượng đào tạo của trường.
Tuy nhiên, trường càng tốt thì điểm chuẩn càng cao. Bạn cũng nên cân nhắc, mình thích trường đó nhưng chưa đủ điểm đậu thì phải lưu ý để lựa chọn trường vừa sức.
Thông tin thêm là ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh… từ 2006 đến 2010, tăng lên với tốc độ chóng mặt. Nhiều trường không có tiềm năng về kinh tế vẫn mở ngành kinh tế. Do đó, Bộ GD-ĐT đã có những hạn chế nhất định với những trường này. Ngược lại, với những trường đã có bề dày đào tạo kinh tế thì không có lý do gì để dừng đào tạo, giảm chỉ tiêu.
Tôi khẳng định lại, ngành kinh tế không có cắt giảm đào tạo, chỉ tiêu với những trường đđã có bề dày đào tạo. Nếu các bạn yêu thích ngành này thì cứ mạnh dạn đăng ký.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay tuyển 4.000 chỉ tiêu. Cũng lưu ý là kinh tế không chỉ có ngân hàng, chứng khoán… hiện đang bị èo uột. Các bạn lưu ý là hôm nay các bạn chọn ngành, bốn năm sau các bạn ra trường thì nhu cầu nhân lực nó khác rồi. Chúng ta phải có kế hoạch lâu dài vì kinh tế là ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng cao.
* Em dự định thi vào ngành răng hàm mặt, nếu không trúng tuyển em có được xét vào trường nào khác hay không? Cần chuẩn bị những gì cho quá trình học?
- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Trường ĐH Y dược có hai bậc đào tạo ĐH và trung cấp chuyên nghiệp cho ngành này. Thường thì ngành này có điểm chuẩn rất cao trong các năm vừa qua. Khi không trúng tuyển em có thể xét tuyển vào bậc trung cấp ngành điều dưỡng đa khoa chuyên ngành phục hình răng. Ngoài ra cũng có ngành điều dưỡng nha khoa bậc trung cấp.
Ở bậc ĐH có ngành phục hình răng. Ngành này có điểm chuẩn thấp hơn bác sĩ đa khoa. Nếu sức học tốt thì em thi vào ngành bác sĩ đa khoa, sức học khá có thể thi vào ngành cử nhân phục hình răng.
Nếu các em không trúng tuyển bậc ĐH, em cần theo dõi thông tin tuyển sinh bậc trung cấp của trường để nộp hồ sơ xét tuyển chứ trường không tự chuyển các em vào bậc trung cấp.
* Con gái thi vào ngành kỹ thuật điện điện tử thì có khó khăn gì hay không? Cô hội việc làm sau này thế nào?
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Hiện các ngành kỹ thuật rất ít học học sinh nữ thi vào. Theo học ngành này nữ có rất nhiều ưu thế hơn nam. Các bộ phận đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng thì nữ có ưu thế hơn rất nhiều.
Phóng to |
Ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong số các ngành kỹ thuật có 10 ngành có đào tạo về sư phạm kỹ thuật. Khi trúng tuyển vào trường, các bạn sẽ có hai lựa chọn. Nếu học công nghệ kỹ thuật thì học 4 năm và được cấp bằng kỹ sư. Nếu chọn sư phạm kỹ thuật thì học 4,5 năm và được miễn hoàn toàn học phí, khi tốt nghiệp được cấp 2 bằng kỹ sư điện điện tử và bằng sư phạm. Các bạn có thể làm trong các công ty hoặc đi dạy ở các trường ĐH, CĐ, trường nghề.
* Em là nữ nhưng yêu thích các công việc liên quan đến tàu biển, xin thầy cô tư vấn giúp em là có nên thi vào hay không?- TS Nguyễn Văn Thư: Chào các em, lên núi mà nói chuyện đi biển thì hơi xa xôi (cười). Về ngành đi biển, ở nước ta trước đây vẫn dành riêng cho con trai. Tuy nhiên, năm nay chúng ta đã tham gia về công ước quốc tế về hàng hải, có điều khoản phải bình đẳng giới. Do đó, năm nay Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có tuyển nữ cho ngành đi biển.
Lưu ý là các em phải cao từ 1m60 trở lên và không có tật về mắt. Các em lưu ý là muốn làm việc trong ngành biển, em có thể học về kinh doanh vận tải biển, thiết kế tàu biển, hệ thống thông tin…cũng rất phù hợp với nữ. Tại trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM hiện có 1/3 sinh viên là nữ.
* Ngành quản trị kinh doanh cần những tố chất gì?
- Th.S Lâm Tường Thoại: Học ngành này em cần có đam mê kinh doanh, óc tổ chức, quản lý công việc, quản trị, sắp xếp công việc. Ngành này cũng đòi hỏi về khả năng nói, tiếp xúc và hòa đồng với mọi người...
TS Trần Thế Hoàng bổ sung: Theo tôi, để thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh ngoài kiến thức học ở trường các bạn cần tích lũy thêm kiến thức từ xã hội. Hiểu biết về xã hội sẽ giúp cho ta có cái nhìn bao quát để đưa ra những quyết sách lớn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, nắm vững kiến thức về luật pháp cũng rất quan trọng, ví dụ để chống lại các vụ kiện quốc tế, chống lại các vụ ép giá từ cuộc chơi quốc tế.
Phóng to |
TS Trần Thế Hoàng đang tư vấn cho các bạn học sinh - Ảnh: T.B.D |
Các em cũng nên quan tâm đến kiến thức chuyên sâu đến lĩnh vực của mình để đưa doanh nghiệp mình vượt lên các doanh nghiệp khác.
Hiện tại, thông tin vô cùng phong phú và có cả những thông tin chưa chính xác, trái chiều… Với nhà quản trị, thì kiến thức càng tốt, kỹ năng càng sâu giúp chúng ta dễ dàng trong điều hành.
Ngoài ra, bạn cũng cần nhạy bén và quyết đoán cho mọi việc. Thời buổi thương mại điện tử, thông tin tức thì và giải quyết trong tích tắc để nắm lấy cơ hội. Học quản trị kinh doanh, các bạn sẽ được học nhiều về các thuyết kinh tế áp dụng nhiều trong kinh tế.
Bên cạnh đó, làm doanh nhân chúng ta phải có hoài bão và biết chấp nhận rủi ro. Đặc biệt, phải chịu đựng trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay.
Doanh nhân phải có sức khỏe. Các bạn có thể làm việc với đối tác từ sáng đến trưa. Làm việc văn phòng phải có ba lô dự trữ để đi công tác đột xuất. Tôi có một đứa cháu, tốt nghiệp loại giỏi, ra trường ba năm sau đó phải bỏ vì không chịu nổi áp lực công việc. Đi công tác như vậy sức khỏe không đảm bảo thì không làm được.
Riêng đối với dân làm kinh tế, cũng đòi hỏi đạo đức trong kinh doanh. Môn học này có thể học theo chuyên đề, rèn luyện hành vi, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Không thể kiếm lời bằng mọi giá.
Quản trị kinh doanh, ngành này hiện nhiều trường ĐH, CĐ đào tạo hiện thấp nhấp là 13-19 điểm. Ngành quản trị kinh doanh có nhiều hướng, điều em quan tâm là quản trị kinh doanh tổng quát. Ngành này hợp với người đam mê kinh doanh, óc tổ chức, quản lý công việc, quản trị tổ chức sắp xếp công việc.
Phóng to |
Một bạn học sinh đang đặt câu hỏi nhờ tư vấn - Ảnh: T.B.D |
* Ngành công nghệ sinh học đào tạo những gì? Nếu đậu vào y đa khoa thì chia chuyên khoa như thế nào?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành CNSH có rất nhiều trường đào tạo. Mặc dù nhiều trường đào tạo nhưng 70% chương trình đào tạo của các trường giống nhau. 30% còn lại là thế mạnh của từng trường. Có trường mạnh về công nghệ, có trường mạnh về ứng dụng.
CNSH là ngành ứng dụng công nghệ của ngành vào các lĩnh vực của đời sống như y học, môi trường, thực phẩm và ứng dụng phổ biến nhất là ứng dụng trong nông nghiệp: tạo ra giống cây trồng vật nuôi có giá trị cao, chế tạo các chế phẩm sinh học như thuốc trừ sâu...
Tuy nhiên điểm chuẩn vào ngành này tương đối cao. Các em cần lưu ý khi theo học ngành này đó là phải có lòng đam mê nghiên cứu khoa học, đam mê khám phá, tính cẩn thận...
Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: ngành này đào tạo bác sĩ y đa khoa. Trong 6 năm chỉ đào tạo đa khoa, không đào tạo chuyên ngành. Sau khi tốt nghiệp và đi làm, có 12 tháng công tác và được đơn vị đào tạo cử đi học chuyên khoa thì các em mới làm chuyên về các khoa sản, nhi, nội, ngoại...
* Em muốn thi vào Bộ tư lệnh cảnh vệ thì thi vào trường nào được ạ?
- TS Phạm Tấn Hạ: Vào nhóm trường công an, quân đội hay an ninh yêu cầu các bạn phải có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, học lực trung bình, là đoàn viên, ba môn thi ĐH phải đạt điểm trung bình ở bậc phổ thông từ 6 trở lên. Sức khỏe tốt, thể hình cân đối, không dị tật dị dạng, chiều cao nam từ 164cm đến 180cm, nữ từ 158cm đến 172cm. Người dân tộc thiểu số sẽ có yêu cầu thấp hơn về chiều cao và cân nặng cũng như điểm trung bình học tập. Việc tuyển nữ của công an các địa phương tùy thuộc vào nhu cầu nhân lực của các địa phương đó.
Thường thì chỉ tiêu tuyển nữ rất ít. Nếu muốn thi ngành công an thì liên hệ công an quận huyện nơi có hộ khẩu thường trú, thi ngành quân đội thì liên hệ quận, huyện đội để có thông tin chi tiết về việc tuyển sinh và thời gian sơ tuyển.
* Em có sự phân vân giữa kinh tế đối ngoại và kinh doanh quốc tế?
- Th.S Lâm Tường Thoại: Kinh tế đối ngoại tập trung vào việc trang bị cho sinh viên những kiến thức về nắm bắt, hiểu biết khái niệm kinh tế, để đối xử với các công ty bên ngoài và các công ty đó vào Việt Nam. Kinh doanh quốc tế là học để bán buôn với nước ngoài sao cho tốt.
Điểm chung của hai ngành vẫn là hướng ra bên ngoài và đối xử với những công ty nước ngoài vào Việt Nam. Hai ngành này, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) kiến thức đào tạo giống nhau đến 80%. Những năm trước tầm điểm rơi vào từ 19-22 điểm.
*Em muốn hỏi về ngành kinh tế thẩm giá, cơ hội việc làm của ngành tại khu vực Tây Nguyên?
- Th.S Hứa Minh Tuấn: Ngành này ở các trường khác nhau sẽ sắp xếp vào những ngành như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng. Ngành này xác định giá trị của một tài sản. Chẳng hạn như muốn thẩm định giá của Trường ĐH Tây Nguyên sẽ có một bộ phận để thẩm định.
Chẳng hạn em mua một chiếc ô tô em chạy, một năm sau giá trị nó như thế nào, sẽ có một bộ phận thẩm định cho em. Sinh viên tốt nghiệp ngành này ra có thể làm việc ở lĩnh vực ngân hàng. Khi doanh nghiệp muốn đến ngân hàng để vay một khoản này đó phải thế chấp. Ngân hàng sẽ đến thẩm định giá trị thực tại của công ty là bao nhiêu mới cho vay.
* Cho em biết thêm về khoa kinh tế luật Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)? Học hai ngành một lúc thì nên làm như thế nào?
- Th.S Lâm Tường Thoại: Chữ kinh tế - luật nói lên việc trường đào tạo về kinh tế và khối thứ hai là liên quan đến luật. Em nào thích luật sẽ thi vào luật và thích kinh tế sẽ thi vào kinh tế. Có ba khối thi A,A1 và D1.
Phóng to |
Ths Lâm Tường Thoại đang trả lời thắc mắc của một bạn học sinh - Ảnh: T.B.D |
Mục đích đào tạo luật là đào tạo ra cử nhân luật chứ không đào tạo ra luật sư. Sau khi em có bằng cử nhân luật, em muốn làm luật sư em phải học thêm 6 tháng để lấy chứng chỉ. Sau đó, em đăng ký thực tập tại một văn phòng luật và được một luật sư hướng dẫn và phải trải qua một kỳ thi mới được làm luật sư.
Hiện ngành luật có hai hướng là tư vấn luật và luật sư tranh tụng. Học luật về kinh tế tập trung học luật nhưng để vận dụng trong lĩnh vực kinh tế.
Trường ĐH Kinh tế - luật hiện có đào tạo cho sinh viên học song song cùng lúc để lấy hai bằng. Ví dụ, em học luật và được cấp bằng cử nhân luật và học kinh doanh quốc tế sẽ lấy bằng kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, trong tổng số 10.000 sinh viên của trường chỉ có 38 sinh viên lấy được hai bằng một lúc. Một hướng khác, sau khi em học xong một bằng thì em học thêm một bằng khác thời gian thêm 1,5 năm nữa cũng gọi là bằng hai.
* Giữa luật kinh tế và dân sự thì điểm chuẩn ngành nào cao hơn và cơ hội việc làm như thế nào?
- Th.S Lê Văn Hiển: Thật ra, về luật chỉ có ngành luật. Các ngành như luật kinh tế, dân sự là một nhánh nhỏ của ngành luật. Khi bạn làm kinh doanh, các bạn không chỉ biết về luật thương mại, luật kinh tế mà còn phải biết về luật về hợp đồng, luật lao động, luật hôn nhân gia đình, luật hành chính... Nếu chỉ biết luật kinh tế mà không biết các luật kia thì sẽ rất khó làm việc.
Luật kinh tế và luật dân sự không khác nhau nhiều. Đây là hai lĩnh vực chuyên sâu của ngành luật. Ngoài ra còn có luật quốc tế, luật hành chính... Cơ hội việc làm khi ra trường: chúng ta có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực như Tòa án, Viện kiểm sát, Sở tư pháp, Sở tài nguyên môi trường, Sở lao động thương binh xã hội... Tất cả các cơ quan nhà nước đều có bộ phận pháp chế nên đòi hỏi phải có nhân sự. Ngoài ra các bạn có thể làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở bộ phận tư vấn, pháp lý. Các bạn cần trang bị ngoại ngữ để cơ hội việc làm tốt hơn.
* Học viện Hành chính đào tạo những ngành gì? Thi y đa khoa có yêu cầu về hộ khẩu không ạ?
- Th.S Lê Văn Hiển: Học viện hành chính chỉ đào tạo ngành là quản lý nhà nước. Khi tốt nghiệp có thể làm ở các ủy ban nhân dân và chuyên viên ở các cơ quan nhà nước.
TS Nguyễn Văn Hòa, trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Tây Nguyên: Trường ĐH Y dược TP.HCM và Tây Nguyên tuyển sinh cả nước nên không cần quan tâm về hộ khẩu. Vấn đề là học lực của bạn như thế nào
Phóng to |
TS Nguyễn Văn Hòa - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tây nguyên tham gia tư vấn cho thí sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh sáng 19-1 - Ảnh: T.B.D |
* Khoa Kinh tế của ĐH Tây Nguyên sẽ học những ngành nào?
- TS Lê Đức Niêm: Trường ĐH Tây Nguyên đào tạo đa ngành trong đó có ngành kinh tế. Trong kinh tế có quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán (kế toán - kiểm toán), kinh tế nông nghiệp. Các em biết là 75% GDP của Đắk Lắk là sản phẩm nông nghiệp nên ngành kinh tế nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển. Trường ĐH Tây Nguyên sẽ tập trung vào rất sâu việc kiến thức thực tế của sinh viên. Nếu em học kinh tế nông nghiệp các em sẽ về tận các buôn, xã tìm hiểu, thực tập. Còn quản trị kinh doanh sẽ có thời gian thực tập rất dài để làm quen với doanh nghiệp.
* Ngành kỹ thuật y học đào tạo cụ thể về gì? Cơ hội việc làm như thế nào?
- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Trong khối ngành sức khỏe có nhiều ngành đào tạo. Nhóm ngành kỹ thuật y học có 3 ngành xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh và kỹ thuật viên vật lý trị liệu. 3 ngành này đều đào tạo ở bậc ĐH và trung cấp. ĐH học 4 năm, trung cấp học 2 năm. Các ngành này có điểm chuẩn ở mức tương đối cao nên đòi hỏi các bạn phải có học lực khá trở lên. Nếu sức học trung bình thì có thể học trung cấp.
* Em muốn học ngành quan hệ quốc tế thì phải ra Hà Nội học hay có thể học ở TP.HCM? Em sẽ được đào tạo những gì, hoạt động trong những lĩnh vực nào?
- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành quan hệ quốc tế được đào tạo đầu tiên ở Học viện quan hệ quốc tế. Hiện có nhiều trường đào tạo về ngành này, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cũng đào tạo ngành này. Theo học ngành này, sinh viên khi tốt nghiệp sẽ làm về công tác đối ngoại. Khi học các bạb được trang bị kiến thức về các công pháp quốc tế, luật quốc tế, kỹ năng hoạt động ngoại giao. Ngành này đòi hỏi tiếng Anh khá cao.
Phóng to |
TS Phạm Tấn Hạ trả lời tư vấn - Ảnh: T.B.D |
* Năm nay Trường ĐH Tây Nguyên có đào tạo ngành Luật hay không?
- TS Nguyễn Văn Hòa: Vài năm trước trường có liên kết đào tạo ngành luật kinh tế với Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Do điều kiện của trường chưa đủ nên chưa mở được ngành này. Do đó trong năm 2013 vẫn chưa tuyển sinh ngành luật.
* Học gì ở ngành marketing Trường ĐH Tài chính – marketing?
- Th.S Hứa Minh Tuấn: Ngành marketing có nhiều chuyên ngành như marketing tổng hợp, quản trị thương hiệu, quảng cáo, PR… Riêng năm 2013 Trường ĐH Tài chính – Marketing có mở ngành quản trị du lịch, trong đó có ngành tổ chức sự kiện.
* Em rất thích ngành du lịch như sức khỏe không đảm bảo có thể học được hay không? Điểm chuẩn hàng năm của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là bao nhiêu?
- TS Trần Thế Hoàng: Hướng dẫn viên du lịch mà sức khỏe yếu là vô cùng khó khăn. Làm ngành này em phải đi trước khách và về sau khách. Nhưng em vẫn có thể làm việc trong ngành du lịch như thiết kế tour, quản trị nhà hàng, khách sạn. Điểm chuẩn của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thi khối A và A1. Trường khuyến khích học sinh thi khối A1 để tăng cường năng lực ngoại ngữ. Trường tuyển điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành. Qua ba học kỳ mới sắp xếp vào ngành theo kết quả học tập và nguyện vọng của sinh viên. Điểm chuẩn hàng năm dao động từ 19-20 điểm (chưa nhân hệ số).
* Con gái thì có phù hợp với ngành về dầu khí không ạ?
- PGS.TS. Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Ngành khai thác dầu khí hiện nay chiếm đến 99% là con trai bởi các dàn khoan đều nằm trên biển. chỉ một số bộ phận khác như y tế, kế toán thì mới có nữ. Tuy nhiên có những ngành như công nghệ hóa dầu làm trên bờ thì tỉ lệ nữ cao hơn vì làm trên bờ và không yêu cầu nhiều về sức khỏe. Ngành vận tải dầu thì hiện nay chưa có con gái làm trong lĩnh vực này…
* Em yêu thích và có khả năng về lắp ráp máy tính thì nên học ngành nào? Ngành công nghệ thông tin khi ra trường có việc làm hay không? Sở thích cá nhân của em là học khối A nhưng cha mẹ lại thích em học khối C thì phải làm sao?
- PGS.TS. Đỗ Văn Dũng: Ngành lắp ráp máy tính có nhiều trường dạy về ngành này, tuy nhiên tùy vào lựa chọn của em là lắp ráp máy tính hay thiết kế chế tạo, máy tính, các thiết bị điện tử như các con chip…
TS. Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng trường ĐH khoa học Tự Nhiên TP.HCM (ĐHQG TP.HCM): Không phải ai có bằng giống nhau thì cơ hội việc làm giống nhau mà tùy vào mỗi người. Cơ hội việc làm của ngành công nghệ thông tin hay của ngành nào cũng vậy cũng phải phù thuộc vào năng lực bản thân, về sự lựa chọn cơ quan, đơn vị, ngành nghề phù hợp với thực tế học tập của bản thân.
Phóng to |
TS Nguyễn Kim Quang tư vấn cho các em học sinh - Ảnh: T.B.D |
Ngoài ra, cơ hội việc làm cũng do những kĩ năng mềm như giao tiếp, ngoại ngữ… để nhà tuyển dụng có những ưu tiên về tuyển dụng, mức lương…
* Học hai ngành cùng một lúc tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM như thế nào?
- TS Trần Thế Hoàng: Học cùng lúc hai chương trình theo quy chế của Bộ GD-ĐT, quy định ngành đào tạo phải khác nhau. Sau khi học kỳ thứ nhất học lực của bạn phải tốt. Sau khi học xong học kỳ thứ hai, học lực của bạn quá yếu thì phải dừng ngay. Do đó, nhiều bạn muốn học nhưng bị ràng buộc vấn đề này.
Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện có khoảng 600 sinh viên học hai chương trình một lúc. Tuy nhiên, nhiều em vẫn chưa đạt yêu cầu khi hai ngành kết quả học tập không cao.
Do đó, các em cần cân nhắc sức học của mình trước khi quyết định.
* Hệ dân sự và hệ quân sự ở Học viện quân y khác nhau thế nào? Điểm chuẩn các khối thi có khác nhau không?
- TS Phạm Tấn Hạ: Tùy vào kết quả thi hàng năm và số lượng thí sinh từng khối. Có năm điểm chuẩn hai khối bằng nhau nhưng có năm điểm chuẩn chênh lệch nhau.
Hệ quân sự ở các trường quân đội đào tạo để phục vụ trong quân đội theo sự phân công. Học hệ dân sự thì các bạn làm việc ở bên ngoài như khu học các trường ĐH đào tạo y dược khác. Hệ quân sự các em không phải đóng tiền trong khi học dân sự phải đóng học phí. Điểm chuẩn hệ dân sự thường cao hơn hệ quân sự.
* Ngành công nghệ sinh học năm nay điểm chuẩn bao nhiêu? Sau khi ra trường sẽ làm gì, làm được ở đâu?
- TS. Nguyễn Kim Quang: Thông tin mới là ĐH Tây nguyên cũng sắp mở ngành này để các bạn có thể học gần nhà ngành này. Ngành này đòi hỏi bạn phải có những hy sinh cuộc sống cá nhân vì đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu, phát minh. Ngành này cũng phải cạnh tranh rất lớn đối với nhiều chuyên gia lớn nên đòi hỏi phải học hỏi, nghiên cứu thường xuyên. Hiện nay VN chưa có những thiết bị, công nghệ tối tân nhất của thế giới nên ngoài việc tốt nghiệp trong nước các bạn hướng tới việc học thêm ở những quốc gia có đào tạo ngành này.
- TS. Võ Thị Phương Khanh, phó trưởng khoa khoa học tự nhiên và công nghệ, trường ĐH Tây Nguyên: Trong năm 2013 trường ĐH Tây Nguyên cũng sẽ đào tạo ngành công nghệ sinh học. Trường cũng đã đầu tư một phòng công nghệ 45 tỉ đồng để giúp cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên. Đối với việc đào tạo ngành này tại ĐH Tây nguyên khác với những trường khác là nghiên cứu về những phát minh, ứng dụng cho các cây trồng, vật nuôi tại những tỉnh trong khu vực để phục vụ địa phương. Những ngành công nghệ sinh học chuyên sâu thì trường chưa đào tạo…
* Em muốn hỏi về việc thi vào trường ĐH Kiến Trúc thì phải thi như thế nào, cơ hội việc làm ra sao?
- TS. Đỗ Văn Dũng: Các ngành kiến trúc thì yêu cầu là phải thực hiện môn năng khiếu là môn vẽ và phải đạt trên 5 điểm… Đối với những ngành liên quan đến thiết kế công trình thì yêu cầu phải có độ chính xác cao nên các em phải cân nhắc khả năng của mình. Theo tôi được biết thì sinh viện ngành kiến trúc ở các trường công lập đa phần có việc làm…
* Em muốn hỏi về công việc làm của ngành xây dựng?
- TS Nguyễn Văn Thư: Ngành xây dựng là ngành rất rộng vì chia ra xây dựng dân dụng, kỹ thuật xây dựng… Có thể em đang hiểu xây dựng là xây nhà, xây công trình. Trong một công trình cũng có rất nhiều người như bộ phận thiết kế công trình, người thi công, giám sát và tuy vào sự lựa chọn ngành học mà em đã chọn. Còn cơ hội việc làm thì một lần nữa phải nói là phụ thuộc vào quá trình học tập và khả năng bản thân của mội người. Theo tôi được biết thì nhóm ngành xây dựng đến nay vẫn chưa bão hòa…
* Ngành công nghệ môi trường ĐH Tây Nguyên học những môn gì?
- TS Võ Thị Phương Khanh: Đối với ngành công nghệ môi trường thì ban đầu học các môn cơ sở như các ngành khác, sau đó sinh viên học thêm các môn như xử lý rác thải, môi trường. Ngành này có thể làm ở các công ty về môi trường, cảnh sát môi trường…
*Em muốn hỏi về ngành quản trị khách sạn của Trường ĐH Tài chính – Marketing?
- Th.S Hứa Minh Tuấn: Ngành này mới tuyển sinh năm 2012, trước đó ngành này quản trị nhà hàng khách sạn, du lịch, lữ hành. Chỉ tiêu chỉ 200 nhưng 4.500 thí sinh đăng ký dự thi. Ngành quản trị khách sạn là một nhánh của quản trị, chuyên về quản trị khách sạn…
Ngành này là một trong những ngành đòi hỏi sinh viên phải linh hoạt, chịu khó đi xuống đến tận các nhà hàng, khách sạn để làm việc bán thời gian, đúc rút kinh nghiệm.
Điểm chuẩn khối A, D1 là 19 điểm. Năm nay, ngoài hai khối thi này còn có khối thi A1. Song song đó, trường cũng dự kiến mở quản trị nhà hàng, ăn uống. Có thể khác nhau về chuyên ngành nhưng những kiến thức chung đều như nhau.
* Ngành Công nghệ điện tử tự động hóa học ở đâu, làm việc ở những nơi nào?
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Nhiều trường đào tạo ngành này như ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật. Các em có thể tìm hiểu thêm ở trang web của các trường để tìm hiểu sâu hơn. Cơ hội việc làm của ngành này thì rất tốt bởi hiện nay nhu cầu cho lao động công nghệ cao là rất nhiều dù so với các ngành kinh tế thì ngành này có mức lương thấp hơn chút xiu nhưng rất bền vững…
* Em đăng ký vào ngành ô tô thì sao thưa thầy?
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Hiện nay ở VN muốn mua một chiếc ô tô luôn cao hơn thế giới từ ba lần. đến năm 2018 VN sẽ áp dụng việc không đánh thuế nhập khẩu ô tô và sẽ bắt đầu có thể tự sản xuất, lắp ráp được. Vì vậy việc lựa chọn chuyên ngành này của em ngay từ bây giờ là rất phù hợp và cơ hội việc làm rất cao...
* Nếu em học chuyên ngành hành chính, hình sự có cơ hội tìm việc ở các cơ quan ngoài nhà nước hay không?
- Th.S Lê Văn Hiển: Ngành luật có 5 lĩnh vực chuyên sâu và sự khác biệt không lớn. Mỗi ngành luật chuyên sâu trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực đó. Khi theo học lĩnh vực chuyên sâu nào, các bạn cũng được trang bị kiến thức chung về luật bên cạnh các kiến thức chuyên sâu. Như vậy cơ hội việc làm của các bạn là như nhau ở các cơ quan ngoài nhà nước, công ty, văn phòng luật sư, tổ chức phi chính phủ... Vấn đề còn lại là kiến thức và các kỹ năng mềm của mình.
* Em thi vào ngành dược nếu không trúng tuyển có được xét tuyển vào ngành khác cùng trường không? Cơ hội việc làm ngành dược như thế nào?
- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Năm 2013, Trường ĐH Y dược TP.HCM dự kiến tuyển 300 chỉ tiêu ngành này. Điểm chuẩn vào ngành này khá cao: năm 2011: 25 điểm, 2012: 25,5 điểm. Ngành dược được trường đào tạo ở ba bậc ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp. Bậc trung cấp xét tuyển hai môn toán, sinh với điểm chuẩn năm 2012 là 9,5 điểm.
Khi đăng ký dự thi vào ngành dược, nếu không trúng tuyển em sẽ không được xét tuyển vào ngành khác vì trường không xét tuyển NV2. Dù điểm thi cao, đủ điểm vào ngành khác cũng không được xét tuyển. Khi tốt nghiệp này có thể làm ở các công ty dược, làm ở bệnh viện hay làm trình dược viên.
11g, chương trình tư vấn kết thúc. Vẫn còn rất nhiều bạn tranh thủ gặp các thầy cô để hỏi thêm thông tin. Ban tư vấn chương trình sẽ cố gắng giải đáp thêm những vấn đề chưa kịp giải tỏa trong chương trình hôm nay trên trang Tuyển sinh của Tuổi Trẻ online tại địa chỉ tuoitre.vn/tuyen-sinh. Chia tay với các bạn học sinh Đăk Lăk, ban tư vấn chương trình lên đường ngay đến với chương trình tư vấn tuyển sinh tại Gia Lai vào sáng mai 20-1. Nội dung hỏi đáp của chương trình cũng sẽ được tường thuật trên TTO. Mời các bạn theo dõi. |
Ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Đăk Lăk * Nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông, cơ khí, điện tử... - TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM. - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. - TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM - TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). - PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. - TS Võ Thị Phương Khanh, Phó trưởng khoa khoa học tự nhiên và công nghệ Trường ĐH Tây nguyên. * Nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh... - TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. - Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, Phó chánh văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM. - Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing - TS Lê Đức Niêm, Trưởng khoa kinh tế Trường ĐH Tây nguyên * Nhóm ngành khoa học xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, luật, quân đội, công an, y dược, nông lâm... - PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. - TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM). - Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM. - Thạc sĩ Huỳnh Trương Lệ Hồng, Phó ban đào tạo khoa điều dưỡng – kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM. - TS Nguyễn Thanh Hưng, Trưởng khoa sư phạm Trường ĐH Tây nguyên. -Thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh , Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk. -TS Nguyễn Văn Hòa, trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Tây Nguyên |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận