08/01/2012 09:22 GMT+7

3.000 HS Bình Phước đến tư vấn tuyển sinh

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TTO - Sáng 8-1, chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở GD – ĐT, tỉnh Đoàn Bình Phước đã diễn ra tại trường THPT Đồng Xoài (thị xã Đồng Xoài), thu hút khoảng 3000 học sinh tham dự.

Đây là năm thứ tư liên tiếp chương trình về với học trò tỉnh biên giới này.

Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Chương trình bao gồm hai phần: tư vấn chung cung cấp các thông tin chung về tuyển sinh 2012, định hướng nghề nghiệp, nhu cầu nhân lực... Phần tư vấn riêng với các nhóm ngành: kinh tế- y dược – nông lâm, kỹ thuật - công nghệ và khoa học xã hội - sư phạm - luật - công an, ban tư vấn sẽ giải đáp tối đa thắc mắc của học sinh liên quan đến các ngành nghề cụ thể với các vấn đề như điểm chuẩn, chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp..

MoBdJ8ZZ.jpgPhóng to
Từ 6g30 sáng, đông đảo học sinh đã đến tham dự buổi tư vấn tuyển sinh tại trường THPT Đồng Xoài, Bình Phước - Ảnh: Tiến Thành
ec5HXAJ8.jpgPhóng to
Phát giấy cho các học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Tiến Thành
BHShOe2g.jpgPhóng to
Một số HS tranh thủ đọc báo trước giờ tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Tiến Thành

Không khí của ngày cuối năm ở Bình Phước khá mát mẻ, trời mát nên học trò đến khá sớm. Mới hơn 6g sáng, học sinh của “chủ nhà” trường THPT Đồng Xoài đã có mặt tại trường để phụ các thầy cô sắp xếp ghế ngồi, dợt lại các chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” để góp vui chương trình.

Không giấu được vẻ băn khoăn, bạn Trịnh Thị Kiều (lớp 12A3 CB) cho biết: Nhà em ở ấp 6, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài. Năm nay em dự định thi vào ngành kế toán của một trường ĐH nào đó, học lực em chỉ ở mức trung bình nên chưa biết thế nào”. Kiều cũng cho biết bạn “thích trẻ em” và cũng muốn tìm hiểu thêm về ngành sư phạm mầm non.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Tố Anh (cùng lớp với Kiều) cũng băn khoăn: “Em học khối A và dự định thi sư phạm. Em không biết ngành sư phạm phải chuẩn bị những gì cho vừa sức”.

Thông tin từ tỉnh Đoàn Bình Phước cho biết, tỉnh đã mời khoảng 2.700 học sinh lớp 11, 12 từ nhiều trường THPT ở thị xã Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, Chơn Thành… tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh này.

Tham gia buổi tư vấn sáng 8-1, ngoài 10 lớp khối 12, Trường THPT Đồng Xoài còn cho 10 lớp thuộc khối 11 tham gia. Bí thư đoàn trường Trường THPT Đồng Xoài, chị Khúc Nguyễn Ngọc Hảo, cho biết trường cũng có các buổi ngoại khóa hướng nghiệp, lao động hướng nghiệp cho học sinh bắt đầu tư khi học lớp 10 nhưng do số tiết không nhiều và giáo viên kiêm nhiệm nên cũng chưa thể giải đáp hết cho học sinh.

Hồ Thị Thu Huyền - lớp 11A1 - cho biết mình thích học ngành tài chính ngân hàng từ khi học lớp 9. Lý do thích được Huyền đưa ra cũng khá đơn giản: hàng xóm có chị làm ngân hàng, ăn mặc rất đẹp và công việc cũng tương đối nhàn. Huyền được anh trai đang học Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tặng cho một cuốn sách nói về các nghề nghiệp để tìm hiểu trước. Ngoài ra Huyền cũng tự mình lên mạng tìm hiểu về ngành này như chương trình đào tạo, điểm chuẩn các năm, cơ hội việc làm...tuy nhiên Huyền vẫn chưa gặp được thầy cô giáo của các trường ĐH để được tư vấn cụ thể và chi tiết. Hôm nay Huyền cho biết sẽ nhờ thầy tư vấn rõ hơn những thắc mắc của mình.

Mở đầu chương trình, ông Vũ Thanh Ngữ - phó bí thư tỉnh đoàn Bình Phước phát biểu: "Hiện học sinh đang dồn toàn tâm toàn trí để học tập thật tốt để hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Để các bạn chọn ngành gì là mối quan tâm hàng đầu của gia đình và xã hội. Chương trình tư vấn này vô cùng ý nghĩa đối với học sinh. Đây là năm thứ tư chương trình tổ chức tại Bình Phước. Đây là điểu hết sức ý nghĩa mà không phải tỉnh nào cũng có. Do đó, tôi mong các em hãy trân trọng tình cảm mà Tuổi Trẻ và thầy cô từ các trường ở TP.HCM đã dành cho chúng ta.

Chương trình này mới đáp ứng được nhu cầu của học sinh thị xã Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, trên địa bàn còn tám huyện thị chưa được hưởng thụ nội dung của chương trình này, do đó mong các em học sinh có thể chia sẽ thông tin với các bạn học sinh ở các huyện thị khác để có thể thành công hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp".

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phát biểu khai mạc chương trình: “Chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức đến nay đã 10 năm và rộng khắp các vùng miền của tổ quốc. Năm nay, dự kiến sẽ có bốn ngày hội tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và nhiều chương trình ở các tỉnh thành khác.

Chương trình cung cấp cho các em và phụ huynh những nội dung liên quan đến tuyển sinh, xét tuyển NV1, NV2. Năm 2012, chương trình ở Bình Phước là chương trình đầu tiên mở màn mang đến học sinh thông tin về thi tốt nghiệp THPT năm 2012 cũng những thông tin tư vấn ngành nghề cụ thể.

Mở đầu phần tư vấn chung, TS Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ về kết quả thi ĐH-CĐ của học sinh Bình Phước trong những năm qua: điểm bình quân 3 môn thi của học sinh cả nước là 11,05 còn Bình Phước là 10,25, xếp 38/64 tỉnh thành.

Tuy nhiên trong xếp hạng chung này, học sinh trường chuyên Quang Trung (Bình Phước) có điểm bình quân 21, xếp thứ nhất cả nước. Kế đến là Trường THPT Hùng Vương xếp 540/khoảng 2000 trường THPT cả nước. Riêng Trường THPT Đồng Xoài điểm bình quân là 10,39 và xếp hạng 1030.

TS Nguyễn Đức Nghĩa nói: "Phần lớn các em rồi sẽ thi vào các trường ĐH-CĐ, các em cần lưu ý các điểm dự kiến. Kỳ thi tuyển sinh năm nay vẫn thi tuyển theo phương thức 3 chung: chung đề - chung đợt và sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Những năm trước, thời gian thi ĐH được giữ cố định nhiều năm, nhưng năm nay ngày thi sẽ rơi vào các ngày thứ bảy và chủ nhật (có thay đổi so với các năm trước). Đề thi theo dự kiến sẽ bổ sung thêm khối thi A1 (toán, lý, ngoại ngữ). Các khối thi năm ngoái vẫn giữ nguyên, chỉ bổ sung thêm khối A1 chứ không thay đổi khối thi truyền thống.

Ngoài ra, điểm thay đổi nữa là học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào ĐH. Năm nay cũng sẽ không xuất bản cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ", học sinh sẽ phải tìm hiểu thông tin tuyển sinh từ các phương tiện thông tin đại chúng, website của các trường".

xUEjxf4y.jpgPhóng to
Hàng trăm học sinh trường THPT Đồng Xoài đi đi bộ dọc theo quốc lộ 14 để đến điểm tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Tiến Thành
oSKiANcf.jpgPhóng to
Toàn cảnh sân trường THPT Đồng Xoài – nơi tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2012 - Ảnh: Tiến Thành

NỘI DUNG TƯ VẤN CHUNG:

*Thưa ban tư vấn, nên căn cứ vào điều gì trước khi chọn cho mình một ngành nghề?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Chọn cho mình một ngành ưng ý, cha mẹ mình vui lòng là việc làm khó khăn. Hiện nay tổng số ngành lên đến 4.000 ngành. Nếu các em cảm thấy thích về lĩnh vực nào đó chẳng hạn về tự nhiên, thích gắn bó máy móc, thích viết văn, làm thơ thì phân loại ra theo từng ý thích.

Chẳng hạn em thích ngành sửa xe, thì nên mạnh dạn nói để được cha mẹ, thầy cô hướng dẫn. Bước tiếp theo, các em sẽ tìm xem có những trường nào đào tạo. Sau đó, xem thử trường này đào tạo ngành nào, ra trường làm gì, học phí bao nhiêu. Bước nữa là các em nên xem cơ sở vật chất của trường, địa điểm của trường ở đâu. Từ đó, các em xác định ngược trở lại sức học của mình có vào được ngành đó hay không.

Chẳng hạn như hiện rất nhiều trường ĐH về công nghệ thông tin và nhiều em thích theo học ngành này. Các em thiếu thông tin nên không để ý những trường khác ngoài những trường danh tiếng, trong khi đó mình không vừa sức. Để xác định sức mình, các em có thể làm thử đề thi đại học một cách nghiêm túc. Từ đó, xem số điểm mình đạt được và so sánh với điểm chuẩn của các trường xem có vừa sức hay không.

Thích là một chuyện, năng lực là một chuyện nhưng nên xem tố chất của mình có phù hợp hay không. Những ngành đòi hỏi tố chất năng động nhưng những em thụ động lại thích thi vào thì nên xem lại. Ngoài ra, các em cũng nên tìm thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tìm hiểu thêm.

* Bình Phước có thế mạnh về cây công nghiệp như cao su, điều. Cho em hỏi ĐH Lạc Hồng có bao nhiêu khoa kỹ thuật liên quan đến thế mạnh này không?

- ThS Lâm Thành Hiển: Học sinh Bình Phước học trường Lạc Hồng khá nhiều. Thế mạnh của trường là các ngành công nghệ thông tin và điện tử, cơ điện tử - những ngành chủ yếu trong cuộc thi sáng tạo Robocon. Ngoài ra còn có khoa xây dựng cũng thuộc nhóm ngành kỹ thuật. Liên quan đến việc trồng cây có ngành chế biến thực phẩm.

* Học sinh Hà Văn Minh Hoàng (Trường chuyên Quang Trung) hỏi: Bộ GD-ĐT đưa ra khối A1, liệu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - luật có tuyển sinh khối này không, nếu có thì sẽ xét tuyển như thế nào?

- ThS Lâm Tường Thoại: Trường hàng năm tuyển khối A, D1 còn chuyện thi khối A1 vẫn đang chờ quyết định cuối cùng từ Bộ GD-ĐT. Nếu như Bộ GD-ĐT có bổ sung thì trường sẽ bổ sung.

- TS Trần Thế Hoàng: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến nếu Bộ GD-ĐT cho phép sẽ thi thêm khối A1.Tuy nhiên, quyết định này phải chờ quyết định từ Bộ GD-ĐT. Tại trường, thí sinh Bình Phước thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chiếm tỷ lệ nhóm cao hơn cả TP.HCM. Học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung nằm trong top 10 của trường.

* Ban tư vấn cho em hỏi điều quan trọngnên chú ý trước kỳ thi là gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Các thầy cô cũng đã trải qua nhiều cuộc thi, dù ai đi nữa cũng không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng. Để tránh điều này cần học kỹ sẽ giúp bạn tự tin. Yếu tố tự tin sẽ giúp bạn rất nhiều. Yếu tố tâm lý quyết định 50%. Các bạn nắm vững kiến thức, chuẩn bị tốt thì thành công sẽ đến. Các bạn phải đặt niềm tin vào kỳ thi như thế nào, các bạn có tự tin mình đủ sức ở kỳ thi hay. Những yếu tố này sẽ giúp bạn lạc quan và bình tĩnh hơn trước kỳ thi.

Nếu lo lắng quá, các bạn sẽ hít thật sâu, giải tỏa những điều mình nghĩ để bình tĩnh lại. Vào phòng thi, nên đọc thật kỹ đề thi, câu nào dễ làm trước. Làm qua hết một lượt, câu nào chưa xong thì mới quay lại. Một điều cần lưu ý nữa là các bạn cần có sức khỏe để hoàn thành tốt trước kỳ thi.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng tiếp lời: Tháng 12 vừa rồi tôi ký giấy buộc thôi học một sinh viên vì ưu KV1 lại khai DT1 (con thương binh liệt sĩ) nên từ rớt thành đậu. Sau đó, trường dò lại hồ sơ phát hiện nhiều trường hợp chỉ vì nhầm lẫn nên các em chú ý khi khai phải hỏi bố mẹ và phải chính xác khu vực, đối tượng nếu không sẽ bị cho là khai man và bị đuổi học.

* Hiện nay ngành đào tạo ĐH rất đa dạng nhưng SV ra trường khó tìm việc làm hoặc làm trái nghề. Trường có hỗ trợ gì cho SV hay không?

- TS Nguyễn Kim Quang: Không chỉ lo chọn ngành nào phù hợp mà còn là công việc sau này. Đây là suy nghĩ đầy trách nhiệm. Trước hết mình cần có sự chuẩn bị từng bước. Giai đoạn này nên học tập thế nào, sinh hoạt ra sao để có hiệu quả tốt nhất. Đồng thời tìm hiểu ngành nghề nào phù hợp với mình. Việc mình chọn ngành này, cần xem địa bàn mình, tỉnh lân cận có ngành này mà khả năng trúng tuyển của mình cao.

Nên chọn ngành mình có cảm giác yêu thích để sẵn sàng dấn thân, vượt khó trong quá trình học ĐH. Nếu có kết quả cao, khi ra trường, chính kết quả này cộng với sự yêu thích nghề nghiệp, mình còn được rèn luyện thêm các kỹ năng mềm để định hướng cho công việc sau này như ngoại ngữ, ứng xử... Có định hướng học tập như vậy cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Cơ hội việc làm tốt phụ thuộc vào sự đầu tư cho nghề nghiệp của mỗi cá nhân chứ không phải đánh đều cho tất cả mọi người. Ngành các bạn yêu thích và phù hợp với mình sẽ đem lại sự đãi ngộ cho mình. Không có ngành xấu, ngành thấp kém, chỉ có ngành không phù hợp với mình sẽ khiến mình khó thành công.

* Xin cho biết nhu cầu nhân lực của tỉnh Bình Phước trong thời gian sắp tới?

- ThS Nguyễn Huy Đào: Trường CĐ Công nghiệp cao su của tỉnh Bình Phước có nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao nhân lực về lĩnh vực cao su và đào tạo thêm về bậc cao đẳng, trung cấp nghề. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có Khu công nghệ phía bắc Đồng Phú ngày càng phát triển cùng các dự án, công ty cao su, doanh nghiệp cao su dạng tiểu điền ngày càng nhiều. Hai năm gần đây, các doanh nghiệp này đều gởi thông tin về trường để tuyển dụng hàng trăm lao động.

Nếu học ở trường này các bạn học sinh sinh viên Bình Phước và các tỉnh lân cận học tại trường ra trường có thể đáp ứng được công việc ngay. Bên cạnh đó, học tại trường thứ bảy, chủ nhật có thể học thêm liên thông lên đại học, cao học. Các bạn nên khảo sát đánh giá năng lực của chúng ta như thế nào, yêu ngành yêu nghề như thế nào trước khi chọn ngành nghề.

- Thầy Cao Việt Hưng: Bình Dương, Bình Phước là một nhưng do địa lý rộng quá nên tách làm hai. Tôi khẳng định con đường vào đời không chỉ có đại học mà còn có cao đẳng trung học nghề. Các em nên xác định được năng lực, hoàn cảnh gia đình của mình trước khi lựa chọn. Vị trí của mỗi con người trong xã hội sẽ được xác định khi trách nhiệm của người đó với gia đình, xã hội…

* Ngành du lịch Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn có đào tạo về nghiệp vụ nhà hàng khách sạn?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành du lịch mới đào tạo hai năm. Ngành này có đào tạo về du lịch lữ hành và nhà hàng khách sạn. SV có thể định hướng để chọn hướng học phù hợp.

* Nếu học CĐ ngành kế toán kiểm toán có dễ tìm việc làm hơn ĐH không ạ?

- ThS Lâm Tường Thoại: Bộ đã phân ngành này thành hai ngành riêng kế toán và kiểm toán.Tuy nhiên nhiều trường khi đào tạo kế toán cũng đào tạo các kiến thức về kiểm toán. Muốn làm kiểm toán phải có kiến thức rất vững về kế toán. Khi đào tạo sẽ có rất nhiều môn chuyên ngành về kế toán và kiểm toán. Khi ra trường có thể làm kế toán viên, kế toán chuyên sâu hoặc kiểm toán.

Kiểm toán có 3 hướng: kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên muốn làm kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán nhà nước phải thi và có chứng chỉ mới làm được. Việc làm của ngành kế toán là cao nhất trong các ngành nghề bởi tất cả các tổ chức, công ty đều cần có kế toán. Em có thể học trung cấp, CĐ hoặc ĐH kế toán tùy vào sức học của mình. Kỹ năng của ngành này phải có đó là trung thực, cẩn thận.

* Việc đào tạo cùng một ngành giữa các trường có khác nhau hay không?

- Th.S Lê Văn Hiển: Giữa các ngành trong chương trình đào tạo của các trường đều theo chương trình khung của Bộ GD_ĐT. Chương trình này tùy thuộc theo chương trình khung chiếm từ 55-70%, còn lại là phần “mềm” là thế mạnh của từng trường thiết kế.

Sau khi ra trường, những ngành đó các bạn được cấp bằng như nhau. Chẳng hạn học luật tại Trường ĐH Luật TP.HCM và những trường khác đều được cấp bằng “cử nhân luật”. Tuy nhiên, các em có thể quan tâm đến những trường có bề dày kinh nghiệm đào tạo và thế mạnh của từng trường để lựa chọn theo học.

* Liệu ngoại hình và chiều cao có ảnh hưởng đến công việc sau này không?

- ThS Trương Tấn Trung: Đây là câu hỏi hay. Trong cuộc sống không phải những người nổi tiếng đều có thể hình tuyệt vời. Sự thành công còn tùy thuộc vào suy nghĩ, hoài bão và khả năng học tập của mỗi người. Nếu các bạn đã có ước muốn và phấn đấu hết mình, các bạn tạo được kiến thức tốt thì đó là hành trang để có được sự thành công sau này.

- TS Phạm Tấn Hạ: Thích ngành báo chí thì rất nhiều người thích, có điều là họ dám bày tỏ quan điểm của mình thôi. Đúng là điểm chuẩn ngành này rất cao. Mình yêu báo chí nhưng không phải không vào ngành này thì không thể làm báo. Nhiều anh chị nhà báo hiện làm báo nhưng không học báo mà học các ngành khác của trường như quốc tế, ngữ văn...

Ngành du lịch có ba chuyên ngành hướng dẫn du lịch, quản trị nhà hàng khách sạn và quản trị du lịch. Nếu có kiến thức nền tảng tốt thì cơ hội việc làm của ngành học là khá nhiều, thậm chí là đi làm báo. Nếu không trúng tuyển có thể xét tuyển NV2 vào ngành khác. Hơn nữa, cơ hội học tập của SV giờ rất rộng, khi đào tạo theo tín chỉ SV có thể học hai ngành cùng lúc. Do đó, không trúng tuyển vào ngành báo chí không có nghĩa là cơ hội thực hiện ước mơ làm báo của mình đã hết. Riêng ngành Việt Nam học không tuyển thí sinh là người VN, chỉ tuyển người nước ngoài

* Em nghe nói thủy thủ tàu viễn dương lương rất cao, tại TP.HCM có trường nào đào tạo?

- Th.S Cổ Tấn Anh Vũ: Nếu nói tốt nghiệp ra trường lương cao thì nhiều ngành khác lương cũng cao chứ không phải chỉ riêng ngành thủy thủ. Ở phía Nam đào tạo thủy thủ bậc ĐH chỉ có Trường ĐH GTVT TP.HCM đào tạo ngành đi tàu. Tuy nhiên, em cũng có thể tìm thêm thông tin tại Trường CĐ nghề Hàng Hải TP.HCM. Đặc thù của ngành đi tàu, điều khiễn tàu thủy chỉ tuyển sinh nam chứ không tuyển nữ.

Ngoài ra, những ngành này cũng có những yêu cầu riêng về sức khỏe. Cũng như nhiều ngành khác, học ngành nào các em cũng phải học thêm nhiều về kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các em phải học thêm tiếng Anh để chuẩn bị cho tốt. Hiện tại nhiều nơi trên thế giới đều có ưu tiên tuyển sinh thủy thủ khu vực châu Á nhưng các em phải sử dụng được tiếng Anh.

* Em học tốt toán hóa sinh. Em muốn thi vào ngành công nghệ sinh học ĐH Nông lâm TPHCM và kế toán kiểm toán của ĐH Kinh tế TPHCM

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Hai ngành này hoàn toán trái ngược nhau. Khi học công nghệ sinh học, phải có lòng say mê nghiên cứu khoa học bởi ngành ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi sinh viên phải có sự tìm tòi khám phá cái mới, cẩn thận và tỉ mỉ. Nếu không có những tố chất này em nên thi vào ngành kinh tế.

- ThS Trần Thế Hoàng: Nếu thế mạnh toán hóa sinh thì em nên thi ĐH Nông lâm để tăng cơ hội trúng tuyển của mình.

TS Nguyễn Đức Nghĩa dặn dò về việc thí sinh làm hồ sơ sự thi, học song song hai ngành, ông nhắc: "Hiện các trường ĐH rất nhiều ngành, thi vào ngành nào thì các em học ngành đó. Riêng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chia ngành ra sau 1,5 năm học. Hiện nay có nhiều trường cho phép học ngành thứ hai song song với ngành đào tạo. Trước kỳ thi, các em cần chuẩn bị thật kỹ hồ sơ đăng ký dự thi. Trong hồ sơ đăng ký dự thi rất phức tạp, những thông tin trong này được mã hóa và ghi chính xác tên trường. Chẳng hạn như Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là QSB, bên cạnh đó các em cũng phải xem mã trường THPT Đồng Xoài là gì, mã tỉnh, huyện của mình là bao nhiêu. Những điều này sẽ “ập” đến với các em ngay sau Tết nguyên đán vì hồ sơ này các em phải nộp khoảng đầu tháng 3 TP.HCM.

Trong hồ sơ đăng ký sẽ ưu tiện theo khu vực và đối tượng. Ưu tiên khu vực nơi theo học THPT, nếu học tại các trường THPT tại các trường trên địa bàn Bình Phước đều thuộc khu vực 1. Ưu tiên theo khu vực rất dễ kiểm chứng, tuy nhiên ưu tiên theo đối tượng do các em tự khai và nguy hiểm là do các em không biết mình thuộc đối tượng nào. Các em phải đọc kỹ xem mình thuộc đối tượng nào, nhóm đối tượng nào.

Ưu tiên đối tượng này, các trường ĐH, CĐ chỉ kiểm tra giấy chứng nhận khi các em vào nhập học. Khi làm thủ tục nhập học thì trường phải kiểm tra, nếu không phải cắt ngay chứ không được theo học nữa. Phải chặn các em ngay từ khi làm hồ sơ. Về tình, trường hợp buộc thôi học chỉ xảy ra khi nhờ điểm này mới đủ điểm đậu, còn nếu điểm thi vẫn đậu không cần điểm ưu tiên đó thì vẫn cho các em tiếp tục theo học.

Thành phần ban tư vấn gồm:

- TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó GĐ ĐH Quốc gia TP.HCM- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM- TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác chính trị sinh viên, ĐH QG TP.HCM- PGS. TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM- ThS Cổ Tấn Anh Vũ, - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH giao thông vận tải TP.HCM- TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH KH Tự nhiên, ĐH QG TP.HCM- TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM- Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, ĐH Quốc gia TP.HCM- Thạc sĩ, bác sĩ Trương Tấn Trung, Trường ĐH Y dược TP.HCM- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH QG TP.HCM- Thạc sĩ Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Luật TP.HCM.- Thạc sĩ Nguyễn Huy Đào, phó phòng đào tạo Trường CĐ Công nghiệp cao su Bình Phước- Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng- Ông Cao Việt Hưng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương.

11g, tại khu vực tư vấn kỹ thuật công nghệ, các thành viên ban tư vấn đã giải đáp đến câu hỏi cuối cùng và tư vấn thêm cho từng thí sinh về những lưu ý trước kỳ thi tuyển sinh. Tuy nhiên, tại khu vực tư vấn kinh tế, y, dược, nông lâm và khu vực tư vấn xã hội nhân văn, luật, công an, học trò Bình Phước vẫn “vây” quay các thành viên ban tư vấn để bày tỏ những nỗi băn khoăn của mình. Các thành viên ban tư vấn đã có một buổi khá vất vả để giải tỏa “cơn khát” thông tin của học trò.

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên