03/08/2019 17:05 GMT+7

30 năm nối 'chiếc cầu' khoa học

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Ngày này 30 năm trước (3-8-1989), Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ ra đời, tiền thân là Ban khoa học kỹ thuật trẻ (thuộc Thành đoàn TP.HCM). Chặng đường 30 năm đã được ghi dấu bằng nhiều thay đổi và trưởng thành.

30 năm nối chiếc cầu khoa học - Ảnh 1.

Những sân chơi khoa học giản dị, gần gũi đời sống hằng ngày do trung tâm thực hiện mang đến nhiều khám phá bất ngờ cho các bạn nhỏ - Ảnh: Q.L.

ThS Đoàn Kim Thành - giám đốc trung tâm - nói nếu đọc lại mục tiêu khôi phục sản xuất công nghiệp của ngày đầu hình thành trong điều kiện đất nước vừa đổi mới được vài năm thì đến nay, quy mô hoạt động và các lĩnh vực trung tâm đảm nhận đã phủ rộng hơn nhiều lắm. 

"Hiện có 16 chương trình, giải thưởng, cuộc thi, hoạt động về khoa học liên quan đến các đối tượng trẻ trung tâm đang điều hành mỗi năm. Đó là bước chuyển mình nhưng cũng chính là đòi hỏi mà thực tiễn cuộc sống đặt ra" - anh Thành chia sẻ.

Trung tâm đã hoàn thành tốt vai trò tập hợp lực lượng khoa học trẻ của TP, giúp kết nối đội ngũ này với nhau và với các sở ngành, các trường trên con đường vốn không dễ dàng gì với những bạn trẻ đam mê khoa học.

Anh PHẠM HỒNG SƠN (bí thư Thành đoàn TP.HCM)

Bệ phóng khoa học

Lâu đời nhất là hội thi Tin học trẻ, trước đó là hội thi tin học trẻ không chuyên, hiện đã 28 năm tổ chức. Không thể không nhắc đến chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện, Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế, liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo, hội nghị Khoa học trẻ... đã góp phần không nhỏ để người trẻ tiếp cận khoa học, cũng như đưa kiến thức khoa học đến với người dân một cách cơ bản nhất mà trung tâm đeo đuổi nhiều năm qua.

Anh Đoàn Kim Thành cho biết cùng với các hoạt động, chương trình là nhiệm vụ, vận hành bằng kinh phí được cấp, mỗi năm trung tâm phối hợp với nhiều đơn vị bên ngoài tổ chức ít nhất năm cuộc thi khác. 

"Chúng tôi lo lực lượng, truyền thông để mọi người biết tham gia, đối tác sẽ phụ trách chuyên môn, chi phí tổ chức, giải thưởng. Nhờ đó có nhiều sân chơi cho các đối tượng trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau" - anh Thành nói.

Sinh viên Trần Mạnh Thủ (ĐH Tiền Giang) nói lần đầu tiên tham gia giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, bạn ấn tượng với cách tổ chức

chuyên nghiệp và khoa học. Với Thủ, điều được lớn nhất là đã gặp những người bạn mới đến từ nhiều nơi có cùng đam mê nghiên cứu khoa học, chia sẻ nghiên cứu của mình và học lại từ kết quả của các bạn khác.

Nhiều năm tham gia hội đồng khoa học chấm giải, PGS.TS Từ Diệp Công Thành (hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu) dùng từ tuyệt vời khi nói về Euréka. TS Thành nói chất lượng đề tài sinh viên nghiên cứu ngày càng cao, giám khảo cũng đau đầu khi chấm. 

"Giải thưởng đã mở rộng cả nước rồi, tôi thấy cần bàn sâu, chuẩn bị kỹ để 5 năm tới bung ra khu vực, thế giới, cũng là tạo cơ hội cọ xát cho sinh viên trong nước ở một sân chơi khoa học chất lượng hơn" - ông Thành phân tích.

Hoàn thành tiến sĩ tại nước ngoài song TS Nguyễn Thị Thủy (ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nói nhờ tham gia chương trình Vườn ươm khoa học và công nghệ trẻ, làm chủ nhiệm, chị mới rõ quy trình vận hành, hoàn thiện quá trình thực hiện một đề tài nghiên cứu mà khi ở nước ngoài chị chỉ lo phần nghiên cứu, viết bài báo khoa học. 

"Những nhà khoa học dưới 35 tuổi thật sự rất cần được hỗ trợ những kỹ năng này để hoàn thiện con đường nghiên cứu của họ. Và vườn ươm như cái nôi, giúp ươm những hạt mầm hữu ích cho khu vườn khoa học mai sau" - TS Thủy bày tỏ.


30 năm nối chiếc cầu khoa học - Ảnh 3.

Những con số ấn tượng - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đòi hỏi phía trước

Một cuộc gặp thân tình với một số nhà khoa học gắn bó nhiều năm với các hoạt động của trung tâm đã cùng chia sẻ nhiều thao thức về con đường làm khoa học cho những người trẻ. Một vài ý kiến đề xuất cần có một giải thưởng của tổ chức Đoàn TP dành riêng vinh danh những nhà khoa học trẻ của TP với các thành quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nổi bật.

TS Đinh Minh Hiệp (Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) góp ý: "Chúng ta đã mở rộng giải thưởng Euréka ra phạm vi cả nước, được sinh viên đón nhận và phản hồi tốt. Nên tính toán nâng tầm chiều sâu để giải thưởng này ngày càng uy tín trong giới khoa học chứ không chỉ là sân chơi khoa học phong trào".

Theo ông Hiệp, chương trình Vườn ươm khoa học và công nghệ trẻ bước đầu thành công khi giới thiệu được chân dung nhiều nhà khoa học trẻ của TP, hiện đang có những đóng góp quan trọng cả trong khoa học lẫn quản lý ở một số lĩnh vực. 

"Đã đến lúc chương trình cần nghĩ đến ươm tạo những nhóm nghiên cứu để chúng ta có nhóm nghiên cứu mạnh khi xu thế hiện nay không còn là nghiên cứu đơn nữa mà phải là liên kết, nghiên cứu đa ngành" - ông Hiệp nêu ý kiến.

Cũng quan tâm chương trình vườn ươm, song PGS.TS Từ Diệp Công Thành nói đừng quá áp đặt rào cản với những tác giả tham gia vườn ươm. Thay vào đó, nên khuyến khích, động viên giúp các bạn trẻ bật lên tư duy mới, nghiên cứu đúng chất của người trẻ, bởi đó là vườn ươm.

"Cả giải thưởng Euréka và vườn ươm cần được đầu tư để trở nên phổ quát hơn, không chỉ là hoạt động được các trường hay viện quan tâm mà cả những doanh nghiệp khoa học, công nghệ biết đến, cùng tham gia nhiều hơn chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội tốt hơn cho các bạn trẻ đam mê và muốn bước sâu vào con đường khoa học" - TS Thành gửi gắm.

Bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn đánh giá mục tiêu phát huy các ý tưởng, sáng kiến kỹ thuật tại thời điểm thành lập trung tâm vừa là nhu cầu của những bạn trẻ có ý chí, đam mê làm khoa học nhưng cũng là yêu cầu phát triển của TP. 

"Có thể nói trung tâm đã trở thành "chiếc cầu" khoa học cho đội ngũ trẻ từ ngày đầu ra đời và đến nay vẫn tiếp nối sứ mạng đó khi mở rộng thêm nhiều lĩnh vực" - anh Sơn nói.

Học trò lớp 10, 11 đi Mỹ thi nghiên cứu khoa học

TTO - Tháng 6-2019, tại kỳ thi quốc tế Genius Olympiad diễn ra ở Mỹ, nhóm học trò trường công duy nhất ở TP.HCM là Trường THPT Gia Định đã mang về nhiều giải thưởng.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên