Sáng kiến Childlight của Đại học Edinburgh - nhằm mục đích tìm hiểu mức độ phổ biến của tình trạng lạm dụng trẻ em - cho biết mỗi năm có 12,6% tức hơn 300 triệu trẻ em trên toàn thế giới là nạn nhân của việc nói chuyện, chia sẻ và tiếp xúc với hình ảnh và video tình dục ngoài ý muốn.
Ngoài ra, có đến 12,5% trẻ em cho biết mình đã từng bị người lớn hoặc thanh, thiếu niên khác gạ gẫm, bắt buộc trò chuyện trực tuyến về tình dục như gọi điện, gửi tin nhắn yêu cầu thực hiện những hành vi khiêu dâm và trả lời những câu hỏi về tình dục.
Những tên này còn thu thập hình ảnh của nạn nhân và sử dụng công nghệ AI deepfake để làm giả thành các video và hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy nhằm tống tiền nạn nhân.
Đây có thể là nghiên cứu mang tính toàn cầu đầu tiên về vấn nạn lạm dụng tình dục trực tuyến trẻ em.
Trích dẫn nghiên cứu trong bài viết ngày 27-5, báo The Guardian của Anh cho biết Mỹ là khu vực có tỉ lệ lạm dụng trực tuyến trẻ em cao. Theo đó, cứ 9 nam giới ở Mỹ thì có 1 người (tương đương với gần 14 triệu người) thừa nhận hành vi lạm dụng trực tuyến đối với trẻ em vào một thời điểm nào đó.
7%, tương đương với 1,8 triệu người đàn ông ở Anh, cũng thừa nhận hành vi này.
Nhiều người thừa nhận rằng họ sẽ tìm mọi cách để thực hiện hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ em và bắt các em giữ bí mật sau khi thực hiện xong.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm của vấn nạn này, giám đốc điều hành của Childlight Paul Stanfield cho rằng đây là một con số đáng kinh ngạc. "Các cáo buộc về tội phạm lạm dụng trẻ em nhiều đến mức các cơ quan giám sát và cảnh sát nhận được báo cáo về hành vi này trung bình mỗi giây một lần", ông nói.
"Vấn nạn này giống như một cơn đại dịch toàn cầu và nó đã bị che giấu quá lâu. Nó xảy ra ở khắp nơi trên thế giới và đang gia tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, toàn thế giới cần hành động khẩn cấp và ngăn chặn kịp thời. Trẻ em không thể chờ lâu hơn được nữa", ông này nói thêm.
Grace Tame, một nạn nhân đã từng bị lạm dụng tình dục trẻ em và là người sáng lập Quỹ Grace Tame, cho biết cần tập trung cơ sở dữ liệu nghiên cứu toàn cầu để có thể bảo vệ trẻ em.
Ông Stephen Kavanagh, giám đốc điều hành của Tổ chức Interpol, cho biết việc thực thi pháp luật theo cách truyền thông đang gặp nhiều khó khăn để có thể bắt kịp công nghệ của tội phạm.
"Chúng ta phải cùng nhau làm nhiều hơn nữa ở cấp độ toàn cầu, bao gồm đào tạo điều tra viên có chuyên môn hơn, chia sẻ dữ liệu và trang bị tốt hơn để chống lại đại dịch này một cách hiệu quả cũng như ngăn chặn tác hại mà nó gây ra cho hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới", ông Stephen Kavanagh kêu gọi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận