Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Phóng to |
Sau tai nạn, Tiến cảm thấy yêu cuộc đời hơn - Ảnh: Q.Việt |
Tai nạn bất ngờ
Chỉ những vết sẹo trên người, Lê Hoàng Tiến nói rằng mẹ cha đã cho anh chào đời, nhưng sự nhiệm mầu kỳ diệu hoặc điều may mắn đã sinh ra anh lần thứ hai, cái lần mà anh sẽ không thể nào quên được trong đời mình. Nhà nghèo, Tiến phải sớm vào nghề xây dựng để mưu sinh, đã nhiều lần chứng kiến tai nạn bất ngờ ập đến với đời thợ xây.
Những tai nạn thường rất đau đớn, nếu không chết cũng bị thương nặng và để lại nhiều khổ sở cho những gia đình vốn đã quá nghèo khó. Tiến luôn dặn lòng mình cẩn thận, thật cẩn thận, mà không thể ngờ bi kịch vẫn xảy ra với chính mình.
Hôm ấy cũng bình thường như bao ngày khác đối với đời thợ xây. Tiến vừa lẩm nhẩm ca hát vừa leo lên công trình xây dựng một trường đại học trên đường Lê Văn Việt, Q.9, TP.HCM. Anh đã làm ở đây gần một năm. Tầng 1, tầng 2, rồi tầng 3 đã đổ bêtông hoàn tất để chuẩn bị lên cao thêm.
Nhà thầu chính bán lại cho thầu phụ. Việc thi công không chuyên nghiệp, nhưng đến lúc ấy mọi việc vẫn diễn ra trôi chảy. Giàn giáo tuy không chắc chắn lắm nhưng cũng là loại thông dụng ở các công trình xây dựng. Giàn được lắp ráp khung chính bằng các ống sắt hoen gỉ đã qua sử dụng nhiều lần. Trên mặt giàn đặt vài thanh ván mỏng để thợ hồ bước chân, làm việc. Người không quen sẽ có cảm giác yếu ớt, run chân. Còn với thợ xây lại quá bình thường...
Người cai công trình gọi Tiến ra ngoài bancông gỡ cốppha, độ cao tương đương với tòa nhà dân dụng bốn tầng. Gần 16g, anh gấp rút làm nhanh. Có những cây cốppha anh đứng trên bancông bêtông tháo dỡ được, nhưng có những cây anh phải leo ra giàn giáo phía ngoài. Công việc gần hoàn thành. Tiến đã nghĩ sắp đến lúc xuống lãnh lương, món tiền anh đang rất cần để trang trải cuộc sống cá nhân và phụ giúp mẹ ở nhà. Bất ngờ giàn giáo lắc lư, chao đảo...
Tiến mất thế đứng, ngả nghiêng người. Rầm... Trong tích tắc anh thấy người mình rơi thẳng xuống đất, đập mạnh vào vật cứng gì đó. Anh cảm giác đau đớn thốc tận vào tim, não, rồi tê buốt đi. Trước mắt anh lòe nhòe hình ảnh bạn bè xây dựng xúm lại, người hét lên, người mếu máo. Anh cảm giác mình đang được đỡ lên rồi tất cả tối sầm lại, không còn biết gì nữa...
Anh được bạn bè chuyển lên Bệnh viện Q.9. Cơ sở y tế này thấy tình trạng nghiêm trọng, cho chuyển anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngay. Suốt đường đi Tiến vẫn hôn mê, bất tỉnh. Bác sĩ chụp não, làm các xét nghiệm, chẩn đoán Tiến bị chấn thương sọ não nặng, chảy máu trong, phù nề. Tiên lượng tình hình rất xấu, nếu anh không chết thì cũng có thể để lại những di chứng lâu dài về thần kinh, bại liệt chân tay.
Người nhà anh được gọi ngay đến bệnh viện để ký các giấy tờ quan trọng cho việc cấp cứu sinh tử này. Bạn bè đứng đợi tin ngoài phòng kể rằng anh vẫn còn gặp may. Ngay chỗ anh té xuống, chỉ cách đầu vài phân là một hố ga đã được đậy nắp bêtông nhô lên cao. Nếu anh không đập đầu xuống đất mà đập vào nắp bêtông ấy thì chưa biết có còn vào bệnh viện nữa hay không.
Giành giật sinh - tử
Mẹ anh hớt hải đến bệnh viện, người như mất hồn vì thương lo cho tính mạng con. Sau cấp cứu, Tiến nằm bất động trong đống dây nhợ nối với các thiết bị y tế để duy trì sự sống. Các vết thương hở không nghiêm trọng, nhưng nặng nề nhất là ở não. Anh sốt hầm hập 39-40 độ, nhiều lúc vọt lên đến 41 độ, rồi ói mửa, tiểu tiện không biết gì. Nhịp tim có lúc vọt lên đến gần 200, có lúc giảm chỉ còn 40-50 nhịp. Các chỉ số sinh tồn của anh le lói như sợi dây mỏng manh không biết đứt lúc nào!
Tuần thứ nhất, tuần thứ hai, rồi tuần thứ ba trôi qua trong lo sợ... Tiến vẫn chìm trong mê man. Mẹ phải đưa thức ăn lỏng qua đường ống để cố giành giật con ra khỏi bóng tối vĩnh viễn cuối cùng của kiếp người. Rồi mẹ cũng kiệt sức, không gượng nổi nữa. Cha và các anh chị lần lượt thay nhau chăm anh.
Công việc đơn điệu mà làm căng thẳng thần kinh. Ngoài truyền thức ăn cho anh, còn phải lau người, xoa bóp để anh khỏi bị lở loét vì nằm bất động một chỗ. Nhưng điều làm mọi người lo sợ đến căng thẳng là bác sĩ dù cố gắng thế nào, dù người nhà cố chăm sóc ra sao, Tiến vẫn không một lần nào báo hiệu sự tỉnh thức, dù chỉ là một cái chớp mắt hay động đậy ngón tay ngón chân. Nhiều ca chấn thương sọ não đến Bệnh viện Chợ Rẫy rồi ra đi trong tiếng khóc tuyệt vọng lại càng làm không khí thêm căng thẳng...
Nhà thầu giúp được ít tiền rồi đi không quay lại. Gia đình Tiến nghèo khó lại càng chật vật để giành giật cuộc sống cho con. Tháng thứ nhất, rồi tháng thứ hai trôi qua, anh vẫn nằm bất động một chỗ. Đời sống thực vật đã có dấu hiệu đe dọa cuộc đời chàng trai vừa bước sang tuổi 18.
Có thân nhân người bệnh cùng phòng đã vô tình buột miệng: “Sống vậy thà chết đi cho đỡ khổ mình, khổ người”. Mẹ anh nghe như có dao cắt, muối xát vào da thịt mình. Chẳng có người mẹ nào chuẩn bị được tinh thần để chịu đựng điều này xảy ra với đứa con đứt ruột đẻ đau của mình!
Tháng thứ ba dài dằng dặc trôi qua, tháng thứ tư lại bắt đầu trong vô vọng. Mùa hè miền Nam cháy bỏng thịt da, mà trong phòng bệnh này mọi người như thấy giá lạnh bủa khắp. Tiến vẫn nằm chìm ngập trong bóng tối. Chẳng ai hiểu trong tận sâu Tiến có biết gì không, nhưng bên ngoài anh là sự bất động tuyệt đối. Bác sĩ đã nói anh không chết. Vấn đề là anh sẽ sống tiếp phần đời còn lại thế nào, có rời được giường bệnh này hay không.
Đang trong lúc tưởng chừng tuyệt vọng thì sang ngày thứ mười tháng thứ tư, Tiến bất ngờ tỉnh lại. Anh kể cảm giác thật kỳ lạ, mới thấy mình rớt xuống đất sao lại nằm đây! 100 ngày mê man, bất động trôi qua đối với anh chỉ như một cái chớp mắt trong bóng tối. Anh chẳng biết gì, cũng chẳng có giấc mơ nào để nhớ. Phải chăng đó là trạng thái cuối cùng của kiếp người? Tiến tỉnh dậy, cử động được tay chân. Anh nghe loáng thoáng tiếng người nhà vui mừng, hỏi han mình, nhưng không thể trả lời được. Phải mất nhiều ngày sau, anh mới bập bẹ nói lại như đứa bé tập nói. Và thêm mấy tháng hồi phục, anh mới đi lại, làm việc nhẹ được, rồi tham gia bảo vệ khu phố ở địa phương.
Sau lần mong manh giữa lằn ranh sinh - tử này, Tiến chậm lại và rất hiền. Cuộc sống của anh vốn vất vả lại càng khó khăn, nhưng Tiến không còn lo âu, buồn phiền nữa. Ai đã từng đối mặt với cái chết mới hiểu thấu giá trị từng giây phút được sống và sẽ sống không lãng phí một kiếp người...
Đón đọc số tới: Cô gái “không gục ngã” trở lại Bạn đọc Tuổi Trẻ đã xúc động với Bích Lan qua loạt bài “Không gục ngã”. Và bây giờ cô gái kỳ lạ ấy lại xuất hiện với cuốn tự truyện cùng tên với các nội dung, chi tiết sâu thẳm mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được để trải bày lòng mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận