Mỹ Hảo luôn hiện diện trong chái bếp của má
Má trung thành với Mỹ Hảo dễ chừng đã 30 năm. Má kể hồi về làm dâu vào những năm đầu thập niên 1990, nhà nội khi ấy vẫn chưa dùng nước rửa chén. Bình thường, để rửa sạch dầu mỡ, nhà chỉ dùng hỗn hợp tro bếp và vỏ trấu, cọ bằng một cái xơ dừa.Những khi đám tiệc giỗ quải, chén dĩa xoong nồi chất cao như núi mà toàn vết váng cứng đầu, nước tro trấu cũng không ăn thua, đành trộn thêm bột giặt nhưng phải hết sức tiết kiệm. Đó là loại bột giặt Việt Nam, bao bì nhựa dày và trong mà mỗi khi dùng hết má thường giặt sạch phơi khô để chị em tôi đựng tập sách đến trường.
Thời gian sau thấy lúc nông nhàn rỗi rãi, vốn thời còn con gái biết mua bán, má xin nhà nội cho đi ghe hàng. Má đi ghe nhỏ, hàng họ không nhiều, quanh quanh chỉ những món đồ thiết yếu phục vụ người nông thôn. Nhưng chính thời gian ấy là lúc gia đình tôi biết và bắt đầu dùng nước rửa chén. Và đó là Mỹ Hảo.
Dường như đó cũng là loại nước rửa chén duy nhất thời bấy giờ. Hồi ấy vẫn còn là chai tròn hình trụ dài chưa thắt eo đổi mẫu mã và nhiều sự lựa chọn đa dạng như hiện nay. Má bổ đồ từ chợ thị quê má, nơi có dòng sông năm ngã mà hàng hóa vẫn theo những ghe thương từ thành phố đổ về.
Nằm trong kẹt trong bưng, lạc hậu và thiếu thốn trăm bề, chiếc ghe hàng bé tẹo của má đã chở những điều mới mẻ và tiện nghi đầu tiên về xóm quê tôi. Từ cục xà bông thơm Cỏ May, dầu ăn Tường An, nước tương Nam Dương,… và không thể thiếu với các bà nội trợ là nước rửa chén Mỹ Hảo.
Công cuộc làm quen của người quê cũng diễn ra nhanh. Dù không có những chương trình quảng cáo rình rang trên tivi nhưng không người phụ nữ nào ở quê là không biết Mỹ Hảo. Như một cuộc cách mạng về hóa mỹ phẩm để người nhà quê vẫn có thể dùng được những món hàng tiện lợi phục vụ đời sống với giá cả hợp túi tiền.
Đến khi sinh em tôi đận ấy hơi khó nuôi thì má lên bờ. Lúc đó thì đến bà già xưa như nội tôi cũng đã biết dùng Mỹ Hảo. Không chê má tôi bày vẽ tốn kém, bà khen “cái thứ này” rửa sạch thiệt sạch ba cái mỡ dầu.
Cứ như vậy, Mỹ Hảo trở thành một phần không thể thiếu trong chái bếp nối với sàn nước dài chưa đầy ba mét của má tôi. Đã sáng chiều dõi theo và thầm biết ngày hôm ấy cả gia đình có ăn cơm cùng nhau không, có thêm khách khứa hay đã ăn những món gì, phải dùng đến bao nhiêu chén dĩa và nồi niêu xoong chảo.
Rất lâu sau này, khi cuộc sống càng hiện đại và có nhiều sự lựa chọn, có lần khi được má nhờ đi mua nước rửa chén, tôi đã chứng tỏ sự đảm đang và khéo léo của người phụ nữ bằng cách tạt qua siêu thị, ngắm nghía hàng loạt chủng loại trên kệ hàng và chọn lấy một sản phẩm nổi tiếng của một tập đoàn đa quốc gia. Tưởng về sẽ được má khen cho nở mũi một phen, hóa ngờ má chẳng đá động gì đến chuyện khen thưởng.
Rồi tôi trở lại với những chuyến đi xa đằng đẵng của mình. Lâu ngày trở về, nếu khéo để ý, lại thấy bền bỉ kiên gan nơi sàn nước của người phụ nữ nhà quê là chai nước rửa chén Mỹ Hảo. Má nói: Hồi lâu bây mua cái hiệu tiếng Anh tiếng u, má ít chữ nghĩa, đọc ra nghe nó cứ kỳ cục. Mà nói cái gì “lai lai” thì chỉ để thiên hạ cười cho.
Thôi thì đã quen cái gì thì dùng cái ấy. Mấy chục năm nay má vẫn xài Mỹ Hảo có làm sao đâu. Còn đôi bàn tay này nhăn nheo cằn khô là bởi vườn tược ruộng nương, chăm lo gia đình con cái, chứ đâu phải chỉ do rửa chén.
Vậy đó, tôi ra ngoài dù cho có giỏi bằng trời thì về với chái bếp nhà mình cũng đành chịu thua má tôi. Mà kỳ lạ nữa là cái hiệu nước rửa chén sau mấy chục năm vần vũ biến thiên mà giá cả vẫn rẻ bèo, ai cũng mua dùng được.
Và với má tôi cũng như hàng bao phụ nữ Việt hay cẩn trọng lo tính, gói ghém chi li để vun vén cho gia đình thì khi đã lựa chọn được một sản phẩm vừa tiện dụng cần thiết lại hợp túi tiền thì chẳng có lý do gì để không thủy chung, gắn bó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận