10/01/2013 11:00 GMT+7

3 tình huống cho vụ thắng kiện 55 triệu USD

CHI MAI
CHI MAI

TT - Thứ nhất, chấp nhận kháng cáo của Công ty Đại Dương, sửa án sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu đòi trả thưởng của ông Ly Sam. Thứ hai, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tình huống thứ ba là hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.

Như Tuổi Trẻ ngày 8-1 đã đưa tin, TAND Q.1 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm đã tuyên cho ông Ly Sam, Việt kiều Mỹ, là khách hàng tham gia trò chơi điện tử có thưởng (máy đánh bạc) tại câu lạc bộ Palazzo, khách sạn Sheraton TP.HCM (thuộc Công ty liên doanh Đại Dương), thắng kiện số tiền hơn 55 triệu USD, quy đổi ra tiền VN là hơn 1.154 tỉ đồng.

A6SeAB8e.jpgPhóng to
Các bên nghe tuyên án tại phiên tòa ngày 7-1-2013 - Ảnh: Chi Mai

Các luật sư của Công ty liên doanh Đại Dương cho biết đang gấp rút chuẩn bị bản kháng cáo và bổ sung chứng cứ chứng minh việc máy trò chơi gặp sự cố để mong cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của công ty là không phải trả thưởng số tiền “khủng” trên cho ông Ly Sam. Phía nguyên đơn, luật sư của ông Ly Sam cũng cho biết đã sẵn sàng cho phiên tòa phúc thẩm và sẽ tiếp tục đề nghị tòa xem xét về khoản tiền lãi suất hơn 3,5 triệu USD.

Như đã thông tin, ngày 25-10-2009, ông Ly Sam đến chơi tại câu lạc bộ Palazzo và bỏ 300 USD vào máy trò chơi số 13. Sau khi chơi nhiều lần và bị trừ gần hết tiền, ông bất ngờ thấy máy hiện lên con số báo ông trúng thưởng hơn 55,5 triệu USD. Cho rằng máy trò chơi bị sự cố, nhân viên câu lạc bộ không trả thưởng cho ông Ly Sam nên ông khởi kiện.

Luật sư Trương Xuân Tám, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết do có một phía (bị đơn thua kiện) kháng cáo nên bản án sơ thẩm trên chưa phát sinh hiệu lực thi hành. Phán quyết của cấp phúc thẩm sắp tới (do TAND TP.HCM xét xử) mới là phán quyết sau cùng, có hiệu lực thi hành ngay khi tuyên án. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, khi xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM có thể tuyên án theo các hướng sau:

+ Thứ nhất, chấp nhận kháng cáo của Công ty Đại Dương, sửa án sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu đòi trả thưởng của ông Ly Sam. Khi đó, ông Ly Sam chỉ có thể nhận lại số tiền 300 USD mà ông đã bỏ vào máy đánh bạc, đồng thời sẽ phải chịu tiền án phí 1,2 tỉ đồng.

+ Thứ hai, tòa tuyên bác kháng cáo của Công ty Đại Dương, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đến lúc này thì bản án tuyên cho ông Ly Sam được trả thưởng hơn 1.154 tỉ đồng mới có hiệu lực thi hành. Theo Luật thuế thu nhập cá nhân, ông Ly Sam phải nộp thuế 10%, tức hơn 115 tỉ đồng, và sẽ phải chịu khoản phí thi hành án (3% số tài sản được thi hành, tức 34,62 tỉ đồng, tuy nhiên do quy định mức trần phí thi hành án nên ông Ly Sam chỉ sẽ phải đóng không quá 200 triệu đồng).

+ Tình huống thứ ba là TAND TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.

Ngoài ra, dù đã xét xử phúc thẩm nhưng các đương sự vẫn còn quyền gửi đơn khiếu nại để TAND tối cao xem xét giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Tuy nhiên, dù có khiếu nại nhưng bản án phúc thẩm sẽ vẫn có giá trị thi hành.

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, đây là vụ án có nhiều tình tiết pháp lý thú vị và phức tạp bởi việc kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, số tiền tranh chấp lại đặc biệt lớn. Về nguyên tắc, khi vụ án có yếu tố nước ngoài (các đương sự cư ngụ tại nước ngoài, pháp nhân đăng ký hoạt động tại nước ngoài) thì thẩm quyền sẽ do TAND TP xét xử. Những vụ việc tranh chấp còn lại sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án quận huyện. Trong vụ tranh chấp 55 triệu USD này, tuy nguyên đơn mang quốc tịch Mỹ nhưng đã có đăng ký cư trú tại TP.HCM, bị đơn Công ty liên doanh Đại Dương là doanh nghiệp Việt Nam nên TAND Q.1 thụ lý là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, vấn đề xác định bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng cần phải được xem xét.

Trong vụ án này, phía Công ty liên doanh Đại Dương có thuê một công ty tư vấn để quản lý câu lạc bộ Palazzo kinh doanh máy đánh bạc trên nên tòa đưa công ty tư vấn trên vào vụ án với tư cách là bên liên quan là cần thiết. Vấn đề là cần xem xét tư cách của công ty tư vấn trên là pháp nhân trong nước hay nước ngoài để xác định vụ án “có yếu tố nước ngoài” hay không.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, sau khi tiếp nhận các đơn kháng cáo của đương sự trong vụ án, TAND Q.1 sẽ chuyển hồ sơ đến TAND TP.HCM để xét xử phúc thẩm. Theo điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự, trong thời hạn hai tháng kể từ ngày thụ lý hồ sơ (nếu vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn thêm một tháng), TAND TP.HCM sẽ phải đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Nguyên đơn chưa đề nghị ngăn chặn tài sản

Theo luật sư Lê Đình Phạt - Đoàn luật sư TP.HCM, giả sử bản án của TAND Q.1 có hiệu lực thi hành, do Công ty Đại Dương là công ty liên doanh nên nếu không đủ tài sản để thi hành án thì công ty cũng chỉ phải chịu trách nhiệm trong vòng số vốn điều lệ đăng ký hoạt động của mình mà thôi.

Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự có quyền đề nghị tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bên kia để đảm bảo đương sự không tẩu tán tài sản dẫn đến việc khi bản án có hiệu lực thì không còn tài sản để thi hành. Tuy nhiên, không phải cứ muốn yêu cầu tòa áp dụng biện pháp ngăn chặn tài sản của bên kia là được, mà theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, người yêu cầu cũng phải đặt một tài sản có giá trị tương đương tài sản đề nghị ngăn chặn để đảm bảo trách nhiệm của mình. Chẳng hạn trong vụ án này, nếu ông Ly Sam muốn đề nghị tòa ngăn chặn tài sản trị giá 55 triệu USD của bên thua kiện thì phải có nghĩa vụ nộp cho tòa án một tài sản/số tiền có giá trị tương đương. Theo quy định, người yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường, nên người yêu cầu tòa áp dụng biện pháp ngăn chặn mới phải đặt tài sản để đảm bảo.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện của ông Ly Sam cho biết do bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực nên phía nguyên đơn chưa có đề nghị ngăn chặn gì.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên