Giám sát những điểm mù khi lái xe - Ảnh: caranddriver |
Khoảng mù là vùng không gian bị khuất mà người lái không thể quan sát khi điều khiển phương tiện, dù có các thiết bị trợ giúp như gương chiếu hậu, gương ngoài. Xác định và hiểu rõ nguyên nhân điểm mù là điều hết sức quan trọng với những ai cầm vô-lăng.
Hiểu rõ nguyên nhân tạo điểm mù ở từng vị trí kết hợp kỹ năng, kinh nghiệm sẽ giúp bác tài hạn chế điểm mù, dễ nhận ra các chướng ngại khi lái.
1. Điểm mù do gương chiếu hậu
Đối với gương hậu trái, bác tài nên nghiêng đầu về phía cửa kính, điều chỉnh gương hậu trái đủ để người lái thấy rõ một phần thân xe ngay góc phải của gương. Sau đó nghiêng đầu qua phải, đến vị trí chính giữa xe, người lái tiếp tục hiệu chỉnh gương hậu phải, đủ để thấy một phần thân xe nằm ở góc trái của gương phải.
Hiệu chỉnh gương chiếu hậu trong cabin để quan sát được toàn bộ cửa sau xe. Khi sử dụng gương này, người lái chỉ việc di chuyển mắt, chứ không phải đầu.
Việc điều chỉnh gương chiếu hậu 2 bên đúng giúp gia tăng tầm nhìn người lái, tránh trùng lập với vùng nhìn của gương hậu trung tâm.
Tuy nhiên, trong vài tình huống nhất định, người lái nên quan sát trực tiếp bằng mắt, thay vì qua kính chiếu hậu.
Chỉnh gương chiếu hậu trái đúng để tránh điểm mù khi lái xe - Ảnh: Chụp từ clip |
2. Điểm mù trước xe
Điểm mù phía trước thường xuất hiện mỗi khi chuyển hướng hay vào cua khi lái, đặc biệt thường gặp ở những chiếc SUV có gầm cao hay các loại xe bán tải.
Theo tạp chí Consumer Reports, bác tài cũng nên rướn người ra trước để chắc chắn không có vật cản nào. Đối với những góc cua không có gương cầu cảnh báo, nên bấm còi và tập trung quan sát.
Chỉnh gương chiếu hậu phải đúng để tránh điểm mù khi lái xe - Ảnh: Chụp từ clip |
3. Điểm mù phía sau
Người lái không thể quan sát khoảng không gian phía sau bằng mắt thường hoặc gương chiếu hậu. Điểm mù này có phạm vi khá lớn, kéo dài đến vài mét kể từ đuôi xe, gây trở ngại trong việc lùi xe, đặc biệt trong khu vực nhiều con nít.
Để đảm bảo an toàn, chủ xế nên trang bị camera lùi hoặc cảm biến lùi, cũng như thường xuyên vệ sinh camera sau, để thu hình ảnh rõ ràng. Hoặc không, người lái cần kiểm tra kỹ lưỡng phạm vi an toàn trước khi lùi xe. Hoặc nhờ thêm người quan sát, trong trường hợp muốn đỗ xe vào bãi.
Vóc dáng và tư thế ngồi của người cầm vô-lăng cũng góp phần tạo nên điểm mù trên xe. Theo một số nghiên cứu trên Caranddriver, người cao thường có vùng mù ngắn hơn so với những người có dáng thấp bé.
Tư thế, kiểu ngồi trên xe của người lái cũng góp phần tăng cường hoặc làm giảm độ dài của vùng mù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận