27/05/2022 20:15 GMT+7

3 trạm thu phí ở TP.HCM phải hoàn thiện lắp đặt làn ETC trong tháng 7

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Ngày 27-5, UBND TP.HCM đề nghị 3 nhà đầu tư dự án BOT khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ và chủ động triển khai các bước tiếp theo để lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thu phí không dừng (ETC), hoàn thành trong tháng 7-2022.

3 trạm thu phí ở TP.HCM phải hoàn thiện lắp đặt làn ETC trong tháng 7 - Ảnh 1.

BOT Xa lộ Hà Nội cần lắp thêm 8 làn ETC - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Theo đó, trạm thu phí An Sương - An Lạc do Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO làm chủ đầu tư còn phải nâng cấp 4 làn ETC còn lại. Trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP làm chủ đầu tư cần lắp thêm 8 làn ETC.

Còn trạm thu phí BOT xây dựng đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (thành phố Thủ Đức) hiện chưa tổ chức thu phí. Công ty cổ phần ximăng Vicem Hà Tiên (nhà đầu tư) cần lắp đặt ETC trước khi đưa vào vận hành thu phí.

TP giao Sở Kế hoạch và đầu tư khẩn trương thực hiện công tác giám sát, đánh giá dự án lắp đặt hệ thống thu phí ETC sau khi nhận hồ sơ do nhà đầu tư trình; hoàn thành trong 7 ngày làm việc và gửi báo cáo giám sát cho Sở Giao thông vận tải TP tổng hợp. Sở Giao thông vận tải TP chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức thẩm định, trình theo quy định.

Cũng trong ngày 27-5, UBND TP cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai lắp đặt hệ thống ETC tại các trạm thu phí trên địa bàn TP. Trong đó, đề xuất không nâng cấp hệ thống thu phí ETC đối với hai trạm vì sắp dừng thu phí.

Cụ thể, trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (thành phố Thủ Đức) đang có 8/18 sử dụng thu phí ETC. Trước đó, nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ đã có đề xuất không nâng cấp các làn thu phí còn lại sang hình thức ETC. 

Lý do theo nhà đầu tư, hiện 8 làn ETC đã đáp ứng được năng lực thông hành 360.000 lượt xe/ngày, trong khi lượng xe qua trạm chỉ 24.000 lượt xe/ngày. Thời gian thu phí của dự án hiện chỉ còn 4 năm (đến tháng 4-2026), việc thu xếp nguồn vốn đầu tư khó khăn do nguồn hiện nay dành cho trả nợ vay ngân hàng.

Còn trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) do Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng xây dựng có quy mô 20 làn (2 trạm). Theo giấy phép đầu tư, công ty này sẽ tổ chức thu phí trong 30 năm, kể từ năm 1998 đến tháng 4-2028.

Mức phí của trạm này thấp nhất cả nước và không thu phí ôtô dưới 9 chỗ. Mục đích thu phí để duy tu, bảo dưỡng tuyến đường. Trường hợp nguồn thu sử dụng không hết, phần chênh lệch được chia cho doanh nghiệp 30%, TP.HCM 70%. 

Nhà đầu tư dự án này cũng có văn bản đề nghị không triển khai, nâng cấp hệ thống thu phí ETC. Lý do, thời gian thu phí còn lại rất ngắn (chỉ 5 năm) và chi phí đầu tư nâng cấp ETC rất cao trong khi giá thu phí rất thấp. Uớc tính chi phí đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí ETC dự toán khoảng 90 tỉ đồng.

Do đó, đối với trạm thu phí cầu Phú Mỹ, UBND TP kiến nghị Chính phủ thống nhất với đề nghị của nhà đầu tư tiếp tục khai thác 8 làn thu phí ETC hiện hữu đến khi kết thúc thời gian thu phí, mà không nâng cấp các làn còn lại. Nhà đầu tư có trách nhiệm đóng các làn thu phí một dừng, chỉ khai thác các làn ETC, đồng thời phải đảm bảo không để xảy ra ùn tắc tại trạm.

Đối với trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh, TP kiến nghị Chính phủ cho phép nhà đầu tư tiếp tục khai thác theo hiện trạng đến khi kết thúc thời gian thu phí vào năm 2028. Nhà đầu tư có trách nhiệm rà soát kiện toàn bộ máy thu phí, tự giám sát chặt chẽ công tác thu phí, không để xảy ra tiêu cực, gây thất thoát nguồn thu phí.

Hơn 309.000 xe ở TP.HCM đã dán thẻ thu phí không dừng Hơn 309.000 xe ở TP.HCM đã dán thẻ thu phí không dừng

TTO - TP.HCM đang yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại các trạm thu phí, đồng thời các đơn vị liên quan vận động doanh nghiệp, chủ xe... dán thẻ để sử dụng dịch vụ này.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên