Qua từng thời kỳ, từng năm, tính chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức các chiến dịch, hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ TP.HCM ngày càng đậm nét hơn. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra không chỉ dừng lại ở tính chuyên nghiệp mà còn phải tính đến chuyện bền vững, đổi mới, sức hút và lựa chọn...
Cần tiếp tục thay đổi
Chị Phan Thị Thanh Phương khẳng định qua 30 năm, phong trào tình nguyện của thanh niên TP.HCM đã phát triển đầy rõ ràng, vượt bậc. Từ những mục tiêu rất cụ thể của những ngày đầu như cuốc đất, trồng cây, xóa mù chữ... thì đến nay thật khó để kể hết số công trình, phần việc, nội dung phong trào tình nguyện của TP.HCM đã làm được.
Tuy nhiên, tuổi trẻ TP.HCM sẽ cần thay đổi rất nhiều, làm rất nhiều việc trong giai đoạn tới nếu muốn tăng tính chuyên nghiệp, bền vững cho phong trào tình nguyện.
Để làm được điều đó, bắt buộc mọi chương trình, hoạt động cần có sự chuẩn bị kỹ càng hơn. Bao gồm từ việc khảo sát cụ thể hơn về địa bàn mà chiến dịch hướng tới, các công trình, phần việc cần được thiết thực hơn. Cân nhắc lượng công việc, tính chất, phần việc để sử dụng đúng, hiệu quả nguồn lực.
Chị Phương nhắc nhiều về công tác truyền thông ba bước: trước - trong và sau. Cụ thể, chị cho rằng việc truyền thông trước chiến dịch nhằm kêu gọi lực lượng, nguồn lực của xã hội chung tay góp sức cùng chiến dịch là vô cùng quan trọng. Đổi lại, đơn vị tổ chức, thiết kế phong trào cần thể hiện được rõ các đề mục, phần việc, công trình đang hướng đến.
Trong khi đó, việc truyền thông trong chiến dịch mang một ý nghĩa khác, nhằm lan tỏa không khí, hơi thở của phong trào. Đó hẳn phải là quá trình các chiến sĩ tình nguyện "ăn cùng, ở cùng, làm cùng" với những hộ dân, địa phương nơi phong trào tình nguyện đi qua.
Và nếu muốn các lực lượng, nguồn lực xã hội tiếp tục đồng hành cùng phong trào ở các năm sau thì việc tổng kết, thông tin kết quả sau chiến dịch phải là công việc bắt buộc.
Trước bối cảnh mỗi nhóm đối tượng (thanh niên công nhân, học sinh - sinh viên, lực lượng vũ trang) có từng đặc thù, thế mạnh riêng, nên việc đa dạng hóa phương thức tổ chức để phù hợp với từng đối tượng là điều cần thiết.
Tuy nhiên không vì vậy mà công tác chỉ đạo bị rời rạc, mang tính lẻ tẻ. Khi đó, dù có nhiều chương trình, chiến dịch ứng với nhiều đối tượng nhưng tất cả vẫn phải theo những mục tiêu chung (tính công trình, chỉ tiêu phấn đấu, ngày cao điểm). Nghĩa là các công trình, phần việc giữa các chiến dịch phải được kết nối với nhau, các lực lượng được đối ứng hiệu quả...
"Đây là một phương thức quan trọng nên những năm gần đây chúng tôi luôn có quan điểm chỉ đạo 3 chung: chung hệ thống công trình, chung hệ thống chỉ tiêu và chung hệ thống những ngày cao điểm", chị Phương nói thêm.
Việc xây dựng lực lượng sau các chiến dịch, chương trình càng tốt thì tính bền vững, chuyên nghiệp của phong trào tình nguyện càng được nâng cao. Đó phải là công tác đầu tư, phát triển Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Liên hiệp thanh niên và đặc biệt là giới thiệu để phát triển Đảng đối với các chiến sĩ tiêu biểu.
Chị tin rằng việc được tổ chức kết nạp Đảng ngay trong các đợt tham gia hoạt động tình nguyện sẽ làm giá trị buổi lễ tăng lên...
"Tôi nghĩ nếu tổng hòa được các yếu tố đó, từ sự chuẩn bị kỹ càng, tuyên truyền hiệu quả, thường xuyên đổi mới phương thức tổ chức thực hiện và đầu tư về nguồn lực, đặc biệt là sự trưởng thành của lực lượng trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện thì chắc chắn sẽ đảm bảo được tính chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn cho phong trào tình nguyện của thành phố", chị Phương nhấn mạnh.
Đi sâu, bám sát bối cảnh
Trước sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0 đang lan tỏa vào từng hơi thở cuộc sống, chị Phương cho rằng hoạt động tình nguyện của TP.HCM cũng không thể nào nằm ngoài các nội dung này. Có chăng khác ở việc lựa chọn, ứng dụng chúng ra sao.
Hiện Thành Đoàn TP.HCM đang cố gắng xây dựng và cho ra mắt loạt chuyên đề ứng dụng AI, AR (công nghệ thực tế ảo) trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cho phong trào tình nguyện thành phố. Mới đây, Thành Đoàn đã ra mắt triển lãm với chủ đề "30 năm - Tuổi xuân tình nguyện" được xây dựng hoàn toàn bằng công nghệ thực tế ảo trên không gian mạng.
Việc cho phép người dùng xây dựng một nhân vật ảo theo dõi triển lãm với những mô tả chi tiết quá trình hình thành, phát triển, ý nghĩa biểu tượng của các chiến dịch tình nguyện hè cũng như tham gia các thử thách đang nhận được những phản hồi tích cực, số đông người tham gia trải nghiệm.
Thêm nữa, việc sử dụng các cổng thông tin điện tử (cổng thông tin kết nối tình nguyện Go Volunteer) cũng là cách Thành Đoàn TP.HCM bám sát sự phát triển của thời đại. Mọi thông tin về các hoạt động tình nguyện do Thành Đoàn, các quận, huyện Đoàn của TP.HCM xây dựng sẽ được thể hiện rõ nét tại cổng thông tin.
Ngoài ra, việc xây dựng bản đồ tình nguyện trực tuyến tổng hợp toàn bộ các hoạt động tình nguyện của toàn thành phố cũng được Thành Đoàn TP.HCM triển khai.
"Việc tạo ra không gian, nhiều hoạt động tình nguyện để thanh niên, đặc biệt là các bạn gen Z được cân nhắc các điều kiện, chủ động lựa chọn tham gia, tương tác trực tiếp cũng là một trong những yêu cầu mới phát sinh trong bối cảnh hiện nay", chị Phương nói.
Ngoài các vấn đề trên, muốn phong trào tình nguyện bền vững thì bắt buộc các ban chỉ huy từng chiến dịch, hoạt động phải đi sâu, bám sát bối cảnh của từng địa bàn. Nghĩa là các công trình, phần việc mà đội hình đó tạo nên phải đảm bảo được tính thiết thực, hiệu quả, mang lại ý nghĩa cho địa phương, người dân nơi đó.
Quan điểm chỉ đạo của Thành Đoàn TP.HCM trong suốt thời gian qua cho phong trào tình nguyện luôn là: "Phải gắn bó với một địa bàn ít nhất từ 3 đến 5 năm".
Một hai năm là không đủ để hiểu, xác định rõ được những nhu cầu của địa phương. Từ đó, bắt buộc từng chiến dịch phải gắn liền với mỗi địa phương trong nhiều năm. Công trình nối tiếp công trình, công trình sau vừa làm vừa củng cố cho công trình năm trước.
"Việc bê tông hóa các tuyến đường cho một địa phương trong năm thì không bao giờ làm được cả, nhưng với giai đoạn 3 năm, 5 năm thì mới thành công. Tương tự các phần việc, công trình khác cũng thế", chị Phương chia sẻ.
Bí thư Đoàn Trường đại học Sư phạm TP.HCM Nguyễn Vũ Hoài Ân cho rằng ngoài tiếp nối, phát huy các giá trị truyền thống thì việc không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng hoạt động tình nguyện là việc cần làm hiện nay của mỗi một đơn vị. Hoạt động tình nguyện cần được xem như là môi trường thực hành, xây dựng các trải nghiệm thực tế ứng với chuyên môn vốn là thế mạnh của từng nhóm đối tượng.
Đặc biệt, việc tăng cường sự kết nối "phi không gian" và "phi thời gian" trong hoạt động tình nguyện là yếu tố mới trong bối cảnh hiện nay. Việc tham gia hoạt động tình nguyện trong bối cảnh 4.0 không còn dừng lại ở việc tổ chức các đội hình tình nguyện tập trung như truyền thống.
Các chiến sĩ cần được kết nối, tạo thành mạng lưới. Cần được triển khai xuyên suốt trong một năm, dưới dạng các dự án tình nguyện phát huy chuyên môn của đoàn viên, thanh niên.
Việc nữa chính là tăng cường kết nối, tranh thủ nguồn lực từ các dự án phục vụ cộng đồng, nguồn kinh phí cấp cho đề tài khoa học công nghệ đặt hàng, từ đó đem đi phục vụ xã hội, giúp tăng cường hiệu quả của hoạt động tình nguyện, tăng hàm lượng khoa học trong hoạt động tình nguyện.
Nhìn xa, việc được vận dụng kiến thức học tập trên giảng đường vào thực tế từ sớm thông qua hoạt động tình nguyện thì chính sinh viên cũng là đối tượng thụ hưởng. Đây chính là sự bổ trợ cần thiết để sinh viên có thể đủ năng lực làm nghề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận