Đây là nghề thủ công được truyền qua nhiều thế hệ. Theo các nghệ nhân lão thành, ngày xưa nón ngựa chỉ dành cho vua quan đội. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.
Theo ông Đặng Văn Lan (có hơn 60 năm tuổi nghề), một cái nón lúc hoàn chỉnh phải trải qua 10 bước: tạo sườn mê, thắt nang sườn, thêu hoa văn trên sườn, lợp lá chằm chỉ… Trung bình một người làm xong cái nón phải mất từ hơn tháng. Nón này phải làm bằng cây giang (từ Phú Yên) để tăng độ dẻo dai, chứ không làm bằng tre.
Hiện nay làng nón ngựa Phú Gia chỉ còn vài hộ gia đình, tự làm hết các công đoạn để hoàn thiện chiếc nón ngựa. Các hộ dân còn lại chỉ nhận gia công theo từng công đoạn để hình thành nên chiếc nón ngựa.
"Làm nghề này rất nhọc công. Nặng nhất là phải phơi từng lá kè, sau đó ngồi lấy một tấm sắt đặt lên bếp lửa rồi cầm miếng vải ép xuống và vuốt thẳng từng sợi lá kè", ông Lan chia sẻ.
Cũng theo ông Lan, hiện tại vợ chồng ông là một trong những người có tuổi nghề cao nhất. Ông cùng vợ đang truyền lại nghề này cho các con, cháu của mình.
"Chúng tôi truyền hết cho con cháu trong nhà. Có đứa thích, có đứa không. Tuy nhiên gần đây có những cháu học sinh thường đến đây tìm hiểu và học cách làm nón. Tôi thấy vui vì nghề này đã được cộng đồng quan tâm", ông Lan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận