17/03/2018 16:44 GMT+7

30 năm ngày 14-3: Bay ra Trường Sa

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Sau sự kiện 14-3-1988, không chỉ máy bay vận tải mà máy bay chiến đấu của không quân Việt Nam đã nhiều lần cất cánh ra Trường Sa để tăng thêm sức mạnh chiến đấu và khích lệ tinh thần bộ đội đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa.

30 năm ngày 14-3:  Bay ra Trường Sa - Ảnh 1.

Đại tá Hán Văn Quảng - một trong những phi công đầu tiên bay Su-22M ra Trường Sa - Ảnh: My Lăng

Đặc biệt, tháng 4-1988, khi một biệt đội cảm tử của hải quân đang cấp tốc dựng nhà cao chân trên đảo chìm Len Đao cho bộ đội chốt giữ để khẳng định chủ quyền, các tàu chiến của Trung Quốc đã đến bao vây, quay nòng súng và các giàn tên lửa chĩa vào những người lính công binh hải quân Việt Nam, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tấn công thì từ 7h sáng đến 11h trưa, những chiến đấu cơ của không quân Việt Nam đã xuất hiện trên bầu trời. 

Nhìn thấy máy bay chiến đấu của Việt Nam, các tàu chiến hung hăng của Trung Quốc tản đi. Len Đao được giải vây.

Từ khi máy bay của không quân ta bay ra, tâm lý bộ đội ngoài đảo chuyển biến tích cực hẳn. Bộ đội nhìn cờ Tổ quốc in trên thân máy bay chạy ùa lên khỏi hầm hò reo nhìn rất thương. Mỗi lần bay ra đảo, chúng tôi được trang bị hai quả tên lửa hoặc bom. Có vấn đề gì thì sẵn sàng chiến đấu luôn

Phi công Vũ Xuân Cương

Không dễ bay

Đó là những chiến đấu cơ Su-22M của trung đoàn 923 (sư đoàn 372), cất cánh từ Phan Rang (Ninh Thuận). Để có được những chuyến bay ra đảo, không quân Việt Nam đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn nguy hiểm. 

Bởi ở thời điểm đó rất nhạy cảm, khu vực Biển Đông không chỉ có nhiều tàu chiến Trung Quốc lượn lờ, sẵn sàng bắn tên lửa bất cứ lúc nào mà trên mặt biển còn có rất nhiều máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ hoạt động.

Sau ngày 14-3, mỗi ngày có nhiều đợt Su-22M bay ra Trường Sa. Mỗi đợt đều đi biên đội hai chiếc. 

Quần đảo Trường Sa có nhiều đảo của ta nhưng lại xen kẽ với một số đảo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, một số do Đài Loan, Philippines đóng giữ. 

Phi công phải tính toán đường bay, độ cao, tốc độ như thế nào để né những đảo bị Trung Quốc chiếm đóng để bảo đảm an toàn, không được xuống thấp quá.

"Thường phi công bay ra đảo sẽ hạ xuống độ cao 50-60m, còn tôi hạ xuống thấp hơn mức quy định để anh em bộ đội trên đảo nhìn rõ máy bay phấn khởi hơn và để tàu chiến Trung Quốc sợ mà không dám uy hiếp, đe dọa bộ đội mình" - đại tá Hán Văn Quảng, một trong những phi công bay Su-22M ra giải vây cho Len Đao tháng 4-1988, kể.

Ông Quảng cho biết thời điểm đó với không quân Việt Nam, để có một chiến đấu cơ cất cánh ra đảo không hề đơn giản. Hệ thống rađa dẫn đường của không quân Việt Nam chỉ giới hạn trong phạm vi 200km. 

Nếu bay ở độ cao thấp thì rađa chỉ bắt được máy bay ở khoảng cách 100km! Trong khi đó, khoảng cách từ Phan Rang - căn cứ của máy bay Su-22M - ra Trường Sa hơn 300km, vượt quá tầm hoạt động của rađa. 

Nghĩa là khi bay từ đất liền ra hơn 200km, không còn rađa dẫn đường hỗ trợ nữa mà phi công phải tính toán để tự bay. Đã thế, máy bay Su-22M không có hệ thống rađa dẫn đường mà chỉ có đồng hồ tính toán để đi. Phi công phải tính toán trước, kẻ đường đi trước khi xuất phát.

Theo lời đại tá Quảng bay biển rất khó, nhất là bay biển xa. Trời và biển đều xanh một màu rất khó phân biệt, nếu không tập trung cao độ, phi công rất dễ bị cảm giác sai (không phân biệt được trời và biển), máy bay có thể rơi xuống biển ngay! Giữa mênh mông trời và biển, việc xác định vị trí của đảo cực kỳ khó khăn. 

Su-22M lại không phải máy bay có tầm bay xa. Vì vậy nếu sai một chút nhỏ về phương hướng thì không còn đủ nhiên liệu để bay về đến đất liền. Cho nên đòi hỏi người phi công bay biển phải vừa giỏi, vừa bản lĩnh, gan dạ.

Chuyến bay 4 ngày trước 14-3

Không phải sau ngày 14-3-1988 không quân Việt Nam mới bắt đầu bay Su-22M ra Trường Sa. Trước đó bốn ngày, ngày 10-3-1988, phi công Vũ Xuân Cương đã bay chuyến bay Su-22M đầu tiên ra Trường Sa thành công.

Khi nhận ra dã tâm của Trung Quốc với quần đảo Trường Sa, không quân Việt Nam đã tổ chức kế hoạch huấn luyện cho phi công để có thể bay ra biển xa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. 

Ngày 7-11-1987, một phi đội Su-22M của trung đoàn 923 đã cơ động từ Thanh Hóa vào Phan Rang để thực hiện chương trình huấn luyện bay biển xa. Su-22M là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của không quân Việt Nam lúc ấy.

"Chúng tôi được chuyên gia Liên Xô huấn luyện. Lúc đầu chỉ bay cách bờ 70km rồi nâng dần lên. Ban đầu chỉ bay dọc theo bờ biển, nếu có trục trặc gì thì bay vào bờ được ngay" - ông Cương nói. 

Và để thực hiện nhiệm vụ bay bảo vệ Trường Sa, những phi công giỏi nhất của trung đoàn 923 đã được chọn.

Phi công Vũ Xuân Cương được tin tưởng giao nhiệm vụ. 8h sáng 10-3-1988, phi công Vũ Xuân Cương cùng một phi công Liên Xô đã thực hiện chuyến bay U-Su22 đầu tiên ra Trường Sa.

Chuyến bay đầu tiên này được chuẩn bị rất công phu. Ngày tổ chức chuyến bay biển xa đầu tiên, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và quân chủng đều có mặt. 

"Cấp trên dặn tôi cố gắng tìm ra đảo. Từ đất liền bay ra đảo rất xa. Khi máy bay ra biển được 80km thì không liên lạc với ở nhà được nữa. Tôi bay rất lâu mà không thấy đảo đâu. 

Gần hết thời gian thì ở độ cao 7.000m, tôi nhìn thấy Trường Sa Lớn bé tí tẹo bằng con ruồi. Tôi hạ thấp độ cao xuống 4.000m rồi 100m, bay trên đảo Trường Sa hai vòng để chào bộ đội. Khi tôi thông báo đã tìm thấy đảo Trường Sa, chỉ huy rất mừng" - đại tá Vũ Xuân Cương nhớ lại.

Sáng kiến lắp thùng xăng phụ

ky 10 - anh1

Phi công Vũ Xuân Cương (phải) bên chiếc máy bay Su-22M đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra Trường Sa ngày 10-3-1988 - Ảnh: NVCC

Do thiết kế nguyên thủy của chiến đấu cơ Su-22M không đủ lượng xăng bay đến đảo xa, các nhân viên kỹ thuật của Su-22M đã có sáng kiến đeo thêm hai thùng dầu phụ dưới cánh để Su-22M có thể bay xa hơn. Một thùng dầu 1.100 lít.

Tùy theo nhiệm vụ và khoảng cách mà kỹ thuật sẽ lắp thêm 2-4 thùng dưới cánh và bụng máy bay.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên