Hiện đã có hơn 750.000 chữ ký gửi đến Liên Hiệp Quốc yêu cầu tổng giám đốc WHOTedros Adhanom Ghebreyesus từ chức - Ảnh: AFP
Trong những ngày khó khăn của đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan chuyên trách về sức khỏe của Liên Hiệp Quốc, bỗng nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận quốc tế, kỳ lạ là nó không liên quan gì đến chuyên môn y tế mà lại là chính trị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là người duy nhất chỉ trích WHO vì những hành động chậm chạp và khó hiểu trong dịch COVID-19.
Ở Nhật Bản, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Tara Aso "đá xéo" rằng mọi người bắt đầu gọi WHO là "Tổ chức Y tế Trung Quốc" vì mối quan hệ gần gũi bất thường với Bắc Kinh.
Các quan chức Đài Loan thì cho rằng WHO đã phớt lờ những cảnh báo của họ về con virus chỉ vì Trung Quốc từ chối không cho hòn đảo này trở thành thành viên chính thức.
Nhìn chung, giới phê bình chỉ trích WHO quá tin tưởng chính phủ Trung Quốc, dù có nhiều bằng chứng cho thấy nước này cố tình che đậy dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán.
Cá nhân tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thì bị chỉ trích chậm chạp trước khi chịu công bố đại dịch toàn cầu.
Đáp lại luồng chỉ trích, WHO ngày 8-4 bào chữa rằng tổ chức này "đã kịp thời cảnh báo thế giới về mối nguy virus corona", đồng thời "cam kết đảm bảo mọi quốc gia thành viên phản ứng hiệu quả trước đại dịch".
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến bảo vệ lập luận rằng quyền hạn của WHO đối với các chính phủ chỉ có giới hạn, và họ đã làm hết sức để đương đầu với dịch bệnh chưa có nhiều tiền lệ trong lịch sử này.
"Sau này sẽ có thời gian để đánh giá những thành công và thất bại", Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói.
Dưới đây là 3 lý do chính WHO bị chỉ trích dữ dội thời gian qua:
Không gây sức ép lên Trung Quốc vì những sai lầm
Khi căn bệnh viêm phổi bí ẩn lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán tháng 12-2019, chính quyền Trung Quốc đã bắt những người dám lên tiếng phải im lặng, liên tục có những phát ngôn làm giảm mức độ trầm trọng của dịch bệnh.
Thậm chí đến giữa tháng 1, khi virus corona đã vượt ra ngoài biên giới, các quan chức Trung Quốc vẫn cố nói dịch bệnh này "có thể kiểm soát được", rồi thì "không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể lây từ người sang người trên quy mô lớn"...
Không chút thắc mắc, WHO giữa tháng 1 cũng đưa ra thông tin tương tự, rằng "đường lây từ người sang người chưa được chứng minh". WHO không nắm trong tay bất cứ bằng chứng khoa học nào vì Trung Quốc cấm chuyên gia nước ngoài đến Vũ Hán mãi cho đến tận giữa tháng 2.
"Họ lẽ ra nên gây sức ép nhiều hơn, đặc biệt trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng, khi Trung Quốc cố che đậy và không chịu hành động" - ông Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu thuộc ĐH Seton Hall (Mỹ), nêu ý kiến.
Ông Huang lưu ý rằng trong dịch SARS năm 2002-2003, WHO đã công khai yêu cầu Trung Quốc minh bạch, chỉ trích nước này vì hành động cố tình che đậy.
Vào một thời điểm của dịch SARS, các bệnh viện ở Bắc Kinh thậm chí đã bắt bệnh nhân leo lên xe cấp cứu chở đi vòng vòng để tránh bị nhìn thấy bởi một phái đoàn WHO ghé thăm, theo các bản tin thời đó.
Tổng giám đốc WHO bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ngày 28-1 - Ảnh: REUTERS
WHO chậm chạp trong việc công bố đại dịch
Thậm chí khi virus corona đã xuất hiện ở gần một chục quốc gia, còn Trung Quốc phải phong tỏa một phần tỉnh Hồ Bắc hồi cuối tháng 1, WHO vẫn do dự không công bố đại dịch toàn cầu.
Các quan chức WHO giải thích họ không thể thống nhất trong chuyện này, và kết luận cuối cùng là còn quá sớm. Một người nói WHO lo động thái đó sẽ ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc.
Sau khi Mỹ ra lệnh cấm nhập cảnh mọi người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày vào cuối tháng 1, WHO một lần nữa đứng ra bảo vệ Trung Quốc, cho rằng giới hạn đi lại là không cần thiết.
Đến tận ngày 11-3 WHO mới chịu công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Một số chuyên gia cho rằng sự chậm trễ của WHO làm mất thời gian quý báu của nhiều quốc gia trong việc chuẩn bị trang thiết bị, bệnh viện... cho bệnh nhân COVID-19.
"Điều đó khiến các nước do dự trong việc áp dụng các biện pháp mạnh từ sớm trước khi thảm họa thật sự đến. Sự chậm trễ của WHO chỉ giúp những người không muốn đưa ra các quyết định khó khăn", ông François Godement, cố vấn cấp cao của Viện Montaigne (Pháp), nhận xét.
Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO ngày càng tăng
Theo báo New York Times, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có nhiều bước đi củng cố sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các tổ chức quốc tế, bao gồm WHO.
Trung Quốc chỉ tài trợ một phần nhỏ trong ngân sách 6 tỉ USD của WHO, trong khi Mỹ đóng góp gần 10%. Nhưng các năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm nhiều cách khác mở rộng sức ảnh hưởng trong WHO.
Ví dụ như Trung Quốc đã vận động hành lang để WHO quảng bá y học cổ truyền, đưa nó vào sách yếu lược y tế bất chấp sự nghi ngờ của giới khoa học phương Tây. Các nhà hoạt động môi trường cho rằng động thái này càng thúc đẩy sự tận diệt động vật hoang dã nhằm mục đích làm thuốc.
Tháng trước, WHO bị chỉ trích sau khi gỡ bỏ một cảnh báo trên website phiên bản Trung Quốc về việc sử dụng thảo dược chữa các triệu chứng của bệnh COVID-19. Động thái này diễn ra cùng lúc với chiến dịch quảng bá y học cổ truyền của nước chủ nhà.
"Đây là một phần nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng cường sự hiện diện trong các tổ chức quốc tế. Họ sẽ không làm hài lòng mọi quốc gia, nhưng họ sẽ tác động lên nghị trình của WHO", chuyên gia Huang của ĐH Seton Hall giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận