01/05/2023 13:14 GMT+7

30-4-1975 trong hơi thở của con tôi

Chỗ tôi đang sống, Paris, đang vào mùa xuân, ngày dài hơn, nắng nhiều hơn, hoa nở rộ hơn. Paris đang xao động vì các cuộc biểu tình và đình công phản đối luật hưu trí sắp ban hành.

30-4-1975 trong hơi thở của con tôi - Ảnh 1.

Bà Trần Tố Nga trong một cuộc biểu tình ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Pháp - Ảnh: NVCC

 Dù xao động này khác xa với những diễn biến cũng sôi động không kém của Paris cách đây 50 năm, nhưng nó vẫn đưa tôi về với những sự kiện đã làm thay đổi đất nước, dân tộc và cả mẹ con tôi - ngày 30-4-1975...

Tự do

Tính đến 30-4-1975, tôi đã bị giam tại Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn 8 tháng 20 ngày, con gái út Việt Liên của tôi sinh vào đêm Noel trong tù vừa được 4 tháng 1 tuần tuổi.

Bị bắt khi đang ở nội thành làm giao liên của Ban trí vận thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng, sau thời gian bị khai thác sống chết nhưng không để lộ thông tin, tôi bị đưa vào một phòng giam riêng dành cho người có con nhỏ trong câu lưu xá của Tổng nha cảnh sát. 

Vẫn bị cách ly nhưng ở đây tôi được nhìn thấy các em, các dì, các chị cùng cảnh ngộ mỗi khi được đi ra ngoài tắm rửa, lấy nước, hoặc mỗi khi viện cớ đau ốm, cần được cạo gió. Thương các dì, các chị, các em phần đông là giao liên nội thành, bị bắt, bị đánh đập, tra tấn mà vẫn giữ vẹn khí tiết. 

Không ai nói ra nhưng việc không có thêm người nào vào tù cho tôi hiểu rằng các dì đã giữ trọn những bí mật mà mình nắm giữ. Là giao liên nên tôi biết trong tay, trong đầu mỗi người có rất nhiều địa chỉ liên lạc các cơ sở nội thành, rất nhiều điểm hẹn, rất nhiều thông tin...

Các dì rất thương mẹ con tôi, chia cho tôi từng nửa mẩu đường do gia đình tiếp tế, các anh làm bếp gửi cho từng miếng khô bằng hai ngón tay. 

Mọi người đều rát ruột nghe tiếng con bé khóc suốt đêm, sáng ra ai cũng mách, cũng tìm mọi cách để bé bớt khóc. Các dì sợ nhất là tôi cứng rắn quá, sẽ lại bị đưa lên xà lim, bị đánh, cực khổ cho hai mẹ con.

Từ cuối tháng 3, tất cả nhân viên cảnh sát bị tập trung cắm trại liên miên. Trên trời ngày cũng như đêm, tiếng máy bay ì ầm không ngớt.

Người thẩm vấn tôi từ mấy tháng nay, ông Lã Văn Thi, mà tôi đã phát hiện ra là "người của mình", vẫn thường xuyên đến. Tiếng là thẩm vấn nhưng thực chất ông đến thông tin cho tôi biết tình hình chiến sự. 

Một hôm ông đến với vẻ lo lắng, báo rằng tên tôi bị xếp trong danh sách những người ngoan cố, có thể bị thủ tiêu nếu tình hình chiến sự xấu hơn. Ông Thi khuyên tôi nên giả vờ chấp nhận các yêu cầu của tổng nha, may ra thoát chết. 

Lúc ấy, tôi đã có án "hai năm xét lại", chỉ chờ ngày đi Côn Đảo. Tôi bình tĩnh bàn với em Ma Thúy Nga, một cô sinh viên phong trào vô cùng dũng cảm mà rất hồn nhiên, để khi có biến thì em sẽ thay tôi đưa các dì, các chị đi ra ngoài, tìm ủy ban cách mạng để xin tiếp tục công tác. 

Có suy nghĩ đó vì thời ấy tôi vẫn luôn lấy tấm gương của Paven trong Thép đã tôi thế đấy để hướng dẫn hành động của mình.

Nhờ có ông Thi, tôi không bất ngờ với cuộc tổng tiến công dù không hề được biết những xáo động bên kia bức tường, chỉ cảm nhận rõ rằng hòa bình đang tới rất gần, dù vẫn có thể không còn mình. 

Chiều 29-4, một người canh ngục bỗng mở cửa và mời tôi muốn đi đâu thì đi. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng bồng con gái đi từng phòng giam, lần đầu tiên từ khi vào đây, để chào và cảm ơn. Có đặc ân ấy vì họ nghe tin đồn thất thiệt tôi là cháu của tướng Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống. Thất thiệt, nhưng tôi không dại gì thanh minh.

Tối hôm ấy, tiếng pháo dội ầm ì, nghe như rất gần Sài Gòn. Tôi tưởng tượng và hình dung những gì đang xảy ra, cho các đồ dùng cá nhân của mình vào một túi, một túi khác chứa các bài thơ tôi đã làm khi bị giam tại khối đặc biệt và các lọn tóc rụng tôi đã kết lại cùng với các thư của con, để nếu có sự kiện thì sẽ sẵn sàng đi. Đi đâu thì chưa biết.

Sáng 30-4, chúng tôi được cho ra sân. Tôi và Ma Thúy Nga đang rì rầm phân công nhau công việc theo tưởng tượng của mình thì bỗng có một tiếng còi hụ dài, rất dài. Chúng tôi lại bị lùa vào phòng giam.

Im ắng, im ắng từ văn phòng giám thị đến các phòng giam khiến tôi sốt ruột quá. Tôi bèn trèo lên bục, kiễng chân nhìn qua lỗ thông gió. Tôi nhìn thấy các giám thị, người thì khóc, người thì đốt hồ sơ, còn có cả một người ngồi bình tĩnh ăn cơm. Rồi giám thị trưởng quăng chùm chìa khóa dưới gầm giường. Mọi người chạy hết rồi.

Tôi chỉ cho các chị lao công chùm chìa khóa vứt lăn lóc để họ đi mở khóa. Chúng tôi ùa ra khỏi phòng giam, và lần đầu tiên, các tù nam và nữ được gặp nhau. Vui mừng hội ngộ nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu được điều gì đang diễn ra ngoài kia.

Chợt có người đến. Sự có mặt đột ngột của những người đội nón tai bèo, đồng phục màu cỏ úa, ba lô con cóc, súng AK khoác vai làm cho tôi không định thần kịp, một thoáng không biết hình ảnh quá đỗi thân thương này gọi là gì. À, ra là anh bộ đội. Bộ đội! Các anh báo thành phố đã giải phóng, đồng bào có thể ra về.

Mọi người ngỡ ngàng đến không kịp chia tay nhau. Ùa ra, mỗi người đi một ngả. Một em đã cầm cái túi đựng thơ của tôi đi mất. Đến bây giờ tôi còn tiếc, vì cả đời mới làm được một vài bài thơ có vần có điệu.

30-4-1975 trong hơi thở của con tôi - Ảnh 2.

Mẹ con bà Trần Tố Nga trong hòa bình sau 30-4-1975 - Ảnh: NVCC

Hòa bình

Tôi bồng con ra khỏi cửa nhà tù, đi bộ trên con đường lộng gió. Đây là sự thật ư? Thật hòa bình rồi sao? Ước mơ của ông bà ngoại, của mẹ, của tôi và bao đồng bào đồng chí đồng đội đã thành sự thật. 

Lần này tôi có thể thanh thản trở về nhà mà không phải trốn tránh, ngụy trang, không phải lo có một cảnh sát chìm đang rình rập ở đâu đó. Lần này tôi có thể về nhà mà không làm cho ông ngoại lo sợ vì "con giống mẹ con quá, tóc dài cũng giống, tóc ngắn cũng giống, tướng đi cũng giống, rồi lại bị bắt mất thôi...".

Tôi đã bị bắt thật, và nay tôi đang ngẩng cao đầu về nhà, hãnh diện vì đã chiến thắng trong những ngày đơn độc đối đầu với đối phương. Càng vui đến trào nước mắt khi đây là những hơi thở đầu tiên của hòa bình mà con gái út Kiều Việt Liên của tôi được thở. 30-4-1975, ngày in vào cuộc đời mẹ con tôi.

Gió mát nhẹ trên đường về. Một người đi đường dừng lại hỏi: "Chị về đâu? Tôi đưa...".  Mới hôm qua thôi, nếu còn hoạt động bí mật, đi giữa đường mà có người hỏi như vậy thì tôi đã thót tim. Biết đâu đó không phải là một cảnh sát chìm? Niềm vui đầu tiên của những giây phút hòa bình đây. Tôi bế con, leo lên xe của anh không chút ngại ngần...

Tôi chỉ đường cho anh ấy. Đi thẳng đường Pétrus Ký, rẽ phải qua Trần Hưng Đạo, đi thẳng, đi thẳng và rồi kìa... ông ngoại tôi đang ngồi trước cửa tiệm bánh Trần Thượng ngóng ra đường. Trước kia, có bao giờ ông ngồi trước cửa đâu. 

Ông chỉ ở trong phòng sau tiệm bánh, có một ô cửa nhỏ để quan sát những kẻ theo dõi, cảnh sát chìm nổi luôn ngày đêm lảng vảng trước tiệm, chực bắt con cháu mình hay các giao liên đến đưa và lấy tin.

Trước cửa nhà, giữa đường, một chiếc xe tăng đang ngừng, một người lính chết vắt nửa người ra khỏi miệng tăng. Ở hẻm cạnh nhà, một đống quần áo lính, giày, một vài khẩu súng... 

Lúc ấy, trong niềm vui được về nhà và làn sóng người đang đổ ra đường, tôi chỉ nhìn thoáng qua nhưng đến hôm nay nhớ lại, tôi vẫn nghe chạnh lòng khi nghĩ đến hình ảnh người lính trẻ nằm vắt ngang miệng tăng. Anh đã không được thấy hòa bình.

Tôi xuống xe, hàng chục người từ trong nhà ùa ra, ríu rít: "Nga, con Nga, chị Ba... về rồi". Việt Liên không quen với bấy nhiêu người, bấy nhiêu tiếng động, giật mình, khóc thét. Bà ngoại lụm cụm bước ra. Bà không nói gì, chỉ kéo tôi lại gần rồi siết chặt cả hai mẹ con.

Tôi là người đầu tiên trong đám con cháu của bà đi làm cách mạng trở về nhà. Hàng xóm chạy qua, cùng mừng, cùng vui với ông bà ngoại, xem con Nga ra đi từ lúc nhỏ xíu bây giờ ra sao.

Một người hỏi tôi có muốn đi một vòng Sài Gòn? Muốn chứ, tôi muốn lắm. Tôi gởi Việt Liên lại nhà, lên chiếc xe honda, đi về hướng trung tâm thành phố. Con đường Trần Hưng Đạo là trục chính nối liền Sài Gòn - Chợ Lớn, suốt dọc đường ngổn ngang áo lính. 

Càng đi, người càng đông. Ngừng xe trước cửa Nhà hát lớn, tôi muốn khóc khi nghĩ đến Bác Hồ không về đây được như Bác hằng mong muốn. Trước cửa dinh Độc Lập, rất đông người đứng cạnh mấy chiếc xe chở đầy bộ đội. Các anh vẫn ngồi im trên xe, có lẽ chưa có lệnh cho xuống. Người dân đứng bên dưới - vẫy tay - gọi - mời, các anh vẫn chỉ cười, hiền lành.

Tôi vẫy tay: "Chào các đồng chí!". Các anh chào lại: "Chào đồng bào!". Lúc ấy, sao tôi thèm được các anh gọi một tiếng "Đồng chí", được các anh biết rằng tôi là người cùng đội ngũ.

Trở về nhà, Liên đã ngủ say sau những cơn giật mình, và sau khi được bú no nê. Tôi đang ngồi ở nhà bếp thì một nhóm người ào vào. Lại mừng rỡ, ríu rít. Những người từ chiến khu trở về!

Không có ghi danh ở những bàn cách mạng như trong Thép đã tôi thế đấy, tôi bắt đầu trở lại công tác ngay trong đêm 30-4 ấy. 

Nhiệm vụ của tôi là đi đến từng nhà cơ sở xem họ có an toàn không. Tôi gặp lại ba tôi đang họp với linh mục Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Phan Khắc Từ, các giáo sư Châu Long, bác Đại tổng giám đốc hãng xi măng, các nhân vật cao cấp trong chính quyền cũ...

Đêm 30-4-1975 của tôi trôi qua trong rạo rực của người được trở về với đội ngũ .

30-4-1975 trong hơi thở của con tôi - Ảnh 3.

Người dân Sài Gòn chào mừng ngày hòa bình, thống nhất đất nước - Ảnh tư liệu

"Chúng tôi đã sống trọn thời đại của mình"

Trần Tố Nga là nhân vật quen thuộc trên báo Tuổi Trẻ và các phương tiện truyền thông với vụ kiện quốc tế "đại diện cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam" kéo dài nhiều năm nay.

Xuất hiện trên báo lần này, bà không nhắc về vụ kiện nữa, mà về một ngày thật đặc biệt trong đời mình, đời con gái út của mình - nhà thiết kế thời trang Kiều Việt Liên. Ngày ấy cũng là ngày đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam đương đại 30-4-1975.

Và bà nói thêm: "Chúng tôi đã sống trọn thời đại của mình, đã trải nghiệm, đã đương đầu với những bão táp của nó. Và chúng tôi đã có những niềm vui cùng rất nhiều đau khổ, mất mát, hy sinh.

Đối với nhiều người, điều đáng tự hào lớn nhất là chúng tôi đã không chịu để mất mình trong những điều kiện nghiệt ngã nhất, đã không phản bội lại những giá trị sống đã được giáo dục từ tấm bé, từ trong truyền thống của gia đình và dân tộc mình".

Niềm tự hào của Liên

Phải đợi 10 năm sau ngày 30-4 ấy của mẹ thì Liên mới có ngày 30-4 của mình. Liên nhớ cuối năm 1984, lúc đó nhà nghèo lắm, thế mà mẹ tất tả chạy tìm mua cho Liên hai chiếc áo đầm thiệt đẹp để chụp hình cho bìa báo Sài Gòn Giải Phóng xuân và báo Nhiếp Ảnh xuân 1985, chuẩn bị cho ngày TP.HCM tưng bừng kỷ niệm "mười mùa hoa" hòa bình.

Ngày 30-4-1985, Liên được cầm lá cờ đứng trên tầng cao nhất của dinh Độc Lập trong buổi lễ rất lớn của thành phố và mọi người gọi Liên là "người tù nhỏ tuổi nhất của Tổng nha Cảnh sát". 11 tuổi, Liên nhớ mình đã phổng mũi vì cái tên nghe rất oai, thấy mình thiệt oách vì đã được sinh ra ở trong nhà tù. Niềm tự hào của một đứa con nít ngây thơ đến lạ!

Con bé 4 tháng tuổi ngày ra tù cùng với mẹ, nay đã sắp bước vào tuổi 50.

Nhà thiết kế Kiều Việt Liên và mẹ - Ảnh: NVCC

Cảm ơn gia đình! Cảm ơn mẹ! Suốt hơn 40 năm kể từ khi Liên nhận thức được về truyền thống gia đình, về người thân, về mẹ, thì cái niềm tự hào rất trẻ con của con bé cầm cờ ở dinh Độc Lập trở thành chuỗi tự hào từ những câu chuyện được nghe kể lại về truyền thống chiến đấu của ông bà - cha mẹ - cậu dì, đến tự hào vì chứng kiến hằng ngày mọi người trong gia đình vẫn tiếp tục yêu, làm việc, hy sinh nhu cầu cá nhân vì quê hương - đất nước theo những cách rất riêng của mình.

Mẹ vẫn đang tiếp tục với cuộc chiến đòi lại công bằng cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã kéo dài hơn 10 năm mà vẫn chưa xác định được hồi kết. Liên mong mẹ thật khỏe mạnh để đeo đuổi lý tưởng của mẹ và niềm hy vọng của rất nhiều người.

Mong mẹ có thêm nhiều thời gian về sống bên cạnh gia đình và bạn bè thương yêu. Cảm ơn mẹ ngày xưa ấy dù bị bắt, bị tra tấn nhưng đã giữ gìn bào thai khỏe mạnh để Liên được ra đời.

Cảm ơn mẹ vất vả nuôi con bé Liên èo uột với hoàn cảnh thiếu thốn trong tù để hai mẹ con bình an bước ra đường phố hòa bình và Liên được thở hơi thở tự do đầu tiên ngày 30-4-1975.

KIỀU VIỆT LIÊN

Ngày 30-4: Khát vọng hòa bình mạnh hơn sự hận thùNgày 30-4: Khát vọng hòa bình mạnh hơn sự hận thù

TTO - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ với Tuổi Trẻ những câu chuyện, hình ảnh của sự kiện thống nhất đất nước 43 năm trước để cho thấy khát vọng hòa bình mạnh hơn, che lấp đi sự hận thù.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên