Các toa tàu được vận chuyển bằng đường bộ từ cảng Hải Phòng đến Phủ Lý, Hà Nam, và tập kết tại khu Depot vào rạng sáng các ngày 2 và 3-10 - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông - Vận tải, cho biết đoàn tàu số 3 của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được chuyển về, cẩu lắp lên đường ray trong khu Depot của dự án.
Đến nay đã có 3 đoàn tàu chuyển về theo đúng tiến độ, tuy nhiên, do chưa giải ngân được phần vốn vay thêm nên dự án bị chậm tiến độ, chưa chốt được ngày chạy thử tàu.
Hiện nay, các toa tàu đã được đưa lên đường ray trong khu Depot và đang thực hiện công tác liên kết, tổ hợp thành các đoàn tàu hoàn chỉnh.
Mặc dù đã có 3 đoàn tàu được đưa về nhưng Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận kế hoạch chạy thử tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào 1-10-2017 bị vỡ.
Nguyên nhân khiến dự án bị vỡ tiến độ chạy thử tàu là do việc giải ngân 250 triệu USD vay thêm cho dự án theo hiệp định vay vốn đã được ký kết vào tháng 5-2017 bị chậm.
Lý do là phải chờ ý kiến thẩm định của một số bộ liên quan và do một số thay đổi chính sách pháp lý của Việt Nam trong thời gian gần đây.
Theo ông Đông, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đạt 95% khối lượng xây lắp. Tuy nhiên, 5% còn lại "phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị lắp đặt".
Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu Tổng thầu và Ban quản lý dự án Đường sắt cập nhật lại tiến độ nhưng chưa công bố mốc chạy thử tàu trước khi đưa vào khai thác.
Sáng ngày 24-9, hai đoàn tàu số 2 và 3, mỗi đoàn tàu gồm 2 toa đầu tàu và 2 toa khách đã cập cảng Hải Phòng. Đến 24h tối cùng ngày, các toa tàu đã được chuyển lên bờ thành công - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Mỗi đoàn tàu dài 79m có kết cấu 4 toa xe với 2 toa xe kéo có cabin lái tàu ở hai đầu mỗi toa nặng 32 tấn, 2 toa xe động lực có động cơ ở giữa mỗi toa nặng 34,5 tấn.
Chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3,8m, độ rộng lớn nhất toa tàu là 2,8m.
Mỗi đoàn tàu được lắp đặt 8 động cơ xoay chiều 3 pha với công suất 190kW/động cơ.
Mỗi đoàn tàu dài 79m cao 3,8m, độ rộng lớn nhất 2,8m - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu (52 toa xe), tổng chi phí cho gói thầu mua sắm 13 đoàn tàu là 63,24 triệu USD.
Các đoàn tàu của dự án là loại tàu B1 theo Quy phạm thiết kế Metro của Trung Quốc.
Đơn vị trúng thầu chế tạo và sản xuất đoàn tàu là Công ty TNHH trang thiết bị Bắc Kinh, Trung Quốc.
Vỏ tàu được làm bằng thép không gỉ Seri 301L tuân thủ tiêu chuẩn của Châu Âu. Mỗi đoàn tàu được lắp đặt 8 động cơ xoay chiều 3 pha với công suất 190kW/động cơ - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Hiện nhà thầu đã vận chuyển đoàn tàu về khu Depot - Hà Đông và chưa có kế hoạch cẩu lên ga - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Mỗi đoàn tàu có khả năng chở tối đa 1.326 người.
Dự kiến giai đoạn đầu, tàu hoạt động với giãn cách 5-6 phút/chuyến, và trong tương lai sẽ là 2-3 phút/chuyến để đáp ứng năng lực vận chuyển tối đa mỗi hướng khoảng 28.500 hành khách một giờ trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo Ban quản lý Dự án Đường sắt, dự kiến trong tháng 11-2017, 10 đoàn tàu còn lại sẽ được chuyển về Việt Nam - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Ban quản lý Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết kế hoạch chạy tàu thử nghiệm trong tháng 10 như dự kiến trước đó đã bị vỡ - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Hiện tại, động cơ và các vị trí kết nối toa tàu vẫn được bịt kín lại - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận