08/07/2024 08:54 GMT+7

3 mục tiêu đối ngoại của Công Đảng

Sau chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử ngày 4-7, Công Đảng của Thủ tướng Keir Starmer đã tuyên bố sẽ "thiết lập lại" chính sách đối ngoại của Anh và chứng minh rằng xứ sở sương mù đã trở lại trên trường thế giới.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Ngoại trưởng David Lammy - Ảnh: Công Đảng Anh

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Ngoại trưởng David Lammy - Ảnh: Công Đảng Anh

Tuần đầu tiên nhậm chức của ông Starmer sẽ tập trung vào Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington (Mỹ) từ ngày 9-7, sau đó là cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu tại Anh trong khuôn khổ Cộng đồng chính trị châu Âu từ ngày 18-7. Đó là những phép thử ngay lập tức cho các tham vọng của Công Đảng trong chính sách đối ngoại.

Chủ nghĩa hiện thực tiến bộ

Tân Ngoại trưởng Anh David Lammy, người đang thúc đẩy "chủ nghĩa hiện thực tiến bộ", đã đề ra ba mục tiêu thiết lập lại trong chính sách đối ngoại của Anh. "Chính sách đối ngoại của chúng tôi sẽ bắt đầu với ba sự thiết lập lại - với châu Âu, về khí hậu và với nhóm phía Nam toàn cầu (Global South)", ông Lammy nói với tờ Financial Times vào hôm 5-7.

Chủ nghĩa hiện thực là một trường phái lý thuyết quan trọng trong quan hệ quốc tế, có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tư duy hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia.

Cho đến nay ông Lammy đã nổi lên như một nhà ngoại giao khôn ngoan, phát triển mối quan hệ với các đối tác châu Âu, chẳng hạn chọn Đức là nơi đầu tiên công du, tổ chức các cuộc họp với quan chức Pháp và đăng lên mạng xã hội X những thông điệp bằng các ngôn ngữ khác nhau để tiếp cận nhiều đối tượng hơn.

Tân ngoại trưởng Anh cũng là bạn của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và có mối quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo Đảng Dân chủ của Mỹ. Mặt khác, ông đồng thời âm thầm xây dựng mối quan hệ với các chính trị gia, trợ lý chiến dịch tranh cử và tổ chức nghiên cứu của Đảng Cộng hòa có thể đóng vai trò quan trọng nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Trước mắt ưu tiên số 1 của nước Anh vẫn là Liên minh châu Âu (EU). Nhiều nhà lãnh đạo EU đã chúc mừng ông Starmer, với hy vọng mối quan hệ song phương sẽ suôn sẻ hơn sau sự hỗn loạn vì Brexit và hệ quả của nó.

Công Đảng đang tìm cách thúc đẩy quan hệ an ninh với EU, đồng thời tránh các vấn đề hậu Brexit gây chia rẽ, hướng tới đàm phán một hiệp ước quốc phòng với khối này. EU có thể sẽ chấp nhận điều đó một cách miễn cưỡng và thái độ này được dự báo sẽ khiến tham vọng dỡ bỏ các rào cản thương mại giữa Anh với EU hậu Brexit trở nên khó khăn.

Không có thay đổi lớn

Ngoài ra chương trình nghị sự đối ngoại của chính phủ Công Đảng còn có việc đánh giá lại toàn diện chính sách của Anh đối với Trung Quốc, quân đội Anh và duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ của nước này đối với Ukraine.

Thủ tướng Starmer đã cam kết đánh giá các mối quan hệ với Trung Quốc trong vòng 100 ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu Anh có bất chấp áp lực của Mỹ và tránh áp đặt thêm các hạn chế thương mại đối với Trung Quốc hay không.

Trong bối cảnh đó đã có những lo ngại rõ ràng rằng nước Anh đang "mặc một chiếc áo quá rộng" tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì những nguồn lực có hạn. Những hạn chế như vậy, chưa kể đến những cam kết vốn đã quan trọng của Anh đối với Ukraine, có thể buộc Anh phải kiềm chế bất kỳ sự mở rộng cam kết nào hơn nữa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Lammy gần đây đã tuyên bố chính sách của Công Đảng đối với Trung Quốc sẽ nhằm mục đích "cạnh tranh, hợp tác và thách thức". Nói một cách khác, nước Anh sẽ có các động thái giữ mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc và không có thay đổi đáng kể nào, trong khi Mỹ và Anh sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên trải qua các chính phủ thuộc Đảng Bảo thủ, nước Anh đã phải đối mặt với các điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ với việc hầu hết người dân cảm thấy khó khăn vì chi phí sinh hoạt tăng cao. Việc ông Starmer "kế thừa" tình trạng này đòi hỏi ông phải chứng minh rằng chính phủ Công Đảng có thể hồi sinh quốc gia. 

Mục tiêu đầy tham vọng này chính là khôi phục và ổn định nền kinh tế, nhưng chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian. Do đó bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào trong chính sách đối ngoại sẽ không phải là ưu tiên ngắn hạn.

Với những điều kiện hiện tại vừa nêu trên, Thủ tướng Starmer sẽ khó tránh khỏi việc phải từ bỏ những lời hùng biện về "Nước Anh toàn cầu" - một khái niệm đã được Đảng Bảo thủ thúc đẩy mạnh mẽ sau những chỉ trích hậu Brexit. 

Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa nước Anh sẽ quay lưng với thế giới. London vẫn có thể tìm cách duy trì vai trò chủ động toàn cầu với tư cách là một đối tác thân thiết của Washington.

Vẫn cần thời gian để kiểm chứng những gì chính phủ Công Đảng sẽ thực hiện. Trước mắt trên giấy tờ, những lời hứa về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Starmer không khác nhiều so với Đảng Bảo thủ khi các bộ trưởng của ông đã đưa ra rất ít hoặc không có lời chỉ trích nào về lập trường chính sách đối ngoại của chính phủ trước đó.

Ủng hộ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo

Bản thân Thủ tướng Starmer đã định vị mình là một người trung dung và ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Cả ông Starmer và Ngoại trưởng Lammy đều cam kết sẽ duy trì quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với Washington, bất kể ai thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo vào cuối năm nay.

Người Anh chọn làn gió mới Công đảngNgười Anh chọn làn gió mới Công đảng

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức vào tối 5-7 (giờ VN), tân Thủ tướng Anh Keir Starmer thuộc Công đảng cam kết sẽ vực dậy đất nước và niềm tin của người dân bằng hành động thay vì lời nói.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên