Trong lúc các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về nguồn gốc của virus, các chuyên gia tin rằng covid-19 có thể đã lây từ dơi sang người thông qua một loài động vật trung gian nào đó. Nhưng nghiên cứu mới đây của PEW phát hiện ra rằng 30% người Mỹ tin vào thuyết âm mưu cho rằng covid-19 do con người tạo ra trong phòng thí nghiệm. Và ¼ tin rằng covid-19 do con người… chủ đích tạo ra.
Kết quả của khảo sát trên 8914 người trong vòng 1 tuần từ 10 tới 16 tháng Ba có thể khiến chúng ta kinh ngạc, nhưng cũng phản ánh khó khăn trong việc chuyển tải thông tin chính xác về đại dịch cho những người cần được biết nhiều nhất.
Người trả lời khảo sát có nhiều quan điểm trái ngược nhau, nhưng lại nói lên nhiều điều về “những quy kết hoàn toàn bịa đặt về virus corona”
Họ tin rằng chủng virus corona hiện nay “tự nhiên xuất hiện, được phát minh có chủ đích trong phòng thí nghiệm, được tình cờ phát minh trong phòng thí nghiệm, hoặc không hề tồn tại.”
Chỉ 43% chọn “tự nhiên xuất hiện”, trong khi 23% chọn có chủ đích. 6% lại cho rằng virus tình cờ được tạo ra, và 1% còn cho rằng… chẳng có con virus nào.
70% người khảo sát cho rằng truyền thông đang đưa tin về virus “khá tốt” hoặc “tương đối tốt” – một mâu thuẫn chỉ ra rằng thuyết âm mưu đã len lỏi vào cả tin tức – hoặc các nhà báo của chúng ta đã không làm công việc của mình đủ sáng tỏ và thuyết phục để giải thích về nguồn gốc của virus.
Giả thiết covid-19 được con người tạo ra xuất phát từ hoài nghi của một số nhà khoa học từ những ngày đầu bùng phát đại dịch, rằng virus xuất phát từ phòng thí nghiệm. Giả thiết này hình thành từ quan sát các bệnh nhân covid-19 đầu tiên thường đi đến cùng một khu chợ động vật tại Vũ Hán, nhưng không phải ai cũng mắc bệnh. Do đó, một số nhà khoa học cho rằng có thể virus xuất phát từ một phòng thí nghiệm nơi con người tiến hành nghiên cứu trên loài dơi.
Nhà vi sinh Richard Ebright cho rằng virus có thể tình cờ nhiễm sang con người, “chẳng hạn một công nhân trong phòng thí nghiệm.” Giả thiết này được nhiều báo đài, truyền thông sử dụng và nhanh chóng lan tới các quan chức chính phủ, trong đó có cả thủ tướng Anh Boris Johnson. Tuy nhiên hoàn toàn không có chứng cứ khoa học nào củng cố giả thiết này, ngoại trừ vị trí của chi nhánh Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc đặt gần chợ động vật Vũ Hán, và… hết.
Khi lan tỏa, thông tin này hóa thành một thuyết âm mưu: virus không những xuất phát từ phòng thí nghiệm, mà nó được tạo ra, bởi vì virus phải lây lan sang con người thông qua tiếp xúc với vật chủ.
Eliza Barclay của tờ Vox đã “giải thiêng” thuyết âm mưu này hồi tháng Ba, khi nhận thấy thuyết âm mưu này đã lan tới các bình luận viên cánh hữu như Rush Limbaugh, đồng thời truyền thông Trung Quốc cũng ra sức giải thích. Sự phổ biến của giả thiết này lan tỏa mạnh cùng với làn sóng bài Trung. Một phiên bản khác của giả thiết này còn tố ngược lại virus đến từ một phòng thí nghiệm của… Mỹ!
Rõ ràng nhiều biến dị của giả thiết đã xuất hiện bên cạnh những thực tế đã được chứng thực về virus, thường được truyền thông lẫn các nhân vật có quyền lực gia cố thêm. Rất khó có thể đầu tư về thông tin giữa thời buổi khủng hoảng và tin tức tiến triển với tốc độ vô cùng nhanh chóng, cũng như tin giả lan tràn.
Thêm một yếu tố khác phức tạp không kém là những niềm tin sai lệch ở Mỹ về vai trò của chính phủ Donald Trump trong việc coi nhẹ và đánh đổ các nỗ lực xem xét đúng mực cơn đại dịch, nhất là khi chính Trump đã đưa ra nhiều nhận định sai lệch hoặc vô căn cứu về virus: so sánh với cảm cúm thông thường, gọi virus là “bịa đặt”, và “cảm giác” rằng tỉ lệ tử vong của virus sẽ rất thấp. Tháng Hai, Trump tuyên bố “một ngày nọ, như một phép màu, virus sẽ tự động biến mất.”
Trong một khảo sát hồi tháng Ba, đại đa số khán giả của Fox News tin rằng nỗi sợ về virus corona đã bị… phóng đại.
Những người tin vào thuyết âm mưu về virus cũng chính là những người dễ mất mạng vì nó nhất, khảo sát chỉ ra. Theo PEW, những người trả lời khảo sát có bằng trung học hoặc thấp hơn, hoặc thuộc nhóm da đen và Latin, thường dễ tin rằng con người tạo ra covid-19. Trong bối cảnh bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống như ở Mỹ, không ngạc nhiên khi các cộng đồng thiểu số bất tín các nhà khoa học và chuyên gia về sức khỏe. Và tới ngày 11 tháng Tư, 41% lượng tử vong do virus corona tại Michigan là người da đen, khi chỉ chiếm 14% dân số.
Người nghèo, tầng lớp lao động, và thiểu số là những nhóm người có tiếp cận bất bình đẳng và thiếu thường xuyên về sức khỏe và bảo hiểm y tế, dễ có các bệnh nền, lại cư trú tại những vùng ô nhiễm không khí, và làm những công việc có rủi ro cao.
Vai trò của truyền thông trong việc đưa thông tin chính xác, rõ ràng, cập nhật nhất, đôi khi, cũng chính là vấn đề sinh tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận