Cuộn xuống để xem tiếp
Trung tá Bùi Xuân Bổng
Nguyên Chỉ huy trưởng Nhà giàn Ba Kè
Anh Bổng vừa nhận quyết định nghỉ hưu ngày 1-6-2019. Trong 31 năm quân ngũ, anh Bổng có 30 năm ở nhà giàn và anh chỉ được ăn 5 cái Tết ở đất liền. Anh Bổng là chỉ huy trưởng lâu năm nhất ở nhà giàn DK1, công tác tại 9 nhà giàn khác nhau, trong đó nơi ở lâu nhất là DK 1/17 (10 năm liên tục).
Xem thêm thông tinTrung tá Bùi Xuân Bổng tốt nghiệp trường Sĩ quan Pháo phòng không tháng 7-1998 và làm nhiệm vụ tại một trung đoàn pháo phòng không của quân chủng Phòng không Không quân.
Tháng 2-1989, nhận lệnh điều động của Bộ Quốc phòng sang tăng cường cho quân chủng Hải quân. Ngày 15-9-1990, nhận lệnh đi nhà giàn Phúc Tần, thay cho kíp đầu tiên.
Trong cơn bão tháng 12-1990, anh Bổng là một trong năm người sống sót khi nhà giàn đổ. Tám người nhưng chỉ có 5 áo phao, Chỉ huy trưởng Bùi Xuân Bổng, Chính trị viên Trần Hữu Quảng và nhân viên báo vụ tên Báu nhường áo phao cho anh em và nhảy xuống biển trong đêm tối bão gió. Anh Bổng vớ được miếng phao bè xốp vỡ ra, kéo thêm được 2 người nữa là Công và Quỳnh.
Khi thấy nhân viên báo vụ Hồ Thế Công có áo phao nhưng xuống biển lại cứng đơ, rời hẳn tay ra như sắp chết, anh vẫn quyết tâm kéo theo. Lúc sau thì anh Công tỉnh lại. Giữa sóng dữ, giữa cái chết cận kề, người chỉ huy trưởng trẻ tuổi trở thành chỗ dựa tinh thần vững vàng cho đồng đội.
Chiều hôm sau, tàu mới tìm thấy họ.
"Đi nhà giàn công tác là ước nguyện của tôi. Sau trận bão tháng 12-1990, tôi có cảm giác như nhà giàn cần mình. Cuộc sống ngoài đó mặc dù thiếu thốn, công việc có lúc căng thẳng nhưng càng đi càng gắn bó, càng có nhiều tình cảm với nhà giàn. Anh em mỗi người một nơi nhưng thân thiết còn hơn cả anh em ruột thịt, từ khi còn độc thân cho đến khi có gia đình...”, trung tá Bùi Xuân Bổng tâm sự.
Trung tá
Lê Xuân Nam
Chỉ huy trưởng Nhà giàn Phúc Tần
Anh Nam tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân 2 năm 1994. Đến tháng 4-1995, anh ra nhà giàn DK 1/10 công tác. Trong 25 năm ở nhà giàn tính đến nay, anh đã ở 7 nhà giàn khác nhau.
Xem thêm thông tin“Lần đầu tiên đi biển, thời đó tàu vừa nhỏ vừa cũ lại gặp sóng to gió lớn, mình bị say sóng vật vờ rất mệt. Lên nhà giàn mình không nghĩ nhà giàn lại nhỏ và thô sơ như vậy. Trước khi ra đây tôi đã nghĩ nhà giàn chắc hoành tráng như giàn khoan dầu khí, rộng rãi, nước nôi thoải mái. Ra mới bất ngờ vì thiếu thốn đủ thứ. Cái khó khăn nhất là liên lạc với gia đình đất liền, người thân. Nhưng khó khăn là lúc rèn luyện bản lĩnh người lính, bọn mình phải thích nghi và vượt qua.
“Tôi nhớ cơn bão số 16 năm 1998 là mạnh nhất, khủng khiếp nhất trong 25 năm công tác. Xung quanh trời tối đen, dông mưa đổ xuống ầm ấm, sóng gió cuồn cuộn, nước phả hết vào trong nhà, gió mạnh đến nỗi tưởng tượng chỉ cần hé ra một chút là cuốn bay cả người! Kỷ niệm thứ hai là nhà giàn mình cứu được 3 ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi năm 2003. Đợt ấy gió mùa Đông Bắc. Ngư dân nói đã nhìn thấy nhà giàn từ 3h chiều hôm trước nhưng đến 9h sáng hôm sau mới dạt vào gần nhà giàn được. Chúng tôi cứu được họ, vui như cứu được người thân.
Tình yêu biển đảo lớn lên từng ngày, từ lúc tôi còn là thiếu úy cho đến bây giờ là trung tá. Mọi người trên nhà giàn gắn bó như một gia đình. Trước đây tôi từng muốn xin về bờ nhưng về bờ lại nhớ biển. Tôi về bờ 2 tháng là thấy rất nhớ đơn vị. Ngủ ở nhà mà cứ tưởng tượng ngủ ngoài biển, nhớ công việc mình làm, nhớ anh em nhà giàn. Điều đó thôi thúc để chúng tôi vượt qua khó khăn, những ham muốn cá nhân để gắn bó với nhà giàn. Công việc của người lính nhà giàn rất thầm lặng. Để giữ được nhà giàn, biển đảo bình yên thì mỗi người lính chúng tôi phải phấn đấu nhiều”, trung tá Lê Xuân Nam nói.
Trung tá chuyên nghiệp
Bùi Đình Dong
Quân y sĩ Nhà giàn DK 1/16
Anh Dong tốt nghiệp trường Trung cấp Quân y 1 tháng 4-1989. Tháng 5-1990, chuẩn úy Bùi Đình Dong về Tiểu đoàn DK1 công tác, bắt đầu từ nhà giàn thế hệ đầu tiên là DK 1A (Tư Chính). Anh đã ở 16 nhà giàn trong 29 năm qua, trong đó có 2 nhà giàn thế hệ đầu tiên bị đổ trong cơn bão lớn năm 1990 và năm 1998 (nhà 1A và 2A). Anh Dong có 9 lần được đón Tết cùng gia đình.
Xem thêm thông tinTrung tá chuyên nghiệp Bùi Đình Dong tốt nghiệp trường Trung cấp Quân y 1 tháng 4-1989.
Tháng 5-1990, chuẩn úy Bùi Đình Dong về Tiểu đoàn DK1 công tác, đi nhà giàn DK 1A (Tư Chính) - là nhà giàn thế hệ đầu tiên. Anh Dong đã ở 16 nhà giàn, trong đó có 2 nhà giàn thế hệ đầu tiên bị đổ khi gặp cơn bão lớn năm 1990, 1998 (nhà 1A và 2A).
“Lính nhà giàn ra đây ít ốm đau bệnh tật lắm, thỉnh thoảng bị mấy bệnh lặt vặt thôi. Chủ yếu chúng tôi khám sức khỏe cho bà con ngư dân ra đây đánh bắt cá. Hồi tôi công tác ở Nhà DK1/10 cấp cứu ngư dân nhiều nhất vì nhà gần bờ, hay bị tai nạn lao động...”, trung tá chuyên nghiệp Bùi Đình Dong nói.
“Ngoài này cứ mùa khô là hết nước. Vất vả nhất là hồi ở nhà DK1/7, có một năm nắng nóng kinh khủng. Nhà cũ lại nhỏ, đông người. Đầu tiên thì mỗi người được một can 30 lít nước ngọt dùng trong một tuần, sau chỉ còn 5 lít. Anh em phải ngồi trong chậu tắm. Sau, hết sạch nước. Suốt 7 ngày không có nước tắm, phải chờ một tháng sau mới có tàu cấp nước ra...”
Trung tá
Kim Văn Mệnh
Chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính
Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân 1 (ngành Chỉ huy binh chủng hợp thành) vào tháng 7-1993 với hàm trung úy, anh Mệnh ra nhà giàn công tác từ tháng 10-1993. Tính đến nay, anh đã công tác tại 4 nhà giàn, trong đó, Tư Chính là nhà giàn anh ở lâu nhất, từ năm 1997 đến năm 2004. Trong 26 năm công tác ở nhà giàn, chỉ có 6 lần anh Mệnh được ăn Tết ở nhà.
Xem thêm thông tinNăm 33 tuổi, anh Kim Văn Mệnh mới lập gia đình do đi biển biền biệt, không có cơ hội để tìm hiểu nên lập gia đình muộn. Năm 2002, khi đó anh Mệnh đang là Chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính. Lúc đó anh mới cưới vợ. Chị viết thư gửi tàu ra cho anh. Lá thư đó 6 tháng anh mới nhận được và nhận khi... về đất liền công tác!
“Trước đó ở khu vực bọn mình có khi không có tàu trực. Thư gửi ra có nhiều lúc không tới được hoặc mình không gửi thư về ngay được. Lá thư vợ mình gửi ra phải nằm lại đơn vị đến tháng thứ ba. Lúc đó mới có tàu ra. Anh Dương Thế Đường khi đó là trợ lý tham mưu của Tiểu đoàn DK1 (sau này là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1) đi theo đoàn gia cố chân đế nhà giàn, mang ra giúp. Nhưng khi ra ngoài này sóng lớn quá, tàu cứ chạy vòng vòng cả tuần mà không cập được nhà giàn. Sóng gió không giảm, tàu phải quay về đất liền. Anh Đường phải mang thư vào bờ. Ngày đó không có điện thoại nên vợ mình cũng chẳng có cơ hội mà giận dỗi.”
Năm 2006, bố anh Mệnh mất. Anh em đồng đội trong nhà giàn xúm lại hỏi thăm, động viên. “Đêm đó tôi thức trắng đêm. Hôm sau nghĩ mình cũng chẳng làm sao được, mà lại là chỉ huy nhà giàn, cũng phải cố gắng vượt qua nỗi đau, cùng anh em đơn vị công tác. Anh em các nhà khác biết, gọi qua máy thông tin chia buồn. Gần 1 tháng sau tôi vào đất liền, về nhà và dự được lễ cúng 49 ngày. Lính nhà giàn xác định đã đi nhà giàn thì có thể lúc bố hoặc mẹ mất cũng không về được. Đó là cái nghề cái nghiệp rồi!
Trung tá chuyên nghiệp
Phạm Văn Hướng
Quân y nhà giàn DK1/19
Anh Phạm Văn Hướng tốt nghiệp Trường Trung cấp quân y tháng 11-1992. Đến nay, trong 31 năm tuổi lính, anh Hướng có tới 26 năm 2 tháng ở nhà giàn và chỉ có 4 lần đón Tết cùng gia đình. Anh đã công tác tại 14 nhà giàn, có nhà ở đến 4 lần (DK1/10).
Xem thêm thông tinVợ anh Hướng là giáo viên trường tiểu học. Con trai lớn hiện đang là sinh viên năm 2 Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Con trai thứ hai bị viêm não khi đang học lớp 3.
“Bố đi nhà giàn 2 năm, về 1 tuần thì con bị bệnh. Sau anh ấy lại đi hơn 1 năm lại về phép, con vẫn chưa biết gì. Năm 2014, khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, anh được tăng cường ra nhà giàn, trong này thì con bị ốm quá nguy kịch, 10 phần thì 9 phần nghĩ là con chết...”, chị Ngô Thị Hiên, vợ anh Hướng, kể.
Tháng 9-2001, bố anh Hướng mất. Trước đó đã biết bố ốm nặng mấy đợt, là con trai lớn nhưng anh Hướng không về chăm sóc báo hiếu bố được. Bố anh mất khi anh đang công tác ở Nhà giàn DK1/10. Mãi 3 tháng sau, tháng 12-2001, khi tàu ra thay quân, anh mới được về.
“Nhìn lại sao thấy nhanh quá. Hồi trẻ mới ra trường không nghĩ mình đi lâu được như vậy. Rồi cứ hết năm nọ đến năm kia. Thoắt cái đã hơn 26 năm công tác ở nhà giàn. Lính nhà giàn vất vả, thiếu thốn và thiệt thòi đấy nhưng mình không hối hận. Vì những việc mình và các anh em khác đang làm là để cống hiến cho đất nước”, trung tá Phạm Văn Hướng nói.
Trung tá
Nguyễn Văn Hùng
Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/12
Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 1991 (ngành Binh chủng hợp thành), anh Hùng về công tác tại Quân đoàn 2. Đến năm 1994, anh chuyển về Lữ đoàn Đặc công nước 126. Năm 1997, anh Hùng về Tiểu đoàn DK1. Trong 21 năm gắn bó với 6 nhà giàn khác nhau, anh chỉ đón 3 cái Tết ở đất liền.
Xem thêm thông tinNăm 1997 anh Hùng cưới vợ, ở bên nhau được 13 ngày thì anh lại ra nhà giàn công tác
Gia đình anh Hùng có 3 anh chị em là bộ đội: anh trai là sĩ quan bộ binh, hy sinh năm 1984 ở Campuchia, chị gái công tác tại Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không Không quân) - đã nghỉ hưu.
Năm 1998, lần đầu tiên anh đi nhà giàn, cũng là lần đầu tiên gặp cơn bão kinh hoàng. Đó là trận bão rạng sáng ngày 13-12-1998 khiến nhà giàn Phúc Nguyên (2A) bị đổ. Lúc đó, anh Hùng đang công tác trên nhà giàn Ba Kè, cách Phúc Nguyên khoảng 70 hải lý.
“Mỗi lần đến mùa gió mùa, sóng đánh nhà rung lắc, bọn tôi lại đùa nhau, nói là được mát-xa lưng miễn phí. Rồi nhà nọ gọi điện trêu nhà kia có bị say sóng không... Ở ngoài nhà giàn nghe tiếng sóng ngủ quen rồi, về nhà không có lại thấy không quen. Ngoài này vất vả, gian nan thật nhưng tôi không có ý định xin chuyển công tác vào đất liền cho gần vợ con. Đã là người lính thì ở đâu cũng là nhiệm vụ, ở đâu mình cũng phục vụ quân đội, phục vụ đất nước”, trung tá Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận