Sau sự kiện thảm sát Gạc Ma, một đoàn công tác gồm các nhà báo, nhiếp ảnh gia, đạo diễn, quay phim được ra ngay Trường Sa.

Họ đã đặt chân lên con tàu HQ-505 ủi bãi đầy thương tích đạn pháo, nằm hiên ngang trên Cô Lin như một pháo đài thép.

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 1.

Một chuyến đi không chỉ phải vất vả chịu đựng sóng gió mà cần có lòng quả cảm, có thể phải hy sinh, bởi không thể lường hết dã tâm của kẻ thù chỉ vài tuần trước đó đã nã đạn vào con tàu và những người lính công binh tay không vũ khí.

Ba mươi năm, nghe những câu chuyện, nhìn những tấm ảnh của vùng biển máu Gạc Ma, của những hòn đảo mong manh giữa đại dương thuộc quần đảo Trường Sa lòng chợt rưng rưng.

Họ đã tưởng niệm trên vùng biển có 64 liệt sĩ vừa ngã xuống, đã đặt chân lên nhiều đảo khác để chứng kiến sự can trường và tình yêu Tổ quốc của những người lính trẻ.

Nhân tưởng niệm 30 năm ngày đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm, chúng tôi may mắn gặp lại nhiều nhà báo đàn anh đã có mặt trong chuyến đi tròn 30 năm trước.Những tấm ảnh, những câu chuyện dưới đây nối hai chiều thời gian, cho chúng ta thêm tin yêu vào những người lính, làm bùng lên một tình yêu mãnh liệt với Trường Sa.

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 2.

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 3.

Vốn là tàu đổ bộ lớp LST-491 được đóng cho Hải quân Hoa Kỳ để tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hạ thủy cuối năm 1943. Hải quân Hoa Kỳ dùng tàu này ở mặt trận châu Âu và đổ bộ lên Normandie (tháng 6-1944).  

Ngày 8-4-1970, tàu được loại biên và đem cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa thuê. Trong lực lượng này, nó được gọi là “dương vận hạm” (tàu vận chuyển trên biển) và được đặt tên mới là Quy Nhơn với số hiệu HQ-504.

Từ 1973-1975, Quy Nhơn HQ-504 tham gia vận chuyển vật liệu, thiết bị và nhân lực để xây dựng các chốt trên đảo và giữ quần đảo Trường Sa.

Sau ngày 30-4-1975, nó trở thành tàu của Hải quân Nhân dân Việt Nam với số hiệu HQ-505 và tiếp tục được sử dụng phục vụ việc xây dựng và bảo vệ Trường Sa. Trong Chiến dịch CQ-88, HQ-505 được giao nhiệm vụ từ đảo Trường Sa ra đóng giữ đá Cô Lin.

Một trong những tấm ảnh quý giá nhất trong chuyến đi năm ấy là bức hình chụp con tàu HQ-505 sau khi bị trúng đạn pháo có nguy cơ chìm. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã cho tàu lao lên đảo chìm Cô Lin, tàu mắc cạn ở đó, bốc cháy nhưng đã trở thành công sự thép trên đảo.

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 4.

Một thời gian sau, hải quân đã cứu hộ và lai dắt tàu HQ-505 về bờ nhưng giữa đường gặp sự cố, tàu HQ-505 đã bị chìm.

Nhiều lần chúng tôi hy vọng con tàu này sẽ được trục vớt để đưa về khu vực quần thể Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma tại Khánh Hòa như một chứng tích của cuộc thảm sát tàn bạo. Nhưng đến nay, vẫn chưa tìm được một dấu tích nào của nó.

Trong quá trình đi tìm kiếm tư liệu, chúng tôi may mắn gặp một mảnh mặt bàn do một sĩ quan hải quân đóng ở đảo Sinh Tồn nhặt về.

Gần 30 năm nay, sau nhiều lần di chuyển từ đảo vào bờ, từ tỉnh này đi tỉnh khác sinh sống, chiếc mặt bàn ấy luôn được mang theo như một ám ảnh mà chính ông cũng không cắt nghĩa nổi.

Người đang có cái mặt bàn, di vật còn lại duy nhất của tàu HQ-505 là ông Thái Văn Khôi, thời điểm tháng 3-1988 là đảo trưởng đảo Sinh Tồn, hiện sống ở Tây Nguyên.

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 5.

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 7.

Trong những bức ảnh nhà báo Vinh Quang - phóng viên báo ảnh Việt Nam, nay đang sống ở Australia gửi về, có tấm ảnh chụp đảo Thuyền Chài trong chuyến đi của tròn 30 năm trước khiến tôi chợt run lên vì xúc động.

Ở tấm hình này, đảo Thuyền Chài hiện ra với ba “đơn nguyên”. Bên trái là “nhà cao chân”, ở giữa là lô cốt và bên trái là một cái “pông tông”.

Ba đơn nguyên ấy là khởi thủy của những truyền kỳ về đảo chìm. Và chính cái “pông tông” ở đảo Thuyền Chài ấy, sau ba mươi năm nó đã làm xong nhiệm vụ, đứng đó như một chứng nhân bền bỉ và thủy chung.

Tháng 5-2017, khi trở lại Trường Sa lần thứ tư, tôi đã đứng lặng rất lâu trên hành lang tòa nhà lâu bền và nhìn ra chiếc pông tông đã rỉ sét.

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 8.
30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 9.

Trong mấy chục tấm hình tư liệu về chuyến ra Trường Sa - Gạc Ma của nhà báo Vinh Quang vào năm 1988, chúng tôi ấn tượng nhất với bức ảnh có tên “Lưng trần lính Trường Sa”.

Năm người lính đang gò lưng đẩy một chiếc xe chở vật liệu. Tấm lưng trần dưới nắng đảo như đổ lửa, đen bóng như đồng hun, bóng loáng.

Chúng tôi nhận ra trong tấm ảnh đó là câu chuyện về lòng quả cảm, nét can trường, nhưng bao trùm lên vẫn là sự hy sinh và dâng hiến của tuổi trẻ của họ cho Tổ quốc.

Nhìn tấm hình ấy, tôi lại nhớ tấm hình chụp Trường Sa mấy tháng trước.

Đảo Trường Sa Lớn giờ là phố thị giữa trùng dương. Có bệnh viện, đền thờ, chùa chiền, phố xá và ấn tượng nhất với tôi là hai chiếc máy bay chở khách từ đất liền ra thăm đảo.

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 10.
30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 11.


30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 12.

Cũng như  đảo Trường Sa Lớn và nhiều hòn đảo khác từng hiện lên trong khuôn hình của các nhà báo tham gia chuyến đi ấy, sau 30 năm, tất cả đã thay đổi rất nhiều.

Từ nỗi đau Gạc Ma, đất nước đã dồn sức cho cả quần đảo Trường Sa lớn mạnh, đủ sức đương đầu với bất cứ thế lực đen tối nào âm mưu độc chiếm biển Đông làm ao nhà của họ.

Tấm ảnh đảo Phan Vinh do nhà báo Đình Trân, phóng viên ảnh của TTXVN chụp 30 năm trước. Trong tấm ảnh, Phan Vinh của 30 năm trước còn quá hoang sơ, trơ trụi và thiếu thốn. Còn giờ đây, hình ảnh một hòn đảo can trường mang tên người anh hùng của đoàn tàu không số đang bề thế công trình và ngát xanh màu lá.

Chuyến hành trình của báo Tuổi Trẻ “Mang đất thiêng ra Trường Sa” đã tổ chức cho các thành viên trồng thêm hành trăm cây xanh trên đảo. Những cây xanh ấy được đặt vào hố, đất trồng cây được lấy từ những điểm thiêng liêng của đất nước.

Đó là những nắm đất thiêng từ tỉnh Đền Hùng (cội nguồn), từ Lũng Cú (cực Bắc đất nước), từ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (trái tim Hà Nội), từ Đồi A1 Điện Biên Phủ (biểu tượng kháng chiến chống Pháp), từ Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (biểu tượng kháng chiến chống Mỹ), từ Cố đô Huế (khúc ruột miền Trung, nơi nhà Nguyễn đã ra chiếu chỉ về những đội hùng binh đi trấn giữ Hoàng Sa và Trường Sa), từ “đất thép” Củ Chi (TP HCM) và cực Nam Tổ quốc -  đất lấy từ Mũi Cà Mau. 

Ngay sau khi đất các vùng miền được chuyển về quân cảng Cát Lái bằng đường không (đất khu vực phía Bắc), đường sắt (đất khu vực miền Trung), đường bộ (đất khu vực cực Nam), một nhóm phóng viên của Tuổi Trẻ được tháp tùng đoàn hành trình và đưa đất lên các đảo. Phan Vinh là đảo được chọn khởi đầu cho chương trình “Xanh hóa Trường Sa”

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 13.
30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 14.


30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 15.

Rất nhiều tấm ảnh chụp niềm vui của người lính Trường Sa những năm tháng ấy là nhận thư nhà và sách báo. Chuyến tàu chở đoàn nhà báo có mang theo những lá thư gửi cho anh em chiến sĩ trên các đảo.

Nhà báo Đình Trân, Vinh Quang đều chụp nhiều ảnh những người lính Trường Sa sung sướng đọc thư hậu phương.

Cô Lin khi đó vẫn chưa được xây dựng. Chiếc tàu bị cháy HQ-505 trở thành nơi anh em tá túc và là công sự khi chiến đấu.

Nhưng niềm vui nhận được thư và sách báo thì dù ở trên con tàu cháy hay ở “thủ đô Trường Sa Lớn” đều như nhau.

Cuốn họa báo “Báo ảnh Việt Nam” những năm tháng đó được coi là “món ăn báo chí sang trọng” vì tờ báo được in màu, giấy tốt còn hầu hết báo chí đều in hai màu đen trắng.

So với những lá thư đi hàng tháng trời mới ra tới, giờ đây chiếc điện thoại di động không chỉ là cách mạng trong công nghệ viễn thông mà thực sự là một cuộc cách mạng tình cảm nối hậu phương với người lính.

Những năm ấy, không chỉ là thư viện với sách vở tương đối đủ đầy, nhiều người lính còn mang sách vở ra để tranh thủ ôn thi đại học, đợi ngày ra quân có thể tìm lại ước mơ giảng đường của mình.

30 năm Trường Sa - Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian - Ảnh 16.



NGUYỄN TRỌNG TÂM, VINH QUANG, LÊ ĐỨC DỤC, ĐÌNH TRÂN
THÙY TRANG
BẢO SUZU
14/03/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên