28/03/2005 00:04 GMT+7

30 năm, lửa trong tim vẫn ấm

MINH TỰ
MINH TỰ

TT - Ba mươi năm trước, họ là những HS, SV của Huế và Sài Gòn xuống đường với ngọn lửa tuổi trẻ hừng hực, đấu tranh đòi hòa bình cho quê hương, tự do cho đồng bào. Và giờ đây, ba mươi năm sau, những mái đầu xanh thuở nào đã nhuốm bạc, bồi hồi gặp lại nhau trong ngày kỷ niệm giải phóng Huế...

c5eKKkme.jpgPhóng to
Những cuộc xuống đường đấu tranh của học sinh, sinh viên đô thị miền Nam - Ảnh tư liệu

Buổi sáng 26-3, quán cà phê Tổng Hội (22 Trương Định, Huế) không còn một chỗ để ngồi. Những chiếc bàn được ghép lại thành một vòng tròn. Ngồi quanh là những mái đầu đã nhuốm bạc nhưng cười nói ngả nghiêng: “Thằng Mẫm có ra được à? Thằng Nhạc mô không thấy? Nhớ gọi taxi chở thằng Tường về nghe!”...

2FqK1hfW.jpgPhóng to
Làn sóng đấu tranh dâng lên mạnh mẽ khắp nước - Ảnh tư liệu
Hơn 30 năm trước, ngôi nhà này chính là “đại bản doanh” của Tổng hội Sinh viên (THSV) Huế (bây giờ là trụ sở Thành đoàn).

Ngày ấy dưới giàn hoa giấy này, những chàng trai Văn khoa, Luật khoa, Sư phạm đã chia sẻ với nhau về nỗi đau của quê hương đất nước dưới gót giày xâm lược Mỹ; đã sục sôi ngọn lửa yêu nước, thương dân; và cũng từ đây những bước chân đã rầm rập xuống đường, đốt xe Mỹ, phá tòa lãnh sự quán Mỹ...

Gặp nhau để yêu thương và soi lại mình

JpSbjiiJ.jpgPhóng to
Những chàng trai văn khoa, những cô gái sư phạm năm xưa, giờ gặp lại - Ảnh: M.Tự
Những câu chuyện về trái bom xăng đốt xe Mỹ của Thái Ngọc San, Bửu Chỉ, hay chuyện Trần Phá Nhạc và Hoàng Thị Thọ phát thanh như giọng của Đài Giải phóng khiến cảnh sát ngụy cứ tưởng Việt cộng đã ở trong thành phố; xen lẫn chuyện học hành của con cái, chuyện vui chơi của ba mẹ... vẫn không thể dứt, cho đến khi họ tề tựu đông đủ ở sân Thành ủy Huế. Tại đó, đã có mặt hơn 40 anh chị từ TP.HCM, Nha Trang, Qui Nhơn, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng cũng đã về kịp. Những mái đầu bạc ấy lại hét toáng lên, rồi ôm nhau cười rạng rỡ. Ở một góc sân là các chị SV sư phạm, y khoa, HS Đồng Khánh một thời bây giờ đã thành những bà nội, bà ngoại ôm nhau và nước mắt ràn rụa.

Cuộc gặp mặt này do Thành ủy và UBND TP Huế tổ chức, với sự tham gia của 250 thành viên của Tổng hội Sinh viên và Tổng đoàn Học sinh Huế và miền Nam bấy giờ.

Còn nhiều người nữa vì bận công tác không về được, nhưng cũng có nhiều người của phong trào mãi mãi không về nữa: Bửu Chỉ (người đã vẽ những bức tranh bút sắt rực lửa), Trương Quốc Khánh (tác giả bài hát Tự nguyện), Nguyễn Phạm Kim Hùng (trưởng khối kế hoạch của THSV Huế)... Và cả những người đã nằm xuống khi cuộc đấu tranh vẫn chưa dứt như: Ngô Kha, Lê Minh Trường, Trần Quang Long, Nguyễn Thiết... Một chiếc xe lăn tiến vào sân, mọi người xúm lại nhấc bổng lên hành lang. Đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường, tổng thư ký THSV Huế năm 1963, dù bệnh tật vẫn không chịu vắng mặt.

“Huế là nơi xuất phát tiên phong của phong trào đấu tranh của SVHS toàn miền Nam. Cũng từ đây, những phong trào đêm không ngủ, đốt xe Mỹ, chống quân sự học đường... lan tỏa đến Sài Gòn - anh Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch THSV miền Nam bấy giờ, nghẹn ngào hồi tưởng - Huế cũng là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho phong trào SVHS Sài Gòn như: Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Tôn Thất Lập, Trương Thìn...”.

Anh Mẫm kể rằng ông tỉnh trưởng Thừa Thiên bấy giờ rất sợ lực lượng sinh viên vì cuộc đấu tranh của họ diễn ra công khai, nhưng đàn áp thì lập tức dư luận cả nước và thế giới lên án ngay. Anh Nguyễn Duy Hiền, bấy giờ là trưởng đoàn công tác xã hội THSV Huế, tâm sự: “Đã sống bên nhau và cùng vượt qua những ngày nóng bỏng nguy nan đó nên chúng tôi thương yêu nhau như anh em một nhà. 30 năm hay bao nhiêu năm nữa, tình cảm đó vẫn nồng ấm”.

UbEb0Cl1.jpgPhóng to
Phiên tòa sôi động nhất ngày 18-3-1972. Mười sinh viên cắt tay lấy máu viết khẩu hiệu "Tự do hay là chết" lên tường tòa án quân sự Bạch Đằng. Từ trái qua phải: Trương Văn Khuê, Nguyễn Duy Thông, Lê Văn Nuôi (giữa), Nguyễn Xuân Thượng, Lương Đình Mai...
Thức lại những đêm không ngủ

Không khí lạnh cuối mùa bị đốt nóng lên bởi ngọn lửa của tình cảm 30 năm xa cách. Và họ lại kéo nhau lên sân khấu, ôm nhau hát vang những bài ca một thuở: Còn một ngày ta vẫn còn tranh đấu.

Tiếng hát cứ kéo dài cho đến tối ở nhà kèn công viên 3-2, ngay trước giảng đường Đại học Sư phạm, và cạnh đó là Đại học Văn khoa (bây giờ là khách sạn Saigon Morin) - nơi được xem là chiến lũy của những người xuống đường, nơi mà họ đã biết bao đêm không ngủ để “hát cho đồng bào tôi nghe”.“Tại đây, sau những đêm “hát cho đồng bào tôi nghe” là một vòng vây của cảnh sát chìm, cảnh sát nổi với súng tiểu liên, lựu đạn cay siết chặt” - nhạc sĩ Tôn Thất Lập, tác giả bài Hát cho dân tôi nghe, hồi tưởng trong sự lắng nghe chăm chú của đông đảo bạn trẻ sinh viên Huế. “Tiếng hát đi đầu để thúc giục lòng yêu nước. Đó là ý nghĩa của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe vang dậy cả miền Nam”.

Và tiếng hát ấy đang vang dậy bên sông Hương: “Ngày nao loa vang dân xóm thôn cũng vừa lên đường”. Mọi người không ai bảo ai, tự nguyện kéo lên sân khấu, nắm chặt tay nhau, hát vang với hào khí ngất trời ngày nào. “Không ai ngăn nổi lời ca, lời ca mãi muôn đời, lời ca yêu mến người” - chị Thúy Liên, một giọng ca của phong trào từ Sài Gòn ra, tiếp tục cất tiếng. Nhiệt độ tăng lên nóng hổi khi nhạc sĩ Miên Đức Thắng, một nhạc sĩ của phong trào, từ xa trở về quê với tuổi đã 62 nhưng giọng hát vẫn còn quá ư vạm vỡ và hào sảng. “Đất cho ta sống, quê hương ta bồng, đất cho ta chết, quê hương ta về”. Hơn 30 năm trước, cũng chính vì bài Hát từ đồng hoang này mà Miên Đức Thắng đã bị chế độ ngụy kết án khổ sai.

Họ đã hoảng sợ tiếng hát - một thứ vũ khí “đặc hữu” của những người xuống đường, như nhạc sĩ Tôn Thất Lập nói: “Nếu thế hệ trước “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” (lời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), thì thế hệ chúng tôi lại cầm bút nghiên xuống đường đấu tranh. Vũ khí của chúng tôi là tri thức, là nghệ thuật”. Điều đó đã được nhà thơ Võ Quê tiếp tục thể hiện với bài thơ sục sôi một thời Thừa Phủ ơi, lòng ta hồng biển lửa...Đó là đêm thứ hai họ gặp lại nhau khá đủ ở Huế sau 30 năm, trong những ngày tháng ba bồi hồi này, và cũng là đêm thứ hai tiếp tục không ngủ. Tiếng hát, tiếng đàn tiếp tục kéo dài ở ngôi nhà Tổng Hội. Và nhạc của Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Xuân An; và thơ của Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Trần Vàng Sao, Trần Phá Nhạc, Đông Trình... vẫn liên tục vang dậy như những ngày nào xuống đường đầy khí phách.

“30 năm đã qua, chúng ta có điều kiện để nhìn lại. Tôi nghĩ rằng đánh giá thắng lợi chung của các lực lượng thì phải nhìn rõ hơn thắng lợi của phong trào đô thị. Bởi vì hiện nay, có xu hướng đi tìm những khái quát vội vàng, cho nên cứ nhìn thấy sự xuất hiện của cánh quân này, trận địa kia mà quên sự góp sức của phong trào đô thị hết sức quan trọng. Chúng ta cứ hình dung trong một xã hội mà hôm nay biểu tình, ngày mai bãi khóa thì làm sao mà chịu nổi.

Cho nên phong trào đô thị có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nó đánh vào thần kinh, đánh vào chính trị của chế độ. Vì vậy, khi thần kinh suy sụp thì những lính tráng cũng bỏ chạy thôi, không làm sao duy trì nổi”.

(Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm - trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa T.Ư, tại cuộc gặp mặt sáng 26-3)

Lời tạ lỗi cùng thầy

Thưa thầyKỳ thi này có lẽ con sẽ rớtCó lẽ con sẽ đi quân trường rồi có lẽ con sẽ cầm khí giới ngoại nhân bắn vào anh em con ở bên kia chiến tuyếnNhưng thưa thầy con làm sao đượcCon làm sao học đượcKhi bạn bè con anh em con người người bị bắtBị tù đày bị tra tấn mà đôi mắt nai xoe tròn ngơ ngác vì không hiểu tại saoCon xin tạ lỗi cùng thầyCâu nói này con không làm sao nghe được, bài văn kia con không làm sao hiểu thấuKhi ngoại nhân vẫn chìa súng cho anh em con hè nhau bắn giếtKhi vì những lý tưởng tự do cao đẹp họ vẫn giày xéo đất nước mình bằng gót giày sắt máuCon xin tạ lỗi cùng thầyBài công dân này con không làm sao thuộc được, bài địa lý kia con không làm sao nuốt trôiKhi con mường tượng trưa nay về nhà mẹ già con vẫn ốm o nằm đóVà em con nheo nhóc đứa đòi cơm đứa đòi canh trong khi ba con gục đầu vào hai bàn tay rưng khócCon xin tạ lỗi cùng thầyCó lẽ con chỉ còn một con đường lựa chọn(Và con đường đó thì thầy dư biết là đầy gian lao nguy hiểm)Thưa thầy đó là con đường Hòa Bình con đường Việt Nam.

Lời mẹ gửi cho con đang ở trong tù

(Riêng tặng Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi và anh em bè bạn SVHS)

Mẹ đã khóc qua từng đêm không ngủCon khổ đau những ngày tháng tù đàyHọ buộc tội conSao không lo học hành lại vào đường tranh đấu Sao không chịu ăn chơi trong những thành phố huy hoàng mặc tình thiên hạ... Sao không lặng im an nhàn tủi nhục trong vai trò nô lệ

... Tại sao con phản khángTại sao con chống đốiKhông giống bạn bè con bình thản học hành và ngủ mê trên cấp bằng hưởng thụCon đã đi trên con đường dân tộc vì đồng bào vì đất nước đấu tranh

... Họ bắt con vì con không chịu cúi đầu làm tên nô lệHọ bắt vì con không phản bội lương tâmKhông. Quyết không làm một kẻ ăn mày ngửa tay xin những đồng tiền viện trợ sống vô tri trong cuộc sống ngục tù... Chắc giờ này con chưa ngủ đang đớn đau sau những cuộc khảo tra

... Con ơi!Con chịu đau có một mẹ đớn đau tới mườiTim mẹ nhói đau từng giây từng phútLòng mẹ nát tan theo những ngày tháng con ở trong tù.

Nhưng nếu không có những người chịu đau khổ như con để dân ta giành lại quyền tự do độc lập cho người Việt Nam quyền được sống làm người trong xã hội ngày mai ấm no hạnh phúc thì dân tộc mình còn khổ sở tới bao giờCho nên đêm nay dù mẹ con mình chịu nhiều đau xót dù con đang đói khổ tù đàyMẹ rất buồn đau nhưng không hối tiếcCon xứng đáng là người của đất nước hùng anh...

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên