26/09/2019 08:16 GMT+7

30 năm ngày trở về của 'đội quân nhà Phật'

THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH
THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH

TTO - Hôm nay (26-9) đánh dấu tròn 30 năm quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia khi người lính tình nguyện Việt Nam cuối cùng rời khỏi đất nước chùa tháp. 26-9 trở thành ngày trở về của "đội quân nhà Phật".

30 năm ngày trở về của đội quân nhà Phật - Ảnh 1.

Thiếu nữ Campuchia tặng hoa tiễn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Nhìn lại sự kiện ấy, Tuổi Trẻ Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Ngày trở về

Ngày 25-9-1989, tại đài Độc Lập, thủ đô Phnom Penh, lễ tiễn các đơn vị cuối cùng của Quân Tình nguyện Việt Nam về nước sau 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế diễn ra trọng thể. Đến dự có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội và hơn 10 vạn cán bộ, người dân Campuchia. 

Và điều mãi mãi không thể phai mờ là không chỉ ở Phnom Penh, mà nhiều địa phương khác như Siêm Riệp, Battambang, Kampong Cham, Oddar Meancheay…, hàng nghìn, hàng vạn người dân Campuchia xếp hàng dài cả cây số để chia tay "đội quân nhà Phật", danh xưng mà nhiều lãnh đạo và người dân Campuchia gọi lực lượng Quân Tình nguyện Việt Nam, ân nhân của mình.

Các quan sát viên của 20 nước, 60 tổ chức quốc tế và hơn 400 hãng thông tấn, đài phát thanh, truyền hình nước ngoài đến chứng kiến, đưa tin về sự kiện này. Báo Prochiachuôn (Nhân dân) Campuchia ra xã luận khẳng định: "Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi". 

Trước đó nửa năm, tờ Thời báo Canberra (Australia) ngày 19-3-1989 nhận định: "Ai cũng phải thừa nhận là việc Việt Nam vào Campuchia đã đem lại kết quả rõ ràng... Hành động đó đã được nhân dân Campuchia ở khắp nơi chào đón như là sự giải phóng cho họ. Và ai cũng thấy rõ ràng là sở dĩ từ trước đến nay Khmer đỏ không thể trở lại được Phnom Penh chủ yếu là vì sự có mặt của Việt Nam...".

Sự kiện rút toàn bộ Quân Tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia không diễn ra đột ngột, bất ngờ mà là một bước đi chiến lược bài bản, kỹ lưỡng, sáng suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam. 

Trước đó gần 1 năm, ngày 5-1-1989, Tổng bí Thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam sang thăm và dự Lễ kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh Campuchia đã tuyên bố: "…Việc rút toàn bộ Quân tình nguyện chắc chắn sẽ diễn ra vào cuối năm 1989, đi đôi với việc chấm dứt viện trợ quân sự của các nước cho tất cả các bên tại Campuchia, chấm dứt sử dụng lãnh thổ nước ngoài làm 'đất thánh' chống lại nhân dân Campuchia". 

Thời điểm rút quân vào tháng 9 được khẳng định tại cuộc họp ngày 14-3-1989 và được Chính phủ cả ba nước Đông Dương đồng tuyên bố mạnh mẽ trên trường quốc tế vào ngày 15-4-1989. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ban đón tiếp cấp nhà nước do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - làm Trưởng Ban, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Phó Ban.

Toàn bộ Quân Tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước đồng nghĩa với việc một trong hai vấn đề then chốt của giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia đã được thực hiện. Việt Nam đã chủ động thực hiện cam kết của mình, trách nhiệm còn lại thuộc về các nước và các bên liên quan trong việc ngăn ngừa nội chiến và sự phục hồi chế độ diệt chủng tại Campuchia. 

Phía sau lưng đoàn quân tình nguyện Việt Nam là một Phnom Penh đang hồi sinh, yên bình và tràn đầy sức sống. Nó đối lập với Phnom Penh từng được mệnh danh là "thành phố chết" 10 năm trước, dưới bàn tay cai trị bạo tàn của Khmer đỏ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày. 

Để cứu giúp hàng triệu người dân Camuchia khỏi một chế độ diệt chủng tàn bạo và kỳ quái nhất trong lịch sử loài người và không để chúng có cơ hội quay trở lại, rất nhiều chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không thể trở về với đất mẹ.

Ngày trở về, Tư lệnh Mặt trận 719 chỉ thị: "Tất cả những gì tốt nhất, trừ trang bị vũ khí đều phải để lại cho bạn". Đó là lương thực, quần áo, thuốc men, là từng trang bị nhỏ nhất nơi doanh trại đóng quân đều được bàn giao cho chính quyền bạn, không được để "vườn không nhà trống", không đem bất kỳ một tài sản nào của Campuchia về nước. 

Chiếc balô người lính tình nguyện nhẹ tênh, ngoài tấm khăn Kroma, mỗi người chỉ có cân đường thốt nốt, mấy ký cá khô. Cấp sỹ quan có thêm vài gói mì chính là của hiếm lúc bấy giờ, mua ngoài chợ bằng phụ cấp của mình. Các trạm kiểm soát quân sự biên giới được lệnh kiểm tra gắt gao, quân lệnh như sơn, không ai được vi phạm. 

Các quan sát viên, nhà báo quốc tế rất ngạc nhiên khi thấy đến sát ngày rút quân, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam vẫn khẩn trương giúp dân dựng nhà, làm đường, đào kênh mương, khám chữa bệnh cho người dân, dạy các cháu nhỏ học hành... như với đồng bào, người thân của mình. 

Điều rất đỗi bình thường, trở thành bản năng của Quân tình nguyện Việt Nam chính là một trong những điểm khác biệt với các đội quân nước ngoài khác.

30 năm ngày trở về của đội quân nhà Phật - Ảnh 2.

Người dân Campuchia tại buổi lễ tiễn quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước ngày 25-9-1989 - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Vì sao một thập kỷ?

Trong suốt 10 năm Quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn trên đất Campuchia, không ít chỉ trích từ bên ngoài và cả một số ý kiến lạc điệu bên trong cho rằng chúng ta đang "sa lầy" ở Campuchia; thậm chí đến bây giờ cũng vẫn còn có ý kiến "10 năm là quá lâu"! 

Trong suốt 10 năm ác liệt, vô cùng khó khăn đó, các thế lực thù địch đã ngụy tạo cái cớ "Việt Nam đưa quân xâm lược Campuchia" để bao vây, cô lập Việt Nam về chính trị, kinh tế, ngoại giao. Chúng ta đã lường trước các thách thức, trở ngại đó. 

Hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng ghi lại: "Đánh sang Campuchia ta biết có cái khó, nhưng không có cái đó thì không có ngày nay, vì địch quyết đẩy ta vào một cuộc chiến tranh. Khi mở cuộc tiến công ta cũng đã có bàn tính kỹ… Đánh sang Campuchia là đúng!". 

Nguyên Tổng bí Thư Lê Khả Phiêu (thời điểm rút quân năm 1989 là Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Mặt trận 719), khi trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế cũng khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rèn dạy Quân đội chúng tôi: 'Giúp bạn là tự giúp mình'; 'Cứu bạn là tự cứu mình'. Chúng tôi về nước với lòng trong sáng tự hào khi cứu một dân tộc khỏi họa diệt vong, không lấy của nhân dân Campuchia một cái kim sợi chỉ thì sợ gì mang tiếng xâm lược".

Trong quá trình tiến công giải phóng Campuchia, lật đổ tập đoàn Pol Pot vào ngày 7-1-1979, ta không chủ trương đánh tiêu diệt triệt để, mà chỉ xóa sổ cơ quan đầu não và lực lượng chủ yếu của địch, khiến chúng không còn khả năng phản kích hòng lật đổ chính quyền cách mạng, quay trở lại nắm chính quyền, uy hiếp nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của cách mạng Campuchia. 

Lực lượng quân sự Khmer đỏ vẫn còn đến hơn 4 vạn quân, rút chạy, phân tán ở vùng rừng núi hẻo lánh, ép người dân đi theo để làm bia đỡ đạn. Chúng được một số nước lớn cung cấp vũ khí trang bị, lấy khu vực biên giới Thái Lan làm chỗ đứng chân, tiến hành các hoạt động quân sự. 

Ngay từ tháng 2-1979, quân Pol Pot đã tổ chức nhiều đợt phản kích quy mô lớn vào một số địa bàn quan trọng hướng Tây Nam, Tây Bắc, các trục đường 3,4,5… hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường, uy hiếp trực tiếp đến sự tồn tại của chính quyền cách mạng; mưu đồ hình thành "hai vùng, hai lực lượng". 

Thậm chí, lãnh đạo Liên minh Dân chủ 3 phái (trong đó có Khmer đỏ) còn mạnh miệng tuyên bố: "Nếu quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia thì lập tức Chính phủ Hun Sen sẽ bay như tờ giấy!".

Trong tình hình đó, nếu ta không tiếp tục duy trì lực lượng ở lại Campuchia, quân Pol Pot được hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài, hoàn toàn đủ sức để phản công, lật đổ chính quyền cách mạng; phục hồi chế độ diệt chủng, đàn áp cách mạng, tàn sát nhân dân Campuchia. Và nguy cơ tái diễn cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia (như trước năm 1979) là nhãn tiền. 

Khi đó, xương máu của những người cách mạng chân chính Campuchia, của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta đổ xuống để giành chiến thắng ngày 7-1-1979 trở nên vô ích, nghĩa vụ quốc tế, tình đoàn kết ba nước Đông Dương không thực hiện được trọn vẹn. 

Thực tế, từ năm 1979 đến 1989, Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với quân đội Campuchia tiến hành nhiều trận đánh, chiến dịch, đánh bại các đợt phản kích, tiêu diệt các căn cứ quân sự của Khmer đỏ ở biên giới phía Tây, ngăn chặn các nguồn viện trợ quân sự từ bên ngoài qua biên giới Thái Lan (chỉ riêng mùa khô năm 1979 đã diễn ra 11 chiến dịch).

Một lý do quan trọng khác là tình hình an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội Campuchia hết sức phức tạp, khó khăn. Trong một thời gian ngắn, Campuchia chưa thể xây dựng được bộ máy quản lý xã hội dù chỉ ở mức tối thiểu. Môi trường xã hội hỗn loạn, người dân thấy bất an, lo sợ. Một số lớn tàn quân Khmer đỏ vẫn ẩn náu trong các phum xã, lẩn khuất trong các tầng lớp nhân dân, chờ thời cơ chống phá. 

Khắp nơi tràn lan vũ khí Khmer đỏ để lại, thậm chí có cả súng đạn, chất nổ từ thời kỳ Lon Nol (trước năm 1975). Người dân đói khát, thiếu thốn, bần cùng tất sinh đạo tặc… Chừng nào còn tình trạng cướp bóc, hãm hiếp, chừng nào súng ống còn trôi nổi ngoài chợ đen thì chừng đó người dân còn bất an, không thể vững tin để xây dựng cuộc sống mới.

Nhân dân Campuchia từng sống lầm than đến cùng cực dưới chế độ Pol Pot mong muốn được sống hòa bình ổn định dưới chế độ mới. Trước nỗi ám ảnh về sự quay lại của Khmer đỏ, họ bày tỏ mong muốn Quân tình nguyện Việt Nam ở lại giúp đỡ, bảo vệ họ. 

Điều đó được nhà sử học Ben Kiernan (Đại học Yale - Hoa kỳ) viết trong cuốn sách "Chế độ diệt chủng Pol Pot": "Nỗi sợ Pol Pot quay trở lại hủy diệt và nội chiến tái phát là mối đe dọa lớn làm cho mọi người thấy phải coi sự củng cố quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Campuchia với Việt Nam là niềm hi vọng duy nhất để có được một nhà nước độc lập, vững bền".

Giai đoạn đó, chính quyền cách mạng Campuchia đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược phải tiến hành đồng thời là bảo vệ và xây dựng đất nước. Chính quyền Campuchia non trẻ cần được giúp đỡ để xây dựng toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, ổn định cuộc sống, tổ chức khôi phục, phát triển sản xuất. 

Bạn cần sự hỗ trợ, điểm tựa để tiến công địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, để có thể giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, trung lập, không liên kết, hòa bình của Chính phủ Campuchia trên trường quốc tế. 

Xuất phát từ yêu cầu của cách mạng Campuchia, truyền thống quan hệ giữa hai nước, nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân Campuchia, ngày 11-6-1981, Việt Nam và Campuchia kí Hiệp định giúp đỡ và hợp tác quân sự; hai Bộ Quốc phòng kí Hiệp định tiếp tục duy trì các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.

Như vậy, việc Quân tình nguyện Việt Nam ở lại Campuchia có đầy đủ cơ sở pháp lý, là đòi hỏi khách quan, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, với nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì lợi ích của hai dân tộc. 

Việc Quân tình nguyện Việt Nam ở lại bao lâu, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của lãnh đạo Việt Nam, Campuchia mà phụ thuộc vào kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, và còn tùy thuộc vào nguy cơ quay trở lại của chế độ diệt chủng, sự hỗ trợ quân sự của nước ngoài cho Khmer đỏ. 

Thủ tướng Hun Sen, lúc đó là Ngoại trưởng khẳng định: "Khi nào vấn đề Pol Pot và những mối đe dọa từ bên ngoài đối với Campuchia được giải quyết thì quân đội Việt Nam sẽ rút về nước". 

Trung tướng Lê Hai - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - trong hồi ký của mình viết: "Bộ Chính trị quyết định để lực lượng ở lại giúp Bạn, năm 1982 đề ra 3 mục tiêu chiến lược, đó là quyết định đúng, sáng suốt. Không phải quá lâu nhưng cũng cần có thời gian mới giúp bạn tự lực được". 

Kết luận của Bộ Chính trị tháng 12-1995 khẳng định: "Từ con số không, xây dựng Bạn trưởng thành tự đảm đương được nhiệm vụ không thể làm trong một thời gian ngắn, mặc dù còn nhiều khó khăn trong nước và sức ép quốc tế ghê gớm nhưng Đảng ta vẫn kiên định đường lối độc lập của mình giúp Bạn cho đến lúc ta đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra…". 

Điều này, dư luận quốc tế ngày càng thấy rõ hơn.

30 năm ngày trở về của đội quân nhà Phật - Ảnh 3.

Du khách tham quan Bảo tàng Tuel Sleng được chứng kiến sự cai trị tàn bạo của chế độ diệt chủng Pol Pot - Ảnh: T.T.D

10 năm bằng nhiều thập kỷ

Suốt 10 năm giúp đỡ bạn, Quân tình nguyện Việt Nam đã nỗ lực không ngơi nghỉ, vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là thiết lập trật tự, trị an, kỷ cương trên cả nước. 

Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 chỉ thị: "Xây dựng kỷ cương xã hội Campuchia thật nhanh chóng là yêu cầu bức thiết, tuyệt đối không để tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, mất chính quyền xẩy ra". 

Đồng thời với việc truy quét tàn quân Khmer đỏ, Quân tình nguyện Việt Nam còn trực tiếp tham gia quản lý trật tự xã hội. Việc ngăn chặn tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên là yêu cầu bắt buộc và biện pháp quan trọng hàng đầu là: "Quân tình nguyện phải làm gương". 

Quân tình nguyện Việt Nam đề ra những chỉ thị nghiêm khắc, quyết liệt để thắt chặt kỷ luật quân đội, coi "kỷ luật dân vận" là "kỷ luật sắt chiến trường". Bộ đội Việt Nam không được tơ hào dù cây kim sợi chỉ của dân, không được động chạm đồ thờ cúng, xâm hại đền chùa, tự do tín ngưỡng của người dân, không được hủy hoại môi trường, các cấp phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kỷ luật dân vận…

Cùng với thiết lập trật tự kỷ cương, chúng ta giúp bạn về chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Campuchia trong xây dựng chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, đặc biệt là vấn đề nhân sự và đội ngũ cán bộ. 

Trước ngày giải phóng, tập đoàn phản động Pol Pot đã xóa bỏ hầu như toàn bộ tầng lớp trí thức, những người ưu tú của đất nước Campuchia. Chính quyền mới hầu như không có nguồn nhân lực để thực thi nhiệm vụ sau 4 năm cầm quyền với chính sách "ngu dân" kỳ quặc của chế độ diệt chủng. 

Trong khi đó, địch đẩy mạnh lôi kéo, thậm chí uy hiếp nhằm biến chính quyền và du kích của bạn thành "chính quyền hai mặt", một thế "da báo" đan xen, đồng thời duy trì các tổ chức bí mật nằm vùng để phòng khi ta và bạn thanh lọc vẫn bảo toàn được lực lượng.

Cán bộ, chuyên gia Việt Nam đã hỗ trợ Chính quyền cách mạng non trẻ của Campuchia tạo lập được đội ngũ cán bộ trung thành, có phẩm chất, từng bước trưởng thành về năng lực lãnh đạo, chỉ huy, dần dần tự đảm đương nhiệm vụ. 

Với khâu đột phá là công tác cán bộ, hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống tới cơ sở đã được nhanh chóng xây dựng, giúp đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia vững vàng thực hiện tiến trình hòa bình, hòa hợp dân tộc. 

Và chỉ sau ba năm đầu (1979-1982), từ một xã hội hoang tàn mất kiểm soát, tình hình Campuchia đã ổn định, không còn tệ nạn xã hội, cướp bóc, bạo loạn chống chính quyền… Một cơ sở xã hội hoàn toàn mới, ổn định dần định hình trên nền tro tàn, trên những "cánh đồng chết". 

Và 10 năm sau ngày giải phóng, vị thế của Chính phủ cách mạng Campuchia trong các cuộc đàm phán chính trị, ngoại giao được nâng cao, thực sự vững vàng. Thực tế chứng tỏ kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ của bạn là nền tảng quan trọng nhất để qua quá trình đấu tranh cách mạng, đảng Nhân dân cách mạng Campuchia thực sự vững mạnh, trở thành một lực lượng chính trị được nhân dân và quốc tế thừa nhận, lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức sau này.

Việc xây dựng lực lượng vũ trang giúp bạn đủ sức bảo vệ chính quyền cách mạng là một yêu cầu cấp thiết để đối phó với các hoạt động chống phá của Khmer đỏ, các lực lượng đối lập và sự can dự, hỗ trợ của các thế lực thù địch bên ngoài. 

Từ những đơn vị ban đầu, các đơn vị hỗn hợp Việt Nam - Campuchia vừa chiến đấu vừa bồi dưỡng, Campuchia đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm: chủ lực - địa phương - dân quân du kích; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, trung thành với cách mạng Campuchia, đoàn kết với Việt Nam. 

Chỉ từ 1 sư đoàn đầu tiên năm 1981, đến năm 1983, lực lượng chủ lực của Campuchia đã lên tới 83 nghìn quân, tổ chức thành các sư đoàn, lữ đoàn binh chủng. 

Chỉ sau vài năm, hầu hết các lực lượng của bạn đã triển khai đứng chân ở tuyến biên giới thay thế cho Quân tình nguyện Việt Nam; tham gia cùng với các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam đánh bại cuộc phản công thứ nhất, phá tan âm mưu chuyển sang "Giai đoạn phản công chiến lược" của địch năm 1982; làm thất bại âm mưu tạo thế "Hai vùng, hai lực lượng, hai chính quyền" của địch mùa khô 1982-1983, phá vỡ ý đồ lập các căn cứ quân sự của các phái Khmer phản động ở biên giới hòng làm thay đổi cục diện chiến trường năm 1986-1987. 

Các đơn vị quân đội cách mạng Campuchia đã cùng bộ đội Việt Nam tiến công đồng loạt trên biên giới, nội địa, củng cố thế trận phòng thủ, phá tan âm mưu nhằm "đảo ngược tình thế" khi Việt Nam rút quân về nước.

Trước khi rút quân về nước, ta đã giúp bạn hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ biên giới phía Tây (mật danh K5); tuyến "trường thành" vững chãi này đã hạn chế các hoạt động quân sự, di chuyển lực lượng và vận chuyển tiếp tế của địch từ biên giới vào nội địa, buộc địch phải đi theo một tuyến nhất định, giúp bạn có cơ hội tập trung ngăn chặn. 

30 năm ngày trở về của đội quân nhà Phật - Ảnh 4.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong vòng 10 năm, Quân Tình nguyện Việt Nam đã giúp quân và dân Campuchia đánh tan lực lượng 20 vạn quân của Pol Pot và các phái Khmer phản động dưới sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch bên ngoài; thu giữ và phá hủy gần 160 nghìn tấn vũ khí, đập tan âm mưu quay trở lại chính trường của Pol Pot, giữ vững thành quả cách mạng để tập trung xây dựng chính quyền, quân đội và đất nước.

Những năm tháng chiến đấu, hy sinh trên đất bạn, Quân tình nguyện Việt Nam đã tỏ rõ là đội quân vừa chiến đấu vừa công tác giỏi khi giúp đỡ hàng triệu người dân Campuchia đoàn tụ gia đình sau chiến tranh, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khôi phục hệ thống giáo dục, y tế; nền văn hóa và bản sắc dân tộc được bảo tồn và phát triển. 

Cùng với viện trợ của Chính phủ Việt Nam, các đơn vị Quân tình nguyện đem khẩu phần lương thực, thuốc men của mình san sẻ cho nhân dân bạn, đóng góp một phần lớn vào giải quyết nạn đói, dịch bệnh ở Campuchia. 

Trên mặt trận ngoại giao, hình ảnh ngọn cờ độc lập dân tộc, trung lập, không liên kết và hòa bình của Chính phủ Campuchia nhanh chóng phát huy vị thế trên trường quốc tế. Trong suốt một thập kỷ, Việt Nam không mệt mỏi giúp bạn tìm kiếm giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề Campuchia, tiếp tục bảo vệ thành quả cách mạng, duy trì sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia và loại bè lũ Pol Pot ra khỏi chính trường.

10 năm sát cánh chiến đấu bên nhau cũng là 10 năm cùng nhau xây dựng, vun đắp cho tình đoàn kết chiến đấu, liên minh đặc biệt giữa hai dân tộc, hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội ngày càng vững mạnh hơn bao giờ hết. 

Như Chủ tịch Heng Samrin khẳng định: "Núi Trường Sơn có thể mòn, sông Mekong có thể cạn, nhưng tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Campuchia là bất diệt". 

Thủ tướng Hun Sen cũng nhấn mạnh: "Tình hữu nghị được củng cố và xây dựng trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ là cơ sở vững chắc để đẩy mạnh sự hợp tác giữa hai Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội hai nước Campuchia - Việt Nam". 

Thông cáo chung cấp cao giữa Việt Nam và Campuchia tháng 9-1989 nêu rõ: "Trong tình hình mới, cuộc đấu tranh cách mạng ở mỗi nước có nhiều thuận lợi, song còn nhiều khó khăn phức tạp. Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ truyền thống, gắn bó và sự hợp tác đặc biệt trên tinh thần hết lòng giúp đỡ nhau theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi". 

Những thành tựu nêu trên cũng là lời đáp đích đáng cho câu hỏi: "Vì sao một thập kỷ?".

Nỗi sợ Pol Pot quay trở lại hủy diệt và nội chiến tái phát là mối đe dọa lớn làm cho mọi người thấy phải coi sự củng cố quan hệ giữa Cộng hòa nhân dân Campuchia với Việt Nam là niềm hi vọng duy nhất để có được một nhà nước độc lập, vững bền.

Nhà sử học Ben Kiernan (Đại học Yale - Hoa Kỳ) viết trong cuốn sách Chế độ diệt chủng Pol Pot

Thời điểm sáng suốt

Cuối những năm 1980, Việt Nam gặp nhiều khó khăn, yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế để xây dựng phát triển đất nước rất cấp bách và là ưu tiên hàng đầu. Cùng với những tồn tại bên trong thì các thế lực thù địch luôn lợi dụng việc giải quyết vấn đề Campuchia làm mũi nhọn để bao vây, cấm vận, chống phá quyết liệt cách mạng Việt Nam. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại theo đường lối "Đổi mới, mở cửa" theo 2 bước: thứ nhất là giải quyết mối quan hệ với các nước láng giềng và khu vực; thứ hai là xúc tiến hội nhập khu vực và thế giới. 

Trong đó, chìa khóa để tháo gỡ căng thẳng là giải quyết vấn đề Campuchia với 2 điều kiện: Loại bỏ lực lượng Khmer đỏ và rút Quân Tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia. 

Cố Đại tướng Lê Đức Anh - Nguyên Tư lệnh Mặt trận 719 nhận định: "Chúng ta ở Campuchia không thể dưới 10 năm, làm tốt hơn thì có thể rút ngắn hơn được một ít. Ta đã giúp bạn với tinh thần quốc tế cực kỳ trong sáng, tuy có vấp váp, thiếu sót là tuyên truyền đối ngoại chưa tốt".

Không khó để hình dung những nguy cơ bạn phải đối mặt nếu ta rút quân ngay lập tức hoặc sớm hơn dù chỉ một vài năm. Và cũng chưa thể lường hết những khó khăn mà ta và bạn sẽ gặp phải nếu rút quân muộn hơn vài năm. 

Có thể hình dung được bài toán vô cùng nan giải mà Việt Nam phải đối mặt khi rối "cả trong lẫn ngoài", cả "tức thời lẫn lâu dài", khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ mà vấn đề Campuchia chưa được giải quyết. Đứng trước lợi ích cốt lõi, đan xen của bạn và ta, đối mặt với sức ép của quốc tế, khu vực là bài toán vô cùng hiểm hóc. 

Cân nhắc mọi mặt, trong và ngoài, trước mắt và lâu dài, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã sáng suốt quyết định từng bước rút toàn bộ Quân Tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước để tập trung xây dựng, phát triển đất nước, phá thế bao vây cấm vận, thực hiện chính sách hội nhập quốc tế. 

Nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Đức Thọ phát biểu trong buổi thảo luận về quan hệ Campuchia - Việt Nam (ngày 11-10-1989): "Ta đánh lên Campuchia là đúng, vì Pol Pot thực hiện chính sách diệt chủng nên nhân dân Campuchia ủng hộ ta. Việc ta đánh lên Campuchia là chính nghĩa, đến nay ta mới rút quân là đúng, vì ta đã giúp cho Bạn xây dựng lực lượng mọi mặt, nếu ta rút sớm, Bạn còn yếu thì có nguy cơ bị mất, nhưng chậm hơn thì cũng không tốt…". 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong buổi thảo luận về "Quan hệ Việt Nam - Campuchia" (năm 1995) nêu ý kiến: "Việc rút quân là rất đúng thời điểm, rất tuyệt vời, sớm một năm, thế cờ của ta đã sáng rõ… Đưa quân lên và rút quân về vào những thời điểm rất hay…".

Việc rút Quân tình nguyện đúng thời điểm là bước đột phá để loại trừ cái cớ mà các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng Campuchia và Việt Nam, mở ra con đường tìm kiếm giải pháp chính trị ở Campuchia (thúc đẩy các cuộc đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris về Campuchia tháng 10-1991); đẩy các phái phản động ở Campuchia vào thế bị động, khó khăn, từng bước tan rã. 

Việc ta rút quân cũng tạo điều kiện và cơ hội cho nhân dân Campuchia xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, trung lập - không liên kết, thực hiện quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. 

Sự kiện ngày 26-9-1989 cũng là tiền đề thuận lợi để Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra: Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN, cải thiện quan hệ với các nước khác, thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tháo bỏ được hàng rào bao vây, cấm vận mà các nước lớn tiến hành với Việt Nam đã kéo dài nhiều năm. 

Có những thời gian, ta hầu như đơn độc trong cuộc chiến này nhưng rồi cuối cùng vẫn thành công. Việc rút toàn bộ Quân tình nguyện Việt Nam được hầu hết các nước hoan nghênh. Với nỗ lực của các bên, Hiệp định Paris đã được ký kết, mở ra cơ hội không chỉ cho Campuchia mà cho cả hòa bình và an ninh của khu vực.

Chúng tôi về nước với lòng trong sáng tự hào khi cứu một dân tộc khỏi họa diệt vong, không lấy của nhân dân Campuchia một cái kim sợi chỉ thì sợ gì mang tiếng xâm lược.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (thời điểm rút quân năm 1989 là phó tư lệnh về chính trị kiêm chủ nhiệm chính trị Mặt trận 719)

Vấn đề độc lập tự chủ và lợi ích song trùng

40 năm sau chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, đâu đó vẫn còn những thắc mắc: Liệu có tránh được chiến tranh không? Sao không đánh sớm hơn? Sao không rút sớm hơn? Ta được gì sau những năm mang quân sang giúp bạn? Ta có nên hi sinh hàng vạn người chỉ vì lợi ích của bạn không?...

Trước năm 1979, chúng ta làm hết sức mình, bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao để tránh cuộc chiến tranh. Nhưng đúng như câu hát ra đời vào thời điểm ấy: "Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng", chúng ta phải cầm súng để phản công quân xâm lược Pol Pot ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, bảo vệ Tổ quốc, không để chúng tiếp tục tàn sát đồng bào ta. 

Đó là quyền tự vệ chính đáng. Đồng thời, ta tiến công sang đất Campuchia, đến tận sào huyệt của Khmer đỏ, không để chúng có cơ hội tiếp tục gây chiến tranh biên giới với Việt Nam. Đó là vì lợi ích sống còn của ta, đồng thời cũng mang lại lợi ích hồi sinh cho bạn, giúp nhân dân bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Chúng ta ở lại 10 năm trên đất Campuchia, trước hết nhằm tiêu diệt tận gốc quân Khmer đỏ, giúp bạn bảo vệ thành quả cách mạng, không để chúng giành lại chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn bảo vệ và xây dựng đất nước; đồng thời xóa bỏ tận gốc nguy cơ chiến tranh biên giới với Việt Nam (điều mà lãnh đạo Khmer đỏ nhiều lần tuyên bố). 

Từ sau 1989, ta tiếp tục hợp tác, hỗ trợ bạn xây dựng, phát triển đất nước hòa bình, ổn định, trung lập, quan hệ hữu nghị với Việt Nam, giữ ổn định trên hướng chiến lược Tây Nam là lợi ích cốt lõi, lâu dài của ta; đồng thời cũng là lợi ích cơ bản của bạn.

Nói một cách thẳng thắn, trên thế giới, từ cổ chí kim, không nước nào hi sinh hàng vạn, hàng triệu quân chỉ vì lợi ích của nước khác. Việc chúng ta làm, trước hết vì lợi ích của Tổ quốc mình, nhân dân mình, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho bạn. Đó chính là lợi ích song trùng của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. 

Nếu chỉ vì lợi ích riêng, chúng ta có thể thực hiện theo cách khác. Nhưng chúng ta đã chọn cách làm, dù khó khăn hơn, nhưng mang lại lợi ích song trùng cao nhất cho hai đất nước, hai dân tộc, đó mới là lợi ích bền vững, lâu dài. Đó không chỉ là lời nói của lãnh đạo mà còn là suy nghĩ của những chiến sĩ Việt Nam chiến đấu trên đất Campuchia. 

Chiến sĩ quân tình nguyện hiểu rằng ta chiến đấu không chỉ vì bạn mà trong tâm thức của họ còn là tinh thần chiến đấu, hi sinh vì đất nước, vì nhân dân Việt Nam, để đất nước có hòa bình, đồng bào ta không bị Pol Pot tàn sát; đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Đó là truyền thống yêu nước, nhân văn, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam ngấm vào tâm hồn của mỗi người chiến sĩ.

Một điều đặc biệt, rất đáng tự hào là trong quá trình giúp bạn, ta luôn tôn trọng độc lập, tự chủ của bạn. Từ việc lớn đến nhỏ, khi bạn cần, ta đều giúp đỡ hết lòng, vô tư trong sáng, nhưng nếu việc đó ảnh hưởng tới độc lập tự chủ của bạn thì ta nhất định không làm; không đòi hỏi bạn phải đáp ứng yêu cầu của ta. 

Ở cấp chiến lược, ta trao đổi, cung cấp thông tin, để lãnh đạo bạn quyết định về đường lối, chính sách. Trong phạm vi lực lượng vũ trang, lúc đầu bạn khó khăn, ta vừa làm, vừa hướng dẫn, bồi dưỡng, tiến lên bạn làm ta hợp tác, hỗ trợ. Sự tôn trọng, nghiêm túc này đôi khi cũng làm bạn băn khoăn, nhưng đó chính là nền tảng quan trọng của niềm tin vững chắc, là động lực để bạn tự mình đứng vững, phát triển, tự bảo vệ chính quyền, đất nước. 

Đại tướng Lê Đức Anh nói: "Không ai, không lực lượng nào, không quốc gia nào có thể làm thay cuộc hồi sinh Campuchia, bảo vệ thành quả cách mạng Campuchia bằng người Campuchia, với một chính đảng được người dân trao gửi vận mệnh của mình". 

Ngài Tep Nguon - Ủy viên Ban Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia phát biểu trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng, ngày 7 tháng Giêng năm 2019: "Trong thực tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia từ một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn trở thành một quốc gia hoà bình trọn vẹn, thống nhất và phát triển đất nước".

Bảo đảm lợi ích song trùng, bảo vệ lợi ích chiến lược của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích, độc lập, tự chủ của bạn là nguyên nhân cơ bản quyết định tính chính nghĩa, thành công, hiệu quả trong sự nghiệp quốc tế cao cả của Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao Việt Nam là nước thành công duy nhất trên thế giới trong việc mang quân sang giúp đỡ nước khác mà đất nước đó không rơi vào nội chiến, bất ổn sau khi rút quân. 

3 kỳ tích Việt Nam

Thế hệ trẻ mai sau có thể tự hào về 3 kỳ tích mà cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng đạt được. Một là, thành công ngay từ chiến dịch quân sự đầu tiên; hai là, xây dựng chính quyền sở tại vững vàng, độc lập tự chủ quản lý đất nước và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh; ba là, khi rút quân mà nước bạn vẫn ổn định, phát triển.

Không một cuộc chiến nào trên thế giới, trong thế kỷ XX, với những đội quân viễn chinh nhà nghề, vũ khí trang bị đến tận răng tham chiến tại Iraq, Libya, Siria, Kosovo, Afghanistan... có thể tạo ra được.

Đó là kỳ tích Việt Nam, là sự khác biệt Việt Nam. Hơn thế nữa, trong điều kiện mới, giữa các nước có thể nảy sinh những khác biệt về lợi ích, thì bài học tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích của nhau; thực hiện "song trùng lợi ích" hay là phát huy cao nhất "các điểm đồng lợi ích trong sự khác biệt" trở thành một nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng.

Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc, bài học lịch sử để xây dựng và phát triển nước Việt Nam giàu mạnh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường, củng cố quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước chính là sự tri ân của các thế hệ kế tiếp đối với xương máu của biết bao chiến sĩ và người dân Việt đã đổ ra cho đất nước hôm nay.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cuộc chiến vì hòa bình thế giới Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cuộc chiến vì hòa bình thế giới

TTO - 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc, đâu đó vẫn còn những thắc mắc như: Liệu có tránh được chiến tranh? Sao không đánh sớm hơn? Sao quân ta ở lại Campuchia lâu thế? Sau khi rút quân khỏi Campuchia thì ta được gì?

THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên