Phụ huynh và tân sinh viên nhập học vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm học trước. Đây là trường sắp thực hiện mô hình tự chủ - Ảnh: QUỲNH NHI
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết chiến lược giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030 đại học này xác định ba giải pháp đột phá, trong đó có nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản trị đại học mà trọng tâm là nghiên cứu triển khai mô hình tự chủ đại học.
Nguồn chi từ ngân sách rất giới hạn
* Ông đánh giá thế nào về tự chủ đại học? Đâu là yếu tố tích cực, đâu là thách thức?
- Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ mối tương quan giữa tự chủ đại học và vị trí trên các bảng xếp hạng. Đại học có vị trí cao trên các bảng xếp hạng quốc tế thì có nhiều quyền tự chủ về quản trị và tổ chức bộ máy, về tài chính và về học thuật.
Tự chủ đại học phải đi cùng với trách nhiệm giải trình, đó là điểm tích cực. Trách nhiệm giải trình của trường đại học thể hiện sự minh bạch của các bên liên quan. Các trường đại học nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước, các nhà tài trợ và từ nguồn học phí của sinh viên. Do vậy, việc minh bạch các khoản chi là bắt buộc.
Chỉ số thứ hai là chất lượng đào tạo mà thước đo quan trọng nhất là khả năng có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp cũng như mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ đại học cũng đặt ra ba thách thức rất lớn liên quan đến tài chính đại học. Nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; sẽ khiến các trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.
Ba thách thức đó bao gồm: không còn được đảm bảo nguồn chi từ ngân sách nhà nước, chưa có chính sách tín dụng phù hợp cho sinh viên vay, chưa đa dạng hóa được các nguồn thu.
* Ông có thể nói rõ hơn về chi ngân sách cho giáo dục thời gian qua phải chăng khó đảm bảo cho các trường hoạt động, đào tạo chất lượng?
- Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang phải đối mặt với một khó khăn cơ bản là nguồn chi từ ngân sách nhà nước rất giới hạn. Nó chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ so với chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2015 giáo dục đại học chỉ nhận được khoảng 6,1% trong tổng chi của ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, tương đương 0,33% GDP. Con số này thấp hơn nhiều so với tỉ trọng GDP ngân sách chi cho giáo dục đại học của Singapore (1,0%), Hàn Quốc (0,94%), Malaysia (1,3%) và Thái Lan (0,64%).
PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học
* Nguồn thu từ các trường dường như vẫn phụ thuộc quá nhiều vào học phí trong khi nguồn thu từ chuyển giao công nghệ, thực hiện các dự án theo đặt hàng chưa nhiều? Vì sao, thưa ông?
- Ba nguồn thu chính tại các trường đại học công lập bao gồm: ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, thu từ các hoạt động dịch vụ, từ hiến tặng, từ hợp tác công - tư...). Trong ba nguồn thu này thì lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là học phí. Khi các trường đại học tự chủ, ngân sách nhà nước sẽ không còn.
Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác. Tuy nhiên, việc gia tăng các nguồn thu này phụ thuộc vào quy định của các văn bản pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài.
Chẳng hạn để triển khai hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục đại học còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc định giá tài sản của các trường. Đối với các trường đại học công, đất thuộc sở hữu nhà nước. Nhà trường chỉ được giao quyền sử dụng nên việc định giá tài sản là rất khó.
Ngay cả khi các dự án hợp tác công - tư đi vào hoạt động cũng cần một thời gian dài để thu hồi vốn và từ đó mới có thể tính đến việc đóng góp kinh phí lại cho trường đại học. Điểm cuối cùng là chưa có chính sách ưu tiên trong hợp tác công - tư cho các trường đại học tự chủ.
Nguồn thu từ hiến tặng cũng rất hạn chế mà một trong những nguyên nhân là chưa có chính sách pháp luật (ví dụ như chính sách về miễn trừ thuế) để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hiến tặng trực tiếp cho trường đại học.
* Ông có kiến nghị gì thúc đẩy tự chủ đại học hiệu quả?
- Theo tôi, nên sớm xây dựng và ban hành chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam. Trong đó có phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, đề xuất kinh phí đầu tư của Nhà nước để đào tạo nhóm lao động này, từ đó sớm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo đối với các trường đại học trong đó có 2 ĐH quốc gia.
Bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người.
Có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình.
Sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác công - tư, nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng...
Ngoài ra, chính sách tín dụng với sinh viên cũng cần điều chỉnh phù hợp. Trong đó, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên. Điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.
Giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên, điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay. Nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.
Giảng viên thu nhập trung bình 50 triệu đồng/tháng
* Kết quả tự chủ ở một số trường thành viên thế nào, thưa ông? Đâu là mặt trái của tự chủ đại học?
- Ở ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế là đơn vị thành viên tự chủ, mức học phí trung bình một năm là khoảng 50 triệu đồng, thu nhập bình quân hằng tháng của giảng viên trường này năm 2020 vào khoảng 50 triệu. Nhờ cơ chế tự chủ, trường thu hút được nhiều giảng viên giỏi, trong đó có nhiều giáo sư nước ngoài.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên là một đơn vị thành viên chưa tự chủ. Bên cạnh các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến có mức thu học phí cao, trường thu học phí bậc cử nhân trung bình mỗi năm khoảng trên dưới 10 triệu đồng; thu nhập trung bình mỗi tháng của giảng viên năm 2020 xấp xỉ gần 20 triệu đồng.
Thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều giảng viên của trường này ra đi. Chỉ tính khoa toán - tin học đã có 10 giảng viên giỏi, có thành tích công bố khoa học xuất sắc chuyển qua đại học công tự chủ hoặc các trường tư thục.
Tuy nhiên, mặt trái của việc tăng học phí có thể làm giảm cơ hội được đến trường của sinh viên khó khăn. Mặc dù các quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất là chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục đại học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận