Trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cua Cà Mau - Ảnh: THANH HUYỀN
Ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết ngày hội cua nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu cua Cà Mau và các loại đặc sản của địa phương đến du khách trong và ngoài nước, với kỳ vọng quảng bá thương hiệu địa phương, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển các ngành nghề.
Đây là sự kiện quy mô cấp tỉnh được tổ chức với nhiều chương trình, hội thảo hấp dẫn như: diễn đàn bàn về giải pháp kéo dài thời gian lưu lại của du khách tại Cà Mau; liên hoan đờn ca tài tử ba tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng;
Hội thảo về phát triển bền vững nghề cua Cà Mau, cuộc thi ẩm thực xác lập kỷ lục 69 món ăn chế biến từ cua Cà Mau, cuộc thi cua lớn nhất, cuộc thi đua cua và kết hợp nhận bằng kỷ lục châu Á cho lẩu mắm U Minh. Bên cạnh đó, còn diễn ra hội chợ thương mại tổng hợp, trưng bày sản phẩm OCOP với khoảng 500 gian hàng tham gia.
Theo ông Lê Văn Sử, để chuẩn bị chu đáo cho ngày hội được mong chờ nhất trong năm này, ngành chức năng Cà Mau đã vận động nông dân, các thương lái tăng… thu hoạch và đã thu mua được gần 300 tấn cua để phục vụ trong 7 ngày hội.
Với đặc trưng là đất bồi ven biển, giàu phù sa khoáng chất, vi sinh vật nên cua biển ở Cà Mau nổi tiếng khắp nơi với độ chắc thịt, gạch nhiều, hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào khoáng chất và vitamin.
Cua biển Cà Mau được xác định là ngành hàng chủ lực của tỉnh, vị thế con cua chỉ đứng sau con tôm. Mới đây, con cua Cà Mau đã vinh dự được lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam .
Tại lễ khai mạc, cua Cà Mau đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Cà Mau hiện có diện tích thả nuôi cua hằng năm lên đến 250.000 ha, sản lượng thu hoạch cua đạt hơn 25.000 tấn/năm. Cua Cà Mau không những làm thực phẩm phục vụ bữa ăn trong gia đình mà còn mang lại giá trị hàng ngàn tỉ mỗi năm cho người Cà Mau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận