Cả thế giới đang chờ kết quả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập vào cuối tháng 6-2019 - Ảnh: REUTERS
Tháng 12-2018, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina đã hạ màn trong tiếng vỗ tay tán thưởng với một "thỏa thuận đình chiến", giúp hoãn áp thuế lên hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày.
3 kịch bản "sinh tử"
Lúc đó, cả hai bên đặt nhiều kỳ vọng cho các cuộc đàm phán song phương. Họ nhìn về một tương lai tươi sáng và mong đợi thỏa thuận thương mại được ký kết cho đến khi... Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25%, đối với 200 tỉ USD giá trị hàng Trung Quốc.
6 tháng sau kể từ cuộc gặp ở Argentina, hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp lại ở Nhật Bản nhân dịp G20 nhưng bầu trời vẫn u ám và cầu vồng vẫn chưa xuất hiện.
Vậy cuộc gặp lần này sẽ ra sao? Đài CNBC dẫn phân tích của chiến lược gia Donald Straszheim đến từ Trung tâm nghiên cứu Evercore ISI cho biết có 3 kịch bản khả dĩ từ cuộc gặp Trump - Tập bên lề sự kiện G20 diễn ra ở thành phố Osaka, Nhật Bản vào ngày 28 và 29-6.
Đầu tiên, Mỹ sẽ đồng ý trì hoãn áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong một khoảng thời gian chưa xác định. Với kết quả này, hai bên sẽ có thêm thời gian tổ chức các cuộc đàm phán thương mại để đi tới một thỏa thuận. Kịch bản này, với 45% khả năng diễn ra, sẽ có lợi cho cả ông Trump, ông Tập và thị trường chứng khoán.
Kịch bản thứ hai là Mỹ trì hoãn áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong khoảng thời gian cố định. Với xác suất 35%, kịch bản này có lợi nhất đối với ông Tập và thị trường chứng khoán vì họ sẽ có thêm thời gian để "thở".
Thứ ba, Mỹ có khả năng sẽ không đề cập tới việc áp thuế bổ sung trong tuyên bố sau cuộc họp, ám chỉ chính quyền ông Trump sẽ áp thêm thuế nhập khẩu lên thêm 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào một thời điểm thích hợp. Xác suất diễn ra kịch bản này là 20%, và đây cũng là kịch bản tồi tệ nhất với ông Tập cũng như thị trường chứng khoán.
Nhiều tiếng nói bi quan
Giới học giả Trung Quốc từng lạc quan về khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại, nhưng với diễn biến lớp căng thẳng này chồng lên lớp căng thẳng nọ, họ ngày càng mất niềm tin.
Chuyên gia kinh tế John Edwards đến từ Viện Nghiên cứu chính sách Lowy của Úc dẫn lại lời một nhà phân tích ở Bắc Kinh nói với ông gần đây: "Cách đây vài tháng, tôi cho rằng cơ hội đạt được thỏa thuận là 80%. Nhưng giờ tôi nghĩ chỉ 50% mà thôi!".
Rõ ràng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo lên từng nấc thang bằng những đòn áp thuế ăn miếng trả miếng kể từ tháng 3-2018. Do đó, cùng với một loạt bất đồng trong đàm phán, hai bên không thể nào nhảy về trạng thái bình thường chỉ trong một, hai ngày ở thượng đỉnh G20.
"Ông Trump và ông Tập gặp nhau là một điều tốt lành nhưng chúng ta vẫn không biết kết quả cuộc gặp sẽ ra sao" - ông Yutaka Miura, nhà phân tích cao cấp đến từ Công ty chứng khoán Mizuho (Nhật Bản), đánh giá.
Trong khi đó, Commerzbank, ngân hàng lớn thứ hai của Đức, lại dự đoán một kết quả cụ thể hơn: "Chúng tôi không nghĩ bất kỳ thỏa thuận nào sẽ đạt được trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập trong suốt thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này".
Vẫn có hi vọng le lói
Tuy nhiên, sự kiện G20 lại là một cơ hội hiếm có để lãnh đạo cấp cao hai bên giáp mặt và tìm ra hướng đi mới sau khi cuộc đàm phán thương mại song phương lâm vào bế tắc từ đầu tháng 5.
Hiện Mỹ và Trung Quốc được đánh giá đều mong muốn tìm ra lối thoát cho thương chiến. Về phía Mỹ, trong khi những người có đường lối cứng rắn bên trong chính quyền ông Trump không muốn một thỏa thuận, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cho thấy họ mong muốn.
Việc tham gia liên tiếp 11 vòng đàm phán với sự tham gia của hàng trăm quan chức ở khắp các cơ quan lớn, hay việc nhiều lần hoãn áp dụng biện pháp tăng thuế lên hàng Trung Quốc để tiếp tục các cuộc đàm phán đã cho thấy quyết tâm của chính quyền ông Trump để đạt được thỏa thuận thương mại. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ, như ông Trump từng nói: "Hoặc một thỏa thuận tuyệt vời, hoặc chẳng có thỏa thuận nào cả!".
Trước các đòn thuế gây đau thương của Mỹ và nền kinh tế bị ảnh hưởng, Bắc Kinh cũng không muốn kéo dài thương chiến với Washington. Đầu tuần này, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, một thành viên chủ chốt trong đội đàm phán thương mại Trung Quốc, khẳng định Mỹ - Trung nên cùng thỏa hiệp và nhượng bộ nếu hai nước muốn đạt được thỏa thuận thương mại.
Thung lũng Silicon "nín thở" chờ kết quả G20
Giới quan sát cảnh báo cuộc gặp Trump - Tập không thuận lợi cũng sẽ kéo theo căng thẳng tăng cao trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung về công nghệ. Tại Thung lũng Silicon, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về sự kiện G20 để theo dõi liệu cuộc gặp Trump - Tập sẽ ngăn được "ngày tận thế thương mại - công nghệ" hay không, theo báo The Star Online.
"Chúng tôi hiện đã chuẩn bị tinh thần cho kết quả xấu nhất, và cũng hi vọng cho kịch bản tốt nhất. Mong rằng sẽ có thỏa thuận gì đó hay thậm chí hoãn lại danh sách đen thương mại mới nhất" - chuyên gia viễn thông Bronwyn Flores tại Hiệp hội Công nghệ người tiêu dùng (Mỹ) cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận