16/03/2018 20:36 GMT+7

30 năm ngày 14-3: Đưa xe tăng lên đảo Sinh Tồn

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ngay sau khi Trung Quốc tấn công thảm sát những người lính hải quân Việt Nam ở Gạc Ma ngày 14-3-1988, các tàu vận tải đổ bộ của lữ đoàn 125 đã thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt: chở xe tăng và pháo ra để bảo vệ Trường Sa.

30 năm ngày 14-3: Đưa xe tăng lên đảo Sinh Tồn - Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Đình Giai - cựu thuyền trưởng tàu vận tải đổ bộ HQ 513, tàu đầu tiên chở xe tăng ra chi viện cho Trường Sa ngay sau cuộc thảm sát Gạc Ma ngày 14-3-1988 - Ảnh: MY LĂNG

“Khi chúng ta mang xe tăng, súng pháo ra đảo, bộ đội ta trên đảo an tâm hơn và các tàu chiến của Trung Quốc cũng biết dè chừng

Đại tá TRẦN ĐÌNH HƯNG

Đó là việc phải làm để phòng thủ Trường Sa.

Lệnh "chuyển hàng"

Thượng tá Nguyễn Đình Giai, cựu thuyền trưởng tàu vận tải đổ bộ 513 (lữ đoàn 125), kể: "Hôm đó tôi đang nghỉ phép tết ở Vĩnh Phúc thì nhận được điện khẩn của ban cán bộ lữ đoàn gọi vào Vùng 4 Hải quân. 

Đó là mệnh lệnh chiến đấu, chậm nhất hai ngày phải có mặt ở Cam Ranh. Riêng tàu HQ 513 đã được điều từ Tân Cảng (TP.HCM) về Cam Ranh nhận "hàng". 

Khi tôi xuống tàu thì tất cả xe tăng đã được chuyển xuống hết. Khoảng 23h30, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân chủng hải quân - chuẩn đô đốc Mai Xuân Vĩnh xuống giao nhiệm vụ và kế hoạch đi biển".

"Gần 1h sáng HQ 513 xuất phát. Con tàu hành quân trên biển hai ngày đêm. Chúng tôi phải tính toán sao cho khi đến đảo là vừa tối. Chúng tôi hành quân hết đêm đó và một ngày hôm sau là đến Trường Sa. 

HQ 513 là tàu chiến đấu đổ bộ đầu tiên đi ra khu vực đó. Chúng tôi đợi đến 4h sáng mới vào đảo trả "hàng". Trả "hàng" xong thì trời vừa sáng" - thượng tá Nguyễn Đình Giai nói.

Các chuyến đi chở hàng đặc biệt đó không chỉ có HQ 513 mà còn có HQ 511. Đây là những tàu vận tải đổ bộ thế hệ mới do Liên Xô tặng cho hải quân Việt Nam, có độ giãn nước 2.000 tấn. 

Khi đó tàu 511 đang bảo dưỡng, sửa chữa ở Ba Son thì lữ đoàn trưởng 125 Phạm Quang Nho xuống giao nhiệm vụ: trong 24 giờ phải chuẩn bị để rời được bến, xuất phát ra biển nhằm thẳng về hướng đảo Đá Lớn rồi đến Sinh Tồn!

 Xưởng Ba Son cử hai thợ máy giỏi nhất đi theo để xử lý nếu máy tàu có trục trặc trên đường đi" - đại tá Trần Đình Hưng, cựu thuyền trưởng tàu HQ 511, người tham gia chở pháo và xe tăng ra Trường Sa, cho biết.

Đại tá Trần Đình Hưng nhớ lại: "Tối 14-3-1988 chúng tôi nhận lệnh thì sáng hôm sau đi. Toàn bộ xe tăng lấy ở Tân Cảng. Anh em phải tính toán để làm sao khi ra đảo đúng lúc thủy triều đang lên. 

Nhằm đánh lạc hướng đối phương, chúng tôi phải đi vòng. Tàu chạy với tốc độ cao, vận tốc tối đa 17 hải lý/giờ, khoảng 30km/h. Ngày đó đảo chưa có nhà kiên cố như bây giờ. Anh em thấy dải cát trắng mờ mờ thì biết đúng là đảo rồi. 

Trao đổi bằng tín hiệu với đảo thì biết chính xác là Sinh Tồn. Chúng tôi liên lạc với đảo để biết chỗ nào có đá ngầm, bãi cát rộng bao nhiêu. Phải tính để thả neo đúng chỗ có đá san hô, đầu mũi tàu ủi vào đảo".

Đưa "hàng" lên đảo

Đại tá Trần Đình Hưng nói: "Chở xe tăng thì đơn giản. Nhưng đưa được xe lên đảo mới là vấn đề. Với dạng tàu vận tải đổ bộ như HQ 511 phải có bãi đổ bộ. Không có bãi, không thể vào được. Chúng tôi phải tìm bãi nào có doi cát, tàu cách 300-400m ủi vào. 

Ở đảo dòng chảy, gió, ảnh hưởng đến độ an toàn và khả năng đổ bộ. Gió rất lớn và dòng chảy rất mạnh. Ở Trường Sa rất nhiều đá ngầm. Tàu vào gần quá, đá ngầm sẽ đâm thủng tàu. Nếu tàu ở xa quá, xe tăng không lên đảo được. 

Đây cũng là lần đầu tiên mình sử dụng tàu đổ bộ làm nhiệm vụ này. Căng thẳng lắm. Chúng tôi chọn đổ bộ phía đông đảo Sinh Tồn vì ở đó có doi cát và độ sâu tương đối".

Việc đổ bộ xe tăng khá thuận lợi. Chỉ 30 phút là xong. Nhưng tàu HQ 511 không chỉ chở xe tăng mà còn có pháo. Nguy hiểm nhất, căng thẳng nhất là vận chuyển pháo từ tàu vào đảo. Làm sao đưa được pháo lên đảo?

Đại tá Trần Đình Hưng khẳng định: "Đưa pháo lên đảo gian nan vô cùng. Pháo cồng kềnh, xuồng không chở nổi. Đảo lại không có cẩu. Nếu có cũng không sao cẩu được vì sóng lắc mạnh, cẩu văng qua văng lại rất nguy hiểm. 

Anh em bộ đội liền đưa ra sáng kiến làm bè. Bộ đội dùng dây và gỗ kết thật nhiều vỏ thùng phuy vốn dùng để đựng nước, xăng, dầu. Một khẩu pháo nặng 1.200-1.500kg phải kết 15-20 phuy. Trên phuy rải một lớp vải, buộc thật chặt để kết các phuy lại. 

Dùng xuồng máy và huy động cả bộ đội giữ bè, kéo sao cho cái bè đó ép vuông góc vào miệng tàu đang há ra, rồi bộ đội dùng tời và cả sức người nhấc pháo đưa lên bè cố định chặt lại, cho xuồng máy kéo vào bãi cát rồi dùng xe tăng kéo lên đảo".

Trường Sa khi ấy đang có gió to. "Sóng cấp 4, cấp 5 trở lên là không chuyển pháo được. Sóng đánh bè dập vào tàu. Tàu nhấc lên, dập xuống là tan bè ngay! Vũ khí mà rơi xuống biển là nhiệm vụ thất bại! 

Chúng tôi phải xem con nước, xem sóng gió. Con nước đến đâu, bè lên đến đó. 

Khi đưa pháo xuống bè, mỗi bên 15 người vừa đẩy vừa giữ. Anh em còn dùng xe tăng buộc dây dài kéo pháo vào đảo. Bộ đội mình mấy chục người vừa kéo vừa đẩy vừa chèn, gian nan và vô cùng nguy hiểm".

Đại tá Trần Đình Hưng cho biết: "Khi các đảo của ta chưa có vũ khí tầm xa thì gặp bộ đội ta, pháo Trung Quốc cứ chĩa nòng thẳng vào, cỡ nòng 64mm, 100mm. Lúc ấy lính mình chỉ có súng AK. 

Khi chúng ta mang xe tăng, súng pháo ra đảo, bộ đội trên đảo an tâm hơn. Trong tình hình khẩn cấp, có khả năng Trung Quốc sẽ chiếm tiếp các đảo ở Trường Sa nên mình phải đưa vũ khí hạng nặng ra để tăng cường sức mạnh bảo vệ đảo cũng như trấn an bộ đội mình. 

Khi thấy pháo và xe tăng của chúng ta có mặt trên đảo, tàu Trung Quốc đã biết dè chừng".

tau hq 511

Tàu HQ 511 chở pháo và xe tăng ra chi viện cho Trường Sa - Ảnh tư liệu

Tàu vận tải đổ bộ chiến đấu HQ 511 dài 74m, ngang 11,9m. Tàu được trang bị hai bệ súng 18 nòng và một khẩu AK230 tốc độ cực nhanh, bắn tự động, diệt tên lửa, máy bay, kể cả bắn đối hải, đối không.

Dưới hầm chiến xa, xe tăng được chằng buộc rất cẩn thận tránh va đập khi tàu cơ động gặp sóng gió và tránh không để các xe tăng bị trôi dạt sang hai bên gây lật tàu.

______________

Kỳ tới: Bay ra Trường Sa

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên