Phóng to |
Ông Lâm Võ Hoàng (trái) và ông Lê Trọng Nhi, người nhiều tuổi nhất và người ít tuổi nhất trong “nhóm thứ sáu”, rất tâm đắc với nhau trong thảo luận chính sách kinh tế và cả câu chuyện đời - Ảnh: Tự Trung |
“Tuần này chúng tôi có cuộc tụ tập nữa đây, đến lượt anh Tước đăng cai, thế mà anh ấy lại chơi ăn gian, đi trước...” - ông Lê Trọng Nhi ngậm ngùi, cố gắng tếu táo như mọi ngày. Ông Lâm Võ Hoàng run run cắm cây nhang: “Phần của tao sao mày giành vậy Tước?”. Ngày 27-6-2013, thay cho cuộc tụ họp vui vẻ, bàn luận sự đời và những đề tài thời sự nóng bỏng, “nhóm thứ sáu” lại phải ngậm ngùi cùng nhau đưa tiễn chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước. Thế là nhóm đã mất đến người thứ bảy.
Lướt qua hàng trăm vòng hoa của các ngân hàng, công ty, các báo đầy chật khuôn viên nhà, những dòng “thương tiếc” nối dài trong sổ tang mới thấy rõ những gì ông Trần Bá Tước đã đóng góp cho cuộc đời. Và như ông nói, “cơ hội hồi sinh, được làm những việc có ích” đã đến từ ngày ông đạp chiếc xe cọc cạch từ Tân Bình xuống Chợ Lớn làm phiên dịch cho Công ty Cholimex, nơi “nhóm thứ sáu” đang từng bước phôi thai.
Phóng to |
Đưa tiễn chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước ngày 27-6-2013 (hàng trước, từ trái qua: ông Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Lâm Võ Hoàng) - Ảnh: Tự Trung |
Đa không - một có
Không tên, không chủ quản, không trụ sở, không điều lệ, không chức vụ, không kinh phí, không lương..., một cách an nhiên, “nhóm thứ sáu” đã xuất hiện bằng việc những người trí thức ngồi lại với nhau mỗi tuần vào chiều thứ sáu hằng tuần, nói chuyện, thảo luận, bàn bạc, đề xuất... “Cái có duy nhất là lòng nhiệt thành muốn làm việc, muốn đóng góp, muốn cống hiến của các thành viên trước những thôi thúc của thời cuộc” - ông Phan Chánh Dưỡng, một trong những hạt nhân đầu tiên của nhóm, tâm sự. Thời bao cấp đầy khó khăn, các chính sách đi ngược chiều thực tế, “khủng hoảng, rối như canh hẹ” (lời giáo sư Đặng Phong trong Nhật ký thời bao cấp). Đó là cái thời mà những người trí thức đành phải chọn “giấc ngủ dài cho qua cơn đói” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng ngủ không thể yên. Trăn trở, suy nghĩ vốn là nhu cầu tự thân của người trí thức, tìm người, tìm nơi để nói ra, để thảo luận, để tìm giải pháp, để biến lý thuyết thành hiện thực là nhiệm vụ mà người trí thức luôn tự nguyện gánh lấy.
“Tất cả họ đều quá trong sáng, quá tâm huyết, không ai nghĩ đến tư lợi bản thân dù cơ hội do chính mình tìm ra không ít, các mối lợi cũng bày ra trước mắt. Nghĩ lại, có như vậy mới ngồi lại được với nhau và ngồi lâu bền đến thế. Có vậy “nhóm thứ sáu” đa không này mới gắn bó với nhau bền chặt đến thế” - ông Lê Trọng Nhi, chuyên viên tư vấn ngân hàng, em út của nhóm, nói. |
Thế là họ đã gặp nhau khi có cùng nhu cầu dù mỗi người mỗi việc, mỗi nhà mỗi cảnh. Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Phan Thành Chánh, Mai Kim Đỉnh, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Tường Vân, Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Xích Tú, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu... những cái tên sau này đã trở nên quen thuộc trong các bài báo bình luận, đánh giá tình hình kinh tế, phân tích, phản biện chính sách. “Tháng 10-1986, chúng tôi có một “tấm lá chắn” đánh dấu thời điểm hợp pháp là tờ giấy xác nhận danh sách “Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành ủy” do ông Võ Trần Chí, bí thư Thành ủy, cấp” - ông Phan Chánh Dưỡng nhớ lại. Kể từ đó, thỉnh thoảng trong các cuộc họp nhóm xuất hiện thêm những nhân vật đặc biệt của Thành ủy: Hai Chí (Võ Trần Chí), Sáu Tường (Nguyễn Vĩnh Nghiệp), Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Năm Nghị (Phạm Chánh Trực)...
Và chỉ có thế. Hàng loạt công trình nghiên cứu đã góp phần hình thành nên chính sách của Nhà nước, vào từng bước phát triển của TP.HCM: ý kiến đột phá về giá - lương - tiền dẫn đến kết quả tình trạng cấm chợ ngăn sông, cản trở lưu thông hàng hóa đã được bãi bỏ trên toàn quốc; những chính sách hỗ trợ sản xuất, đề xuất cải cách hệ thống ngân hàng sau đó đã được ban hành dưới hình thức các pháp lệnh ngân hàng; các nghiên cứu phát triển ngoại thương, các đề tài kinh tế vàng góp mặt vào các chính sách; đề án thành lập Khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của VN; hàng loạt dự án đầu tư: đại lộ Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh), khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước... đã biến đổi một vùng đầm lầy ngập mặn của TP.HCM thành khu đô thị lộng lẫy hướng thẳng ra biển Đông. Một số thành viên của nhóm như Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời vào Ban nghiên cứu của Thủ tướng, lại càng có điều kiện vẫy vùng.
Vậy mà đã gần 30 năm. Nhìn lại, nhóm chỉ còn hai thành viên chưa bước qua tuổi 70, đã phải tiễn đưa đến người thứ bảy. Ai cũng cười xòa: “Có thăng trầm, cũng có chút thành quả, lại không có thất bại, có được chứ không có mất, “đa không” cũng có lợi. Tất cả chúng tôi đều có lợi”.
Cái “lợi” mà các thành viên “nhóm thứ sáu” nhắc đến cũng thật đặc biệt như đặc điểm “đa không” của nhóm vậy: lợi vì được tự do tư duy, tự do sáng tạo, tự do thảo luận tuyệt đối tôn trọng nhau; lợi vì được học lẫn nhau, cùng nhau làm thầy, cùng nhau làm trò, cùng nhau đưa ra những bài học sinh động, trực quan từ thực tế; lợi vì được cống hiến cho chính cuộc sống của mình, đất nước của mình; lợi vì được chung lòng với những người anh em đồng tâm, đồng sức; lợi vì được những người khác kê vai tặng bệ phóng và mình cũng sẵn lòng làm bệ phóng cho họ... Ông Lâm Võ Hoàng ví von bằng giọng miền Nam rặt: “Chúng tôi đi họp giống như đi nấu tiệc, người xách con khô, bó rau, con cá, miếng thịt, chai nước tương, gói đậu mè, nải chuối, chai đế Gò Đen... Cùng chế biến, nấu nướng, cùng ăn tiệc chung đến no nê, rồi còn xách về làm quà cho má bầy trẻ (kể chuyện lại). Rồi lần lần thấy mình lên cân, cao hơn, mạnh hơn, phát tướng ra mặt mà không biết ăn nhằm món gì của ai đem lại mà nên thuốc quá xá. Mỗi chúng tôi đều mang trong tư duy của mình dấu ấn của nhau”.
Phóng to |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một chuyến thị sát đường Trường Sơn cùng “nhóm thứ sáu” - Ảnh tư liệu |
Đẫm chất cống hiến
Đã gần 30 năm, không ít người ngạc nhiên khi biết những cuộc họp “nhóm thứ sáu” nên người, nên nghiệp ấy vẫn tiếp tục. Người trong cuộc cũng ngạc nhiên khi ai đó hỏi “Nhóm vẫn còn họp hả?”. Thì có lý do gì để không họp nữa đâu.
Không đều đặn như trước, không đầy đủ thành viên như trước, cũng không còn những đơn đặt hàng về các vấn đề “kinh bang tế thế” từ các cấp lãnh đạo nữa, nhưng không khí tự do tư duy, tự do sáng tạo vẫn như xưa. Các cuộc họp của “nhóm thứ sáu” bây giờ có khi lại tập trung vào một công việc mới của một thành viên nào đó, và công việc ấy lúc nào cũng đẫm chất cống hiến của nhóm: quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng của ông Trần Trọng Thức nên mở đầu với 300 hay 500 suất? Sẽ duy trì và nhân nụ cười ra bằng những phương án nào? Dự án đưa công nghệ thông tin đến trường học của Quỹ Lawrence Sting bên ông Phan Chánh Dưỡng nên chọn điểm kế tiếp là đâu? Các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế hiện nay có điểm nào cần phản biện?... Các công trình, các bài báo bình luận chính sách tiếp tục ra đời.
Dù tất cả thành viên của “nhóm thứ sáu” đều đã được mọi người biết đến như những nhà tư vấn kinh tế hàng đầu, đã tận tay tạo ra cơ hội cho bao nhiêu người khác, không ai trong số họ đã trở thành đại gia. Vốn là “người Mỹ gốc Việt”, từ những năm 1980, ông Lê Trọng Nhi về nước, tận mắt chứng kiến những ngổn ngang thời cuộc. Tình cờ đến ngồi với “nhóm thứ sáu” vài buổi, cái tâm cái tình của “những người thứ sáu” đã làm nên sợi dây gắn ông với quê hương đến tận bây giờ. “Các anh ấy đã cho tôi những bài học về cách nhìn cuộc đời, cách thể hiện lòng yêu nước, cách sống sao cho thỏa được lòng mình mà an nhiên, tự tại” - ông Nhi nói.
An nhiên thật khi chẳng ai muốn kể về những điều mình đã làm. Hỏi đến những buổi họp trứ danh, ai nấy lắc đầu quầy quậy: “Nói chuyện tào lao ấy mà”. Hỏi đến những bài viết, những công trình nghiên cứu, vốn đã có thể xuất bản thành cả bộ sách, lại càng cười xòa hơn, cùng nhắc lại một câu cũng đã trở nên khá nổi tiếng của ông Lâm Võ Hoàng: “Chúng tôi thấy có nhu cầu viết thì phải viết, cũng giống như con gà mắc đẻ thì phải đẻ trứng vậy thôi. Đẻ rồi, người ta nhặt trứng mang đi ấp, đi luộc, đi rán hay làm gì thì chúng tôi không quan tâm nữa...”.
Mấy năm gần đây, “nhóm thứ sáu” có một nét sinh hoạt mới: mọi người cùng chọn một nhà may, cùng đóng góp may áo dài gấm xanh, khăn đóng để tặng người nào đến tuổi 70, lại đã có ba người vượt qua ngưỡng 80 tuổi được tặng áo đỏ. Những buổi họp tất niên, tân niên bây giờ rộn ràng áo đỏ, áo xanh, rộn ràng những tiếng cười, thỉnh thoảng lại có những khoảng lặng để nhớ người đã ra đi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận